EVANGELII GAUDIUM –
NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG
Đức Giáo Hoàng
PHANXICÔ
DÀNH CHO CÁC GIÁM MỤC
CÁC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ
NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC
THÁNH HIẾN
VÀ TẤT CẢ CÁC TÍN HỮU
GIÁO DÂN
VỀ VIỆC CÔNG BỐ TIN MỪNG
TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY
Phaolô Phạm Xuân Khôi
dịch Tông huấn
Nguyễn Trọng Đa dịch
phần ghi chú
Nguồn : http://fmmvn.net/tin-tuc/p5/c7/n3992/TONG-HUAN-NIEM-VUI-PHUC-AM-TOAN-BO.html
MỞ ĐẦU
1. Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống
của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho mình được Người cứu độ được
giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, trống rỗng nội tâm và cô lập. Với Chúa Giêsu
Kitô niềm vui được sinh ra và luôn luôn tái sinh. Trong Tông Huấn này, tôi muốn
khuyến khích các tín hữu Kitô giáo, để mời họ vào một giai đoạn mới của truyền
giáo được đánh dấu bằng niềm vui trong khi chỉ ra những con đường mới cho cuộc
hành trình của Hội Thánh trong những năm tới.
I. Một niềm vui luôn đổi mới và thông truyền
2. Nguy cơ lớn nhất trong thế giới ngày nay, với những cung
cấp tràn ngập và đa dạng của chủ nghĩa tiêu thụ, là một nỗi buồn cá nhân đến từ
tâm hồn tự mãn và tham lam, từ cơn sốt tìm kiếm những thú vui phù phiếm, và một
lương tâm bị cô lập. Khi đời sống nội tâm bị đóng kín với những tư lợi, thì
không còn chỗ cho người khác nữa, những người nghèo không thể vào được nữa, người
ta không còn nghe được tiếng của Thiên Chúa, không còn được hưởng niềm vui ngọt
ngào của tình yêu Ngài, tim họ không còn đập những nhịp nhiệt thành để làm việc
thiện nữa. Ngay cả các tín hữu cũng gặp nguy cơ này, chắc chắn và thường trực.
Nhiều người không chống đỡ nổi và biến thành những người bất mãn, bất bình và
không còn sức sống. Đó không phải là sự chọn lựa của một cuộc sống xứng đáng và
đầy đủ, đó không phải là ước muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, không phải
là đời sống trong Chúa Thánh Thần, tuôn chảy từ Thánh Tâm của Đức Kitô Phục
Sinh.
3. Tôi mời mọi Kitô hữu, ở bất cứ nơi nào và hoàn cảnh nào,
ngay lúc này đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân của mình với Chúa Giêsu Kitô, hay ít
ra, quyết định để cho Người gặp gỡ mình và không ngừng tìm kiếm Người mỗi ngày.
Không có một lý do nào mà một người có thể nghĩ rằng lời mời gọi này không dành
cho mình, bởi vì “không ai bị chối từ niềm vui mà Chúa mang đến”. Chúa không
làm cho những ai dám thực hiện cuộc mạo hiểm này phải thất vọng, và khi một người
nào bước một bước nhỏ về phía Chúa Giêsu, người ấy nhận ra rằng mình được Người
chờ đợi với vòng tay rộng mở. Đây là thời điểm để thưa cùng Đức Chúa Giêsu
Kitô: “Lạy Chúa, con đã để cho mình bị lừa dối; bằng ngàn cách con đã chạy trốn
tình yêu Chúa, nhưng con đang ở đây một lần nữa để lập lại giao ước của con với
Chúa. Con cần Chúa. Xin Chúa chuộc con lại một lần nữa. Lạy Chúa, xin một lần nữa
đón nhận con trong vòng tay cứu độ của Chúa”. Điều này làm cho chúng ta cảm thấy
sung sướng biết bao khi được trở lại với Người mỗi khi chúng ta đi lạc đường!
Tôi nhấn mạnh một lần nữa: Thiên Chúa không bao giờ biết mệt khi tha thứ, chính
chúng ta là kẻ cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin lòng thương xót của Người. Người là
Đấng mời chúng ta tha thứ “bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22) và ban cho chúng ta một
mẫu gương: Người tha thứ bảy mươi lần bảy. Hết lần này đến lần khác Người lại đến
để vác chúng ta trên vai của Người. Không ai có thể lấy đi khỏi chúng ta phẩm
giá mà tình yêu vô hạn và bền vững này đã ban cho chúng ta. Người cho phép
chúng ta ngẩng cao đầu và bắt đầu lại một lần nữa, với một sự dịu dàng không
bao giờ làm cho chúng ta thất vọng nhưng luôn luôn đem lại cho chúng ta niềm
vui. Chúng ta đừng chạy trốn sự Sống Lại của Chúa Giêsu, chúng ta đừng bao giờ
bỏ cuộc, điều gì xảy đến sẽ đến. Không gì có thể hơn sự sống của Người là điều
đẩy chúng ta về phía trước!
4. Các sách Cựu Ước đã công bố niềm vui của ơn cứu rỗi, là
điều sẽ tràn đầy trong thời Thiên Sai. Ngôn sứ Isaia nói về Đấng Mêsia mà người
ta mong chờ bằng cách chào Người với niềm vui: “Chúa đã làm cho dân tộc thêm
đông, Chúa đã gia tăng niềm vui của nó” (9:2). Và ông khuyến khích dân chúng
Sion chào đón Người giữa những bài ca “hãy reo hò mừng rỡ” (12:6). Ngôn sứ bảo
những kẻ đã nhìn thấy Người ở chân trời hãy đem sứ điệp đến cho những người
khác “hãy trèo lên núi cao, hỡi sứ giả của Xion; hãy cất tiếng lên cho mạnh, hỡi
sứ giả của Giêrusalem” (40:9). Tất cả tạo vật chung phần vào niềm vui của ơn cứu
rỗi: “Trời hãy reo mừng, đất hãy hân hoan, các núi non hãy bật tiếng reo cười,
vì CHÚA đã an ủi dân Người, Người đã chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của
Người” (49:13).
Nhìn vào ngày của Chúa, Ngôn sứ Dêcaria mời dân chúng tung
hô đức vua đang đến, “khiêm tốn, ngồi trên một con lừa” : “Hãy vui mừng hoan hỉ,
này thiếu nữ Xion! Hãy reo hò, hỡi thiếu nữ Giêrusalem! Nầy, đức vua của ngươi
đến với ngươi: Người là Đấng công chính và chiến thắng” (Dr 9:9). Tuy nhiên, lời
mời gọi lan truyền nhiều nhất có thể là của ngôn sứ Xôphônia, cho chúng ta thấy
chính Thiên Chúa như trung tâm của lễ hội và niềm vui có thể thông truyền cho
dân Người đang kêu cầu cứu độ. Đọc lại bàn văn này đổ đầy sự sống trên tôi:
“Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là vị anh hùng cứu tinh! Vì
ngươi, Chúa sẽ vui mừng, sẽ đổi mới ngươi trong tình thương của Người; Vì
ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng” (3:17).
Đây là niềm vui mà chúng ta cảm nghiệm hằng ngày giữa những
điều nho nhỏ của cuộc sống, như một đáp trả đối với lời mời gọi yêu thương của
Thiên Chúa là Cha chúng ta: “Con ơi, hãy đối xử tốt với mình, theo khả năng của
con [...] Đừng đánh mất hạnh phúc của một ngày” (Hc 14:11,14). Những lời cuối
cùng này vang vọng một tình phụ tử dịu dàng biết bao!
5. Tin Mừng, tỏa sáng vinh quang của Thập Giá Đức Kitô, luôn
luôn mời gọi chúng ta đến sự vui mừng. Đan cử một vài thí dụ là đủ: “Mừng vui
lên” là lời chào của thiên sứ với Đức Maria (Lc 1:28). Chuyến thăm viếng bà
Elizabeth của Mẹ Maria chắc chắn làm cho thánh Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ
(x. Lc 1:41). Trong thánh thi của mình, Mẹ Maria công bố: “Thần trí tôi vui mừng
trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi” (Lc 1:47). Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của
Người, thánh Gioan kêu lên: “Đây là niềm vui của tôi, và nó được nên trọn vẹn”
(Ga 3:29). Chính Chúa Giêsu đã “vui mừng trong tác động của Chúa Thánh Thần”
(Lc 10:21). Sứ điệp của Người là một nguồn vui: “Thầy nói với các con những điều
này để niềm vui của Thầy ở trong các con và niềm vui của các con được nên trọn”
(Ga 15:11). Niềm vui Kitô của chúng ta phát ra từ nguồn mạch trái tim tràn đầy
của Người. Người hứa với các môn đệ: “Các con sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của
các con sẽ biến thành niềm vui” (Ga 16:20). Và Người khẳng định: “Thầy sẽ gặp lại
các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và không ai sẽ lấy mất niềm vui khỏi các
con được” (Ga 16:22). Sau đó, các môn đệ khi thấy Người sống lại và “đã vui mừng”
(Ga 20:20). Sách Tông Đồ Công Vụ kể cho chúng ta rằng trong cộng đồng tiên khởi
họ đã “ăn uống thức ăn của họ với sự vui mừng” (Cv 2:46). Những môn đệ này đi đến
đâu “thì có niềm vui lớn lao ở đó” (8:8); và ngay cả giữa sự bách hại, họ được
“tràn đầy niềm vui” (13:52). Một thái giám, vừa được rửa tội, đã “vui mừng lên
đường” (8:39), và viên cai ngục “đã vui mừng với tất cả mọi người trong nhà vì
đã tin vào Thiên Chúa” (16:34). Tại sao chúng ta cũng không nhập vào dòng sông
vui mừng này?
6. Có những Kitô hữu sống như chỉ có Mùa Chay mà không có Phục
Sinh. Tuy nhiên, tôi ý thức rằng người ta không sống niềm vui cùng một cách
trong mọi giai đoạn và hoàn cảnh của cuộc đời, nhất là trong những lúc khó
khăn. Nó thích nghi và biến đổi, nhưng luôn tồn tại, ít ra như một tia sáng
phát ra từ sự chắc chắn của cá nhân rằng mình được yêu thương vô cùng, vượt ra
ngoài tất cả. Tôi hiểu những người buồn rầu vì những khó khăn ngặt nghèo mà họ
phải chịu, tuy nhiên dần dần, chúng ta phải cho phép niềm vui của đức tin bắt đầu
thức tỉnh, như một niềm tin thầm kín nhưng chắc chắn, ngay cả giữa lúc đau buồn
nhất: “Hồn tôi hết được bình an thư thái, tôi đã quên mùi hạnh phúc rồi! [...]
Đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con vững dạ cậy trông: Lượng từ bi ĐỨC
CHÚA đâu đã cạn, lòng thương xót của Người mãi không vơi. Sáng nào Người cũng
ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Người cao cả biết bao! [...] Biết thinh lặng
đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ của ĐỨC CHÚA, đó là một điều hay” (Ai Ca
3:17,21-23,26).
7. Cám dỗ thường xuyên xuất hiện dưới hình thức những lời biện
bạch và than trách, như cần phải có vô số điều kiện để có thể có niềm vui. Điều
này xảy ra bởi vì “xã hội kỹ thuật có thể gia tăng những dịp cho lạc thú, nhưng
rất khó tạo ra niềm vui”.[2] Tôi có thể nói rằng những niềm vui đẹp nhất và tự
nhiên nhất mà tôi thấy trong đời tôi là những niềm vui của những người rất
nghèo, những người có rất ít để bám vứu vào. Tôi cũng nhớ những niềm vui đích
thực của những người khác, ngay cả giữa những nhiệm vụ cấp bách của nghề nghiệp,
đã giữ một tâm hồn đầy tin tưởng, đại lượng và đơn giản. Bằng nhiều cách khác
nhau, những niềm vui này rút ra từ nguồn mạch tình yêu vô cùng của Thiên Chúa,
được tỏ lộ nơi Đức Chúa Giêsu Kitô. Tôi không bao giờ biết mệt khi lặp đi lặp lại
những lời này của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, những lời dẫn chúng ta đến trọng
tâm của Tin Mừng: “Ở nguồn gốc của việc làm một Kitô hữu không phải là một lựa
chọn luân lý hay một ý tưởng cao cả, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một biến cố,
một người, là điều mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết
định”.[3]
8. Chỉ qua cuộc gặp gỡ này - hoặc cuộc gặp gỡ đổi mới - với
tình yêu của Thiên Chúa, là điều biến thành tình bằng hữu hạnh phúc, mà chúng
ta được giải thoát khỏi tâm trạng cô lập và chỉ nghĩ về mình. Chúng ta trở
thành con người trọn vẹn khi chúng ta trở thành nhiều hơn con người, khi chúng
ta để cho Chúa dẫn mình vượt ra ngoài bản thân để đạt đến chân lý trọn vẹn nhất
về con người mình. Ở đó chúng ta tìm được nguồn gốc của những hoạt động truyền
giáo. Bởi vì một khi một người đã nhận được tình yêu này, là điều đem lại cho họ
ý nghĩa cuộc đời, thì làm sao người ấy có thể ngồi yên được mà không truyền
thông nó cho những người khác?
II. Niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng
9. Điều tốt lành luôn luôn có khuynh hướng lan truyền. Mỗi kinh
nghiệm đích thực về chân lý và sự thiện mỹ là tự nó tìm cách lan rộng, và mọi
người trải qua một cuộc giải phóng sâu xa trở nên nhạy cảm hơn với những nhu cầu
của người khác. Khi người ta truyền thông nó, sự thiện bén rễ và phát triển.
Cho nên, những ai muốn sống cách xứng đáng và trọn vẹn phải nhận ra những người
khác và tìm kiếm sự tốt lành cho họ. Vì thế một số cách diễn tả của Thánh
Phaolô không làm cho chúng ta ngạc nhiên: “Tình yêu Đức Kitô thúc đẩy chúng ta”
(2 Cr 5: 14), “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cor 9: 16).
10. Chúng ta được khuyến khích sống ở một mức độ cao hơn,
nhưng không phải với một cường độ ít hơn. “Sự sống tăng trưởng khi nó được cho
đi và bị yếu đi trong cô lập và thoải mái. Thực ra, những người vui hưởng cuộc
đời nhất là những người gạt sự an toàn của mình sang một bên và mải mê với sứ vụ
thông truyền sự sống cho người khác”.[4] Khi Hội Thánh mời gọi các Kitô hữu
lãnh nhận sứ vụ truyền giáo, Hội Thánh không làm gì khác hơn là chỉ cho họ động
năng đích thực của thành công cá nhân: “Ở đây chúng ta khám phá ra một luật sâu
sắc về thực tại: đó là đời sống đạt được và trưởng thành đến độ tự hiến để ban
sự sống cho tha nhân. Chung cuộc truyền giáo là thế”.[5] Cho nên, một nhà truyền
giáo không thể lúc nào cũng giống như một người vừa đi đưa đám về. Chúng ta hãy
phục hồi và gia tăng lòng nhiệt thành, “niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc
rao giảng Tin Mừng, ngay cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt [...] Chớ gì
thế giới của thời đại chúng ta, là thế giới đang tìm kiếm, có khi trong lo âu,
có khi trong hy vọng, nhận được Tin Mừng không phải từ nhà truyền giáo buồn rầu
và chán nản, thiếu kiên nhẫn hoặc lo âu, nhưng từ thừa tác viên của Tin Mừng mà
cuộc sống của người ấy tỏa sáng lòng nhiệt thành, là người đã nhận được niềm
vui của Đức Kitô trong mình trước”.[6]
Sự mới mẻ vĩnh cửu
11. Một lời rao giảng đổi mới được ban cho các tín hữu, ngay
cả những người thờ ơ hoặc không hành đạo, một niềm vui mới trong đức tin và
thành quả trong công việc rao giảng Tin Mừng. Thực ra, trọng tâm và bản chất của
nó luôn luôn như nhau: Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải tình yêu vô biên của Ngài
trong Đức Kitô đã Chịu Chết và Sống Lại. Người làm cho các tín hữu luôn luôn mới,
dù họ có cũ đi nữa: “Họ được thêm sức mạnh, như thể chim bằng, họ tung cánh, họ
chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân”. (Is 40:31). Đức Kitô
là “Tin Mừng vĩnh cửu” (Kh 14: 6), và Người là một “ngày hôm qua, ngày hôm nay
và mãi mãi” (Dt 13: 8), nhưng sự phong phú và vẻ đẹp của Người thì vô tận. Người
vẫn trẻ mãi và là suối nguồn liên tục của sự mới lạ. Hội Thánh không ngừng ngạc
nhiên trước “sự sâu thẳm của sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt Thiên Chúa!”
(Rm 11:33). Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Chiều dày của sự khôn ngoan và hiểu biết
của Thiên Chúa quá sâu và quá rộng, đến nỗi linh hồn, dù có biết về nó thế nào
đi nữa, vẫn luôn có thể chìm sâu hơn nữa trong đó”.[7] Hoặc, như thánh Irênê khẳng
định: “Trong việc Người đến, [Đức Kitô] đem đến với Người tất cả sự mới lạ”.[8]
Với tính mới lạ này, Người luôn luôn có thể đổi mới cuộc đời chúng ta và cộng đồng
chúng ta, và ngay cả khi sứ điệp Kitô dù giáo trải qua những thời đại tăm tối
và những yếu đuối của Hội Thánh, nhưng vẫn không bao giờ cũ. Đức Chúa Giêsu
Kitô có thể phá vỡ các mô hình nhàm chán mà chúng ta có ý giam hãm Người vào đó
và Người làm chúng ta ngạc nhiên với óc sáng tạo thần linh không ngừng của Người.
Mỗi khi chúng ta tìm cách trở về nguồn để lấy lại sự tươi mát ban đầu của Tin Mừng,
thì những con đường mới, những phương pháp sáng tạo, các hình thức diễn tả
khác, những dấu chỉ hùng hồn nhất, những lời nói đầy ý nghĩa mới mẻ cho thế giới
ngày nay được nảy sinh. Thực ra, tất cả các hoạt động rao giảng Tin Mừng đích
thực vẫn luôn luôn “mới mẻ.”
12. Mặc dù sứ vụ này đòi hỏi chúng ta phải tham gia rất rộng
lượng, nhưng thật là sai lầm khi coi nó như một nhiệm vụ anh hùng cá nhân, vì
công việc chủ yếu của chính Người, vượt xa những gì chúng ta có thể nhìn thấy
và hiểu được. Chúa Giêsu là “Nhà rao giảng Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất”.[9]
Trong tất cả mọi hình thức Phúc Âm hóa, quyền tối thượng luôn luôn thuộc về
Thiên Chúa, là Đấng đã mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài và tác động chúng ta
bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần. Sự mới lạ thực sự là sự mới lạ mà chính
Thiên Chúa muốn tạo ra một cách huyền nhiệm, và linh hứng, tác động, hướng dẫn
và đồng hành bằng hàng ngàn cách thế. Đời sống của Hội Thánh, phải luôn luôn chứng
tỏ rõ ràng rằng sáng kiến đến từ Thiên Chúa, rằng “Ngài yêu chúng ta trước” (1
Ga 4:19) và rằng chỉ một mình Ngài “ban sự phát triển” (1 Cor 3:7). Niềm xác
tín này giúp chúng ta giữ được niềm vui trong một sứ vụ quá đòi hỏi, là một
thách đố chiếm đoạt toàn thể cuộc đời chúng ta. Ngài đòi hỏi mọi sự nơi chúng
ta, nhưng đồng thời cũng ban cho chúng ta mọi sự.
13. Chúng ta cũng không nên coi sự mới mẻ của sứ vụ này như
việc nhổ tận gốc, như việc quên đi lịch sử sống động, là lịch sử đã chào đón
chúng ta và đẩy chúng ta về phía trước. Ký ức là một chiều kích của đức tin mà
chúng ta có thể gọi là “Đệ Nhị Luật”, tương tự như ký ức của dân Israel. Chúa
Giêsu ban cho chúng ta Bí tích Thánh Thể như một sự tưởng niệm hằng ngày của Hội
Thánh, đưa chúng ta sâu hơn hơn vào [mầu nhiêm] Vượt Qua của Người (x. Lc
22:19). Niềm vui của việc Rao giảng Tin Mừng luôn luôn tỏa sáng tận đáy của việc
tưởng niệm tạ ơn: đó là một ân sủng mà chúng ta cần phải cầu xin. Các Tông Đồ
không bao giờ quên giây phút mà Chúa Giêsu chạm vào tâm hồn các ông: “Lúc đó
vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1:39). Cùng với Chúa Giêsu, việc tưởng niệm này
làm hiện diện một “đám mây nhân chứng” thật sự (Dt 12:1). Trong số đó, người ta
phân biệt một số vị quan trọng đặc biệt để làm cho niềm vui tín hữu của chúng
ta nảy mầm: “Hãy nhớ rằng các bậc lãnh đạo của anh em, những người đã làm cho
anh em nghe được lời của Thiên Chúa” (Dt 13:7). Đôi khi, những người đơn giản
và những người thân cận là những người đã giới thiệu chúng ta vào đời sống đức
tin: “Cha nhớ lại đức tin thành khẩn của con, đức tin đã có trước hết nơi bà
ngoại con là cụ Lôis, và mẹ con là bà Êunicê” (2 Tim 1:5). Người tín hữu cơ bản
là “một người nhớ”.
III. Tân Phúc Âm Hóa để truyền thụ đức tin
14. Lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta nhận ra, một
cách cộng đồng, những dấu chỉ của thời đại, Đại Hội Thường Kỳ thứ XIII của Thượng
Hội Đồng Giám Mục được tổ chức từ ngày mùng 7 đến ngày 28 tháng 10 năm 2012 để
bàn về chủ đề: Tân Phúc Âm hóa để truyền thụ Đức Tin Kitô giáo. Thượng Hội Đồng
Giám Mục tái xác nhận rằng việc tân truyền giáo mời gọi mọi người và được thực
hiện trong ba lĩnh vực chính.[10] Trước hết, chúng ta nói đến lãnh vực mục vụ
thông thường, “được sinh động hóa bởi ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, để đốt lòng
các tín hữu thường xuyên tham gia trong cộng đồng và tụ họp lại trong Ngày của
Chúa để được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Bánh hằng sống”.[11] Trong lãnh vực này
cũng nên bao gồm các tín hữu duy trì một đức tin Công Giáo mãnh liệt và chân
thành, được diễn tả bằng những cách khác nhau, mặc dù họ không thường xuyên
tham gia việc thờ phượng. Việc mục vụ này nhằm phát triển đời sống tâm linh của
các tín hữu, để họ luôn luôn đáp lại Tình Yêu của Thiên Chúa một cách tốt hơn
và bằng cả cuộc sống của họ. Ở lãnh vực thứ hai chúng ra nhắc đến “những người
đã được rửa tội nhưng chưa sống các những đòi hỏi của Bí Tích Rửa Tội”, [12] là
những người không có tâm hồn thuộc về Hội Thánh và không còn cảm nghiệm được niềm
an ủi của đức tin. Hội Thánh, luôn luôn là người mẹ lo lắng cho con, cố gắng
giúp họ cảm nghiệm một cuộc hoán cải là điều sẽ phục hồi niềm vui của đức tin
cho tâm hồn họ và giúp họ hứng khởi tham gia vào Tin Mừng.
Cuối cùng, chúng ta phải lưu ý rằng việc truyền giáo liên hệ
cách chủ yếu với việc loan báo Tin Mừng cho những người không biết Đức Chúa
Giêsu Kitô hoặc luôn luôn từ chối Người. Nhiều người trong họ tìm kiếm Thiên
Chúa một cách bí mật bị thúc đẩy bởi nhớ nhung khuôn mặt của Ngài, ngay cả ở những
quốc gia theo truyền thống Kitô giáo xưa kia. Mọi người đều có quyền được nhận
Tin Mừng. Các Kitô hữu có bổn phận phải công bố Tin Mừng mà không loại trừ bất
cứ ai, không có vẻ như người áp đặt một nhiệm vụ mới, nhưng như một người chia
sẻ một niềm vui, vạch ra một chân trời đẹp, cung cấp một bữa tiệc đáng mong muốn.
Hội Thánh không phát triển bởi việc cải đạo nhưng “bởi sự hấp dẫn”.[13]
15. [Đức Chân Phước Giáo Hoàng] Gioan Phaolô II mời gọi
chúng ta nhận ra rằng “cần phải duy trì động năng rao giảng Tin Mừng” cho những
người đang ở xa Đức Kitô, “bởi vì đây là nhiệm vụ đầu tiên của Hội Thánh”.[14]
Hoạt động truyền giáo “ngày nay vẫn là thách đố lớn nhất đối với Hội Thánh”[15]
và “nhiệm vụ truyền giáo vẫn phải đứng hàng đầu”.[16] Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng
ta thực sự coi những lời này là quan trọng? Chúng ta sẽ nhận ra cách đơn giản rằng
hoạt động truyền giáo là mô thức cho tất cả mọi hoạt động của Hội Thánh. Theo
dòng tư tưởng này, các Giám Mục châu Mỹ La Tinh nói rằng “Chúng ta không thể ngồi
bình thản trong một chờ đợi thụ động nơi các nhà thờ của mình”; [17] và cần phải
vượt qua “một mục vụ chỉ đơn thuần là duy trì đến một mục vụ truyền giáo thật sự.”
[18] Nhiệm vụ này tiếp tục là nguồn mạch của niềm vui lớn nhất cho Hội Thánh:
“Trên trời cũng sẽ vui mừng như thế vì một người tội lỗi ăn năn trở lại, hơn là
vì chín mươi chín người công chính không cần phải ăn năn hối cải”(Lc 15:7).
Các đề nghị và giới hạn của Tông Huấn này
16. Tôi vui mừng chấp nhận lời mời của các nghị phụ để viết
Tông Huấn này.[19] Khi làm như vậy, tôi thu thập sự phong phú của Thượng Hội Đồng.
Tôi cũng tham khảo ý kiến của một số người khác nhau, và cũng có ý định bày tỏ
những lo ngại riêng của tôi trong thời điểm đặc biệt này của công việc rao giảng
Tin Mừng của Hội Thánh. Những chủ đề liên quan đến việc rao giảng Tin Mừng
trong thế giới hiện đại có thể được khai triển ở đây thì vô tận. Nhưng tôi
không bàn đến một cách chi tiết những vấn đề phải được nghiên cứu và đào sâu
hơn nữa. Tôi cũng không tin rằng người ta nên mong đợi từ huấn quyền Giáo Hoàng
một lời dứt khoát hoặc đầy đủ về những vấn đề liên quan đến Hội Thánh và thế giới.
Thật không thích hợp cho Đức Giáo Hoàng thay thế các Giám Mục địa phương trong
việc phân biệt tất cả những vấn đề phát sinh trong lãnh thổ của các ngài. Theo
nghĩa này, tôi cảm thấy cần phải tiến hành một “sự phân quyền” bổ ích.
17. Ở đây, tôi đã chọn để đưa ra một vài dòng tư tưởng có thể
khuyến khích và hướng dẫn toàn thể Hội Thánh trong một giai đoạn mới của việc
rao giảng Tin Mừng, là giai đoạn đầy nhiệt tình và năng động. Trong bối cảnh
này, và theo giáo thuyết của Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, tôi đã quyết định,
trong số những chủ đề khác, ngừng lại lâu ở những vấn đề dưới đây:
a) Việc cải tổ Hội Thánh trong việc “đi ra” truyền giáo.
b) Các cám dỗ của những người làm mục vụ.
c) Hội Thánh như là toàn thể Dân Chúa truyền giáo.
d) Bài giảng và việc chuẩn bị nó.
e) Việc hòa nhập vào xã hội của người nghèo.
f) Hòa bình và đối thoại trong xã hội.
g) Các động lực tinh thần cho việc truyền giáo.
18. Tôi đã nói về những chủ đề này với một khai triển có lẽ
có vẻ quá mức. Nhưng tôi làm thế, không vì có ý định đưa ra một luận án, nhưng
chỉ để cho thấy những tác động thực tế quan trọng của những chủ đề này trên sứ
vụ thực sự của Hội Thánh. Thực ra tất cả giúp đỡ phác họa một kiểu truyền giáo
đặc biệt mà tôi mời anh chị em thừa nhận trong khi thực thi mọi hoạt động. Và
như vậy, theo cách này, chúng ta có thể thực hành được, trong những công việc
hàng ngày của mình, lời khuyên nhủ của Lời Chúa: “Hãy luôn luôn vui mừng trong
Chúa. Tôi nhắc lại, hãy vui lên!” (Ph 4: 4).
CHƯƠNG I
SỰ BIẾN ĐỔI CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO CỦA HỘI THÁNH
19. Việc Phúc Âm hóa tuân theo mệnh lệnh truyền giáo của
Chúa Giêsu: “Vậy, các con hãy đi! Làm cho muôn dân thành môn đệ, rửa tội cho họ
nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ tất cả những
gì Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28:19-20a). Những câu này trình bày giây
phút Chúa Phục Sinh sai những kẻ thuộc về Người đi rao giảng Tin Mừng ở mọi thời
đại và ở mọi nơi, ngõ hầu đức tin vào Người được lan tràn khắp mặt đất.
I. Một Hội Thánh “đi ra”
20. Trong Lời Chúa xuất hiện liên tục động năng này của việc
“đi ra” mà Thiên Chúa muốn khích lệ các tín hữu. Ông Abraham đã nhận được lời mời
gọi ra đi đến một vùng đất mới (x. St 12:1-3). Ông Môsê đã nghe Chúa gọi: “Hãy
đi, Ta sai ngươi!” (Xh 3:10) và ông đã đưa dân Chúa đi về Đất Hứa (x. Xh 3:17).
Với ngôn sứ Giêrêmia, Ngài nói: “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi” (Gr 1:7).
Hôm nay, trong lời “hãy đi” này của Chúa Giêsu, trình bày những cảnh trí và
thách đố luôn luôn mới của sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh, và tất cả chúng ta
được mời gọi tham gia vào cuộc “đi ra” truyền giáo mới này. Mọi Kitô hữu và mọi
cộng đồng sẽ phân biệt đâu là con đường mà Chúa đòi hỏi, nhưng chúng ta đều được
mời chấp nhận lời mời gọi này: đi ra ngoài khu vực quen thuộc của mình và can đảm
đi đến tất cả những vùng ngoại vi, là những người cần ánh sáng của Tin Mừng.
21. Niềm vui của Tin Mừng là niểm vui lấp đầy đời sống cộng
đồng của các môn đệ, là một niềm vui truyền giáo. Bảy mươi môn đệ đã cảm thấy đầy
vui mừng khi trở về từ sứ vụ truyền giáo (x. Lc 10:17). Chúa Giêsu đã cảm thấy
điều ấy, Người đã vui mừng trong Chúa Thánh Thần và chúc tụng Thiên Chúa vì đã
mặc khải cho những người nghèo hèn và những người bé nhỏ (x. Lc 10:21). Đó là
điều cảm thấy bởi những người trở lại đầu tiên là những người đầy ngưỡng mộ khi
nghe các Tông Đồ rao giảng cho “mỗi người bằng ngôn ngữ riêng của mình” (Cv 2:
6) vào Lễ Ngũ Tuần. Niềm vui này là một dấu chỉ cho thấy Tin Mừng được công bố
và sinh hoa trái. Nhưng vẫn có động năng để đi ra và cho đi, ra khỏi chính
mình, để bước đi và luôn luôn gieo hạt giống một lần nữa, luôn ở xa hơn. Chúa
phán, “Chúng ta hãy đi đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó
nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1:38). Khi hạt giống đã được gieo ở
một nơi, Người không nán lại ở đó để tiếp tục giải thích hoặc làm các dấu lạ
khác, trái lại Thần Khí đã dẫn Người ra đi đến các làng mạc khác.
22. Lời Chúa có một tiềm năng mà chúng ta không thể dự đoán
được. Tin Mừng nói về hạt giống một khi được gieo xuống đất, thì nó tự mọc lên,
ngay cả khi người nông dân ngủ (x. Mc 4:26-29). Hội Thánh phải chấp nhận sự tự
do khó kiểm soát này của Lời Chúa, nó có hiệu quả theo cách riêng của nó, và dưới
nhiều hình thức khác nhau, thường vượt ra ngoài tầm tay chúng ta và vượt quá sự
mong đợi của chúng ta cùng làm tan vỡ những kế hoạch của chúng ta.
23. Sự mật thiết của Hội Thánh với Chúa Giêsu là một sự mật
thiết di động và sự hiệp thông “được trình bày một cách cơ bản như sự hiệp
thông truyền giáo”.[20] Trung thành với kiểu mẫu của Thầy, điều sống còn là Hội
Thánh ngày nay đi ra công bố Tin Mừng cho tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi,
trong mọi cơ hội, mà không do dự, không chần chờ và không sợ hãi. Niềm vui của
Tin Mừng dành cho tất cả mọi người, không ai có thể bị loại trừ. Vì vậy, các
thiên sứ đã thông báo cho các mục đồng ở Bêlem: “Anh em đừng sợ. Này tôi mang lại
cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho tất cả mọi người” (Lc
2:10). Sách Khải Huyền nói về “một Tin Mừng vĩnh cửu để loan báo cho mọi người
sống trên mặt đất, cho mọi quốc gia, mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ và mọi dân tộc”
(Kh 14:6).
Đi bước đầu, tham gia, đồng hành, sinh hoa trái và ăn mừng
24. Hội Thánh “đi ra” là cộng đồng các môn đệ truyền giáo,
những người đi bước đầu, tham gia, đồng hành, sinh hoa trái và ăn mừng.
“Primerear – đi bước đầu”: tôi xin lỗi vì từ mới này. Cộng đồng rao giảng Tin Mừng
cảm nghiệm được rằng Chúa đã đi bước trước, Người đã đi trước vì yêu (x. 1 Ga
4, 10), và vì thế, cộng đồng biết đi về phía trước, biết làm thế nào để đi bước
trước mà không sợ hãi, đi ra gặp gỡ, tìm kiếm những người xa cách mình, và đến
ngã ba đường để mởi những ngưởi bị ruồng bỏ. Cộng đồng sống một ước muốn vô tận
để ban tặng sự thương xót, là kết quả của kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa
Cha và sức mạnh của sự lan tỏa của lòng thương xót này. Chúng ta hãy cố gắng chủ
động nhiều hơn một chút! Do đó, Hội Thánh biết “tham gia”. Chúa Giêsu đã rửa chân
cho các môn đệ. Chúa đã tham gia và tự ý tham gia, khi Người quỳ trước mặt những
người khác để rửa chân cho họ. Nhưng ngay sau đó, Người bảo các môn đệ: “Phúc
cho các con, nếu các con làm điều này” (Ga 13:17). Cộng đồng rao giảng Tin Mừng,
qua việc tham gia vào cuộc sống hằng ngày của những người khác bằng việc làm và
cử chỉ của mình, nó rút ngắn những khoảng cách, tự hạ mình xuống đến nỗi chịu sỉ
nhục nếu cần, và chấp nhận đời sống con người, chạm đến thân xác đau khổ của Đức
Kitô trong những người khác. Vì thế, các nhà truyền giáo có “mùi của con chiên”
và chiên nghe tiếng họ. Sau đó, cộng đồng truyền giáo phải “đồng hành”. Cộng đồng
đồng hành với nhân loại trong tất cả mọi tiến trình của nó, bất kể khó khăn và
kéo dài đến đâu đi nữa. Cộng đồng biết chờ đợi lâu dài và kiên trì tông đồ.
Truyền giáo cần rất nhiều kiên nhẫn, cùng coi thường những giới hạn thời gian.
Trung thành với hồng ân của Chúa, cộng đồng cũng biết “sinh hoa quả”. Cộng đồng
rao giảng Tin Mừng luôn luôn chú ý tới những hoa quả, bởi vì Chúa muốn có hoa
quả. Nó chăm sóc cho các hạt giống và không bị mất bình an vì cỏ lùng. Người
gieo giống khi thấy cỏ lùng mọc lên giữa những cây lúa thì không oán trách hay
có phản ứng mạnh. Người ấy tìm thấy một cách để đảm bảo rằng Lời Chúa được nhập
thể trong một hoàn cảnh cụ thể và sinh hoa quả của đời sống mới, cho dù nó dường
như chưa hoàn hảo và đầy đủ. Người môn đệ có thể hiến trọn cuộc đời mình, thậm
chí chấp nhận tử vì đạo, như một nhân chứng của Đức Chúa Giêsu Kitô, nhưng ước
mơ của họ không phải là có nhiều kẻ thù, mà đúng hơn là thấy Lời Chúa được đón
nhận và quyền năng giải phóng và canh tân của nó được tỏ lộ. Cuối cùng, cộng đồng
rao giảng Tin Mừng đầy niềm vui, luôn luôn biết “ăn mừng”. Cộng đồng ăn mừng vì
mỗi chiến thắng nhỏ, vì mỗi bước tiến trong việc truyền giáo. Việc truyền giáo
vui tươi thành vẻ đẹp trong phụng vụ, trong đòi hỏi hàng ngày của việc tiến bộ
tốt. Hội Thánh Phúc Âm hóa và chính Hội Thánh được Phúc Âm hóa bằng vẻ đẹp của
phụng vụ, và phụng vụ cũng là cử hành những hoạt động truyền giáo và nguồn mạch
canh tân việc tự hiến của mình.
II. Hoạt động mục vụ trong chuyển hướng
25. Tôi không phải là không biết rằng ngày nay các tài liệu
không còn gây ra cùng một sự quan tâm như những thời đại khác, và chúng sớm bị
rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng những gì tôi diễn tả ở
đây có một tầm quan trọng về chương trình và những hậu quả đáng kể. Tôi hy vọng
rằng tất cả các cộng đồng sẽ làm thế bằng cách xử dụng mọi phương tiện cần thiết
để tiến về phía trước trên con đường chuyển hướng mục vụ và truyền giáo, mà
không thể để sự việc như hiện nay. Giờ đây chúng ta không cần “một sự quản trị
đơn giản” [21]. Chúng ta hãy hình thành trong tất cả các vùng của thế giới một
“tình trạng truyền giáo thường trực”.[22]
26. Đức Thánh Cha Phaolô VI mời gọi chúng ta mở rộng lời mời
gọi canh tân, để diễn tả một cách dứt khoát rằng chúng ta không chỉ nói đến những
cá nhân nhưng đến toàn thể Hội Thánh. Chúng ta hãy nhớ văn bản đáng nhớ này là
văn bản đã không mất đi sức mạnh không thể quên được của nó: “Hội Thánh phải
đào sâu ý thức về chính mình để suy niệm về mầu nhiệm là mầu nhiệm của mình
[...] rút ra từ ý thức được soi sáng và hoạt động này một ao ước tự nhiên muốn
so sánh hình ảnh lý tưởng về Hội Thánh, là hình ảnh mà Đức Kitô đã thấy, đã
mong ước và yêu thương, là hình ảnh hiền thê thánh thiện và tinh tuyền của Người
(x. Ep 5:27), với khuôn mặt thật mà Hội Thánh đang có ngày nay.[...] Do đó phát
sinh một ước muốn quảng đại và hầu như không kiên nhẫn nổi đối với việc canh
tân, để sửa chữa lại những khiếm khuyết mà ý thức này, khi xét mình trong ánh
sáng của mô thức mà Đức Kitô đã để lại cho chúng ta, đã lên án và loại bỏ”
[23].
Công đồng Vaticanô II đã trình bày sự chuyển hướng của Hội
Thánh như mở ra cho một cuộc canh tân chính mình một cách liên tục qua việc
trung thành với Đức Chúa Giêsu Kitô: “Mọi canh tân Hội Thánh chủ yếu hệ tại việc
gia tăng lòng trung thành với ơn gọi của mình [...] Hội Thánh trong cuộc lữ
hành của mình, được Đức Kitô gọi đến việc cải tiến liên tục mà Hội Thánh luôn
luôn cần thiết, bao lâu còn là một tổ chức nhân loại và ờ dưới thế trần”.[24]
Có những cơ cấu Hội Thánh có thể ảnh hưởng đến động năng
truyền giáo, tuy nhiên ngay cả những cơ cấu tốt chỉ có ích lợi khi có một sự sống
sinh động hóa, nâng đỡ và hướng dẫn chúng. Nếu không có một sự sống mới và một
tinh thần Tin Mừng đích thực, không có “sự trung thành với ơn gọi riêng của Hội
Thánh”, thì bất kỳ cơ cấu mới nào cũng sẽ bị hư hỏng trong một thời gian ngắn.
Một cuộc canh tân Hội Thánh không thể trì hoãn được.
27. Tôi mơ ước một lựa chọn truyền giáo có sức biến đổi mọi
sự, để những thói quen, những phong cách, thời gian, ngôn ngữ, và tất cả các cơ
cấu Hội Thánh trở thành một kênh thích hợp cho việc truyền giáo cho thế giới
ngày nay, hơn để tự bảo toàn. Việc cải tổ các cơ cấu, đòi hỏi bởi việc chuyển
hướng mục vụ, chỉ có thể được hiểu theo nghĩa này: là thành phần của một cố gắng
làm cho chúng trở thành có tính quy truyền giáo hơn, làm cho việc mục vụ bình
thường trong mọi trường hợp được mở rộng và cởi mở hơn, tạo nên trong những người
làm mục vụ một thái độ liên tục “đi ra”, và như thế thúc đẩy một đáp ứng tích cực
từ tất cả những người mà Chúa Giêsu ban cho tình bằng hữu của Người. Như Đức
Gioan Phaolô II đã nói với các Giám Mục Châu Đại Dương, “tất cả mọi canh tân
trong Hội Thánh phải có truyền giáo như mục đích, để không rơi vào nguy cơ của
một Hội Thánh quy về chính mình”.[25]
28. Giáo xứ không phải là một cơ quan lỗi thời; chính vì nó
có sự uyển chuyển lớn lao, nên nó có thể mặc lấy nhiều hình thức rất đa dạng là
điều đòi hỏi phải có sự dễ uốn nắn và sáng tạo truyền giáo của cha sở và cộng
đoàn. Trong khi chắc chắn rằng nó không phải là cơ quan truyền giáo duy nhất, nếu
nó có thể canh tân và thích nghi liên tục, nó sẽ tiếp tục là “Hội Thánh sống động
giữa những căn nhà của con cái trai gái mình”.[26] Điều này có nghĩa rằng nó thực
sự là sự liên lạc với gia đình cùng cuộc sống của dân chúng, và không trở thành
một cơ quan vô dụng tách biệt khỏi dân chúng, hoặc một nhóm người ưu tuyển chỉ
biết đến mình. Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh trong một lãnh thổ, một
môi trường để lắng nghe Lời Chúa, để lớn lên trong đời sống Kitô hữu, để đối
thoại, để rao giảng, để làm việc bác ái, thờ phượng và cử hành.[27] Qua tất cả
các hoạt động của mình, giáo xứ khuyến khích và đào tạo các thành viên của mình
thành những nhà truyền giáo.[28] Nó là một cộng đồng của các cộng đồng, là chỗ
tạm trú nơi mà những người khát đến uống nước để tiếp tục cuộc hành trình, và một
trung tâm nhà truyền giáo liên tục đi ra. Nhưng chúng ta phải thú nhận rằng lời
kêu gọi xét lại và canh tân giáo xứ chưa đủ để đem chúng đến gần hơn với dân
chúng, làm cho chúng thành nơi hiệp thông sống động và tham gia, cùng quy hướng
chúng hoàn toàn vào việc truyền giáo.
29. Các cơ chế khác của Hội Thánh, các cộng đoàn cơ bản và
các cộng đoàn nhỏ, các phong trào và các hình thức hiệp hội khác, là sự phong
phú của Hội Thánh mà Chúa Thánh Thần đánh thức để rao giảng Tin Mừng cho tất cả
mọi môi trường và lĩnh vực. Thường thì chúng mang lại một nhiệt tình truyền giáo
mới và một khả năng mới để đối thoại với thế giới mà trong đó Hội Thánh được
canh tân. Nhưng ích lợi hơn cho chúng nếu chúng không mất liên lạc với thực tại
phong phú của giáo xứ địa phương, và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động mục vụ
của Hội Thánh địa phương.[29] Sự dung hợp này sẽ tránh cho chúng khỏi việc tập
trung vào một phần của Tin Mừng hay của Hội Thánh, hoặc trở thành dân du mục
không có gốc rễ.
30. Mỗi Hội Thánh địa phương là một phần của Hội Thánh Công
Giáo dưới sự lãnh đạo của Giám Mục của mình, cũng được mời gọi đến sự chuyển hướng
truyền giáo. Đây là chủ thề chính của việc truyền giáo [30] vì nó là biểu hiện
cụ thể của Hội Thánh Duy Nhất ở một nơi nhất định trên thế giới, và trong nó “Hội
Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền của Đức Kitô thực sự hiện
diện và hoạt động”.[31] Đó là Hội Thánh nhập thể trong một không gian nhất định,
được trang bị bằng tất cả các phương tiện cứu rỗi do Đức Kitô ban cho, nhưng với
một khuôn mặt địa phương. Niềm vui của nó trong việc thông truyền Đức Chúa
Giêsu Kitô được diễn tả cả bằng một quan tâm rao giảng Người ở những nơi cần
Người nhất, lẫn trong việc liên tục đi ra ngoại vi của lãnh thổ mình, hướng về
những môi trường văn hóa xã hội mới.[32] Bất cứ nơi nào cần ánh sáng và sự sống
của Đấng Phục Sinh nhất, thì nó luôn luôn muốn ở đó.[33] Để cho sự thúc đẩy
truyền giáo luôn mãnh liệt, đại lượng và hiệu quả hơn, tôi cũng khuyến khích mỗi
Hội Thánh địa phương bước vào một tiến trình phân biệt, thanh luyện và cải tiến
một cách cương quyết.
31. Giám Mục phải luôn luôn thúc đẩy sự hiệp thông truyền
giáo này trong Hội Thánh giáo phận của mình, theo lý tưởng của cộng đồng Kitô hữu
tiên khởi, trong đó các tín hữu cùng có một quả tim duy nhất và một linh hồn
duy nhất (x. Cv 4:32). Vì vậy, đôi khi ngài phải ra trước dân của mình để chỉ
cho họ đường đi và nâng đỡ niềm hy vọng của họ, khi khác ngài chỉ cần ở giữa họ
với một sự gần gũi đơn giản và đầy trắc ẩn, trong một số trường hợp khác ngài sẽ
phải đi sau lưng họ, để giúp đỡ những người bị bỏ lại đằng sau và - trên hết -
bởi vì chính đàn chiên có một khứu giác để tìm ra những con đường mới. Trong sứ
vụ thúc đẩy một sự hiệp thông năng động, cởi mở và truyền giáo, ngài phải khuyến
khích và khai triển sự trưởng thành của các tổ chức tham gia được đề nghị bởi
Giáo Luật,[34] và các hình thức đối thoại mục vụ khác, với ước muốn lắng nghe mọi
người, không chỉ một số ít người luôn luôn mau mắn ca tụng. Nhưng mục đích
chính của tiến trình tham gia này không chủ yếu là tổ chức Hội Thánh, mà là giấc
mơ truyền giáo đi đến tất cả mọi người.
32. Bởi vì tôi được mời gọi để sống những gì tôi yêu cầu những
người khác nên tôi cũng phải nghĩ về một sự chuyển hướng của giáo hoàng. Đó là
nhiệm vụ của tôi, như Giám Mục Roma, phải cở mở để đón nhận những đề nghị hướng
đến việc thực thi sứ vụ của tôi một cách trung thành hơn với ý nghĩa mà Đức
Chúa Giêsu Kitô muốn ban cho nó và nhu cầu truyền giáo hiện nay. Đức Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II yêu cầu được giúp đỡ để tìm ra một “cách thi hành quyền tối thượng
mở ra cho một tình hình mới, nhưng không bao giờ từ bỏ những gì là thiết yếu
cho sứ vụ của mình”.[35] Chúng ta đã đạt được một tiến bộ nhỏ theo nghĩa này.
Chức vị Giáo Hoàng, và những cơ cấu trung tâm của Hội Thánh hoàn vũ cũng cần phải
lắng nghe lời mời gọi chuyển hướng mục vụ. Công đồng Vaticanô II nói rằng,
tương tự như các Hội Thánh Thượng Phụ cổ đại, các Hội Đồng Giám Mục có thể
“đóng góp nhiều cách khác nhau và có hiệu quả vào việc thực hiện cụ thể tinh thần
Giám Mục Đoàn”.[36] Tuy nhiên, ước muốn này chưa được thực hiện cách đầy đủ vì
tình trạng pháp lý của các Hội Đồng Giám Mục là tình trạng chưa được viết xuống
như chủ thể có những năng quyền riêng biệt, kể cả một số quyền bính về giáo lý
chân chính.[37] Một sự tập trung quyền hành quá mức, thay vì giúp đỡ thì lại
làm cho đời sống và sự năng động truyền giáo của Hội Thánh trở nên phức tạp.
33. Việc chăm sóc mục vụ trong truyền giáo đòi hỏi phải từ bỏ
tiêu chuẩn mục vụ tiện lợi: “Chúng tôi đã luôn luôn làm như thế này.” Tôi mời gọi
tất cả mọi người phải táo bạo và sáng tạo trong công tác này bằng cách xét lại
các mục tiêu, cấu trúc, phong cách và phương pháp truyền giáo trong các cộng đồng
của mình. Xác định những mục tiêu mà không điều nghiên cách đầy đủ về những
phương tiện để đạt được chúng trong cộng đồng thì kết cuộc chỉ thuần túy là sản
phẩm của óc tưởng tượng. Tôi kêu gọi tất cả mọi người áp dụng rộng rãi và can đảm
những hướng dẫn của tài liệu này mà không hạn chế hoặc sợ hãi. Điều quan trọng
không phải là bước đi một mình, nhưng luôn luôn dựa vào anh em, và đặc biệt là
sự hướng dẫn của các Giám Mục, trong một sự phân biệt mục vụ khôn ngoan và thực
tế.
III. Từ trung tâm của Tin Mừng
34. Nếu chúng ta có ý đặt mọi sự vào chủ yếu truyền giáo,
thì điều này cũng áp dụng cho cách chúng ta truyền đạt sứ điệp. Trong thế giới
ngày nay với tốc độ truyền thông và sự lựa chọn nội dung theo sở thích của các
phương tiện truyền thông, sứ điệp của chúng ta hơn bao giờ hết có nguy cơ bị cắt
xén và thu gọn vào một vài khía cạnh thứ yếu. Bằng cách này một số vấn đề, là một
phần của giáo huấn luân lý của Hội Thánh, bị trích dẫn sai văn mạch, là điều
làm cho chúng có ý nghĩa. Vấn đề lớn nhất là sứ điệp mà chúng ta rao giảng dường
như sau đó bị đồng hóa với những khía cạnh thứ yếu, cho dù có quan trọng, nhưng
tự chúng không trình bày trung tâm sứ điệp của Đức Chúa Giêsu Kitô. Do đó,
chúng ta cần phải thực tế và không nên cho rằng độc giả của mình biết đầy đủ về
nội dung của những gì mình nói, hoặc họ có thể liên kết những điều chúng ta nói
với trọng tâm thiết yếu của Tin Mừng là điều làm cho chúng có ý nghĩa, có vẻ
xinh đẹp và hấp dẫn.
35. Việc chăm sóc mục vụ dưới dạng truyền giáo không quá bận
tâm với việc khư khư áp đặt cách thức truyền thông nhiều học thuyết rời rạc.
Khi Chúng ta thừa nhận một mục tiêu mục vụ và một kiểu truyền giáo, là điều sẽ
đến với tất cả mọi người không trừ ai, thì sứ điệp phải tập trung vào những điều
cơ bản, những gì đẹp nhất, lớn nhất, hấp dẫn nhất và đồng thời cũng cần thiết
nhất. Đề nghị được đơn giản hóa, nhưng không mất một chiều sâu nào và chân lý của
nó, và như thế trở nên thuyết phục và rõ ràng hơn.
36. Tất cả mọi chân lý được mạc khải phát xuất từ cùng một
nguồn mạch là Thiên Chúa và được tin bằng cùng một đức tin, nhưng một số chân
lý trong những chân lý ấy quan trọng hơn để diễn tả cách trực tiếp hơn trung
tâm của Tin Mừng. Trong cốt lõi cơ bản này, điều tỏa sáng là vẻ đẹp của tình
yêu cứu độ của Thiên Chúa được tỏ lộ trong Đức Giêsu Kitô Chịu Chết và Phục
Sinh. Theo ý nghĩa này, Công đồng Vaticanô II xác quyết rằng “có một thứ tự hay
đúng hơn một ‘phẩm trật’ chân lý của giáo lý Công Giáo, vì chúng khác nhau
trong sự liên hệ của chúng với nền tảng của đức tin Kitô giáo”.[38] Điều này áp
dụng cho cả các tín điều của đức tin cũng như cho toàn thể các giáo huấn của Hội
Thánh, trong đó có những giáo huấn về luân lý.
37. Thánh Thoma Aquinô đã dạy rằng ngay cả giáo huấn về luân
lý của Hội Thánh cũng có một phẩm trật riêng của nó, giữa các nhân đức và giữa
các hành động phát xuất từ chúng.[39] Ở đây, điều quan trọng hơn cả là “đức tin
hoạt động qua đức ái”(Gl 5:6). Những việc làm của đức ái hướng đến tha nhân là
sự bày tỏ hoàn hảo nhất bề ngoài của ân sủng của Chúa Thánh Thần ở bên trong:
“Yếu tố chính của lề luật mới là ân sủng của Chúa Thánh Thần, được tự tỏ lộ
trong đức tin hoạt động qua đức ái” [40] về điều này ngài nói rằng, đối với
hành động bên ngoài, lòng thương xót cao trọng hơn tất cả các nhân đức. “Lòng
thương xót tự nó lớn nhất trong các nhân đức, vì tất cả các nhân đức khác xoay
quanh nó, và quan trọng hơn nữa, nó bù đắp cho sự thiếu xót của những nhân đức
khác. Điều này đặc biệt cho nhân đức cao trọng, và như thế thích hợp với việc
Thiên Chúa có lòng thương xót, mà qua đó sự toàn năng của Ngài được tỏ bày cách
rõ ràng nhất”.[41]
38. Điều quan trọng là rút ra những kết quả mục vụ của giáo
huấn Công Đồng, trong đó phản ảnh xác tín cổ xưa của Hội Thánh. Trước hết, tôi
phải nói rằng, trong việc rao giảng Tin Mừng, điều cần thiết là phải có một sự
quân bình thích hợp. Điều này được nhận ra qua sự thường xuyên mà một số chủ đề
được đề cập đến và nhấn mạnh trong việc giảng dạy. Thí dụ, nếu trong năm phụng
vụ một cha sở nói mười lần về đức tiết độ mà chỉ nói hai hoặc ba lần về đức bác
ái hoặc đức công bình, thì ngài tạo ra một sự chênh lệch, trong đó các nhân đức
ít được nói đến lại chính là những nhân đức đáng lẽ phải được trình bày trong
việc giảng dạy và trong bài giáo lý. Điều tương tự cũng xảy ra khi chúng ta nói
nhiều về lề luật hơn là về ân sủng, về Hội Thánh hơn là về Đức Chúa Giêsu Kitô,
về Đức Giáo Hoàng hơn là về Lời Chúa.
39. Cũng như sự chặt chẽ về cơ cấu giữa các nhân đức ngăn chặn
việc bất cứ nhân đức nào trong chúng bị loại trừ khỏi lý tưởng Kitô giáo, để
không chân lý nào bị chối từ. Chúng ta không được cắt xén sự toàn vẹn của sứ điệp
Tin Mừng. Ngoài ra, mỗi chân lý được hiểu rõ hơn khi được đặt trong sự liên hệ
với tổng thể hòa hợp của sứ điệp Kitô giáo, và trong bối cảnh này tất cả mọi
chân lý đều quan trọng và soi sáng lẫn nhau. Khi lời rao giảng trung thành với
Tin Mừng, tính trung tâm của một số chân lý trở nên hiển nhiên và cho thấy rõ
ràng rằng thuyết giáo về luân lý Kitô giáo không phải là một hình thức khắc kỷ,
nó còn hơn hơn khổ hạnh, nó không phải là một triết lý thực hành đơn giản, và
cũng không phải là một bảng liệt kê những tội lỗi và sai lầm. Trên hết mọi sự,
Tin Mừng mời gọi chúng ta đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, Đấng yêu thương
chúng ta và cứu độ chúng ta, nhận ra Ngài trong những người khác, và ra khỏi
mình để tìm kiếm sự tốt lành cho tất cả mọi người. Không được che khuất lời mời
gọi này trong bất cứ hoàn cảnh nào! Tất cả các nhân đức là để phục vụ sự đáp trả
yêu thương này. Nếu lời mời này không tỏa sáng cách mạnh mẽ và hấp dẫn, tòa nhà
giáo huấn về luân lý của Hội Thánh có nguy cơ trở thành một ngôi nhà làm bằng
giấy, và đó là nguy hiểm lớn nhất của chúng ta. Điều đó có nghĩa là không phải
thực sự Tin Mừng được công bố, nhưng là một số điểm về giáo lý hay luân lý dựa
trên những chọn lựa theo một tư tưởng nhất định nào đó. Sứ điệp sẽ có nguy cơ mất
sự tươi mát của nó và sẽ không còn có “hương thơm của Tin Mừng”.
IV. Việc truyền giáo nhập thể trong những giới hạn của con
người
40. Hội Thánh, chính là môn đệ truyền giáo, cần phải phát
triển trong việc giải thích Lời Chúa được mạc khải và trong sự hiểu biết của
mình về chân lý. Công tác của các nhà chú giải và các nhà thần học là giúp cho
“phán đoán của của Hội Thánh được trưởng thành”.[42] Các nghành khoa học khác
cũng giúp cho công tác này. Chẳng hạn khi đề cập đến ngành khoa học xã hội, Đức
Gioan Phaolô II nói rằng Hội Thánh lắng nghe những đóng góp của họ “để rút ra
những dấu chỉ cụ thể giúp cho Huấn Quyền hoàn thành sứ mệnh của mình”.[43]
Ngoài ra, trong Hội Thánh, còn có hàng loạt những vấn đề đang được tự do nghiên
cứu và suy nghĩ một cách rộng rãi. Những dòng tư tưởng khác nhau về triết học,
thần học và chăm sóc mục vụ, nếu được hoà hợp bởi Chúa Thánh Thần trong tinh thần
tôn trọng và tình yêu, thì chúng có thể giúp Hội Thánh phát triển, vì chúng
giúp giải thích rõ hơn về kho tàng phong phú của Lời Chúa. Đối với những người
ước mơ về một học thuyết toàn khối (nguyên khối) được tất cả mọi người bảo vệ
mà không có một sự đa dạng nào, điều này có vẻ là một độ phân tán không hoàn hảo.
Nhưng thực tế thì sự đa dạng này giúp chứng tỏ và phát triển hơn nữa các khía cạnh
khác nhau của sự phong phú vô tận của Tin Mừng.[44]
41. Đồng thời, những thay đổi rộng lớn và nhanh chóng về văn
hóa đòi buộc chúng ta phải thường xuyên để ý tìm cách diễn tả chân lý bất di dịch
bằng một ngôn ngữ làm nổi bật tính mới mẻ cố hữu của nó. Vì trong kho tàng giáo
lý Kitô giáo “có một điều là bản chất [...] và một điều khác là việc công thức
hóa cách diễn tả nó.”[45] Đôi khi, nghe một ngôn từ hoàn toàn chính thống,
nhưng các tín hữu lại nhận được một điều gì đó không phù hợp với Tin Mừng đích
thực của Đức Chúa Giêsu Kitô, vì ngôn từ ấy xa lạ với ngôn ngữ mà họ sử dụng và
hiểu. Với chủ ý thánh thiện là truyền đạt chân lý về Thiên Chúa và về con người,
trong một số trường hợp, chúng ta lại cung cấp cho họ một Thiên Chúa giả hoặc một
lý tưởng nhân bản chứ không phải một lý tưởng Kitô giáo thực sự. Bằng cách này,
chúng ta trung thành với công thức nhưng chúng ta không truyền thụ bản chất.
Đây là nguy cơ nghiêm trọng nhất. Chúng ta nên nhớ rằng “cách diễn tả chân lý
có thể có nhiều hình thức, và việc đổi mới các hình thức diễn tả là điều cần
thiết để truyền thụ sứ điệp Tin Mừng cho con người ngày nay theo ý nghĩa không
thay đổi của nó”.[46]
42. Điều này có một tầm quan trọng lớn trong việc rao giảng
Tin Mừng, nếu chúng ta thực sự có trái tim để nhận thức một cách rõ ràng hơn về
vẻ đẹp của Tin Mừng và làm cho nó phù hợp với tất cả mọi người. Dù sao, chúng
ta sẽ không bao giờ làm cho giáo huấn của Hội Thánh thành một điều dễ hiểu và
được tất cả mọi người sung sướng thưởng thức. Đức tin luôn vẫn giữ lại một bình
diện thập giá, nó giữ lại một số điều khó hiểu mà không làm giảm sự vững chắc của
việc tán thành nó. Có những điều hiểu được và được đánh giá cao từ sự tán thành
này, là chị em của tình yêu, ngoài sự rõ ràng mà chúng ta có thể hiểu được từ
lý trí và lý luận. Đó là lý do tại sao chúng ta phải nhớ rằng mọi giáo huấn của
giáo lý phải được phản ảnh bằng thái độ của người rao giảng Tin Mừng, là điều
đánh thức sự ưng thuận của con tim bằng sự gần gũi, yêu thương và làm nhân chứng.
43. Trong việc phân biệt liên tục của mình, Hội Thánh cũng
có thể nhận ra một số thói quen của mình không liên quan trực tiếp đến cốt lõi
của Tin Mừng, một số thói quen này đã mọc rễ trong dòng lịch sử, mà ngày nay
không còn được giải thích cùng một cách và sứ điệp của chúng thường không được
nhận thức cách đầy đủ. Chúng có thể đẹp, nhưng không còn phục vụ cách tương tự
cho việc truyền thụ Tin Mừng. Đừng sợ xét lại chúng. Tương tự như thế, có những
luật lệ hay giới răn của Hội Thánh có thể đã rất hiệu quả ở những thời đại
khác, nhưng không còn sức mạnh tương tự như trong việc giáo dục đời sống. Thánh
Thôma Aquinô đã nhấn mạnh rằng những giới luật được ban bởi Đức Kitô và các
Tông Đồ cho Dân Thiên Chúa thì “rất ít”.[47] Trích dẫn Thánh Augustinô, ngài
lưu ý rằng những giới luật được thêm vào bởi Hội Thánh phải đòi hỏi một cách vừa
phải để “không là gánh nặng cho đời sống của các tín hữu” và biến tôn giáo của
chúng ta thành một hình thức nô lệ, trong khi “lòng thương xót của Thiên Chúa
muốn nó được tự do”.[48] Lời cảnh báo này, đã được đưa ra từ nhiều thế kỷ, có một
tính thời sự đáng sợ. Điều này phải là một trong những tiêu chuẩn được xét đến
khi nghĩ đến một cuộc cải cách của Hội Thánh và lời giảng của nó, là điều thực
sự cho phép Hội Thánh đến được với tất cả mọi người.
44. Mặt khác, các mục tử và tất cả các tín hữu đồng hành với
anh em của mình trong đức tin hoặc trong cuộc hành trình mở lòng ra với Thiên
Chúa, không được quên rằng giáo huấn của Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo
nói rất rõ ràng “Việc quy tội và trách nhiệm của một hành động nào đó có thể được
giảm thiểu và thậm chí được loại bỏ vì lý do không biết, không chú ý, do áp lực,
do sợ hãi, do thói quen, do quá gắn bó, và các nguyên nhân khác về tâm lý và xã
hội”.[49]
Do đó, để không làm giảm bớt giá trị của lý tưởng của Tin Mừng,
chúng ta phải đồng hành với lòng thương xót và kiên nhẫn, những giai đoạn có thể
tăng trưởng của con người được xây dựng từ từ hết ngày này qua ngày khác.[50]
Tôi nhắc lại với các linh mục rằng tòa giải tội không phải là phòng tra tấn
nhưng là nơi dành cho lòng thương xót của Chúa là điều khích lệ chúng ta làm điều
lành càng nhiều càng tốt. Một bước nhỏ, giữa những giới hạn của con người, đẹp
lòng Thiên Chúa hơn đời sống bề ngoài có vẻ phải lẽ của một người cả ngày không
phải đương đầu với một thách đố nào đáng kể. Mọi người đều phải đến với sự an ủi
và khích lệ của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, là điều hoạt động cách mầu nhiệm
trong bất cứ ai, vượt trên và vượt ra ngoài những lỗi lầm và sa ngã của họ.
45. Như vậy chúng ta thấy rằng việc dấn thân của một người
rao giảng Tin Mừng nằm trong những giới hạn của ngôn ngữ và hoàn cảnh. Người ấy
luôn luôn tìm cách truyền thụ chân lý của Tin Mừng cách hiệu quả hơn trong một
bối cảnh cụ thể, mà không từ bỏ chân lý, sự tốt lành và ánh sáng mà người ấy có
thể mang lại, cho dù sự hoàn hảo là điều không thể được. Một quả tim truyền
giáo ý thức được những hạn giới này và biến mình thành “người yếu đuối với những
kẻ yếu đuối [...], mọi sự cho mọi người” (1 Cor 9: 22). Người ấy không bao giờ
tự đóng lòng mình, không bao giờ rút lui về chỗ an toàn của mình, không bao giờ
chọn cách tự vệ cứng rắn. Người ấy ý thức rằng mình phải lớn lên trong sự hiểu
biết về Tin Mừng và trong sự phân biệt những con đường của Chúa Thánh Thần, và
như thế, người ấy luôn luôn làm những điều gì tốt mình có thể làm, mặc dù có
nguy cơ bị lấm bùn đường.
V. Một người mẹ với một quả tim rộng mở
46. Hội Thánh “đi ra” là một Hội Thánh với những cánh cửa mở
rộng. Đi ra để đến với những người khác, để đến tận ngoại vi của nhân loại
không có nghĩa là chạy vội về phía thế gian mà không có định hướng hay bất kỳ
hướng nào. Thường thì tốt hơn là chậm lại, đặt sự lo âu sang một bên để nhìn thẳng
vào đôi mắt và lắng nghe, hoặc bỏ qua những nhu cầu cấp bách để cùng đi với những
người bị bỏ lại bên lề đường. Đôi khi như người cha của đứa con hoang đàng, vẫn
ở đó với cánh cửa mở ra bời vì khi trở về nó có thể vào một cách dễ dàng.
47. Hội Thánh được mời gọi để luôn luôn là ngôi nhà mở cửa của
Chúa Cha. Một dấu chỉ cụ thể của việc mở cửa này là phải có tất cả các nhà thờ
với cửa mở rộng. Để nếu bất cứ ai muốn theo tác động của Chúa Thánh Thần mà đến
đó tìm Thiên Chúa, thì người ấy không gặp sự lạnh lùng của một cánh cửa đóng
kín. Nhưng có những cánh cửa khác cũng không được đóng kín. Tất cả mọi người có
thể tham gia vào đời sống Hội Thánh một cách nào đó, tất cả mọi người có thể là
một phần tử của cộng đồng, và ngay cả các cửa của các Bí Tích cũng không được
đóng lại vì bất cứ lý do nào. Điều này đặc biệt đúng đối với Bí Tích là “cánh cửa”,
Bí Tích Rửa Tội. Bí Tích Thánh Thể, mặc dù là sự viên mãn của đời sống bí tích,
nhưng không phải là một giải thưởng cho những người hoàn hảo, mà là thần dược
và lương thực cho những người yếu đuối.[51] Những xác tín này cũng có ý nghĩa mục
vụ mà chúng ta được mời gọi cân nhắc cách thận trọng và mạnh dạn. Chúng ta thường
hành xử như những người ban phát ân sủng chứ không như những người giúp người
khác dễ dàng lãnh nhận ân sủng. Nhưng Hội Thánh không phải là một hải quan, mà
là ngôi nhà của Chúa Cha, ở đó có chỗ cho tất cả mọi người, với tất cả những
khó khăn trong cuộc sống của họ.
48. Nếu toàn thể Hội Thánh thừa nhận động năng truyền giáo
này, thì chúng ta phải đi đến với tất cả mọi người mà không trừ ai. Nhưng phải
ưu tiên cho ai? Khi đọc Tin Mừng, chúng ta thấy một định hướng rõ ràng: không
phải những bạn bè và láng giềng giàu có, nhưng trên hết là những người nghèo khổ
và tật nguyền, những người thường bị khinh miệt và lãng quên, “những người
không có gì để trả lại cho anh em” (Lc 14:14). Không còn gì để nghi ngờ hoặc giải
thích, vì chúng chỉ làm yếu đi sứ điệp quá rõ ràng này. Hôm nay và mãi mãi,
“người nghèo là những người nhận được đặc quyền của Tin Mừng”,[52] và việc loan
báo Tin Mừng một cách nhưng không cho họ là dấu chỉ của vương quốc mà Chúa
Giêsu đã đến để thiết lập. Phải nói thẳng rằng có một sự liên kết bất khả phân
ly giữa đức tin và người nghèo. Chúng ta đừng bao giờ bỏ rơi họ.
49. Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cung cấp cho tất cả mọi người
sự sống của Đức Chúa Giêsu Kitô. Tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều mà tôi
đã nói nhiều lần với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi muốn có một Hội
Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội
Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám vứu vào sự an toàn riêng của
mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối
cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục. Nếu có một điều
gì làm cho chúng ta lo âu một cách chính đáng và làm cho lương tâm chúng ta áy
náy, đó là một thực tại rằng nhiều người trong anh chị em của chúng ta đang sống
mà không có sức mạnh, ánh sáng và sự an ủi phát sinh từ tình bằng hữu với Đức
Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin chào đón họ, không có chân trời
ý nghĩa và sự sống. Hơn là sợ những sai lầm, tôi hy vọng rằng chúng ta được
thúc đẩy bởi việc sợ nhốt mình trong các cơ cấu là những gì cho chúng ta một cảm
giác an toàn giả tạo, trong các luật lệ là những gì biến chúng ta thành những
quan tòa không biết mủi lòng, với những thói quen là những gì làm cho chúng ta
cảm thấy an toàn, trong khi bên ngoài, có vô số người đói khát, và Chúa Giêsu
liên tục nhắc cho chúng ta rằng: “Các con hy cho họ ăn” (Mc 6:37).
CHƯƠNG 2
GIỮA CUỘC KHỦNG HOẢNG VỀ VIỆC THAM GIA CỘNG ĐỒNG
50. Trước khi thảo luận về một số vấn đề cơ bản liên quan đến
các hoạt động truyền giáo, tốt nhất là chúng ta nhắc lại một cách vắn tắt bối cảnh
trong đó chúng ta phải sống và hành động là gì. Ngày nay, chúng ta thường nghe
nói về “việc chẩn đoán quá độ” là điều không luôn luôn đi kèm với những đề nghị
đem lại những giải pháp và những áp dụng thực tế. Mặt khác, chúng ta cũng không
cần cả đến một cái nhìn thuần túy xã hội, là điều có vẻ bao gồm toàn bộ thực tại
với phương pháp luận của nó bằng một cách thuần túy trung lập và sát trùng cách
giả thuyết chứ không giúp gì được chúng ta. Thay vào đó, điều tôi có ý đề ra nằm
trong dòng tư tưởng về một việc phân biệt Tin Mừng. Đó là cái nhìn của một người
môn đệ truyền giáo “được soi sáng và củng cố bởi Chúa Thánh Thần”.[53]
51. Đức Giáo Hoàng không có nhiệm vụ trình bày một phân tích
chi tiết và toàn diện về những thực tại đương thời, nhưng tôi mởi gọi tất cả
các cộng đồng “luôn luôn tỉnh táo để phân biệt các dấu chỉ của thời đại”.[54]
Đó là một nhiệm vụ quan trọng, bởi vì một số thực tại hiện nay, nếu không tìm
ra những giải pháp tốt đẹp, có thể gây ra những tiến trình phi nhân bản là điều
sau đó rất khó mà đảo ngược lại được. Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng những
gì có thể là hoa quả của Nước Thiên Chúa và những gì đi ngược lại kế hoạch của
Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là chúng ta không những chỉ nhận ra và giải thích
những tác động của thần lành và thần dữ, - và đây là điều quyết định - nhưng chọn
những tác động của thần lành và loại bỏ những tác động của thần dữ. Tôi bao hàm
các phân tích khác nhau đã được đề ra trong các tài liệu khác của Huấn Quyền phổ
quát, cũng như những điều mà các Giám Mục quốc gia và vùng đã đề nghị. Trong
Tông Huấn này, tôi có ý chỉ bàn đến một cách ngắn gọn với nhãn quan mục vụ về một
số khía cạnh của những thực tại có thể ngăn chặn hoặc làm suy yếu động lực canh
tân truyền giáo của Hội Thánh, hoặc vì chúng có ảnh hưởng đến sự sống và nhân
phẩm của dân Thiên Chúa, hoặc vì chúng cũng liên quan trực tiếp đến các cơ cấu
của Hội Thánh và đến việc thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.
I. Một số thách đố của thế giới ngày nay
52. Trong thời đại chúng ta, nhân loại đang sống ở một khúc
quanh lịch sử, mà chúng ta có thể thấy từ những tiến bộ đạt được ở nhiều lãnh vực
khác nhau. Chúng ta phải ca ngợi những thành công góp phần vào sự thịnh vượng của
con người, chẳng hạn như trong lãnh vực y tế, giáo dục và truyền thông. Tuy
nhiên, chúng ta không thể quên rằng hầu hết những người nam nữ ở thời đại chúng
ta đang sống trong sự bất ổn định mỗi ngày, với những hậu quả tai hại. Một số bệnh
học gia tăng. Sợ hãi và tuyệt vọng chiếm đóng quả tim của nhiều người, ngay cả
trong những nước gọi là giàu có. Niềm vui của đời sống thường xuyên bị dập tắt,
không có sự tôn trọng người khác và bạo lực gia tăng, chênh lệch về xã hội ngày
càng trở nên rõ ràng. Chúng ta phải đấu tranh để sống, và thường sống với một
chút nhân phẩm. Sự thay đổi của thời đại này gây ra bởi những bước nhảy vọt vĩ
đại về chất lượng, số lượng, sự nhanh chóng và sự tích lũy, được xác nhận trong
tiến bộ khoa học, trong việc cải tiến kỹ thuật và áp dụng chúng một cách nhanh
chóng vào các lĩnh vực khác nhau của thiên nhiên và đời sống. Chúng ta đang ở
trong thời đại của kiến thức và thông tin, là nguồn gốc của những hình thức quyền
lực mới rất thường thì vô danh.
Trả lời không với một nền kinh tế loại trừ
53. Như điều răn “chớ giết người” đặt ra một giới hạn rõ
ràng về giá trị của đời sống con người, ngày nay, chúng ta phải cũng phải nói
“không với một nền kinh tế loại trừ và chênh lệch xã hội”. Một nền kinh tế như
thế cũng giết người. Làm sao mà việc một ngưởi già vô gia cư bị chết vì lạnh
không phải là một tin tức, trong khi thị trường hối đoái bị xuống hai điểm lại
là tin tức? Đó là loại trừ. Làm sao chúng ta có thể chịu đựng nổi khi thức ăn
dư thừa bị đổ đi trong khi có nhiều người bị đói? Đó là sự chênh lệch xã hội.
Ngày nay, tất cả đều tham gia trò chơi cạnh tranh và sống sót của những kẻ
thích hợp nhất, ở đó những người mạnh nuốt trửng những ngưởi yếu. Như hậu quả của
tình trạng này, một khối lớn dân chúng đang bị loại trừ và gạt ra ngoài lề:
không có công ăn việc làm, không có triển vọng, không có có lối thoát. Người ta
coi con người là chính nó như những đồ tiêu thụ, nay sử dùng mai bỏ đi. Chúng
ta đã bắt đầu nền văn hóa của “loại bỏ được”, thậm chí còn cổ võ nó. Nó không
còn chỉ đơn thuần là hiện tượng khai thác và áp bức, nhưng một điều gì mới: Với
việc loại bỏ cuối cùng được ảnh hưởng tận gốc đến việc là thành phần xã hội mà
chúng ta đang sống, những người bị loại bỏ khi đó không còn ở tầng lớp thấp, ở
ngoài lề, hay không có quyền lực, nhưng ở bên ngoài xã hội. Những người bị loại
trừ không phải là 'những người bị bóc lột', nhưng là rác, là ‘đồ thừa’.
54. Trong bối cảnh này, một số ngưởi vẫn còn bảo vệ thuyết
“[kinh tế] nhỏ giọt (trickle-down)”, là thuyết cho rằng sự phát triển kinh tế
gây ra bởi nền kinh tế tự do sẽ chắc chắn thành công trong việc đem lại một xã
hội công bằng và bao hàm hơn trên thế giới. Quan điểm này, chưa bao giờ được
xác minh bởi các sự kiện, diễn tả một sự tin tưởng thô thiển và ngây thơ vào sự
tốt lành của những người nắm quyền lực kinh tế và vào cơ chế thế tục hoá của hệ
thống kinh tế thịnh hành. Trong khi đó những người bị loại trừ vẫn tiếp tục chờ
đợi. Để chống đỡ một lối sống không bao gồm những người khác, hoặc để có thể có
hứng thú với lý tưởng ích kỷ này, chúng ta đã phát triển một sự toàn cầu hóa của
thờ ơ. Hầu như không nhận ra điều đó, chúng ta trở nên không có khả năng trắc ẩn
trước những tiếng khóc than đau khổ của tha nhân, chúng ta không còn khóc được
nữa trước thảm cảnh của người khác hoặc tìm cách chữa trị cho họ, như thể mọi
người có trách nhiệm với chúng ta nhưng chúng ta không có trách nhiệm gì với những
vấn đề không liên qua đến mình. Nền văn hóa phúc lợi làm cho chúng ta bị tê mê
và mất bình tĩnh khi thị trường cung cấp một thứ gì mà mình chưa mua, trong khi
tất cả những đời sống bị tan vỡ vì thiếu cơ hội này đối với chúng ta chỉ như một
cuộc trình diễn đơn giản, chẳng làm cho chúng quan tâm chút nào.
Trả lời không với ngẫu tượng mới của tiền bạc
55. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này nằm trong
mối quan hệ mà chúng ta đã thiết lập với tiền bạc, vì chúng ta âm thầm chấp nhận
sự thống trị của nó trên chúng ta và trên các xã hội của mình. Cuộc khủng hoảng
tài chính mà chúng ta đang trải qua làm cho chúng ta quên đi rằng nó có nguồn gốc
sâu xa tử một cuộc khủng hoảng nhân chủng học: việc từ chối tính ưu việt của
con người! Chúng ta đã tạo ra những ngẫu tượng mới. Việc thờ bò vàng xưa kia
(x. Xh 32:1-35) đã tìm thấy một phiên bản mới và tàn nhẫn trong chủ thuyết suy
tôn tiền bạc quá đáng và chủ nghĩa độc tài của một nền kinh tế phi cá nhân và
thật sự không lấy con người làm cùng đích. Cuộc khủng hoảng toàn cầu xảy đến
cho nền tài chánh và kinh tế cho thấy sự mất cân bằng của chúng, và trên hết,
việc thiếu một định hướng về nhân chủng nghiêm trọng hạ con người xuống thành
chỉ một trong những nhu cầu của nó tiêu thụ.
56. Trong khi lợi nhuận của một thiểu số đang gia tăng theo
cấp số nhân, thì lợi nhuận của đa số lại càng ngày càng thua xa lợi nhuận của
thiểu số sung sướng ấy. Sự mất cân bằng này xuất phát từ ý thức hệ bảo vệ quyền
tự chủ tuyệt đối của thị trường và đầu cơ tài chính. Vì vậy, người ta từ chối
quyền kiểm soát của các quốc gia là cơ quan có nhiệm vụ duy trì lợi ích chung.
Một chế độ chuyên chế vô hình mới được thiết lập, đôi khi tiềm ẩn, áp đặt luật
lệ và những quy tắc của nó một cách đơn phương và không ngừng. Ngoài ra, nợ nần
và chồng chất tiền lời tước đoạt nhiều quốc gia những cơ hội thực tiễn về kinh
tế và các công dân khả năng mua bán thật của họ. Thêm vào tất cả điều này là nạn
tham nhũng có hệ thống và trốn thuế ích kỷ đạt đến mức độ toàn cầu. Nạn tham
quyền và tham của thì không biết giới hạn. Trong hệ thống này, là hệ thống có
khuynh hướng nuốt trửng tất cả mọi điều ngăn trở việc gia tăng lợi nhuận, những
gì dù là mong manh, như môi trường, không có khả năng tự vệ trước lợi ích của một
thị trường đã được phong thần, là điều biến thành quyền lực tuyệt đối.
Trả lời không việc tiền bạc cai trị thay vì phục vụ
57. Đằng sau thái độ này ẩn nấp việc chối từ luân thường đạo
lý và chối từ Thiên Chúa. Luân lý thường bị người ta nhìn một cách nào đó khinh
khi và châm biếm. Nó bị coi là phản tác dụng và quá nhân bản bởi vì nó tương đối
hóa tiền bạc và quyền lực. Nó bị coi như một mối đe dọa, vì nó lên án việc thao
túng và hạ giá con người. Cuối cùng, luân lý đề cập đến một Thiên Chúa là Đấng
kêu gọi một đáp trả dấn thân, là điều ở ngoài các loại thị trường. Khi các loại
này đã được tuyệt đối đối hóa, Thiên Chúa bị coi là không thể kiểm soát được,
không thể thao túng được, và thậm chí nguy hiểm, bởi vì Ngài kêu gọi con người
đến sự viên mãn và độc lập với bất kỳ loại nô lệ nào. Luân lý - một nền luân lý
không ý thức hệ - cho phép chúng ta tạo ra một sự cân bằng và trật tự xã hội
nhân đạo hơn. Theo nghĩa này, tôi kêu gọi các chuyên gia tài chính và các chính
phủ của các quốc gia khác nhau hãy suy nghĩ về những lời của một hiền triết thời
xưa: “Không chia sẻ của cải với người nghèo là ăn cắp của họ và tước đoạt sinh
kế của họ. Đây không phải là tài sản của chúng ta mà chúng ta sở hữu, nhưng là
của họ”.[55]
58. Một cuộc cải cách tài chính không coi thường luân lý sẽ
đòi hỏi một sự thay đổi quyết liệt về thái độ nơi các nhà lãnh đạo chính trị,
tôi kêu gọi họ đương đầu với thách đố này bằng quyết tâm và tầm nhìn xa, đương
nhiên là không bỏ qua sự đặc trưng của từng trường hợp. Tiền của phải phục vụ
chứ không cai trị! Đức Thánh Cha yêu tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo, đó
là nhiệm vụ của ngài, nhân danh Đức Kitô, để nhắc lại rằng người giàu phải giúp
đỡ người nghèo, tôn trọng và tiến cử họ. Tôi khuyên anh chị em đoàn kết một
cách vị tha và đem nền kinh tế tài chính trở lại với một nền luân lý vì con người.
Trả lời không với sự chênh lệch xã hội là điều gây ra bạo lực
59. Ngày nay, ở khắp mọi nơi, người ta đòi hỏi một một nền
an ninh rộng lớn hơn. Nhưng bao lâu còn sự loại trừ và chênh lệch xã hội trong
xã hội và giữa con người, thì sẽ không thể nhổ tận gốc bạo lực. Những người
nghèo và rất nghèo bị kết án là sử dụng bạo lực, nhưng nếu không có sự bình đẳng
về cơ hội, những hình thức gây hấn và chiến tranh sẽ tìm thấy những mảnh đất
màu mỡ, mà sớm hay muộn, sẽ bùng nổ. Khi một xã hội – dù là địa phương, quốc
gia hay toàn cầu - bỏ rơi ở ngoại vi một phần của chính mình, thì không một
chương trình chính trị nào, không một quyền lực trật tự nào hoặc trí thông minh
nào có thể đảm bảo một nền an ninh vô hạn. Điều này xảy ra không chỉ vì do sự
chênh lệch xã hội gây ra các phản ứng bạo lực của những người bị loại ra khỏi hệ
thống, nhưng vì sự bất công tận gốc của hệ thống kinh tế xã hội. Cũng như điều
tốt có khuynh hướng được truyền thông, thì sự dữ mà anh chị em đồng ý, như bất
công, cũng có khuynh hướng lan rộng sức mạnh tai hại của nó và âm thầm phá hủy
những nền tảng của hệ thống chính trị và xã hội, bất chấp vẻ vững chắc bề ngoài
của chúng. Nếu mọi hành động đều có hậu quả, một sự dữ ẩn mình trong những cấu
trúc của một xã hội luôn luôn chứa đựng một tiềm năng làm cho nó tan rã và bị
tiêu diệt. Chính vì sự dữ kết tinh trong các cấu trúc xã hội bất công, mà người
ta không thể mong đợi một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta đang ở xa cái gọi là
“kết thúc của lịch sử”, vì những điều kiện thuận tiện cho sự phát triển hòa
bình và bền vững chưa được thiết lập và thực hiện đầy đủ.
60. Những cơ chế của nền kinh tế hiện tại cổ võ sự tiêu thụ
quá mức, nhưng rõ ràng là tinh thần tiêu thụ không kiềm chế được hợp với sự
chênh lệch xã hội gây thiệt hại gấp đôi cho cơ cấu xã hội. Bằng cách này, sự
chênh lệch xã hội sớm hay muộn sẽ gây ra bạo lực mà cuộc chạy đua vũ không giải
quyết nổi và không bao giờ giải quyết được. Nó chỉ được dùng để cố gắng đánh lừa
những người kêu gào một nền an ninh rộng lớn hơn, như thể ngày nay chúng ta đã
không biết rằng vũ khí và đàn áp bằng bạo lực, thay vì cung cấp những giải
pháp, lại tạo ra những xung đột mới và tồi tệ nhất. Một số người đơn thuần thỏa
mãn với việc quy tội cho những người nghèo và các nước nghèo vì những bất hạnh
của họ, bằng cách nói chung chung một cách phi lý, và làm bộ tìm một giải pháp
trong “việc giáo dục” là điều bảo đảm với họ và chuyển những ngưởi này thành những
người hiền lành và vô hại. Những điều này càng trở nên khó chịu hơn nếu những
những người bị loại trừ coi sự tăng trưởng của bệnh ung thư xã hội, là điều thối
nát ăn rễ sâu ở nhiều nước – trong các chính phủ, trong các doanh nghiệp và các
cơ chế - bất chấp ý thức hệ chính trị của các nhà cầm quyền.
Một số thách đố về văn hóa
61. Chúng ta rao giảng Tin Mừng ngay cả khi chúng ta tìm
cách giải quyết những thách đố khác nhau có thể phát sinh.[56] Đôi khi chúng xảy
ra trong những cuộc tấn công thực sự vào tự do tôn giáo hoặc trong những hoàn cảnh
mới của việc đàn áp các Kitô hữu, mà ở một số quốc gia đã đạt đến mức báo động
về hận thù và bạo lực. Ở nhiều nơi, một sự thờ ơ tương đối lan tràn khá rộng lớn,
liên quan đến việc vỡ mộng và cuộc khủng hoảng tư tưởng xảy ra như một phản ứng
chống lại tất cả những gì có vẻ chuyên chế. Điều này không chỉ có hại cho Hội
Thánh mà còn cho xã hội nói chung. Chúng ta nhận ra rằng một nền văn hóa, trong
đó mỗi người đều muốn là người mang chân lý chủ quan của riêng mình, tạo nên những
khó khăn cho những công dân muốn tham gia vào một dự án hợp tác vượt trên những
tư lợi và tham vọng cá nhân.
62. Trong nền văn hóa thịnh hành, vị thế đầu tiên bị chiếm
đóng bởi những gì là bên ngoài, lập tức, hữu hình, nhanh chóng, hời hợt và tạm
thời. Những gì có thật nhường chỗ cho những gì có vẻ bề ngoài. Ở nhiều quốc
gia, việc toàn cầu hóa đã dẫn đến sự suy thoái nhanh chóng của nền văn hóa gốc,
với cuộc xâm lăng của những xu hướng đến từ những nền văn hóa khác, có sự phát
triển về kinh tế nhưng yếu đi về đạo đức. Điều ấy được trình bày ở nhiều Thượng
Hội Đồng Giám Mục khác nhau từ các châu lục khác nhau. Chẳng hạn như các Giám Mục
Phi Châu nhắc lại Thông Điệp Solicitudo Rei Socialis, một vài năm trước đây đã
báo cáo rằng đã nhiều lần người ta muốn biến các nước Phi Châu thành “những bộ
phận đơn giản của một cơ chế ở các bộ phận của một thiết bị khổng lồ. Điều này
thường cũng đúng trong lĩnh vực truyền thông xã hội, được điều hành chủ yếu bởi
những trung tâm nằm ở bắc bán cầu, không luôn luôn để ý đến những ưu tiên và những
vấn đề của các quốc gia này, và không tôn trọng những nét văn hóa của họ”.[57]
Tương tự như thế, các Giám Mục Á Châu nhấn mạnh đến “những ảnh hưởng bên ngoài
đè nặng trên các nền văn hóa Á Châu. Những hình thức cư xử mới đang nổi lên như
là kết quả của việc tiếp xúc với quá nhiều phương tiện truyền thông [...] Kết
cuộc là những khía cạnh tiêu cực của các phương tiện truyền thông và kỹ nghệ giải
trí đang đe dọa các giá trị truyền thống”.[58]
63. Đức tin Công Giáo của nhiều người hiện đang phải đối diện
với những thách đố của sự phát triển rộng rãi của các phong trào tôn giáo mới,
một số có chiều hướng cơ bản và một số khác dường như đề ra một linh đạo không
có Thiên Chúa. Điều này, một mặt là kết quả của một phản ứng của con người trước
một xã hội tiêu thụ, vật chất, cá nhân, và mặt khác, lợi dụng những yếu điểm của
dân số sống ở các vùng ngoại vi và các khu vực nghèo khổ, là những người sống
sót giữa những khổ đau lớn lao của con người, và đang tìm kiếm những giải pháp
tức thời cho các nhu cầu của họ. Các phong trào tôn giáo này, được đặc trưng bằng
sự thâm nhập tinh tế của chúng, đến những nơi mà chủ nghĩa cá nhân chiếm ưu thế
để lấp đầy những chỗ trống để lại bởi chủ nghĩa duy lý tục hóa. Ngoài ra, chúng
ta phải thừa nhận rằng, nếu một phần những người đã được rửa tội không cảm thấy
thuộc về Hội Thánh, điều đó có thể là do một số cơ cấu nào đó và bầu khí lạnh
nhạt ở một số giáo xứ và cộng đồng của chúng ta, hoặc một thái độ quan liêu khi
đối phó với những vấn đề, dù đơn giản hay phức tạp, của đời sống của dân chúng
của chúng ta. Ở nhiều nơi bình diện hành chính của các khía cạnh mục vụ chiếm
ưu thế, cũng như việc chỉ cử hành các Bí Tích mà không có những hình thức truyền
giáo khác.
64. Tiến trình tục hóa có chiều hướng thu gọn đức tin và Hội
Thánh vào phạm vi riêng tư và và thầm kín. Hơn nữa, với sự hoàn toàn chối từ sự
siêu việt, người ta đã tạo ra một sự méo mó càng ngày càng nhiều hơn về luân
lý, một sự suy yếu của ý thức về tội lỗi cá nhân và xã hội, và một sự tăng trưởng
đều đặn của thuyết tương đối, đưa đến một tình trạng mất phương hướng chung, đặc
biệt là trong các giai đoạn vị thành niên và thanh niên, là những giai đoạn rất
dễ thay đổi. Như các Giám Mục Hoa Kỳ đã nhận xét, trong khi Hội Thánh khẳng định
về sự hiện hữu của những quy tắc luân lý khách quan áp dụng cho tất cả mọi người,
thì lại “có những người trong nền văn hóa của chúng ta miêu tả những giáo huấn
này như không công bằng, nghĩa là, trái với những quyền cơ bản của con người.
Tuyên bố như thế thường là theo một hình thức của chủ nghĩa tương đối về luân
lý được nối liền, không phải không có mâu thuẫn, với một niềm tin vào các quyền
tuyệt đối của cá nhân. Theo quan điểm này, Hội Thánh bị coi là cổ võ một thành
kiến cá nhân và như can thiệp vào tự do cá nhân”.[59] Chúng ta đang sống trong
một xã hội thông tin, là xã hội dồn dập tấn công chúng ta một cách bừa bãi bằng
những dữ liệu mà tất cả được coi là quan trọng như nhau, và cuối cùng dẫn chúng
ta đến một sự nông cạn khủng khiếp khi giải quyết những vấn đề luân lý. Do đó,
một nền giáo dục dạy suy nghĩ một cách có phê phán và cung cấp một sự trưởng
thành trong những giá trị, trở nên một điều cần thiết.
65. Mặc dù làn sóng thế tục đã tràn ngập xã hội chúng ta, ở
nhiều quốc gia - kể cả những nơi mà Kitô Giáo là thiểu số - Hội Thánh Công Giáo
được coi là một tổ chức đáng tin cậy theo dư luận quần chúng, được tin cậy
trong tất cả những gì liên quan đến lĩnh vực đoàn kết và quan tâm đến những người
nghèo khổ nhất. Nhiều lần, Hội Thánh phục vụ như trung gian hòa giải để tạo sự
thuận lợi cho việc giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình, hòa hợp, môi
trường, bảo vệ sự sống, nhân quyền và quyền công dân, vv. Và sự đóng góp của
các trường học và các trường đại học Công Giáo trên toàn thế giới vĩ đại biết
bao! Vì vậy, rất tích cực. Nhưng khi chúng ta đưa ra những vấn đề khác không mấy
được quần chúng chấp nhận, chúng ta phải trả giá để cho người ta thấy rằng mình
làm điều ấy vì trung thành với cùng một niềm tin về phẩm giá của con người và
công ích.
66. Gia đình trải qua một cuộc khủng hoảng văn hóa sâu xa,
giống như tất cả các cộng đồng và các liên hệ xã hội. Trong trường hợp gia
đình, sự mỏng dòn của những mối dạy các liên hệ trở nên đặc biệt nghiêm trọng bởi
vì nó là đơn vị cơ bản của xã hội, ở đó chúng ta học cách sống chung với nhau
trong sự khác biệt và thuộc về người khác, và là nơi mà cha mẹ truyền lại đức
tin cho con cái. Hôn nhân có khuynh hướng bị coi như một hình thức đơn giản của
sự mãn nguyện tình cảm, là điều có thể là được xây dựng bất kỳ cách nào và thay
đổi theo cảm xúc của mỗi người. Nhưng sự đóng góp không thể thiếu được của hôn
nhân cho xã hội vượt trên mức độ cảm xúc và nhu cầu đột xuất cặp vợ chồng. Như
các Giám Mục Pháp dạy rằng hôn nhân không sinh ra “từ cảm giác yêu thương, theo
định nghĩa phù du, nhưng từ chiều sâu của sự cam kết của vợ chồng, là hai người
đồng ý bước vào một sự kết hợp của toàn thể đời sống”.[60]
67. Chủ nghĩa cá nhân của thời đại hậu hiện đại và toàn cầu
hóa của chúng ta ủng hộ một cách sống làm suy yếu sự phát triển và ổn định của
những mối dây liên hệ giữa con người, và làm biến dạng các mối liên hệ gia
đình. Hoạt động mục vụ phải chứng tỏ tốt hơn nữa rằng sự liên hệ với Cha của
chúng ta đòi hỏi và khuyến khích một sự hiệp thông chữa lành, thúc đẩy và tăng
cường mối liên hệ giữa các cá nhân. Trong khi trên thế giới, đặc biệt là ở một
số quốc gia, tái xuất hiện những hình thức khác nhau của chiến tranh và xung đột,
thì chúng ta, là các Kitô hữu, nhấn mạnh đến đề nghị chấp nhận nhau, chữa lành
vết thương, bắc cầu, phát triển những liên hệ và “vác đỡ gánh nặng cho nhau”
(Gl 6:2). Mặt khác, ngày nay phát sinh nhiều hình thức hiệp hội nhằm mục đích bảo
vệ các quyền và nhằm đạt được những mục tiêu cao thượng. Bằng cách này, người
ta thấy rõ khát vọng tham gia của nhiều công dân là những người muốn thành những
người xây dựng sự tiến bộ của xã hội và văn hóa.
Những thách đố về hội nhập văn hóa của đức tin
68. Nguyên liệu làm nền tảng Kitô giáo của một số dân tộc -
đặc biệt ở Tây Phương - là một thực tại sống động. Chúng ta tìm thấy ở đó, đặc
biệt là trong số những người nghèo khổ nhất, một kho dự trữ luân lý là điều bảo
tồn những giá trị của một nền nhân bản Kitô giáo đích thực. Khi nhìn vào thực tại
bằng cặp mắt đức tin, chúng ta không thể không nhận ra những gì mà Chúa Thánh
Thần đang gieo. Chúng ta sẽ tỏ ra không tin tưởng vào hoạt động tự do và đại lượng
của Chúa Thánh Thần khi nghĩ rằng không có những giá trị Kitô giáo chân chính ở
những nơi mà phần lớn dân chúng đã được rửa tội và bày tỏ đức tin cùng tình
đoàn kết huynh đệ của họ bằng nhiều cách khác nhau. Ở đây chúng ta cần phải nhận
ra nhiều hơn là “hạt giống Lời Chúa”, vì nó là một đức tin Công Giáo đích thực
với cách diễn tả và thuộc về Hội Thánh riêng của nó. Chẳng ích lợi gì khi coi
thường tầm quan trọng quyết định của một nền văn hóa được đánh dấu bởi đức tin,
bởi vì nền văn hóa này đã được Phúc Âm hóa, vượt trên những giới hạn của nó, nó
có nhiều tài nguyên hơn đơn thuần chỉ là một tổng số các tín hữu, có thể được
đem ra để đương đầu với cuộc tấn công hiện nay của chủ nghĩa thế tục. Một nền
văn hóa phổ thông đã được Phúc Âm hóa chứa đựng những giá trị đức tin và đoàn kết
có thể dẫn đến việc phát triển một xã hội công bằng và đáng tin cậy hơn, cùng
có một sự khôn ngoan riêng mà chúng ta phải nhìn nhận với một cái nhìn đầy biết
ơn.
69. Chúng ta bắt buộc phải rao giảng Tin Mừng cho các nền
văn hóa để bản sắc hóa Tin Mừng. Ở những nước theo truyền thống Công Giáo, sẽ
là đồng hành, chữa lành và củng cố sự phong phú đã có sẵn, và ở những nước có
những truyền thống tôn giáo khác hay đã bị tục hóa một cách quá sâu xa, sẽ là
đưa ra một tiến trình mới để loan báo Tin Mừng cho nền văn hóa, mặc dù tiến
trình này liên quan đến những dự án rất trường kỳ. Tuy nhiên, chúng ta không được
quên rằng mình luôn luôn được mời gọi để lớn lên. Mọi nhóm văn hóa và xã hội đều
cần sự thanh lọc và trưởng thành. Trong trường hợp nền văn hóa phổ thông của những
dân Công Giáo, chúng ta có thể nhận ra một số yếu điểm vẫn cần phải được chữa
lành bởi Tin Mừng: nạn chồng chủ vợ tôi, nghiện ngập, bạo lực trong gia đình,
ít người dự Thánh Lễ, tin tưởng vào thuyết định mệnh hoặc mê tín dị đoan khiến
người ta cậy đến bùa phép, vv. Nhưng chính những việc đạo đức phổ thông là khởi
điểm tốt nhất để chữa lành và giải thoát họ.
70. Cũng có thật là đôi khi, thay vì nhấn mạnh đến sự thôi
thúc của lòng đạo đức Kitô giáo, thì người ta lại nhấn mạnh đến những hình thức
bên ngoài của truyền thống của một vài nhóm nào đó, hoặc điều mà người ta cho
là mặc khải tư được coi là không thể chối cãi được. Có một loại Kitô Giáo tạo
thành bởi những việc sùng kính phản ảnh một cách cá nhân và tình cảm của đời sống
đức tin, mà thật ra không phải là một “việc đạo đức phổ thông” đích thực. Một số
người khuyến khích những cách diễn tả này mà không quan tâm đến sự tiến bộ của
xã hội và việc đào luyện các tín hữu, và trong một vài trường hợp, họ làm điều ấy
vì những lợi ích kinh tế hoặc vì một ít quyền hành trên những người khác. Chúng
ta cũng không thể bỏ qua thực tế là, trong những thập niên gần đây, xảy ra một
sự thất bại trong tiến trình truyền thụ đức tin Kitô giáo giữa các thế hệ trong
những người Công Giáo. Chúng ta không thể phủ nhận rằng nhiều người cảm thấy thất
vọng và không còn coi là mình theo truyền thống Công Giáo nữa, số cha mẹ không
rửa tội cho con cái và không dạy chúng cầu nguyện gia tăng, và có một cuộc xuất
hành nào đó về phía những cộng đồng đức tin khác. Một số nguyên nhân của sự thất
bại này là: thiếu dịp để đối thoại trong gia đình, ảnh hưởng của các phương tiện
truyền thông, thuyết tương đối chủ quan, tinh thần tiêu thụ không thể kiềm chế
được là điều kích thích thị trường, thiếu sự chăm sóc mục vụ cho những người
nghèo nhất, sự thiếu vắng một chào đón nồng nhiệt trong các tổ chức của chúng
ta, và chúng ta gặp khó khăn trong việc phục hồi sự gắn bó mầu nhiệm với đức
tin trong một khung cảnh đa tôn giáo.
Những thách đố của nền văn hóa đô thị
71. Giêrusalem mới, Thành Thánh (Kh 21: 2-4) là mục tiêu mà
toàn thể nhân loại đang hướng về. Điều thú vị là mặc khải cho chúng ta biết rằng
sự viên mãn của con người và lịch sử được thể hiện trong một thành. Chúng ta cần
phải nhận ra thành này từ một cái nhìn chiêm niệm, có nghĩa là một cái nhìn bằng
con mắt đức tin để phát hiện ra Thiên Chúa ngự trong những ngôi nhà của nó, những
con đường của nó, và những quảng trường của nó. Sự hiện diện của Thiên Chúa đi
kẻm với việc tìm kiếm chân thành mà những người và các nhóm đang làm để tìm sự
trợ giúp và ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Thiên Chúa sống giữa những dân thành
là những người phát huy tinh thần đoàn kết, tình huynh đệ, những ước muốn tốt,
chân lý và công lý. Sự hiện diện này không phải là được người ta chế tạo ra,
nhưng được tìm thấy và phát hiện. Thiên Chúa không ẩn mình đối với những người
tìm kiếm Ngài bằng một con tim chân thành, cho dù họ mò mẫm, một cách không
chính xác và rộng rãi.
72. Trong thành phố, bình diện tôn giáo được diễn tả bằng
nhiều cách sống khác nhau, từ những phong tục liên quan đến một cảm giác về thời
gian, đến lãnh thổ và các mối quan hệ khác với cách sống của người dân nông thôn.
Trong cuộc sống thường nhật, dân thành phố phải thường xuyên đấu tranh để sinh
tồn, và trong cuộc đấu tranh này hàm chứa một ý thức sâu xa về cuộc đời là điều
thường cũng liên quan đến một ý nghĩa tôn giáo sâu xa. Chúng ta cần phải xét đến
để đạt được một cuộc đối thoại như Chúa nhận ra với người phụ nữ Samaria bên bờ
giếng, nơi chị tìm cách làm dịu cơn khát của mình (x. Ga 4: 7-26).
73. Những nền văn hóa mới phát sinh một cách liên tục trong
những khu vực địa lý rộng lớn này của con người, nơi mà các Kitô hữu không còn
được coi là những người cổ võ hay tạo ra những ý nghĩa, nhưng họ nhận được
chúng từ các ngôn ngữ, biểu tượng, sứ điệp và mô thức khác, là những điều cung
cấp những hướng đi mới cho cuộc sống, thường đối lập với Tin Mừng của Chúa
Giêsu. Một nền văn hóa hoàn toàn mới đã sinh ra và tiếp tục phát triển trong
các thành phố. Thượng Hội Đồng Giám Mục ghi nhận rằng ngày nay, những sự biến đổi
của các khu vực rộng lớn này và nền văn hóa mà chúng diễn tả là một nơi đặc biệt
cho việc Tân Phúc Âm hóa.[61] Điều này đòi hỏi chúng ta phải tưởng tượng ra những
nơi cầu nguyện và hiệp thông với những đặc tính sáng tạo, hấp dẫn và có ý nghĩa
hơn đối với dân thành phố. Những vùng nông thôn, do ảnh hưởng của các phương tiện
truyền thông đại chúng, cũng không xa lạ gì với những biến đổi văn hóa là những
gì cũng đáng kể trong việc thay đổi cách sống của họ.
74. Cần phải có một cách truyền giáo có thể chiếu sáng những
cách thức mới của sự liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân và với môi trường, là
điều sẽ làm sáng tỏ những giá trị cơ bản. Cần phải đi đến những nơi mà ở đó
chúng ta hình thành những câu chuyện và những mô thức mới để đem Lời của Chúa
Giêsu tận đáy linh hồn của thành phố. Chúng ta không được quên rằng thành phố
là một môi trường đa văn hóa. Ở các thành phố lớn, người ta có thể tìm thấy một
mạng liên kết mà trong đó những nhóm người chia sẻ cùng một loại tưởng tượng và
mơ ước tương tự về đời sống, tạo nên những hành động hỗ tương giữa con người,
những nền văn hóa mới, trong những thành phố vô hình. Các hình thức văn hóa phụ
khác nhau cùng tồn tại bên cạnh nhau, nhưng thường thực hành sự tách biệt và bạo
lực. Hội Thánh được mời gọi phục vụ một cuộc đối thoại khó khăn. Ngoài ra, có
những thị dân có đủ phương tiện để phát triển cuộc sống cá nhân và gia đình của
họ, nhưng có một số rất lớn, những “người còn lại của thành phố, những người
“không phải là dân đô thị” hay “dân bán đô thị”. Thành phố tạo nên một loại mâu
thuẫn thường trực, bởi vì trong khi nó cung cấp cho thị dân những tiềm năng vô
tận, thì cũng phát sinh nhiều khó khăn làm cản trở cho sự phát triển đầy đủ về
cuộc sống của nhiều người. Những mâu thuẫn này gây ra đau khổ đau. Ở nhiều nơi
trên thế giới, các thành phố là cảnh trí của những cuộc biểu tình tập thể, ở đó
hàng ngàn người đòi hỏi tự do, tham gia, công lý và những đòi hỏi khác nhau mà
nếu không giải quyết đúng cách, sẽ không thể bịt miệng họ bằng vũ lực.
75. Chúng ta không thể làm như không biết đến rằng ở trong
các thành phố có việc buôn bán ma túy và buôn bán người, lạm dụng và bóc lột trẻ
em, bỏ rơi các người già cả và bệnh tật, các hình thức tham nhũng khác nhau và
tội phạm gia tăng cách dễ dàng. Đồng thời, điều đáng lẽ là những nơi người ta gặp
gỡ và thể hiện tinh thần đoàn kết, thường biến thành những nơi chạy trốn và ngờ
vực lẫn nhau. Những căn nhà ở và các khu dân cư được xây lên để cô lập hóa và bảo
vệ hơn là để liên kết và hòa nhập. Việc công bố Tin Mừng sẽ là nền tảng cho việc
khôi phục phẩm giá của đời sống con người trong những hoàn cảnh này, bởi vì
Chúa Giêsu muốn rải trong các thành phố này sự sống dồi dào (x. Ga 10:10). Ý
nghĩa kết hợp và đầy đủ của đời sống con người mà Tin Mừng cung cấp là phương
thuốc điều trị tốt nhất cho những căn bệnh của thành phố, tuy nhiên chúng ta phải
nhận ra rằng một chương trình và một phương thức truyền giáo độc dạng và cứng
nhắc không phù hợp với thực tại này. Nhưng việc sống trọn vẹn những gì là con
người và tự giới thiêu mình vào trung tâm của những thách đố như những nắm men
nhân chứng, trong bất cứ nền văn hóa nào, trong bất cứ thành phố nào, làm cho
chúng ta thành những Kitô hữu tốt hơn và sinh hoa kết quả trong thành phố.
II. Những cám dỗ của những người làm mục vụ
76. Tôi cảm thấy rất biết ơn sự dấn thân của tất cả những
người làm việc trong Hội Thánh. Lúc này tôi không muốn dừng lại để trình bày
các hoạt động của những người làm việc mục vụ khác nhau, từ các Giám Mục cho đến
những ngưởi phục vụ Hội Thánh cách khiêm tốn và âm thầm nhất. Thay vào đó, tôi
muốn suy nghĩ về những thách đố mà tất cả mọi người trong họ hiện đang phải
đương đầu trong bối cảnh văn hóa bị toàn cầu hóa. Tuy nhiên, trước hết tôi phải
công bằng mà nói rằng sự đóng góp của Hội Thánh trong thế giới ngày nay thật là
bao la. Sự đau lòng và xấu hổ của chúng ta vì tội lỗi của một số thành viên của
Hội Thánh, và cũng của chúng ta, không bao giờ được làm cho chúng ta quên tất cả
những Kitô hữu đã hiến cuộc đời của họ cho tình yêu: họ giúp đỡ quá nhiều người
để những người ấy được chữa lành hoặc được bình an chết trong những tạm xá, đồng
hành với những người trở thành nô lệ cho những loại nghiện ngập khác nhau ở những
nơi nghèo nhất trên trái đất, hiến thân cho việc giáo dục trẻ em và thanh niên,
chăm sóc những người già cả bị mọi người bỏ rơi, tìm cách thông truyền những
giá trị giữa những môi trường thù nghịch, tận tâm bằng nhiều cách khác nhau để
chứng tỏ tình yêu bao la dành cho nhân loại mà Thiên Chúa làm người truyền cho
chúng ta. Tôi biết ơn vì những tấm gương tuyệt đẹp đã làm cho tôi bởi nhiều
Kitô hữu là những người dâng hiến cuộc đời và thời gian của họ với niềm vui. Chứng
từ này làm cho tôi rất nhiều điều tốt và nâng đỡ tôi trong khát vọng cá nhân của
tôi để vượt qua sự ích kỷ mà hiến mình nhiều hơn nữa.
77. Mặc dù thế, như những trẻ em ở thời đại này, tất cả
chúng ta, một cách nào đó, cũng bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa toàn cầu hóa ngày
nay, là nền văn hóa, trong khi mang lại cho chúng ta những cơ hội và những giá
trị mới, cũng có thể hạn chế chúng ta và ra điều kiện cho chúng ta để làm hại
chúng ta. Tôi biết rằng chúng ta cần phải tạo ra những chỗ phù hợp để thúc đẩy
và đào tạo những người làm mục vụ, “những nơi mà đức tin vào Chúa Giêsu chịu
đóng đinh và phục sinh được nhắc lại, những nơi mà những vấn đề sâu xa nhất và
những quan tâm hàng ngày được chia sẻ, những nơi mà sự phân biệt thâm sâu nhất
về những kinh nghiệm và chính đời sống được thực hiện trong ánh sáng của Tin Mừng,
để hướng về sự tốt lành và vả đẹp của những lựa chọn cá nhân và lựa chọn xã hội
của mình”.[62] Đồng thời, tôi muốn mọi người chú ý đến những một vài cám dỗ có ảnh
hưởng đến đặc biệt đến những người làm mục vụ.
Trả lời có với những thách đố của một linh đạo truyền giáo
78. Ngày nay, chúng ta có thể nhận thấy nơi nhiều người làm
mục vụ, kể cả những người được thánh hiến, một bận tâm quá đáng về tự do cá
nhân và giải trí của mình, khiến họ sống những nhiệm vụ của họ như là một phần
phụ thuộc đơn giản của đời sống, như thể chúng không phải là một phần của căn
tình của họ. Đồng thời, đời sống tâm linh được đồng hóa với những giây phút tôn
giáo cung cấp một ít an ủi, nhưng không nuôi nấng được việc gặp gỡ với những
người khác, tham gia vào thế giới, đam mê truyền giáo. Do đó, người ta có thể
tìm thấy ở nhiều người làm việc truyền giáo, mặc dù họ có cầu nguyện, một nhấn
mạnh đến chủ nghĩa cá nhân, một cuộc khủng hoảng căn tính và suy giảm nhiệt
tình. Đây là ba tệ nạn tự nuôi nhau.
79. Đôi khi nền văn hóa truyền thông và một số trí thức truyền
tải một sự ngờ vực đáng kể ở những bài tường trình về sứ điệp của Hội Thánh,
cùng với một ít thái độ yếm thế. Kết quả là, nhiều người làm mục vụ, ngay cả
khi họ cầu nguyện, phát triển một loại mặc cảm, dẫn họ đến việc tương đối hóa
hoặc che giấu căn tính và những xác tín Kitô giáo của họ. Vì thế một vòng luẩn
quẩn được hình thành, cho nên họ không hài lòng với những gì họ đang có và những
gì họ làm, họ không cảm thấy được đồng hóa với sứ vụ rao giảng Tin Mừng, và điều
này làm suy yếu việc dấn thân. Cuối cùng họ bóp nghẹt niềm vui của sứ vụ bằng cách
quá bận tâm về việc giống như mọi người khác và có những gì người khác có. Bằng
cách này, nhiệm vụ loan báo Tin Mừng trở nên bó buộc và họ dành rất ít nỗ lực
và một số thì giờ rất hạn chế cho nó.
80. Ngoài kiểu tâm linh hay dòng tư tưởng cụ thể mà họ có thể
có, nơi những người làm mục vụ phát triển một thuyết tương đối thậm chí còn
nguy hiểm hơn thuyết tương đối về tín lý nhiều. Nó liên quan đến những lựa chọn
sâu xa nhất và chân thành nhất là những điều xác định một cách sống. Thuyết
tương đối thực tế này hệ tại ở việc hành động như thể không có Thiên Chúa, ở việc
quyết định như thể không có người nghèo, ở việc mơ ước là không có tha nhân,
làm việc như thể tất cả những người chưa nhận được lời rao giảng Tin Mừng là
không có. Cần nhấn mạnh rằng ngay cả những người dường như có xác tín về tín lý
và tâm linh, cũng thường rơi vào một lối sống dẫn đến một gắn bó với sự an toàn
về kinh tế, hoặc với việc muốn có quyền hành và vinh quang loài người bằng bất
cứ giá nào, thay vì dâng hiến đời mình cho tha nhân trong việc truyền giáo.
Chúng ta đừng để mình bị cướp mất nhiệt tâm truyền giáo!
Trả lời không với sự ươn lười ích kỷ
81. Khi chúng ta cần một sự năng động truyền giáo nhất là điều
đem muối và ánh sáng vào trần gian, nhiều giáo dân sợ rằng mình bị mời làm một
nhiệm vụ tông đồ, nên tìm cách trốn tránh để thoát khỏi bất kỳ cam kết nào có
thể làm mất thì giờ rảnh rỗi của mình. Chẳng hạn như ngày nay rất khó để tìm thấy
các giáo lý viên được đào tạo cho các giáo xứ và kiên trì trong công tác của họ
nhiều năm. Nhưng một điều gì đó tương tự cũng xảy ra cho các linh mục, những
người bận tâm quá mức với thì giờ rảnh rỗi của họ. Điều này thường xảy ra vì sự
thể là người ta cảm thấy tuyệt đối cần phải bảo tồn không gian tự chủ của họ,
như thể việc dấn thân rao giảng Tin Mừng là một chất độc nguy hiểm thay vì là một
đáp trả hân hoan với tình yêu của Thiên Chúa là Đấng triệu tâp chúng ta để truyền
giáo và làm cho chúng ta hoàn thành và hiệu quả. Một số chống lại việc tận hiến
hoàn toàn cho sứ vụ và chung cuộc bị bao bọc trong một trạng thái ươn lười tê
liệt.
82. Vấn đề không phải luôn luôn có quá nhiều hoạt động,
nhưng điều chính là các hoạt động ấy được thực hiện một cách tồi tệ, không đủ hứng
thú, không có một linh đạo thấm nhuần các hoạt động và biến chúng thành điều
đáng mong ước. Từ đó các nhiệm vụ làm cho họ mệt mỏi quá sức và đôi khi còn bị
bệnh. Đó không phải là một sự mệt mỏi thanh thản vui tươi, nhưng căng thẳng,
đau đớn, bất bình, và cuối cùng không thể chịu nổi. Sự ươn lười về mục vụ này
có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số người rơi vào tình trạng ấy
vì họ theo đuổi những dự án thiếu khả thi và không âm thầm hài lòng với những
gì khả thi. Những người khác, vì không kiên nhẫn nổi với sự tiến hành khó khăn
của những tiến trình và muốn tất cả mọi sự từ trời rơi xuống. Những người khác,
vì gắn bó với một số dự án và những ước mơ thành công được vun trồng bởi tính
khoa trương của họ. Những người khác đã mất liên lạc thật sự với dân chúng
trong việc không còn cá nhân hóa việc mục vụ của mình, họ quan tâm nhiều đến tổ
chức hơn là nhân sự, để rồi các “bảng lộ trình” làm cho họ hứng thú hơn là
chính cuộc hành trình. Những người khác rơi vào sự lười biếng vì họ không biết
chờ đợi, họ muốn chế ngự cả nhịp sống. Ngày nay, việc nóng lòng muốn có kết quả
ngay khiến cho những người làm mục vụ không dễ dàng chấp nhận cảm thức có một
chút mâu thuẫn, việc có thể thất bại, một lời chỉ trích, một thập giá.
83. Do đó mối đe dọa lớn nhất từ từ thành hình, “đó là chủ
nghĩa thực dụng buồn rầu của đời sống hàng ngày của Hội Thánh, trong đó dường
như mọi việc xảy ra bình thường, trong khi trên thực tế, đức tin bị suy yếu và
thoái hóa thành nhỏ nhen.”[63] Vì thế phát triển một tâm lý nấm mồ, dần dần biến
các Kitô hữu thành những xác ướp trong viện bảo tàng. Thất vọng với thực tại, với
Hội Thánh hoặc với chính mình, họ sống trong cám dỗ bám vứu không ngừng vào một
nỗi buồn mơ hồ, không có hy vọng, là điều xâm nhập quả tim của họ như “rượu thuốc
quý giá nhất của ma quỷ”.[64] Được mời gọi để soi sáng và truyền thông sự sống,
rốt cuộc họ cũng bị quyến rũ bởi những điều chỉ tạo ra bóng tối và mệt mỏi nội
tâm, và những điều ấy làm suy yếu động năng tông đồ. Đối với tất cả những điều
này tôi muốn nhấn mạnh: chúng ta đừng để cho mình bị cướp mất niềm vui của việc
loan báo Tin Mừng!
Trả lời không với một bi quan vô bổ
84. Niềm vui của Tin Mừng là điều không ai và không gì có thể
tước đoạt khỏi tay chúng ta (x. Ga 16, 22). Những sự dữ của thế giới chúng ta -
và của Hội Thánh - không phải là một lý do để giảm bớt sự dấn thân và nhiệt
tình của chúng ta. Hãy chỉ coi chúng như những thách đố để lớn lên. Ngoài ra,
con mắt đức tin có thể nhận ra ánh sáng mà Chúa Thánh Thần luôn luôn tỏa lan
trong bóng tối, đừng quên rằng “ở đâu tội lỗi gia tăng, thì ở đó ân sủng càng
thêm dồi dào” (Rm 5:20). Đức tin của chúng ta được thách đố để thấy rượu mà
trong đó nước có thể được biến đổi, và để khám phá ra hạt lúa mọc giữa cỏ dại.
Năm mươi năm kể từ Công Đồng Vaticanô II, trong lúc chúng ta cảm thấy đau đớn
vì những khổ đau của thời đại mình, và dù chúng ta không lạc quan ngây thơ, thì
hiện thực lớn hơn của chúng ta không phải là ít tin tưởng vào Chúa Thánh Thần
hoặc ít quảng đại hơn. Theo ý nghĩa này, chúng ta có thể nghe lại những lời của
Chân Phước Gioan XXIII, vào ngày đáng nhớ hôm đó, ngày 11 tháng 10 năm 1962:
“Đôi khi chúng ta phải nghe, thường thì cách đáng tiếc, tiếng nói của những người,
mặc dù được đốt cháy bởi lòng nhiệt thành với tôn giáo, nhưng phân tích những sự
kiện với một phán đoán không đủ khách quan hay thiếu thận trọng. Trong tình hình
hiện nay của xã hội loài người, họ không có khả năng thấy được bất cứ điều gì
khác ngoài đổ nát và thiên tai [...] Có lẽ chúng ta cần phải nói rằng chúng ta
hoàn toàn không đồng ý với những tiên tri về ngày tận thế này, là những người
luôn luôn giảng những gì kinh khủng nhất, như thể tận thế đã gần. Trong trình
trạng hiện tại của những biến cố của con người, trong đó nhân loại có vẻ bước
vào một một trật tự mới của sự vật, và thật là tốt đẹp khi nhận ra kế hoạch mầu
nhiệm của Thiên Chúa Quan Phòng, xảy ra vào các thời điểm khác nhau qua công việc
của con người, và thường vượt quá những mong đợi của họ, và sự khôn ngoan trong
đó tất cả mọi sự, ngay cả những biến cố bất lợi cho con người, đều lợi ích cho
Hội Thánh”.[65]
85. Một trong những cám dỗ nghiêm trọng hơn bóp nghẹt sự nhiệt
tình và mạnh bạo là cảm giác thất bại, là điều biến đổi chúng ta thành bi quan
bất mãn và thất vọng khi phải đối diện với tình trạng đen tối. Không ai có thể
ra trận nếu không nắm chắc phần thắng. Ai bắt đầu mà không có lòng tự tin thì
đã thua trước một nửa trận chiến và chôn vùi tài năng của mình. Ngay cả khi với
một ý thức đau xót về những giới hạn riêng của mình, chúng ta phải tiến lên mà
không lùi bước, và nhớ những gì Chúa đã nói với Thánh Phaolô, “Ơn sủng của Thầy
đã đủ cho con rồi vì quyền năng của Thầy được thể hiện trong sự yếu đuối” (2
Cor 12:9). Chiến thắng của Kitô hữu luôn luôn là Thánh Giá, nhưng một cây Thánh
Giá đồng thời là một biểu ngữ của chiến thắng mà người ta mang với một sự dịu
dàng hiếu chiến chống lại những cuộc tấn công của ma quỷ. Thần dữ chủ bại là
anh em của sự cám dỗ muốn tách lúa ra khỏi cỏ dại không đúng lúc, là sản phẩm của
sự lo âu thiếu tin tưởng và quy về mình.
86. Rõ ràng là ở một số nơi đã có việc “sa mạc hóa” về tâm
linh, là hậu quả dự án của những xã hội muốn xây dựng mà không có Thiên Chúa hoặc
phá hủy gốc rễ Kitô giáo của họ. Ở đó “thế giới Kitô giáo trở nên cằn cỗi và kiệt
quệ như một vùng đất đã bị khai thác quá mức đến nỗi biến thành cát”.[66] Ở các
nước khác, việc chống đối Kitô giáo bằng bạo lực đã bắt buộc những Kitô hữu sống
đức tin của họ hầu như tàng ẩn trong trong đất nước mà họ yêu mến. Đây là một
hình thức khác rất đau lòng của sa mạc. Ngay cả gia đình riêng hoặc sở làm của
chúng ta cũng có thể là những môi trường khô cằn này, ở đó chúng ta phải giữ vững
đức tin và tìm cách truyền bá nó. Nhưng “chính từ việc bắt đầu từ kinh nghiệm về
hoang địa này, sự trống rỗng này, mà chúng ta có thể một lần nữa khám phá ra niềm
vui của đức tin, tầm quan trọng sống còn của nó đối với chúng ta, những người
nam nữ. Trong hoang địa, người ta tái khám phá ra giá trị của những gì là thiết
yếu cho sống. Trong thế giới ngày nay có rất nhiều dấu chỉ, thường được tỏ lộ
cách gián tiếp hay tiêu cực, về sự khao khát Thiên Chúa, về ý nghĩa tối hậu của
cuộc đời. Và trong hoang địa, rất cần phải có những người có đức tin, bằng
gương sáng của chính đời sống họ, cho những người khác thấy con đường về Đất Hứa
và giữ cho niềm hy vọng được sống mãi”.[67] Trong mọi trường hợp, trong những
trường hợp tương tự, chúng ta được mời gọi là những người mang bình nước để
phân phát nước uống cho người khác. Đôi khi cái bình biến thành một cây Thánh
Giá nặng nề, nhưng chính trên Thánh Giá, ở nơi lưỡi đòng đâm thâu qua, mà Chúa
đã ban cho chúng ta một nguồn suối nước trường sinh. Chúng ta hãy đừng để cho
mình bị cướp mất niềm hy vọng!
Thưa có với những mối quan hệ mới được mang đến bởi Đức Chúa
Giêsu Kitô
87. Ngày nay, khi mạng lưới và các công cụ truyền thông của
con người đạt đến một cấp độ phát triển vô tiền khoáng hậu, chúng ta cảm thấy bị
thách đố để khám phá và thông truyền một “sự huyền nhiệm” của việc sống chung
và hòa đồng với nhau, để gặp gỡ, ôm trong vòng tay, nâng đỡ, tham gia vào làn
sóng hơi hỗn loạn này, là điều có thể trở thành một kinh nghiệm thực sự của
tình huynh đệ giữa một đoàn người đoàn kết trong một cuộc hành hương thánh. Bằng
cách này, sẽ đưa đến nhiều cơ hội lớn hơn cho việc truyền thông và thêm nhiều dịp
để gặp gỡ và đoàn kết giữa tất cả mọi người. Nếu chúng ta có thể đi theo con đường
này, sẽ là một điều gì rất tốt, rất chữa lành, rất thanh thoát, tạo ra rất nhiều
hy vọng! Ra khỏi chính mình để đoàn kết với những người khác là điều tốt. Tự
khép mình lại có nghĩa là nếm mùi cay đắng của nọc độc của tính nội tại, nhân
loại sẽ trở nên xấu hơn vì mỗi lựa chọn ích kỷ mà chúng ta làm.
88. Lý tưởng Kitô giáo luôn luôn mời gọi chúng ta vượt qua sự
nghi ngờ, thiếu tin tưởng thường trực, sợ bị xâm lấn và những thái độ phòng thủ
mà thế giới ngày nay áp đặt trên chúng ta. Nhiều người cố gắng trốn tránh người
khác để có một cuộc sống riêng tư thoải mái, hoặc ở trong vòng những người thân
thiết nhất, và từ bỏ chủ nghĩa hiện thực của chiều kích xã hội của Tin Mừng. Bởi
vì, như một số người muốn một Đức Kitô hoàn toàn thiêng liêng, không có xác thịt
hoặc Thánh Giá, nên họ cho rằng mối liên hệ giữa con người chỉ cần được trung
gian qua những thiết bị tinh vi, những màn ảnh và những hệ thống có thể mở hay
tắt bằng mệnh lệnh. Trong khi đó, Tin Mừng mời gọi chúng ta luôn luôn có nguy
cơ gặp gỡ khuôn mặt những người khác, với sự hiện diện thể lý của họ là điều
thách đố chúng ta, với sự đau khổ và những đòi hỏi của họ, với niềm vui hay lây
của họ trong một sự tiếp xúc liên tục giữa người với người. Đức tin chân chính
vào Con Thiên Chúa làm người không thể tách rời việc tự hiến, việc là phần tử của
cộng đồng, phục vụ, hòa giải với người khác bằng xương bằng thịt. Trong việc nhập
thể của Mình, Con Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta vào cuộc cách mạng tình yêu.
89. Sự cô lập, là một hình thức của thuyết nội tại, có thể
được diễn tả dưới dạng tự lập giả tạo là loại trừ Thiên Chúa ra ngoài, và đương
nhiên, cũng có thể được tìm thấy trong một hình thức tôn giáo theo chủ thuyết
tiêu thụ tinh thần trong phạm vi cá nhân chủ nghĩa bệnh hoạn của nó. Việc trở lại
với những cuộc tìm kiếm sự thánh thiện và thiêng liêng đặc trưng cho thời đại
chúng ta, là những hiện tượng mập mờ. Ngày nay thách đố của chúng ta không còn
là chủ thuyết vô thần, mà là nhu cầu phải đáp ứng đầy đủ cho nhiều người đang
khao khát Thiên Chúa, để họ không tìm cách thỏa mãn nhu cầu này bằng những giải
pháp xa lạ hoặc với một Đức Chúa Giêsu Kitô không có thân xác và không có nghĩa
vụ gì với nhau. Nếu họ không tìm thấy trong Hội Thánh một linh đạo có thể chữa
lành họ, giải thoát họ, đổ đầy sự sống và bình an trên họ, đồng thời cũng mời gọi
họ đến một sự hiệp thông đoàn kết và một sứ vụ truyền giáo sinh hoa quả, thì cuối
cùng họ sẽ bị lừa gạt bởi những đề nghị vô nhân đạo và không làm sáng danh Thiên
Chúa.
90. Những hình thức riêng của việc đạo đức phổ thông được nhập
thể, bởi vì chúng đã phát sinh trong việc nhập thể của đức tin Kitô giáo trong
nền văn hóa phổ thông. Chính vì thế mà chúng bao gồm một mối liên hệ cá nhân,
không phải với những năng lượng hài hòa, nhưng với Thiên Chúa, với Đức Chúa
Giêsu Kitô, với Đức Mẹ Maria và một vị Thánh. Các Ngài có thân xác, có dung
nhan. Những hình thức riêng của việc đạo đức phổ thông được thích nghi để nuôi
dưỡng những tiềm năng quan hệ mà không phải những lẩn trốn cá nhân. Trong những
lĩnh vực khác của xã hội, chúng ta thấy người ta càng ngày càng bị thu hút bởi
những hình thức khác nhau của một “hạnh phúc tinh thần” không có cộng đồng, một
“nền thần học về thịnh vượng” mà không cần phải dấn thân huynh đệ, hoặc những
kinh nghiệm chủ quan không chân dung, là những điều tự rút lại thành một cuộc
tìm kiếm ích kỷ bên trong.
91. Một thách đố quan trọng là chứng tỏ rằng giải pháp sẽ
không bao giờ hệ tại ở việc chạy trốn một mối liên hệ cá nhân và cam kết với
Thiên Chúa, và đồng thời khiến chúng ta dân thân vì tha nhân. Điều này đang xảy
ra ngày nay khi các tín hữu tìm cách trốn tránh hay ẩn mình khỏi nhãn quan của
người khác, khi họ tinh vi chạy trốn từ nơi này đến nơi khác hoặc từ công tác
này sang công tác khác mà không cần tạo ra những mối liên hệ sâu xa và vững chắc.
“Imaginatio locorum et mutatio multos fefellit” (nghĩa là sự tưởng tượng và đổi
chỗ đã lừa dối nhiều người) [68] Đây là một biện pháp sai lầm làm hại tâm hồn
và đôi khi cả thể xác nữa. Chúng ta cần phải giúp họ nhận ra rằng cách duy nhất
là học tập để gặp gỡ những người khác với thái độ đúng đắn, nghĩa là nhận ra và
chấp nhận họ như những người bạn đồng hành trong cuộc hành trình, mà không ấm ức
trong lòng. Tốt hơn nữa là học để khám phá ra Chúa Giêsu trong khuôn mặt của những
người khác, trong tiếng nói của họ và trong những yêu cầu của họ. Chúng ta cũng
có thể học chịu đau khổ bằng cách ôm chặt lấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh khi
chúng ta bị đả kích một cách bất công hay vô ơn, mà không bao giờ mệt mỏi chọn
tình huynh đệ.[69]
92. Có sự chữa lành thật, vì cách chúng ta liên hệ với những
người khác thực sự chữa lành chúng ta thay vì làm cho chúng ta đau ốm, là một
tình huynh đệ huyền nhiệm và chiêm niệm, biết làm thế nào để nhìn thấy sự cao
quý thánh thiện của tha nhân, biết cách tìm thấy Thiên Chúa trong mỗi con người,
biết chịu đựng sự bất tiện của việc chung sống bằng cách bám chặt vào tình yêu
của Thiên Chúa, biết rộng mở tâm hồn cho tình yêu của Thiên Chúa để tìm kiếm hạnh
phúc cho tha nhân như Cha Nhân Lành của chúng ta đã làm. Trong thời đại này, nhất
là ở những nơi mà chúng ta là “đàn chiên bé nhỏ” (Lc 12:32), các môn đệ của
Chúa được mời gọi để sống như một cộng đồng muối đất và ánh sáng thế gian (x.
Mt 5:13-16). Họ được mời gọi để làm nhân chứng như phần tử của cộng đồng rao giảng
Tin Mừng bằng những cách thế luôn luôn mới mẻ.[70] Chúng ta đừng để cho mình bị
cướp mất cộng đồng!
Trả lời không với tinh thần thế tục
93. Tinh thần thế tục, là tinh thần nấp đằng sau những vẻ đạo
đức bề ngoài và ngay cả tình yêu đối với Hội Thánh, để tìm vinh quang và phúc lợi
cho con người thay vì vinh quang của Chúa. Đây là điều Chúa khiển trách người
Pharisêu: “Làm sao các ông có thể tin được, khi các ông chấp nhận lời ca tụng của
nhau, và không tìm lời khen chỉ đến từ một mình Thiên Chúa?” (Ga 5:44). Đây là
một cách tinh vi để tìm “lợi ích riêng của mình chứ không phải của Đức Chúa
Giêsu Kitô” (Ph 2: 21). Nó có nhiều hình thức, tùy thuộc vào loại người và hoàn
cảnh mà nó xâm nhập. Vì nó liên quan đến việc tìm kiếm vẻ bề ngoài, nên không
luôn luôn đi kèm với các tội công khai, và nhìn bề ngoài mọi sự đều có vẻ như
thường. Nhưng nếu nó tràn ngập Hội Thánh, “nó sẽ tai hại vô cùng so với bất kỳ
loại thế tục nào khác chỉ đơn thuần luân lý”.[71]
94. Tính thế tục này có thể được nuôi dưỡng bằng hai cách đặc
biệt liên kết với nhau một cách chặt chẽ. Một là sự hấp dẫn của Ngộ Đạo, một đức
tin bị giam hãm trong sự chủ quan, chỉ quan tâm đến một kinh nghiệm cụ thể nào
đó hoặc một loạt các lý luận và kiến thức được coi là an ủi và soi sáng, trong
khi đối tượng vẫn đang bị giam kín trong tính nội tại của những lý luận hay cảm
xúc riêng của mình. Cách khác là theo chủ thuyết tân Pelagus quá tin ở sức mình
và chỉ biết nghĩ đến mình của những người cuối cùng chỉ cậy vào sức của mình và
cảm thấy mình trổi vượt hơn những người khác bởi vì họ giữ những tiêu chuẩn đã
được thiết lập hoặc trung thành với một kiểu Công Giáo trong quá khứ. Đó là việc
cho rằng mình có một sự chắc chắn về tín lý hay kỷ luật tạo nên một chủ nghĩa
ưu tú độc tài chỉ biết nghĩ đến cái đúng của mình, bởi đó thay vì rao giảng Tin
Mừng, người ta phân tích và xếp loại những người khác, và thay vì tạo điều kiện
để tiếp cận với ân sủng, người ta dốc hết tâm lực để kiểm soát. Trong cả hai
trường hợp, người ta không thực sự quan tâm đến Chúa Giêsu Kitô hoặc tha nhân.
Đây là những biểu hiện của một học thuyết nội tại đặt con người làm rốn vũ trụ
(immanentisme anthropocentrique). Không thể tưởng tượng được rằng những hình thức
thu nhỏ này của Kitô giáo có thể phát sinh một động năng truyền giáo chân
chính.
95. Tính thế tục tối tăm này được bày tỏ bằng nhiều thái độ
trái ngược nhau nhưng với cùng một cớ tương tự là để “chiếm chỗ của Hội Thánh.”
Nơi một số người, chúng ta nhận thấy có một sự chăm sóc phô trương về phụng vụ,
tín lý và uy tín của Hội Thánh, nhưng không bận tâm gì đến việc thực sự lồng
Tin Mừng vào dân Thiên Chúa và những nhu cầu thực tế của lịch sử. Bằng cách
này, đời sống của Hội Thánh trở nên một viện bảo tàng, hoặc trở thành tài sản của
một vài người. Nơi những người khác, cùng tinh thần thế tục này nấp đằng sau sự
quyến rũ của việc phô trương những thành tích xã hội và chính trị, hoặc trong
hư danh liên quan đến khả năng quản lý các công việc thực tế của họ, hoặc trong
sự hấp dẫn của động năng tự trọng và tự phát triển khả năng. Nó cũng có thể dẫn
đến bằng nhiều cách khác nhau việc cho người khác thấy rằng mình tham gia vào một
đời sống xã hội bận rộn đầy những cuộc du lịch, hội họp, tiệc tùng và tiếp tân.
Hoặc nó xảy ra trong một kiểu quản lý theo chủ nghĩa thực dụng, chịu trách nhiệm
về thống kê, lịch trình và lượng giá, trong đó những người được thụ hưởng chính
không phải là dân Thiên Chúa, mà là Hội Thánh như một tổ chức. Trong mọi trường
hợp, nó tước đi ấn tín của Đức Kitô Nhập Thể, Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, nó
thu gọn lại thành một nhóm người ưu tú, không thực sự đi tìm những người ở xa
hay những đám đông vô số kể đang khao khát Đức Kitô. Họ không còn lòng nhiệt
thành truyền giáo nữa, mà chỉ nghĩ đến hưởng thụ giả dối của việc thỏa mãn ích
kỷ.
96. Trong bối cảnh này, có việc nuôi dưỡng hư danh của những
người tự hài lòng với việc có một số quyền hành và muốn trở thành những tướng
lãnh của một quân đội bại trận chứ không muốn chỉ là những người lính hợp thành
đội ngũ để tiếp tục chiến đấu. Bao nhiêu lần chúng ta mơ ước những kế hoạch
tông đồ theo chủ nghĩa bành trướng, được thiết kế tỉ mỉ và cẩn thận, đó là điển
hình cho những tướng lãnh bại trận! Như thế, chúng ta từ chối lịch sử của mình
về Hội Thánh, là một lịch sử vẻ vang của hy sinh, của hy vọng, của đấu tranh
hàng ngày, của hao mòn trong phục vụ, của kiên trì trong những việc khó khăn, bởi
vì tất cả mọi việc đều được thực hiện trong sự “đổ mồ hôi trán của chúng ta.”
Ngược lại, chúng ta mất thì giờ vô ích bàn về việc “chúng ta nên làm gì” - tội
“nên làm” – giống như các vị thầy tâm linh và các chuyên gia mục vụ là những
người ra chỉ thị nhưng đứng ở ngoài. Chúng ta vun trồng trí tưởng tượng của
mình một cách vô giới hạn và mất liên lạc với thực tại đau thương của những người
tín hữu của mình.
97. Những người rơi vào tình trạng thế tục này nhìn từ trên
cao xuống và từ xa lại, họ từ chối lời tiên tri của anh em, họ thanh trừng những
người có thắc mắc, liên tục nhấn mạnh đến những sai lầm của người khác và chú ý
quá đáng đến vẻ bề ngoài. Họ thu hẹp những gì liên quan đến quả tim của họ vào
một chân trời khép kín của nội tại và tư lợi, và do đó họ không học được gì về
tội lỗi của họ và không thực sự mở lòng ra cho sự tha thứ. Đây là một sự thối
nát khủng khiếp đội lốt một vẻ bề ngoài tốt lành. Chúng ta phải tránh điều này
bằng làm cho Hội Thánh luôn luôn đi ra ngoài chính mình, đặt trọng tâm của sứ vụ
vào Đức Chúa Giêsu Kitô, và dấn thân cho người nghèo. Xin Thiên Chúa giải thoát
chúng ta khỏi một Hội Thánh thế tục nấp đàng sau những bức phông tinh thần và mục
vụ hời hợt! Tinh thần thế tục ngột ngạt này chỉ có thể được chữa lành qua việc
hít thở bầu không khí trong lành của Chúa Thánh Thần, là Đấng giải thoát chúng
ta khỏi việc tiếp tục tập trung vào chính mình, ẩn nấp đằng sau một vẻ bề ngoài
về tôn giáo mà không có Thiên Chúa. Chúng ta đừng để cho mình bị cướp mất Tin Mừng!
Trả lời không với chiến tranh giữa chúng ta
98. Có biết bao nhiêu cuộc chiến tranh trong Dân Chúa và
trong các cộng đồng khác nhau! Trong khu phố, ở sở làm, có biết bao nhiêu cuộc
chiến tranh vì ham muốn và ganh tỵ, ngay cả giữa các Kitô hữu! Tinh thần thế tục
đưa một số Kitô hữu đến chiến tranh với những Kitô hữu khác là những người cản
trở việc tìm kiếm quyền lực, uy tín, thú vui và an ninh kinh tế của họ. Ngoài
ra, một số người ngưng sống như thành viên thân yêu trong Hội Thánh, để nuôi dưỡng
một tinh thần bất hòa. Thay vì thuộc về toàn thể Hội Thánh, với sự phong phú đa
dạng của nó, họ thuộc về một nhóm tự cho là mình khác người hoặc đặc biệt.
99. Thế giới bị rách nát vì chiến tranh và bạo lực, hoặc bị
thương bởi sự lan tràn của chủ nghĩa cá nhân là chủ nghĩa chia rẽ con người và
đặt họ vào vị thế chống chọi nhau trong việc theo đuổi hạnh phúc riêng của họ. Ở
một số nước nổi lên những xung đột và những chia rẽ cũ rích mà một số người
nghĩ là đã lỗi thời. Đối với các Kitô hữu của tất cả các cộng đồng trên thế giới
tôi muốn đặc biệt yêu cầu một chứng từ cụ thể cho sự hiệp thông huynh đệ la điều
trở nên hấp dẫn và tươi sáng. Để tất cả mọi người ngưỡng mộ cách anh chị em
chăm sóc nhau, cách anh chị em khuyến khích nhau và đồng hành với nhau: “Bằng
cách này mọi người nhận biết rằng các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu
thương nhau” (Ga 13:35). Đây là những gì Chúa Giêsu cầu xin cùng Chúa Cha trong
lời cầu nguyện tha thiết: “Xin cho họ nên một trong Chúng Ta: để thế gian có thể
tin” (Ga 17:21). Hãy coi chừng cám dỗ ghen tị! Chúng ta ở trên cùng một con
thuyền và chúng ta đi đến cùng một bến! Chúng ta hãy xin ơn để vui mừng vì các
hoa quả của những người khác, mà cũng là của tất cả mọi người.
100. Những người bị tổn thương vì những chia rẽ cổ xưa thấy
rất khó để chấp nhận việc chúng ta kêu gọi họ tha thứ và hòa giải, bởi vì họ
nghĩ rằng chúng ta coi thường những đau khổ của họ hoặc giả vờ như mất trí nhớ
về những lý tưởng của họ. Nhưng nếu họ nhìn thấy những chứng từ của các cộng đồng
huynh đệ và hòa giải thật sự, điều này luôn luôn là một ánh sáng hấp dẫn. Vì vậy,
tôi cảm thấy rất đau lòng khi khám phá ra rằng làm sao trong một số cộng đồng
Kitô hữu và thậm chí giữa những người được thánh hiến, còn có chỗ cho các hình
thức khác nhau của hận thù, chia rẽ, vu khống, nói xấu, trả thù, ghen ghét,
mong muốn áp đặt ý tưởng của mình với bất cứ giá nào, để đàn áp tương tự như một
cuộc tróc nã phù thủy không thương xót. Chúng ta sẽ rao giảng Tin Mừng cho ai với
những hành vi như thế?
101. Xin Chúa giúp chúng ta hiểu luật tình yêu. Tốt biết bao
khi có luật này! Thật tốt cho chúng ta biết bao khi chúng ta yêu thương nhau
hơn trên hết mọi sự! Vâng, trên hết mọi sự! Mỗi người chúng ta được khuyên nhủ
bởi lời của Thánh Phaolô: “Ðừng để sự dữ thắng anh em, nhưng hãy lấy điều lành
mà thắng sự dữ” (Rm 12: 21). Và thêm: “Chúng ta đừng chán nản khi làm việc
lành” (Gal 6:9). Tất cả chúng ta đểu có thiện cảm và ác cảm, và có lẽ chính lúc
này chúng ta đang tức giận một ai đó. Chúng ta hãy ít nhất thưa cùng Chúa: “Lạy
Chúa, con khó chịu với điều này hay điều kia. Con cầu nguyện cho anh ấy và chị ấy.”
Cầu nguyện cho những người mà chúng ta đang giận dữ là một bước dài tiến về
phía tình yêu, và đó là một hành động loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy làm điều
đó ngay hôm nay! Chúng ta đừng để cho mình bị cướp mất lý tưởng huyng đệ!
Những thách đố khác của Hội Thánh
102. Nói cách đơn giản, giáo dân là đa số rộng lớn của dân
Thiên Chúa. Để phục vụ của họ, có một thiểu số: các các thừa tác viên có chức
thánh. Ý thức về căn tính và sứ vụ của giáo dân trong Hội Thánh đang lớn dần.
Chúng ta trông cậy vào một số giáo dân, mặc dù vẫn chưa đủ, với một ý thức sâu
xa về cộng đồng và một lòng trung thành lớn lao với sự dấn thân trong các việc
bác ái, dạy giáo lý và cử hành đức tin. Nhưng ý thức về trách nhiệm của giáo
dân phát sinh từ Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức không tỏ lộ cùng một cách với mọi
người. Trong một số trường hợp vì họ không được đào tạo để đảm nhận trách nhiệm
quan trọng, trong những trường hợp khác vì họ không tìm thấy chỗ đứng trong Hội
Thánh địa phương để có thể lên tiếng và hoạt động, vì chế độ giáo sĩ trị quá mức,
là điều gạt họ ra ngoài lề trong việc đi đến những quyết định. Ngoài ra, ngay cả
khi có một sự tham gia của nhiều thừa tác viên giáo dân, việc dấn thân này
không được phản ảnh trong sự thấm nhập các giá trị Kitô giáo vào thế giới xã hội,
chính trị và kinh tế. Sự tham gia này thường bị giới hạn trong những công tác nội
bộ của Hội Thánh mà không có một sự dấn thân thực sự trong việc áp dụng Tin Mừng
vào việc biến đổi xã hội. Việc đào luyện giáo dân và rao giảng Tin Mừng của các
loại chuyên nghiệp và trí thức là một thách đố mục vụ quan trọng.
103. Hội Thánh nhìn nhận sự đóng góp quan trọng của phụ nữ đối
với xã hội, bởi sự nhạy cảm, trực giác và một số khả năng của họ, là những gì
mà phụ nữ thường trổi vượt hơn nam giới. Chẳng hạn như sự chú ý đặc biệt đến phụ
nữ khác, được thể hiện một cách đặc biệt, mặc dù không độc quyền, trong việc
sinh sản. Tôi vui mừng vì thấy biết bao phụ nữ chia sẻ trách nhiệm mục vụ với
các linh mục, đang góp phần vào việc giúp đỡ các cá nhân, gia đình hoặc các
nhóm và có những đóng góp mới về suy tư thần học. Nhưng chúng ta còn phải mở rộng
không gian cho một sự hiện diện quyết định hơn của phụ nữ trong Hội Thánh. Bởi
vì “thiên tài của phụ nữ là điều cần thiết trong tất cả các hình thức của đời sống
xã hội, do đó, sự hiện diện của phụ nữ trong lĩnh vực lao động cũng phải được đảm
bảo” [72] và ở các khung cảnh khác nhau, nơi mà những quyết định quan trọng được
thực hiện, cũng cả trong Hội Thánh lẫn các cơ cấu xã hội.
104. Việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng của phụ nữ, dựa trên
xác tín vững chắc rằng đàn ông và phụ nữ có cùng một phẩm giá, đặt ra cho Hội
Thánh những vấn đề thách đố sâu xa và không thể nhẹ nhàng né tránh. Chức linh mục
dành cho nam giới như một dấu chỉ của Đức Kitô Phu Quân là Đấng sống trong Bí
Tích Thánh Thể, là một vấn đề không được đem ra thảo luận, nhưng có thể trở
thành một nguyên nhân của cuộc xung đột cụ thể nếu chúng ta quá đồng hóa quyền
năng bí tích với quyền hành. Chúng ta không được quên rằng khi chúng ta nói về
quyền năng linh mục “chúng ta ở trong phạm vi chức năng, chứ không nói về phẩm
giá và sự thánh thiện.”[73] Thừa tác vụ linh mục là một phương tiện được Chúa
Giêsu sử dụng để phục vụ dân Người, nhưng phẩm giá cao quý đến từ Bí Tích Rửa Tội,
là Bí Tích mà tất cả mọi người đều đến gần được. Quy định hình dạng của linh mục
với Đức Kitô là Đầu - nghĩa là nói về nguồn mạch chính của ân sủng - không có ý
nâng cao các ngài lên và đặt trên tất cả những người còn lại. Trong Hội Thánh,
các chức năng “không biện minh cho tính ưu việt của một người trên những người
khác”.[74] Thực ra, một phụ nữ, Đức Mẹ Maria, còn quan trọng hơn các Giám Mục.
Ngay cả khi người ta kể đến chức năng của chức linh mục thừa tác được coi như
“phẩm trật”, chúng ta phải nhớ rằng “nó được xắp đặt hoàn toàn theo sự thánh
thiện của các chi thể của Đức Kitô”.[75] Chìa khóa và trọng điểm cơ bản không
phải là quyền bính thống trị, nhưng quyền năng cử hành Bí Tích Thánh Thể; cho
nên quyền năng của linh mục, luôn luôn là để phục vụ dân chúng. Đây là một
thách đố lớn cho các mục tử và các thần học gia, là những người có thể giúp đỡ
trong việc nhận biết rõ hơn những gì liên quan đến vai trò khả thi của phụ nữ ở
những nơi mà những quyết định quan trọng được đưa ra trong các lãnh vực khác
nhau của Hội Thánh.
105. Mục vụ giới trẻ, như chúng ta thường khai triển, phải
chịu những va chạm mạnh mẽ của những thay đổi xã hội. Trong những cơ cấu thông
thường, giới trẻ thường không tìm thấy những câu trả lời cho những quan tâm, những
nhu cầu, những vấn đề và những vết thương của các em. Như những người trưởng
thành, chúng ta thấy khó mà kiên nhẫn lắng nghe các em, hiểu biết những quan
tâm hoặc yêu cầu của các em, và học cách nói chuyện với các em bằng ngôn ngữ mà
các em hiểu được. Cùng một lý do đó, những nỗ lực của chúng ta trong lãnh vực
giáo dục đã không đem lại những kết quả mong muốn. Sự phát triển và tăng trưởng
của các đoàn thể và các phong trào bao gồm hầu hết các người trẻ có thể được hiểu
là một hành động của Chúa Thánh Thần, mở ra những con đường mới để đáp ứng những
mong đợi của các em và việc tìm kiếm một linh đạo sâu xa và một cảm giác thuộc
về Hội Thánh cách cụ thể hơn của các em. Tuy nhiên, vẫn còn một nhu cầu để đảm
bảo rằng các đoàn thể này tham gia một cách ổn định hơn vào toàn thể nỗ lực mục
vụ của Hội Thánh.[76]
106. Mặc dù không phải luôn luôn dễ dàng để tiếp cận giới trẻ,
những tiến bộ đã được thực hiện trong hai lĩnh vực: ý thức rằng toàn thể cộng đồng
được mời gọi để rao giảng Tin Mừng cho các em và giáo dục các em, và nhu cầu khẩn
cấp để biến các em thành những nhân vật chính. Phải công nhận rằng trong cuộc
khủng hoảng hiện tại của việc dấn thân và liên hệ cộng đồng, nhiều người trẻ,
là những người cung cấp sự giúp đỡ đoàn kết của họ chống lại các tệ nạn của thế
giới và thực hiện các hình thức khác nhau của đấu tranh và hoạt động tình nguyện.
Một số em tham gia vao đời sống của Hội Thánh, ban sự sống cho những nhóm phục
vụ và những sáng kiến truyền giáo khác nhau trong giáo phận của các em hoặc các
địa điểm khác. Đẹp thay những người trẻ đang là “những người hành hương đức
tin”, vui sướng đem Chúa Giêsu ra mọi đường phố, vào mọi nơi, đến mọi ngóc
ngách của trái đất!
107. Ở nhiều nơi ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến đang
trở nên khan hiếm. Thường trong những cộng đồng này điều ấy xảy ra vì thiếu vắng
một lòng nhiệt thành tông đồ hay lây, và vì lý do này mà không còn sự hăng say
và hấp dẫn. Nơi nào có sự sống, sự nhiệt tình, mong ước đem Đức Kitô đến cho
người khác, thì nơi đó ơn gọi đích thực phát sinh. Ngay cả trong các giáo xứ mà
các linh mục hơi có một chút tham gia và vui vẻ, chính đời sống huynh đệ và nhiệt
thành của cộng đồng có thể đánh thức khát vọng hiến mình hoàn toàn cho Thiên
Chúa và loan báo Tin Mừng, đặc biệt là nếu một cộng đồng sống động như thế cầu
nguyện tha thiết cho ơn thiên triệu và can đảm đề nghị cho những người trẻ của
mình con đường thánh hiến đặc biệt. Mặt khác, bất chấp tình trạng thiếu ơn gọi,
chúng ta có một ý thức rõ ràng hơn về sự cần thiết phải có một lựa chọn tốt về
các ứng viên cho thiên chức linh mục. Các chủng viện không thể nhận các ứng
viên dựa vào bất cứ một động lực nào, đặc biệt là khi những động lực ấy liên
quan đến tình trạng bấp bênh về tình cảm, theo đuổi của quyền lực, vinh quang
con người và thịnh vượng về kinh tế.
108. Như tôi đã nói trước đây, tôi không muốn đưa ra một
phân tích đầy đủ, nhưng tôi khuyến khích các cộng đồng bổ sung và phong phú hóa
những viễn cảnh này dựa trên những ý thức về các thách đố của riêng mình và của
những cộng đồng lân cận. Khi họ làm điều ấy, tôi hy vọng là họ sẽ nhận ra rằng,
khi nào chúng ta cố gắng đọc các dấu chỉ của thời đại trong tình hình hiện nay,
chúng ta nên lắng nghe những người trẻ và những người già. Cả hai đều là những
niềm hy vọng của mọi dân tộc. Những người lớn tuổi mang với họ ký ức và sự khôn
ngoan của kinh nghiệm, là những điều nhắc cho chúng ta đừng lặp lại một cách
ngu xuẩn những sai lầm trong quá khứ. Những người trẻ mời gọi cho chúng ta đánh
thức và phát huy hy vọng, bởi vì các em mang theo những khuynh hướng mới của
nhân loại và mở lòng chúng ta hướng về tương lai, để chúng ta không bám chặt lấy
trong nhung nhớ những cơ chế và tục lệ không còn mang lại sự sống trong thế giới
ngày nay.
109. Những thách đố hiện hữu là để được khuất phục. Chúng ta
phải thực tế, nhưng không làm mất niềm vui, sự mạnh dạn và sự dấn thân đầy hy vọng!
Chúng ta đừng để cho mình bị cướp mất nhiệt tình truyền giáo!
110. Sau khi đã xét đến một số thách đố của thực tại hiện
nay, giờ đây tôi muốn nhắc lại nhiệm vụ mà chúng ta phải gánh vác trong mọi lúc
và ở mọi nơi, bởi vì “không thể có việc truyền giáo thật sự nếu không có việc
công bố rõ ràng rằng Chúa Giêsu là Chúa”, và nếu không “dành ưu tiên cho việc
rao giảng Đức Chúa Giêsu Kitô trong mọi hoạt động truyền giáo”. [77] Khi nhìn
nhận những quan tâm của các Giám Mục Á châu, Đức Gioan Phaolô II đã xác quyết rằng,
nếu Hội Thánh “có nhiệm vụ phải hoàn thành mục tiêu được quan phòng, thì việc
rao giảng Tin Mừng, như việc giảng dạy hân hoan, kiên nhẫn và tiệm tiến về Cái
Chết và sự Sống Lại cứu độ của Đức Chúa Giêsu Kitô phải là ưu tiên tuyệt đối của
các hiền huynh.” [78] Điều này cũng áp dụng cho tất cả mọi người.
I. Toàn thể dân Thiên Chúa loan báo Tin Mừng
111. Loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ của Hội Thánh. Nhưng chủ
thể của việc loan báo Tin Mừng này còn hơn là một cơ cấu có hệ thống và phẩm trật,
bởi vì trên hết nó là một dân đang đi trên một cuộc hành trình hướng về Thiên
Chúa. Dân này chắc chắn là một mầu nhiệm bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng
có đặc tính lịch sử cụ thể của nó trong dân hành hương và truyền giáo, luôn
luôn vượt trên bất kỳ cách diễn tả nào về cơ chế cho dù cần thiết. Tôi đề nghị
ngừng lại một chút ở cách hiểu biết về Hội Thánh nảy, là điều có nền tảng tối hậu
trong sáng kiến tự do và nhưng không của Thiên Chúa.
Một dân cho tất cả mọi người
112. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là công trình
của lòng thương xót của Ngài. Không có hành động nào của con người, dù có tốt
thế nào đi nữa, có thể làm cho chúng ta xứng đáng với một hồng ân cả thể như vậy.
Thiên Chúa, trong ân sủng thuần khiết, lôi kéo chúng ta đến kết hợp với Ngài.
[79] Ngài gửi Chúa Thánh Thần đến trong tâm hồn chúng ta để làm cho chúng ta
thành con cái Ngài, để biến đổi chúng ta và cho phép chúng ta đáp lại tình yêu
của Ngài bằng đời sống của mình. Hội Thánh được Đức Chúa Giêsu Kitô sai đi như
một bí tích cứu độ được Thiên Chúa ban ban. [80] Qua các hoạt động truyền giáo
của mình, Hội Thánh hợp tác như một công cụ của ân sủng ấy của Thiên Chúa, là
ân sủng hoạt động không ngừng vượt qua bất sự giám sát nào. Đức Thánh Cha
Bênêđictô XVI diễn tả nó cách hoàn hảo khi mở đầu những suy nghĩ của Thượng Hội
Đồng Giám Mục: “Điều quan trọng là luôn luôn biết rằng Lời Đầu Tiên, sáng kiến
thật, hoạt động thật, đến từ Thiên Chúa, và chỉ bằng cách tự tháp nhập vào sáng
kiến này của Thiên Chúa, chỉ bằng cách cầu khẩn sáng kiến này của Thiên Chúa,
mà chúng ta cũng sẽ trở thành - với Người và trong Người – những người rao giảng
Tin Mừng”. [81] Nguyên tắc ưu việt của ân sủng phải là một ngọn hải đăng liên tục
soi sáng những suy tư về truyền giáo của chúng ta.
113. Ơn cứu rỗi này, mà Thiên Chúa thực hiện và Hội Thánh
hân hoan công bố có mục đích dành cho tất cả mọi người, [82] và Thiên Chúa đã
làm cho phát sinh một cách thế để kết hợp chính Ngài với mỗi con người ở mọi thời
đại. Ngài đã chọn triệu tập họ lại như một dân chứ không phải chỉ như những cá
nhân cô lập. [83] Không ai có thể tự cứu mình cách cá nhân hay bằng sức riêng của
mình. Thiên Chúa lôi kéo chúng ta bằng cách dùng mạng lưới liên hệ phức tạp giữa
người với người có liên quan đến đời sống của một cộng đồng nhân loại. Dân này
mà Thiên Chúa đã chọn và gọi là Hội Thánh. Chúa Giêsu đã không bảo các Tông Đồ
tạo thành một nhóm riêng biệt, một nhóm ưu tú. Chúa Giêsu đã nói: “Các con hãy
đi và làm cho muôn dân thành môn đệ” (Mt 28:19). Thánh Phaolô quả quyết rằng
dân Thiên Chúa trong Hội Thánh “Không còn là người Do Thái hay Hy Lạp… vì tất cả
anh em chỉ là một trong Ðức Kitô” (Gal 3:28). Tôi muốn nói với những người cảm
thấy xa cách Thiên Chúa và Hội Thánh, những người sợ hãi và thờ ơ rằng: Thiên
Chúa cũng gọi anh chị em thành một phần tử của dân Ngài và Ngài làm điều ấy với
sự tôn trọng và tình yêu cao cả!
114. Là Hội Thánh có nghĩa là dân Thiên Chúa, phù hợp với kế
hoạch yêu thương cao cả của Chúa Cha. Điều ấy có nghĩa là làm men của Thiên
Chúa giữa nhân loại. Điều ấy có nghĩa là loan báo và mang ơn cứu độ của Thiên
Chúa vào thế giới của chúng ta, là thế giới thường bị lạc đường, cần những đáp
trả khuyến khích, đem lại cho nó can đảm, cho nó hy vọng và sinh lực mới trong
cuộc hành trình. Hội Thánh phải là nơi của lòng thương xót được ban cách nhưng
không, ở đó mọi người có thể cảm thấy được đón tiếp, yêu thương, tha thứ và
khuyến khích để sống một đời sống tốt đẹp của Tin Mừng.
Một dân có nhiều gương mặt
115. Dân Thiên Chúa này được nhập thể trong các dân tộc trên
thế gian, mỗi phần tử của nó có một nền văn hóa riêng. Khái niệm về văn hóa là
một công cụ có giá trị để hiểu những cách diễn tả khác nhau của đời sống Kitô hữu
hiện diện trong Dân Thiên Chúa. Nó liên quan đến lối sống của một xã hội nhất định,
bằng cách đặc biệt mà các thành viên của nó liên hệ với nhau, với các tạo vật
khác và với Thiên Chúa. Hiểu theo cách này, văn hóa bao gồm toàn thể cuộc đời của
một người. [84] Mỗi quốc gia, trong lịch sử phát triển của nó, phát triển nền
văn hóa riêng của mình với quyền tự chủ hợp pháp. [85] Điều này quy chiếu về xã
hội, nơi họ sống một cách cụ thể trong sự liên hệ của họ với thực tại. Con người
luôn luôn được đặt trong một nền văn hóa: “bản tính và văn hóa liên kết hết sức
chặt chẽ với nhau”. [87] Ân sủng đòi hỏi văn hóa, và hồng ân của Thiên Chúa được
nhập thể trong văn hóa của những người lãnh nhận nó.
116. Trong hai ngàn năm qua của Kitô giáo, nhiều người đã nhận
được ơn đức tin, họ đã làm cho đức tin này phát triển mạnh mẽ trong đời sống
hàng ngày của họ và truyền đạt nó theo những thể thức văn hóa riêng của họ. Khi
một cộng đồng đón nhận lời công bố ơn cứu độ, Chúa Thánh Thần làm cho nền văn
hóa của nó thêm phong phú bằng sức mạnh biến đổi của Tin Mừng. Do đó, như chúng
ta có thể nhìn thấy trong lịch sử Hội Thánh, Kitô giáo không có một mô hình văn
hóa duy nhất, nhưng trái lại, “vẫn hoàn toàn chân thật với chính mình, với lòng
trung thành không lay chuyển trong việc công bố Tin Mừng và truyền thống của Hội
Thánh, cũng mang lấy khuôn mặt của nhiều nền văn hóa và vô số dân tộc trong đó
nó được đón và bén rễ”. [88] Trong các dân tộc khác nhau đã kinh nghiệm hồng ân
của Thiên Chúa theo văn hóa của mình, Hội Thánh diễn tả Công Giáo tính đích thực
của mình và cho thấy “vẻ đẹp của khuôn mặt đa dạng này”. [89] Trong những cách
bày tỏ Kitô giáo của một dân đã được Phúc Âm hóa, Chúa Thánh Thần tô điểm Hội Thánh,
để lộ ra những khía cạnh mới của Mặc Khải của nó và ban cho nó một gương mặt mới.
Qua việc hội nhập văn hóa, Hội Thánh “giới thiệu các dân tộc, cùng với nền văn
hóa của họ, vào cộng đồng của mình”, [90] bởi vì “các giá trị và các hình thức
tích cực” mà mỗi nền văn hóa cung cấp “sẽ làm phong phú hơn nữa cách thức mà
Tin Mừng được rao giảng, được hiểu và được sống”. [91] Bằng cách này, “Hội
Thánh đón nhận những giá trị của các nền văn hóa khác nhau, và trở thành
‘sponsa ornata monilibus suis’, ‘nàng dâu trang điểm bằng đồ trang sức của
mình’ (Is 61:10)”. [92]
117. Nếu hiểu rõ, sự đa dạng về văn hóa không đe dọa sự hiệp
nhất của Hội Thánh. Chính Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Cha và Chúa Con sai đến,
là Đấng biến đổi tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta có thể bước vào sự hiệp
thông hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi mà tất cả tìm thấy sự hiệp nhất của
mình. Ngài xây dựng sự hiệp thông và hòa hợp của Dân Thiên Chúa. Chính Chúa
Thánh Thần là sự hòa hợp, chính Ngài mối dây liên kết yêu thương giữa Chúa Cha
và Chúa Con. [93] Chính Ngài là Đấng gây ra một sự phong phú đa dạng khác nhau
của các hồng ân, đồng thời xây dựng một sự hiệp nhất không bao giờ đồng nhất
nhưng hòa hợp đa dạng là điều có sức hấp dẫn. Việc loan báo Tin Mừng vui vẻ
nhìn nhận nhiều sự phong phú mà Chúa Thánh Thần làm phát sinh trong Hội Thánh.
Thật là bất công đối với luận lý của việc Nhập Thể khi nghĩ đến một Kitô giáo
đơn văn hóa (chỉ có một nền văn hóa) và đơn điệu. Trong khi đúng là có một số nền
văn hóa liên hệ chặt chẽ với việc rao giảng Tin Mừng và sự phát triển của tư tưởng
Kitô giáo, nhưng sứ điệp được mặc khải không đồng hóa với bất kỳ nền văn hóa
nào trong các nền văn hóa ấy và có một nội dung siêu văn hóa. Vì vậy, trong việc
Phúc Âm hóa các nền văn hóa mới hoặc các nền văn hóa chưa chấp nhận lời rao giảng
của Kitô giáo, chúng ta không cần phải áp đặt một hình thức văn hóa đặc thù,
cho dù nó có đẹp đẽ và cổ kính thế nào đi nữa, cùng với đề nghị về Tin Mừng. Sứ
điệp mà chúng ta công bố luôn luôn có một ít vỏ bọc văn hóa, nhưng đôi khi
trong Hội Thánh, chúng ta rơi vào tình trạng thần thánh hóa nền văn hóa riêng của
mình một cách vô ích, và với điều này chúng ta tỏ lộ lòng cuồng tín hơn là lòng
nhiệt thành truyền giáo chân chính.
118. Các Giám Mục Châu Đại Dương đã yêu cầu Hội Thánh “khai
triển một sự hiểu biết và trình bày chân lý của Đức Kitô khởi đầu từ truyền thống
và văn hóa của vùng”, cùng kêu gọi “tất cả các nhà truyền giáo làm việc trong sự
hòa hợp với các Kitô hữu bản xứ để đảm bảo rằng đức tin và đời sống của Hội
Thánh được diễn tả bằng những hình thức hợp pháp phù hợp với từng nền văn hóa”.
[94] Chúng ta không thể muốn mọi dân tộc của tất cả các châu lục, trong việc diễn
tả đức tin Kitô giáo, phải bắt chước các thể thức được chấp nhận bởi các dân tộc
Âu Châu ở một thời điểm trong lịch sử, bởi vì đức tin không thể bị đóng khung
trong phạm vi hiểu biết và diễn tả của một nền văn hóa cụ thể. [95] Chúng ta
không thể chối cãi được rằng một nền văn hóa không diễn tả hết nổi các mầu nhiệm
cứu chuộc của Đức Kitô.
Tất cả chúng ta là những môn đệ truyền giáo
119. Đối với tất cả những người đã được rửa tội, từ người đầu
đến người cuối, tác động của quyền năng thánh hóa của Chúa Thánh Thần thúc đẩy
họ rao giảng Tin Mừng. Dân Thiên Chúa là thánh vì việc xức dầu này làm cho họ
không thể sai lầm ““in credendo [trong đức tin]”. Điều này có nghĩa là khi toàn
thể Dân Thiên Chúa tin là mình không sai, cho dù họ không tìm thấy ngôn từ để
diễn tả đức tin của mình. Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ trong chân lý và đưa họ
đến ơn cứu độ. [96] Như một phần của mầu nhiệm yêu thương của Ngài dành cho
nhân loại, Thiên Chúa phú cho các tín hữu như một tổng thể một cảm thức đức tin
- sensus fidei - giúp họ phân biệt điều gì thực sự đến từ Thiên Chúa. Sự hiện
diện của Chúa Thánh Thần ban cho các Kitô hữu một sự đồng chúng (connaturalité)
với thực tại của Thiên Chúa và một sự khôn ngoan cho phép họ hiểu được những gì
trong trực giác, mặc dù không có cách thích hợp để thể diễn tả chúng một cách
chính xác.
120. Nhờ bí tích Rửa Tội mà họ đã lãnh nhận, mỗi phần tử của
Dân Thiên Chúa trở thành một môn đệ truyền giáo (x. Mt 28:19). Mọi người đã được
rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Hội Thánh và trình độ giáo dục đức tin của
họ, đều là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng, và thật là thiếu
sót khi nghĩ về một chương trình truyền giáo được thực hiện bởi các chuyên viên
có khả năng trong khi phần còn lại của các tín hữu chỉ là những người tiếp nhận
thụ động. Việc Tân Phúc Âm hóa liên quan đến vai trò tiên phong mới của từng
người đã được rửa tội. Xác tín này được biến đổi thành một lời kêu gọi trực tiếp
dành cho mọi Kitô hữu, bởi vì không ai được phép chối bỏ cam kết rao giảng Tin
Mừng, vì chưng nếu đã thực sự cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa là Đấng cứu
độ, thì người ta không cần nhiều thì giờ chuẩn bị để đi rao giảng, người ta
không thể chờ đợi để học được nhiều bài giảng dạy, hoặc những hướng dẫn dài
dòng. Mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo theo mức mức độ mà người ấy đã gặp gỡ
tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Chúa Giêsu Kitô; chúng ta không còn nói rằng
chúng ta là “môn đệ” và “nhà truyền giáo”, nhưng chúng ta luôn luôn là “môn đệ
- truyền giáo”. Nếu chúng ta không tin thì hãy nhìn vào các môn đệ đầu tiên, những
vị ngay lập tức, sau khi đã nhận được cái nhìn của Chúa Giêsu, đã đầy vui mừng
công bố, “Chúng tôi đã gặp Đấng Chịu Xức Dầu” (Ga 1:41). Người phụ nữ Samaria,
sau khi vừa nói chuyện với Chúa Giêsu xong, lập tức trở thành một nhà truyền
giáo, và nhiều người Samaria đã tin vào Chúa Giêsu “vì lời của người phụ nữ”
(Ga 4:39). Thánh Phaolô cũng thế, sau khi gặp gỡ Đức Chúa Giêsu Kitô, ngài “lập
tức rao giảng rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa” (Cv 9:20). Còn chúng ta, chúng
ta chờ đợi gì?
121. Đương nhiên là tất cả chúng ta đều được mời gọi để lớn
lên như những người rao giảng Tin Mừng. Đồng thời chúng ta cũng muốn được đào
luyện tốt hơn để đào sâu hơn tình yêu của mình và biết rõ ràng hơn về việc làm
nhân chứng cho Tin Mừng. Theo nghĩa này, tất cả chúng ta phải để cho người khác
liên tục Phúc Âm hóa mình, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải bỏ sứ
mệnh rao giảng Tin Mừng; nhưng tốt nhất là tìm cách truyền thông Chúa Giêsu ở bất
cứ hoàn cảnh nào của mình. Trong mọi trường hợp, chúng ta được mời gọi để làm
chứng cho những người khác một cách rõ ràng về tình yêu cứu độ của Chúa, là Đấng
bất chấp sự bất toàn của chúng ta, đã ban cho chúng ta sự gần gũi của Người, Lời
của Người, sức mạnh của Người, và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Con tim
anh chị em biết rằng đời sống sẽ rất khác nếu không có Người, vì vậy những gì
mà anh chị em khám phá ra, những gì giúp anh chị em sống và ban cho anh chị em
hy vọng, chính là những điều mà anh chị em cần phải truyền thông cho những người
khác. Sự bất toàn của chúng ta không phải là một lý do để thoái thác; trái lại,
việc truyền giáo là một kích thích liên tục để không chìm vào tình trạng tầm
thường và để tiếp tục lớn lên. Việc làm nhân chứng cho đức tin mà mỗi Kitô hữu
được mời gọi để thực hiện, ám chỉ một lời khẳng định, như Thánh Phaolô nói:
“Không phải như là tôi đã đạt được điều đó, hay đã nên hoàn thiện; nhưng tôi
đang cố gắng theo đuổi, để đạt cho kỳ được mục tiêu” (Phil 3:12-13).
Sức mạnh rao giảng Tin Mừng của những việc đạo đức phổ thông
122. Tương tự, chúng ta có thể nghĩ rằng các dân tộc khác
nhau, mà giữa họ Tin Mừng đã được hội nhập, là những chủ thể tập thể chủ động
hoặc những tác nhân của việc Phúc Âm hóa. Điều này xảy ra bởi vì mỗi dân tộc là
tác giả của nền văn hóa riêng của mình và là vai chính của lịch sử của nó. Văn
hóa là một điều gì năng động mà một dân tộc tái tạo liên tục, và mỗi thế hệ
truyền lại cho thế hệ sau một tổ hợp những thái độ và cách hành sử phức tạp
liên quan đến những hoàn cảnh khác nhau, mà người ta phải tái công thức hóa để
giải quyết những thách đố riêng của họ. Là con người có nghĩa là “vừa là con
cái vừa là cha mẹ của nền văn hóa mà trong đó mình chìm vào”. [97] Khi một dân
đã được Tin Mừng hội nhập, thì trong tiến trình truyền thụ văn hóa nó cũng truyền
thụ đức tin theo những cách thức luôn luôn mới mẻ; vì lý do ấy tầm quan trọng của
việc Phúc Âm hóa được hiểu như hội nhập văn hóa. Mỗi phần của Dân Chúa, qua việc
biến hồng ân của Thiên Chúa thành chính đời sống của họ theo sự thiên khiếu
riêng, làm chứng cho đức tin nhận được và phong phú hóa nó bằng những cách diễn
tả mới và hùng hồn. Người ta có thể nói rằng “dân ấy liên tục Phúc Âm hóa chính
mình”. [98] Ở đó tầm quan trọng đặc biệt là của những việc đạo đức phổ thông, sự
diễn tả đích thực của hoạt động truyền giáo bộc phát của Dân Thiên Chúa. Nó bắt
nguồn từ một thực tại đang phát triển thường trực, mà ở đó Chúa Thánh Thần là
tác nhân chính. [99]
123. Trong việc đạo đức phổ thông người ta có thể hiểu được
cách thức mà đức tin nhận được nhập thể trong một nền văn hóa và tiếp tục thông
truyền thế nào. Có một thời bị nhìn với sự nghi ngờ, việc đạo đức phổ thông đã
được lại đánh giá cao trong những thập niên sau Công Đồng. Chính Đức Phaolô VI
trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của ngài đã cung cấp một động lực quyết định
theo nghĩa này. Ngài giải thích rằng việc đạo đức phổ thông “tỏ lộ một sự khao
khát Thiên Chúa mà chỉ những người đơn thành và nghèo khổ mới có thể biết”
[100] và nó “làm cho con người có khả năng quảng đại và hy sinh thậm chí đến độ
anh hùng, khi nói đến việc bày tỏ đức tin.” [101] Gần chúng ta hơn, Đức
Bênêđictô XVI, khi nói về Châu Mỹ Latinh, đã vạch ra rằng đó là một “kho tàng
quý báu của Hội Thánh Công Giáo” và rằng nó “là linh hồn của các dân tộc Mỹ
Latinh”. [102]
124. Văn Kiện Aparecida mô tả sự phong phú mà Chúa Thánh Thần
khai triển trong việc đạo đức phổ thông với sáng kiến tự do của Ngài. Ở lục địa
thân yêu này, nơi mà nhiều Kitô hữu bày tỏ đức tin của mình qua việc đạo đức phổ
thông, các Giám Mục cũng gọi nó là “linh đạo phổ thông” hay “Thuyết thần bí dân
gian”. [103] Nó thật sự là “một linh đạo được nhập thể trong văn hóa của những
người đơn thành.” [104] Nó không phải là không có nội dung, nhưng là phát hiện
và diễn tả nội dung ấy qua các biểu tượng thay vì sử dụng công cụ lý luận, và
trong một hành động đức tin nhấn mạnh hơn vào credere in Deum (tin vào Thiên
Chúa) thay vì credere Deum (tin Thiên Chúa). [105] Đó là “một cách hợp pháp để
sống đức tin, một cách để cảm thấy là phần tử của Hội Thánh, và là những nhà
truyền giáo” [106] Nó mang theo nó ân sủng của việc là một nhà truyền giáo, đi
ra khỏi mình và làm những người hành hương: “Cùng nhau bước đến đền thờ và tham
gia vào các cách bày tỏ khác nhau của việc đạo đức phổ thông, trong khi cũng
đem theo các con em hoặc mời những người khác, tự nó là một hành động loan báo
Tin Mừng”. [107] Chúng ta đừng chế ngự cũng đừng tìm cách kiểm soát sức mạnh
truyền giáo này!
125. Để hiểu thực tại này chúng cần phải tiếp cận nó với cái
nhìn của Chúa Chiên Lành, là Đấng không tìm cách để phán xét, nhưng để yêu
thương. Chỉ từ tình cảm tiên thiên được phát sinh từ tình yêu mà chúng ta có thể
đánh giá cao đời sống thần học hiện diện trong việc đạo đức của các dân Kitô
giáo, đặc biệt là những người nghèo. Tôi nghĩ đến đức tin vững vàng của những
bà mẹ ở bên giường của một đứa con đang đau ốm trong tay nắm chặt một tràng hạt
Mân Côi, mặc dù chỉ thuộc qua loa những câu Kinh Tin Kính; hay đến tất cả hy vọng
trút xuống một ngọn nến được đốt trong một căn nhà khiêm tốn để cầu xin Đức Mẹ
giúp đỡ, hoặc trong những cái nhìn yêu mến sâu thẳm hướng về Đức Kitô Chịu Đóng
Đinh. Không có ai yêu dân thánh trung thành của Thiên Chúa mà nhìn những hành động
này như đơn thuần chỉ là việc tìm kiếm Thiên Chúa của con người. Chúng là những
biểu hiện của một cách sống thần học được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần là
Đấng đã tuôn đổ vào lòng chúng ta (x. Rm 5:5).
126. Trong việc đạo đức phổ thông, vì là kết quả của Tin Mừng
được hội nhập văn hóa, người ta tìm thấy một sức mạnh tích cực của việc Phúc Âm
hóa mà chúng ta không thể được đánh giá thấp: làm như thế là không nhận ra công
việc của Chúa Thánh Thần. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi để khuyến khích và
củng cố nó ngõ hầu đào sâu tiến trình hội nhập văn hoá là một thực tại không
bao giờ kết thúc. Những cách diễn tả của việc đạo đức phổ thông có nhiều điều để
dạy cho chúng ta, và đối với những người có thể đọc chúng, chúng là một nguồn của
thần học mà chúng ta phải chú ý đến, đặc biệt là khi chúng ta nghĩ về việc Tân
Phúc Âm hóa.
Giữa người với người
127. Giờ đây khi Hội Thánh muốn sống một sự đổi mới sâu xa về
truyền giáo, có một hình thức rao giảng thuộc về tất cả chúng ta như một bổn phận
hàng ngày. Đó là mang Tin Mừng đến cho những người mà chúng ta gặp, dù là những
người lân cận hoặc những người lạ. Đó là việc rao giảng không chính thức có thể
được thực hiện trong một cuộc trò chuyện và đó cũng là việc mà một nhà truyền
giáo làm khi đến thăm một gia đình. Là một môn đệ có nghĩa là lúc nào cũng sẵn
sàng để mang tình yêu của Chúa Giêsu đến cho người khác và điều này có thể xảy
ra đột xuất, ở bất cứ đâu, trên đường phố, nơi quảng trường, trong lúc làm việc,
trong một cuộc hành trình.
128. Trong việc giảng dạy này, là điều luôn luôn tôn trọng
và lịch sự, giây phút đầu tiên hệ tại một cuộc đối thoại cá nhân, trong đó người
kia diễn tả và chia sẻ niềm vui và hy vọng của họ với những quan tâm mà họ dành
cho những người thân yêu của họ cùng rất nhiều điều mà người ấy mang nặng trong
lòng. Chỉ sau cuộc đối thoại này, chúng ta mới có thể trình bày Lời Chúa cho họ,
hoặc bằng cách đọc một đoạn Thánh Kinh hoặc dưới hình thức một tường thuật,
nhưng luôn luôn nhắc lại sứ điệp căn bản: tình yêu của Thiên Chúa làm người, Đấng
đã hiến mình cho chúng ta và hằng sống, ban cho chúng ta ơn cứu rỗi và tình bằng
hữu của Người. Đây là lời công bố mà anh chị em chia sẻ với một thái độ khiêm tốn
và như lời chứng của một người luôn biết học hỏi, với ý thức rằng sứ điệp này
quá phong phú và quá thâm sâu đến nỗi nó luôn luôn vượt trên sự hiểu biết của
mình. Đôi khi nó được diễn tả một cách trực tiếp hơn, đôi khi qua một chứng từ
cá nhân, một câu chuyện, một cử chỉ, hay một hình thức mà Chúa Thánh Thần có thể
linh hứng trong một hoàn cảnh cụ thể. Nếu thận trọng và đúng điều kiện, thì tốt
nhất là cuộc gặp gỡ và truyền giáo huynh đệ này được kết thúc bằng một lời cầu
nguyện ngắn, liên hệ đến những quan tâm mà người ấy đã nói ra. Như thế, người ấy
sẽ cảm thấy rõ ràng hơn rằng mình được nghe và hiểu, rằng tình trạng của mình
đã được đặt trong bàn tay Thiên Chúa, và nhận ra rằng Lời Chúa thực sự nói với
cuộc đời của họ.
129. Đừng nghĩ rằng sứ điệp Tin Mừng phải luôn luôn được
truyền bằng những công thức nhất định và những lời chính xác diễn tả một nội
dung hoàn toàn không thay đổi. Nó được truyền lại dưới nhiều hình thức rất khác
nhau đến nỗi không thể mô tả hoặc phân loại nổi, và trong đó dân Thiên Chúa, với
nhiều cử chỉ và biểu hiệu của mình, là một chủ thể tập thể. Do đó, nếu Tin Mừng
được nhập thể trong một nền văn hóa, nó không còn chỉ được truyền thụ qua việc
loan báo từ người sang người khác. Điều này phải làm cho chúng ta nghĩ rằng, ở
các nước mà Kitô giáo là thiểu số, cũng như để khuyến khích tất cả những người
đã được rửa tội rao giảng Tin Mừng, các Hội Thánh địa phương cần tích cực thúc
đẩy các hình thức hội nhập văn hóa, ít ra là lúc ban đầu. Cuối cùng, điều mà
chúng ta phải nhắm đến là Tin Mừng, một khi được rao giảng bằng những loại rao
giảng thích hợp với mỗi nền văn hóa, sẽ tạo ra một tổng hợp mới với nền văn hóa
ấy. Mặc dù tiến trình này luôn chậm, đôi khi sợ hãi làm chúng ta quá tê liệt. Nếu
chúng ta cho phép nghi ngờ và sợ hãi bóp nghẹt sự mạnh dạn của mình, thì điều
có thể xảy ra là, thay vì sáng tạo, chúng ta chỉ đơn thuần nghỉ thoải mái mà
không đạt được bất kỳ một tiến bộ nào, và nếu như thế, chúng ta sẽ không còn là
những người tham gia vào tiến trình lịch sử với sự hợp tác của mình, nhưng chỉ
đơn thuần là những khán giả của một tình trạng đình trệ cằn cỗi của Hội Thánh.
Đặc sủng để phục vụ sự hiệp thông truyền giáo
130. Chúa Thánh Thần cũng phong phú hóa toàn thể Hội Thánh
rao giảng Tin Mừng với những đặc sủng khác nhau. Những đặc sủng này là những hồng
ân để canh tân và xây dựng Hội Thánh. [108] Chúng không phải là một tài sản bị
khóa chặt và được trao cho một nhóm nhỏ để bảo vệ; trái lại, chúng là quà tặng
của Chúa Thánh Thần được tháp nhập vào thân thể của Hội Thánh, được thu hút về
trung tâm là Đức Kitô, từ đó chuyển thành động lực của việc Phúc Âm hóa. Một dấu
chỉ rõ ràng về tính xác thực của một đặc sủng là bản chất Hội Thánh của nó, khả
năng tháp nhập một cách nhịp nhàng vào đời sống dân thánh của Thiên Chúa vì lợi
ích của mọi người. Một tính mới mẻ thật sự được tác động bởi Chúa Thánh Thần mà
không cần che khuất các hình thức linh đạo và hồng ân khác để mình được chứng tỏ.
Một đặc sủng càng hướng về trọng tâm của Tin Mừng thì việc thực thi nó sẽ càng
có tính Hội Thánh. Chính trong sự hiệp thông, dù thật khó khăn, mà một đặc sủng
được chứng tỏ là chân chính và sinh hoa quả nhiệm mầu. Nếu Hội Thánh sống thách
đố này, nó có thể là một khuôn mẫu cho hòa bình trên thế giới.
131. Sự khác nhau giữa dân chúng và cộng đồng đôi khi có vẻ
phiền toái, nhưng Chúa Thánh Thần, Đấng tạo nên sự đa dạng này, có thể rút ra từ
tất cả mọi sự một điều gì tốt và biến nó thành động năng truyền giáo có sức hấp
dẫn. Sự đa dạng luôn luôn phải được điều hòa bởi sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần;
chỉ có Ngài mới có thể gây ra sự đa dạng, đa số, vô số và đồng thời thực hiện
được sự hiệp nhất. Ngược lại, khi chúng ta tìm sự đa dạng, chúng ta khóa mình
trong chủ thuyết đặc thủ và chủ thuyết độc quyền của mình, cho nên chúng ta chỉ
gây ra chia rẽ. Tương tự, khi chúng ta muốn xây dựng sự hiệp nhất với những kế
hoạch nhân loại của mình, chúng ta chỉ áp đặt trên người khác tính thống nhất
và sự phê chuẩn của mình. Điều này không giúp gì được việc truyền giáo của Hội
Thánh.
Văn hóa, tư tưởng và giáo dục
132. Rao giảng cho nền văn hóa cũng có nghĩa là rao giảng
cho những nghành văn hóa chuyên nghiệp, khoa học và học thuật. Đây là cuộc gặp
gỡ giữa đức tin, lý trí và khoa học, nhằm mục đích phát triển những luận chứng
mới về sự đáng tin cậy và hộ giáo ban đầu [109] giúp tạo ra các quy tắc cho một
Tin Mừng được lắng nghe bởi tất cả mọi người. Khi một số loại lý lẽ và khoa học
được chấp nhận trong việc công bố sứ điệp, các loại này cùng trở thành công cụ
truyền giáo; như nước biến thành rượu. Bất cứ điều gì, một khi được xử dụng,
không chỉ được cứu chuộc, mà còn trở thành một công cụ của Chúa Thánh Thần để
soi sáng và đổi mới thế giới.
133. Việc người rao giảng Tin Mừng bận tâm đến việc gặp mọi
người thì chưa đủ, ngay cả khi Tin Mừng được công bố cho các nền văn hóa như một
tổng thể, thần học - không chỉ thần học mục vụ - trong cuộc đối thoại với các
khoa học khác và kinh nghiệm của con người, rất quan trọng để suy nghĩ về việc
làm thế nào để truyền đạt đề nghị của Tin Mừng cho những bối cảnh văn hóa và
các nhóm người nhận khác nhau. [110] Hội Thánh, tham gia vào việc Phúc Âm hóa,
đánh giá cao và khuyến khích đặc sủng của các nhà thần học và các nỗ lực của họ
trong việc nghiên cứu thần học, cổ võ việc đối thoại với thế giới văn hóa và
khoa học. Tôi kêu gọi các nhà thần học, thi hành tác vụ này như một phần của sứ
mệnh cứu độ của Hội Thánh. Tuy nhiên, trong khi làm như thế, họ luôn phải nhớ rằng
Hội Thánh và thần học hiện hữu để truyền giáo, chứ không chỉ hài lòng với một
thần học bàn giấy.
134. Các trường đại học là một môi trường đặc biệt để suy
nghĩ về phát triển về dấn thân này cho việc loan báo Tin Mừng bằng một cách tiếp
cận liên ngành và dung hợp. Các trường Công Giáo, luôn luôn cố gắng kết hợp
công tác giáo dục với việc công bố Tin Mừng cách rõ ràng, là một đóng góp rất
có giá trị cho việc Phúc Âm hóa nền văn hóa, ngay cả trong các quốc gia và
thành phố nơi mà một tình hình bất lợi thúc đẩy chúng ta sử dụng óc sáng tạo để
tìm ra những cách thức phù hợp. [111]
II. Bài giảng
135. Giờ đây chúng ta hãy xét đến việc giảng dạy trong phụng
vụ, là điều đòi hỏi các mục tử phải cẩn thận xem xét. Tôi sẽ đặc biệt chú ý, thậm
chí một cách hơi tỉ mỉ, đến bài giảng và việc chuẩn bị nó, bởi vì có rất nhiều
người than phiền vì tác vụ quan trọng này và chúng ta không thể bịt tai lại.
Bài giảng là tiêu chuẩn để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của một
mục tử với dân mình. Thực ra, chúng ta biết rằng các tín hữu rất coi trọng bài
giảng; và họ cũng như chính những thừa tác viên có chức thánh, cả người nghe lẫn
người giảng, thường bị thiệt thòi (vì những bài giảng thiếu chất lượng). Thật
đáng buồn khi điều này xảy ra. Bài giảng có thể thực sự là một kinh nghiệm mãnh
liệt và hạnh phúc về Chúa Thánh Thần, một cuộc gặp gỡ an ủi với Lời Chúa, một
nguồn mạch không ngừng của việc canh tân và tăng trưởng.
136. Chúng ta hãy phục hồi lòng tin tưởng của mình trong việc
giảng dạy, dựa trên xác tín rằng Chính Thiên Chúa, Đấng muốn đi đến với con người
qua các nhà thuyết giảng và rằng Ngài sẽ bày tỏ quyền năng của Ngài qua các lời
của loài người. Thánh Phaolô nói một cách mạnh mẽ về sự cần thiết phải rao giảng,
vì Chúa muốn đến với những người khác bằng lời của chúng ta (x. Rm 10:14-17). Với
Lời Người, Chúa đã chinh phục được quả tim của dân chúng. Họ đã đến tù khắp nơi
để nghe Người (x. Mc 1:45). Họ đã kinh ngạc “uống” giáo huấn của Người (x. Mc
6:2). Họ cảm thấy Người nói với uy quyền (x. Mc 1:27). Bằng lời của mình, các
Tông Đồ, là những người mà Đức Kitô đã thiết lập “để ở với Người và được sai đi
rao giảng” (Mc 3:14), đã kéo mọi dân tộc vào Hội Thánh (x. Mc 16:15,20).
Bối cảnh phụng vụ
137. Giờ đây chúng ta cần phải nhớ rằng “việc công bố Lời
Chúa trong phụng vụ, đặc biệt là trong bối cảnh của cộng đồng Thánh Thể, phải
như một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài hơn là một thời điểm để suy
niệm và dạy giáo lý, một cuộc đối thoại mà trong đó những kỳ công cứu độ được
công bố và những đòi hỏi của Giao Ước được liên tục lặp lại”. [112] Bài giảng
có một giá trị đặc biệt vì phát sinh từ bối cảnh Thánh Thể, là điều làm cho nó
vượt trên mọi hình thức dạy giáo lý bởi vì nó là một cuộc đối thoại tuyệt vời
nhất giữa Thiên Chúa và dân Ngài, trước khi hiệp thông Bí Tích. Bài giảng một lần
nữa tiếp tục cuộc đối thoại đã được mở ra giữa Chúa và dân Ngài. Nhà thuyết giảng
phải biết trọng tâm của cộng đồng của mình để nhận ra lòng ao ước Thiên Chúa sống
động và mãnh liệt ở đâu, và thậm chí một cuộc đối thoại thoại yêu thương như vậy
đã bị bóp nghẹt hoặc không thể sinh hoa kết quả ở chỗ nào.
138. Bài giảng không thể là một hình thức giải trí, như được
trình bày trên các phương tiện truyền thông, nhưng phải đem lại sự nhiệt thành
và ý nghĩa cho buổi lễ. Nó là một loại đặc biệt, vì nó là giảng dạy trong khuôn
khổ của một cuộc cử hành phụng vụ; do đó cần phải ngắn gọn và tránh làm cho nó
có vẻ như một bài diễn văn hoặc một bài thuyết trình. Một nhà thuyết giảng có
thể giữ được sự chú ý của quần chúng trong một giờ, như thế lời của ông trở nên
quan trọng hơn việc cử hành đức tin. Nếu bài giảng kéo dài quá lâu, nó sẽ ảnh
hưởng đến hai đặc tính của việc cử hành phụng vụ: sự hòa hợp giữa các phần của
phụng vụ và nhịp điệu của phụng vụ. Khi giảng dạy được thực hiện trong bối cảnh
phụng vụ, nó hợp thành một phần của Lễ Vật dâng lên Chúa Cha, và như trung gian
của ân sủng mà Đức Kitô đổ ra trong buổi Cử Hành. Cùng bối cảnh này đòi hỏi bài
giảng phải hướng dẫn cộng đồng, và ngay cả nhà thuyết giảng, đến sự hiệp thông
với Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, là Đấng biến đổi cuộc sống. Điều này đòi
hỏi lời của nhà thuyết giảng không được chiếm quá nhiều không gian, để Chúa có
thể tỏa sáng nhiều hơn nhà thuyết giảng.
Một cuộc nói chuyện của một người mẹ
139. Chúng tôi đã nói rằng Dân Thiên Chúa, qua sự tác động
liên tục của Chúa Thánh Thần ở trong họ, không ngừng Phúc Âm hóa chính mình.
Xác tín này có ý nói gì với nhà thuyết giảng? Nó nhắc nhở chúng ta rằng Hội
Thánh là mẹ và giảng cho dân như một người mẹ nói chuyện với con mình, biết rằng
đứa con tin rằng tất cả những gì mẹ dạy là vì muốn điểu tốt cho mình vì nó biết
rằng mẹ yêu thương mình. Hơn nữa, một người mẹ tốt có thể nhận ra tất cả những
gì Thiên Chúa đã gieo trồng trong con mình, lắng nghe những quan tâm của nó và
học hỏi từ nó. Tinh thần yêu thương ngự trị trong một gia đình hướng dẫn cả mẹ
lẫn con trong cuộc đối thoại của họ, ở đó người ta dạy và học, sửa chữa và đề
cao những điều tốt. Điều tương tự cũng xảy ra trong bài giảng. Cùng một Chúa
Thánh Thần, Đấng linh hứng các sách Tin Mừng và hoạt động trong dân Thiên Chúa,
cũng linh hứng chúng ta để lắng nghe đức tin của dân và giảng thế nào trong mỗi
Thánh Thể. Do đó, bài giảng Kitô giáo tìm thấy ở trung tâm của nền văn hóa của
dân chúng một nguồn nước hằng sống, là điều giúp cho nhà thuyết giảng biết phải
nói gì và tìm cách thích hợp để nói. Cũng như tất cả chúng ta đều thích được
người khác nói với mình bằng tiếng mẹ đẻ của mình, vì vậy trong đức tin, chúng
ta cũng muốn người ta nói bằng thuật ngữ của “văn hóa của mẹ”, bằng thổ ngữ của
mẹ (x. 2 Mac 7:21, 27), và quả tim chúng ta sẵn sàng lắng nghe hơn. Ngôn ngữ
này là một âm điệu truyền lòng dũng cảm, sự hứng khởi, sức mạnh và sự thúc đẩy.
140. Lãnh vực mẹ và Hội Thánh này, trong đó cuộc đối thoại
giữa Chúa với dân Ngài xảy ra, phải được khuyến khích và nuôi dưỡng bởi sự gần
gũi của nhà thuyết giảng, sự ấm áp của giọng nói, sự dịu dàng của cách nói, niềm
vui của những cử chỉ của ngài. Ngay cả trong những trường hợp bài giảng có vẻ một
chút thiếu hấp dẫn, nếu người nghe cảm nhận được tinh thần mẫu tử và Hội Thánh
này, thì vẫn luôn luôn có kết quả, như những lời khuyên nhàm chán của một bà mẹ
mang lại kết quả với thời gian trong lòng con cái.
141. Người ta phải ngưỡng mộ những phương tiện mà Chúa sử dụng
để đối thoại với dân chúng của Người, để mặc khải mầu nhiệm của Người cho mọi
người, để thu hút những người đơn thành với những giáo huấn quá cao vời và quá
đòi hỏi của Người. Tôi tin rằng bí mật được giấu trong cái nhìn của Chúa Giêsu
đối với dân chúng, vượt trên những yếu đuối và sa ngã của họ: “Hỡi đàn chiên bé
nhỏ, đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban Nước Trời cho các con” (Lc 12:32);
Chúa Giêsu đã rao giảng với tinh thần ấy. Tràn đầy niềm vui trong Chúa Thánh Thần,
Người chúc tụng Chúa Cha là Đấng đã kéo những người bé nhỏ lại: “Lạy Cha là
Chúa Tể trời đất, Con chúc tụng Cha vì Cha đã giấu không cho các người khôn
ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải chúng cho những người
bé mọn” (Lc 10:21). Chúa thực sự vui lòng với cuộc đối thoại với dân của Người,
và nhà thuyết giảng phải làm cho người ta cảm nhận được niềm vui này của Chúa.
Những lời đốt cháy lòng người
142. Một cuộc đối thoại còn nhiều hơn là chỉ thông truyền
chân lý. Nó được thực hiện bởi sự hứng thú khi nói và vì lợi ích cụ thể được
truyền thông giữa những người thích nhau qua lời nói. Đây là một điều tốt lành
không hệ tại ở các sự vật, nhưng ở những người chia sẻ với nhau trong cuộc đối
thoại. Một bài giảng thuần túy về luân lý hoặc về tín lý, cũng như một bài giảng
trở thành một bài thuyêt trình về chú giải Thánh Kinh, làm giảm bớt sự truyền
thông giữa các tâm hồn. Sự truyền thong này xảy ra trong bài giảng và có một
tính cách hầu như bí tích: “Đức tin có được là nhờ nghe, mà nghe là nghe rao giảng
lời Ðức Kitô” (Rm 10:17). Trong bài giảng, chân lý được đi kèm với sự thiện và
mỹ. Đây không phải là chân lý trừu tượng hay suy diễn lạnh lùng, bởi vì nó cũng
truyền đạt vẻ đẹp của hình ảnh mà Chúa sử dụng để khuyến khích người ta làm điều
tốt. Ký ức của các tín hữu, giống như của Đức Mẹ Maria, phải tràn đầy những điều
kỳ diệu của Thiên Chúa. Được mở ra cho niềm hy vọng về một thực hành hân hoan
và khả năng yêu thương được rao giảng, tâm hồn họ cảm thấy rằng từng Lời trong
Thánh Kinh trước hết là một hồng ân, trước khi là một đòi hỏi.
143. Thách đố của một bài giảng được hội nhập văn hóa hệ tại
việc công bố một tổng hợp của sứ điệp Tin Mừng, chứ không phải những ý tưởng hoặc
những giá trị rời rạc. Tổng hợp của chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta ở đó. Sự
khác biệt giữa việc làm sáng tỏ một tổng hợp với việc làm sáng tỏ những ý tưởng
rời rạc nhau cũng giống như giữa sự buồn tẻ và lòng nhiệt thành của tâm hồn.
Nhà thuyết giảng có sứ vụ đẹp nhất và khó khăn nhất là kết hợp những trái tim
thân yêu: đó là trái tim của Chúa và những trái tim của dân Người. Cuộc đối thoại
giữa Thiên Chúa và dân Người làm cho Giao Ước giữa hai bên càng thêm vững chắc
và củng cố mối dây bác ái. Trong lúc nghe giảng, trái tim của các tín hữu im lặng
để nghe Chúa nói. Chúa và dân Người trực tiếp nói với nhau bằng hàng ngàn cách
mà không cần trung gian. Tuy nhiên, trong bài giảng, họ muốn có một người khác
phục vụ như một công cụ và diễn tả những cảm xúc của họ, để sau đó mỗi người có
thể chọn cách tiếp tục cuộc nói chuyện. Lời Chúa tự bản chất là một trung gian
và đòi hỏi không những chỉ có hai người đối thoại với nhau mà còn một nhà thuyết
giảng đại diện, tôi tin rằng “chúng tôi không rao giảng chính mình, nhưng rao
giảng Ðức Giêsu Kitô là Chúa; còn chúng tôi chỉ là đầy tớ của anh em vì Chúa
Giêsu” (2 Cor 4:5).
144. Nói chuyện bằng trái tim không những chỉ có nghĩa là giữ
cho nó rực cháy, nhưng còn cho nó được chiếu sáng bởi sự toàn vẹn của Mặc Khải
và bởi con đường mà Lời Chúa đã hành trình trong lòng Hội Thánh và của dân
trung thành của chúng ta trong suốt dòng lịch sử. Căn tính Kitô giáo này, như
cái ôm lúc rửa tội mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta khi còn nhỏ, làm cho chúng
ta ao ước, như những đứa con phung phí - và những đứa con yêu của Đức Mẹ – một
cái ôm khác, của Cha nhân từ là Đấng đang chờ đợi chúng ta trong vinh quang. Việc
giúp cho dân của chúng ta cảm thấy rằng họ đang sống giữa hai cái ôm này là một
nhiệm vụ khó khăn nhưng đẹp đẽ của những người giảng Tin Mừng.
III. Việc soạn bài giảng
145. Việc chuẩn bị bài giảng là một nhiệm vụ rất quan trọng
nên phải dành nhiều thì giờ để học hỏi, cầu nguyện, suy niệm và sáng tạo mục vụ.
Với lòng trìu mến, tôi muốn đề ra một cách soạn bài giảng. Có những dấu hiệu
cho thấy một số điều có vẻ hiển nhiên, nhưng tôi yêu cầu các nhà thuyết giảng
nhớ dành một thì giờ ưu tiên cho mục vụ cao quý này. Một số mục tử thường cho rằng
việc chuẩn bị này không thể được vì họ có quá nhiều nhiệm vụ phải chu toàn. Tuy
nhiên, tôi mạo muội yêu cầu quý cha mỗi tuần dành riêng một phần thì giờ cá
nhân và cộng đồng đủ dài cho công tác này, thậm chí nếu cần thì phải bớt thì giờ
cho nhưng công tác khác, mặc dù quan trọng. Lòng tín thác vào Chúa Thánh Thần,
Đấng hoạt động trong bài giảng không chỉ đơn thuần thụ động, mà tích cực và và
sáng tạo. Nó liên quan đến việc chúng ta hiến mình như một công cụ (x. Rm 12:1)
với tất cả kỹ năng của mình để có thể được Thiên Chúa sử dụng. Một mục tử không
chuẩn bị thì không “thuộc về tinh thần”; mục tử ấy bất hảo và vô trách nhiệm đối
với những hồng ân mà mình đã nhận được.
Việc tôn sùng chân lý
146. Bước thứ nhất, sau khi đã cầu khẩn Chúa Thánh Thần, là
hoàn toàn chú ý vào bản văn Thánh Kinh, điều này phải là nền tảng của việc giảng
dạy. Khi một người tập trung để cố gắng hiểu sứ điệp của văn bản là gì, là người
ấy thực hành “việc tôn sùng chân lý”. [113] Đó là sự khiêm tốn của tâm hồn,
nhìn nhận rằng Lời Chúa luôn luôn siêu vượt chúng ta, rằng chúng ta không phải
là “những vị thầy, cũng không phải là chủ nhân, nhưng là những người quản thủ,
những người loan tin và những người phục vụ”. [114] Thái độ cung kính khiêm tốn
và kinh ngạc về Lời Chúa được thể hiện trong việc bỏ thì giờ ra để nghiên cứu một
cách cẩn thận và với một lòng kinh sợ thánh thiện để khỏi giải thích sai lạc. Để
giải thích một bản văn Thánh Kinh, chúng ta cần phải kiên nhẫn, gạt hết mọi ưu
tư ra ngoài, và dành thì giờ cho nó, thích thú và hiến thân cách nhưng không.
Chúng ta cần phải đặt bất kỳ bận tâm nào ám ảnh mình sang một bên để tạo ra một
bầu khí trầm lặng cho việc tập trung tư tưởng. Thật là vô ích để đọc một bản
văn Thánh Kinh nếu chúng ta muốn có kết quả nhanh chóng, dễ dàng hoặc tức thì.
Vì vậy, việc soạn bài giảng đòi hỏi phải có tình yêu. Người ta chỉ bỏ thì giờ
không công và không vội vàng cho những sự việc hay những người mình yêu; và ở
đây là tình yêu Thiên Chúa, Đấng muốn nói với chúng ta. Vì tình yêu này, cần
bao nhiêu thì giờ thì chúng ta có thể bỏ ra bấy nhiêu, với thái độ của người
môn đệ, “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1 Sam 3:9).
147. Trước hết, chúng ta phải chắc chắn rằng mình hiểu đúng
ý nghĩa của những lời mà mình đọc. Tôi muốn nhấn mạnh vào một điều có vẻ hiển
nhiên nhưng không phải là chúng ta luôn luôn nhớ: bản văn Thánh Kinh mà chúng
ta nghiên cứu đã có từ hai ngàn hay ba ngàn năm, ngôn ngữ của nó rất khác với
ngôn ngữ chúng ta sử dụng ngày nay. Nhiều khi chúng ta dường như hiểu những từ
ngữ được dịch sang ngôn ngữ của mình, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta
hiểu đúng những gì các Thánh Ký có ý nói. Những phương tiện khác nhau được khoa
phân tích văn học cung cấp thì ai cũng biết: chú ý đến các từ ngữ được lặp đi lặp
lại hoặc nổi bật, nhận ra cấu trúc và động năng riêng của một văn bản, xem xét
vai trò mà các nhân vật đóng, vv.... Nhưng mục tiêu không phải là để hiểu tất cả
những chi tiết nhỏ của một văn bản, điều quan trọng nhất là tìm ra sứ điệp
chính là gì, điều gì cho bản văn cấu trúc và sự thống nhất của nó. Nếu nhà giảng
thuyết không thực hiện cố gắng này, thì có thể bài giảng sẽ thậm chí không có sự
thống nhất và thứ tự; bài nói chuyện của người ấy sẽ chỉ là một tổng hợp của
nhiều ý tưởng rời rạc mà không đánh động được ai. Sứ điệp chính là điều tác giả
muốn truyền đạt trước hết, nó liên hệ không những chỉ đến việc nhận ra một ý tưởng,
nhưng còn hiệu quả mà tác giả ấy muốn tạo ra. Nếu một bản văn được viết để an ủi,
thì không được sử dụng nó để sửa lỗi; nếu nó được viết để khuyên nhủ, thì không
được sử dụng nó để hướng dẫn; nếu nó được viết để dạy chúng ta một điều gì về
Thiên Chúa, thì không được sử dụng nó để giải thích những tư tưởng thần học
khác nhau; nếu nó được viết để biện minh cho những lời chúc tụng hoặc công việc
truyền giáo, thì đừng sử dụng để nói về những tin tức thời sự.
148. Tất nhiên là để hiểu đầy đủ ý nghĩa của sứ điệp chính của
một bản văn, thì cần phải đặt nó trong mối liên hệ với giáo huấn của toàn bộ
Thánh Kinh như được truyền lại qua Hội Thánh. Đây là một nguyên tắc quan trọng
trong việc giải thích Thánh Kinh, vì nhận ra rằng Chúa Thánh Thần đã không linh
hứng chỉ một phần, mà toàn bộ Thánh Kinh, và rằng trong một số vấn đề, dân
chúng lớn lên trong sự hiểu biết của mình về Thánh Ý Thiên Chúa từ những kinh
nghiệm sống. Bằng cách này chúng ta tránh giải thích sai hoặc không đầy đủ, là
điều mâu thuẫn với các giáo huấn khác của Thánh Kinh. Nhưng điều này không có
nghĩa là làm suy yếu điểm nổi bật thích hợp và đặc biệt của bản văn mà chúng ta
phải giảng. Một trong những thiếu sót của một bài giảng tẻ nhạt và không hiệu
quả là người giảng không có khả năng truyền thụ sức mạnh riêng của bản văn mà
mình công bố.
Việc cá nhân hóa Lời Chúa
149. Nhà thuyết giảng “trước hết phải phát triển một sự quen
thuộc rộng rãi với Lời Chúa. Kiến thức về bình diện ngữ học và chú giải, mặc dù
cần thiết, nhưng chưa đủ. Họ cần phải tiếp cận Lời Chúa bằng một tâm hồn ngoan
ngoãn và cầu nguyện, ngõ hầu Lời Chúa thấm sâu vào những suy nghĩ và cảm xúc của
họ cùng phát sinh nơi họ một não trạng mới”. [115] Tốt hơn cho chúng ta là lập
lại mỗi ngày, mỗi Chúa Nhật, nhiệt tình của mình trong việc soạn bài giảng, và
kiểm chứng lại xem tình yêu Lời Chúa mà chúng ta giảng có lớn lên trong chính
mình chúng ta không. Chúng ta cũng đừng quên rằng “đặc biệt, sự thánh thiện nhiều
hay ít của thừa tác viên có ảnh hưởng thực sự đến việc rao giảng Lời Chúa”.
[116] Như Thánh Phaolô quả quyết: “chúng tôi rao giảng, không phải để đẹp lòng
người ta, mà để đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng thử thách lòng chúng tôi” (1 Thes
2:4). Nếu chúng ta có một ao ước sống động là người đầu tiên nghe Lời Chúa mà
chúng ta phải giảng, thì điều này sẽ chắc chắn được truyền cách này hay cách
khác đến Dân Thiên Chúa: “Vì có đầy tràn trong lòng, thì miệng mới nói ra” (Mt
12:34). Các bài đọc Chúa Nhật sẽ vang vọng với tất cả vẻ huy hoàng của chúng
trong tâm hồn dân chúng, nếu trước hết được vang vọng trong tâm hồn của Mục Tử.
150. Chúa Giêsu đã tức giận trước với những người tự nhận là
thầy, là những kẻ khó khăn với những người khác khi dạy Lời Chúa, nhưng không để
cho chính mình được soi sáng bởi Lời ấy: “họ bó những gánh nặng nề, khó mà vác
nổi, và chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại chẳng động một ngón tay
nào vào”(Mt 23:04). Thánh Tông Đồ Giacôbê kêu gọi: “Thưa anh em, đừng có nhiều
người muốn làm thầy, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn”
(Gb 3:1). Bất cứ ai muốn giảng, trước hết phải sẵn sàng để được đánh động bởi Lời
Chúa và làm cho Lời ấy nhập thể trong cuộc sống cụ thể của mình. Bằng cách này,
việc giảng dạy sẽ hệ tại hoạt động ấy, rất mãnh liệt và hiệu quả, đó là “truyền
đạt cho những người khác điều mà mình đã chiêm niệm”. [117] Vì tất cả những điều
này, trước khi chuẩn bị một cách cụ thể những gì chúng ta sẽ nói trong việc giảng
dạy, chúng ta phải chấp nhận bị thương trước hết bởi Lời ấy, là Lời sẽ làm cho
những người khác bị thương, vì đó là một Lời hằng sống và linh nghiệm, như một
lưỡi gươm “xuyên qua giữa linh hồn và thần trí; gân và tủy, và có thể phân biệt
các toan tính và suy tư của lòng người” (Dt 4:12). Điều này rất quan trọng
trong mục vụ. Ngay cả trong thời đại này, người ta thích nghe các nhân chứng: họ
“khao khát sự xác thực [...] đòi các nhà truyền giáo phải nói về một Thiên Chúa
mà chính mình biết và quen thuộc với, như thể họ thấy Đấng vô hình”. [118]
151. Không ai đòi buộc chúng ta phải hoàn toàn thanh khiết,
nhưng đúng hơn là chúng ta phải luôn luôn lớn lên, sống ước muốn thâm sâu để tiến
triển trên con đường Tin Mừng, và không cho phép mình sa ngã. Điều quan trọng
là nhà thuyết giảng phải chắc chắn rằng Thiên Chúa yêu thương mình, rằng Đức
Chúa Giêsu Kitô đã cứu mình, rằng tình yêu của Người luôn luôn là tiếng nói quyết
định. Trước vẻ đẹp như thế, chúng ta thường cảm thấy rằng cuộc sống của mình đã
không làm vinh danh Người cách trọn vẹn và muốn chân thành đáp lại cách tốt hơn
một tình yêu cao cả như vậy. Nhưng nếu chúng ta không dừng lại để lắng nghe Lời
Chúa với tấm lòng cởi mở chân thành, nếu chúng ta không để cho Lời ấy chạm vào
cuộc sống của mình, chất vấn mình, khuyên nhủ mình, lay chuyển mình, nếu chúng
ta không dành thời giờ để cầu nguyện bằng Lời Chúa, thì chúng ta sẽ là những
tiên tri giả, những kẻ lừa đảo hoặc giả mạo trống rỗng. Trong mọi trường hợp, bắt
đầu với việc công nhận sự nghèo nàn của mình và ước muốn dấn thân nhiều hơn nữa,
chúng ta có thể luôn luôn ban tặng Đức Chúa Giêsu Kitô, như Thánh Phêrô nói:
“Tôi không có bạc hay vàng; nhưng điều tôi có thì tôi cho anh” (Cv 3:6). Chúa
muốn sử dụng chúng ta như những tạo vật sống động, tự do và có óc sáng tạo, những
người tự để cho mình được xuyên qua bằng Lời của Người trước khi truyền thông
nó; sứ điệp của Người phải thực sự đi qua các nhà thuyết giảng, nhưng không chỉ
qua lý trí, mà qua việc sở hữu toàn thể con người. Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng
Lời Chúa, chính là Đấng “Ngày nay, giống như thủa ban đầu của Hội Thánh, hoạt động
trong mọi nhà truyền giáo là những người để cho mình được Ngài sở hữu và dẫn đường,
cùng đặt trong miệng họ những ngôn từ mà chỉ Ngài mới có thể tìm thấy được”.
[119]
Việc đọc sách thiêng liêng
152. Có một cách cụ thể để lắng nghe điều Chúa muốn nói với
chúng ta trong Lời của Người và được biến Thánh Thần của Người đổi. Và đó là điều
mà chúng ta gọi là “lectio divina”. Nó bao gồm việc đọc Lời Chúa để nội tâm hóa
trong lúc cầu nguyện để cho Lời ấy soi sáng và đổi mới chúng ta. Việc đọc Thánh
Kinh trong cầu nguyện này không phải là điều tách rời khỏi việc học hỏi các nhà
giảng thuyết, được thực hiện để xác định sứ điệp chính của bản văn; trái lại,
phải bắt đầu từ đó, để cố gắng khám phá điều mà chính sứ điệp nói với đời sống
của mình. Việc đọc sách thiêng liêng của một văn bản phải bắt đầu từ nghĩa đen
của nó. Nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng làm cho văn bản nói những gì chúng ta
nghĩ là thuận tiện, những gì xác nhận những quyết định có trước của mình, thích
nghi với tư duy của mình. Điều này, cuối cùng, sẽ như sử dụng một sự gì thánh để
tìm tư lợi và chuyển sự mơ hồ như thế sang dân Thiên Chúa. Đừng bao giờ quên rằng
đôi khi “ngay cả Satan cũng cải trang thành một thiên thần ánh sáng” (2 Cor
11:14).
153. Trong sự hiện diện của Thiên Chúa, khi bình tĩnh đọc bản
văn, thật tốt để chúng ta hỏi, chẳng hạn như: “Lạy Chúa, bản văn này nói gì với
con? Chúa muốn con thay đổi điều gì trong đời con với sứ điệp này? Điều gì làm
tôi khó chịu trong văn bản này? Tại sao tôi không quan tâm đến điều này?” Hoặc,
“Tôi thích gì, điều gì thúc đẩy tôi trong Lời này? Điều gì thu hút tôi? Tại sao
nó thu hút tôi?” Khi cố gắng để lắng nghe Chúa, chúng ta thường có những cám dỗ.
Một trong chúng chỉ đơn thuần là khó chịu hoặc cảm thấy bị áp bức, và tự khép
kín trong chính mình; một cám dỗ rất phổ thông là bắt đầu suy nghĩ về những gì
văn bản nói đến người khác, để tránh áp dụng nó vào cuộc sống của mình. Điều
cũng xảy ra là người ta bắt đầu tìm lý do để cho phép họ nhận chìm sứ điệp cụ
thể của một văn bản. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa đòi chúng ta một quyết
định quá lớn, mà chúng ta chưa có điều kiện để thực hiện. Điều này dẫn đến việc
nhiều người mất niềm vui của việc gặp gỡ Lời Chúa, nhưng điều ấy có nghĩa là
quên rằng không ai là kiên nhẫn hơn Thiên Chúa Cha, rằng không ai hiểu và biết
cách chờ đợi hơn Ngài. Ngài luôn luôn mời gọi chúng ta bước lên một bước về
phía trước, nhưng không đòi hỏi một câu trả lời đầy đủ nếu chúng ta chưa bước
đi trên con đường làm cho nó khả thi. Ngài chỉ đơn thuần muốn chúng ta nhìn một
cách trung thực vào cuộc sống hiện tại của mình và trình diện chính mình mà
không không giả tạo trong đôi mắt của Ngài, rằng chúng ta sẵn sàng tiếp tục lớn
lên, và cầu xin Ngài những gì chúng ta vẫn chưa nhận được.
Lắng nghe dân chúng
154. Nhà thuyết giảng cũng phải lắng nghe dân chúng, để tìm
ra những gì mà các tín hữu cần nghe. Một mục tử phải chiêm niệm Lời Chúa và
cũng phải chiêm ngắm dân mình. Bằng cách này, ngài khám phá ra “những nguyện vọng,
những sự phong phú và những giới hạn, những cách để cầu nguyện, để yêu thương,
để xem xét cuộc sống và thế giới, là điều phân biệt cuộc tụ họp này hoặc cuộc tụ
họp khác của con người,” trong khi chú ý đến “những con người cụ thể mà ngài
nói với, để sử dụng ngôn ngữ của họ, những dấu hiệu và biểu tượng của họ, để trả
lời những câu hỏi của hỏi.” [120] Đó là kết nối sứ điệp của bản văn Thánh Kinh
với một hoàn cảnh của con người, với những gì mà họ sống, với một kinh nghiệm cần
ánh sáng của Lời Chúa. Mối quan tâm này không đáp ứng với thái độ của một người
theo cơ hội chủ nghĩa hay một nhà ngoại giao, nhưng có tính cách tôn giáo và mục
vụ sâu xa. Căn bản, nó là “ một sự nhạy cảm tinh thần thực sự đối với việc đọc
sứ điệp của Thiên Chúa trong các biến cố” [121] và điều này còn nhiều hơn tìm
kiếm một điều gì thú vị để nói. Điều mà chúng ta đang tìm kiếm để khám phá ra
là “Chúa muốn nói gì trong dịp này”. [122] Như vậy, việc soạn bài giảng trở
thành một thực tập trong việc phân biệt theo Tin Mừng, trong đó chúng ta cố gắng
để nhận ra - trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần – “một lời mời gọi mà Thiên
Chúa đã làm vang lên trong chính hoàn cảnh lịch sử, mà cũng qua qua đó, Thiên
Chúa mời gọi các tín hữu”. [123]
155. Trong việc nghiên cứu này có thể chỉ cần sử dụng một số
kinh nghiệm thông thường của con người, chẳng hạn như niềm vui của một cuộc gặp
gỡ mới, sự thất vọng, sợ hãi cô đơn, lòng trắc ẩn trước sự những đau khổ của
người khác, sự bất ổn về tương lai, những quan tâm cho người thân, vv.... Tuy
nhiên chúng ta cần phải có một sự nhạy cảm lớn lao để nhận ra những gì thực sự ảnh
hưởng đến đời sống của họ. Cần phải nhớ rằng chúng ta không bao giờ nên trả lời
những câu hỏi mà không ai đặt ra, cũng không phải là lúc thích hợp để nói về những
tin tức thời sự với mục đích kéo sự chú ý của người nghe: đã có chương trình
truyền hình cho những tin tức này rồi. Tuy nhiên, chúng ta có thể mở đầu bằng một
vài sự kiện hay câu chuyện để Lời Chúa có thể vang dội cách mãnh liệt trong lời
kêu gọi hoán cải, thờ phượng và những thái độ cụ thể của tình huynh đệ và phục
vụ, vv…. Bởi vì đôi khi có một số người thích nghe trong bài giảng những bình
luận về thời sự, trong khi không để cho cá nhân mình bị thách đố.
Những công cụ sư phạm
156. Một số người tin rằng họ có thể giảng thuyết tốt vì họ
biết những gì họ sẽ nói, tuy nhiên họ không chú ý đến cách phải nói thế nào, là
cách cụ thể để khai triển một bài giảng. Họ khó chịu khi những người khác không
nghe họ hoặc không đánh giá cao họ, nhưng có lẽ họ không mấy bận tâm đến việc
tìm cách thích hợp để trình bày sứ điệp. Chúng ta hãy nhớ rằng “tầm quan trọng
hiển nhiên của nội dung truyền giáo không thể che khuất tầm quan trọng của những
cách thức và phương tiện”. [124] Quan tâm đến cách giảng cũng là một thái độ hết
sức tâm linh. Thái độ này có nghĩa là đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa, hiến
mình với tất cả khả năng và óc sáng tạo của mính để phục vụ sứ mệnh được trao
phó. Nhưng nó cũng là một thực tập của tình yêu tinh tế dành cho những ngưởi
lân cận, vì chúng ta không muốn cung cấp cho người khác những gì kém chất lượng.
Trong Thánh Kinh, chẳng hạn, chúng ta tìm thấy những đề nghị để soạn bài giảng
hầu đảm bảo một biện pháp thích hợp, “hãy tóm lược các lời nói của con. Nhiều lời
trong vài chữ” (Sir 32,8).
157. Tôi chỉ đơn thuần đưa ra một vài thí dụ, chúng ta hãy
nhớ lại một số công cụ thực tế có thể phong phú hóa bài giảng và làm cho nó hấp
dẫn hơn. Một trong những cố gắng rất cần thiết là học cách sử dụng hình ảnh
trong bài giảng, nghĩa là nói bằng những hình ảnh. Đôi khi chúng ta dùng những
thí dụ để làm cho điều mình muốn giải thích đươc dễ hiểu, nhưng những thí dụ
thường chỉ nại vào trí óc; ngược lại, hình ảnh giúp người nghe thưởng thức và dễ
chấp nhận sứ điệp chúng ta muốn truyền đạt hơn. Một hình ảnh hấp dẫn làm cho sứ
điệp có vẻ nghe quen thuộc, gần gũi, thực tế và liên hệ với đời sống hằng ngày.
Một hình ảnh thành công có thể giúp người ta thưởng thức sứ điệp mà chúng ta muốn
truyền đạt, và làm thức tỉnh một ước muốn và chuyển ý chí về phía Tin Mừng. Như
một vị thầy cũ đã nói với tôi, một bài giảng hay phải có “một tư tưởng, một cảm
giác và một hình ảnh.”
158. Đức Phaolô VI đã nói rằng các tín hữu “kỳ vọng nhiều ở
bài giảng, và nó sẽ có lợi cho rất nhiều người nếu nó rất đơn giản, rõ ràng, trực
tiếp và phù hợp”. [125] Đơn giản liên hệ đến ngôn ngữ được sử dụng. Nó phải là
ngôn ngữ mà người nghe có thể hiểu nếu không chúng ta nói vô ích. Thường thì
nhà thuyết giảng dùng những từ ngữ mà họ đã học được trong tiến trình nghiên cứu
và trong môi trường chuyên môn của họ, nhưng không phải là một phần của ngôn ngữ
chung của thính giả của họ. Có những từ ngữ thần học hay tín lý, mà phần lớn
các Kitô hữu không hiểu được ý nghĩa của chúng. Nguy cơ lớn nhất đối với một
nhà giảng thuyết là quá quen thuộc với ngôn ngữ riêng của họ và nghĩ rằng tất cả
những người khác đều dùng và hiểu chúng một cách tự nhiên. Nếu chúng ta muốn
thích nghi với ngôn ngữ của những người khác để họ tiếp xúc được với Lời Chúa,
chúng ta phải lắng nghe rất nhiều, chúng phải chia sẻ cuộc sống của dân chúng
và chú ý nhiều đến họ. Sự đơn giản và rõ ràng là hai việc khác nhau. Ngôn ngữ
có thể rất đơn giản, nhưng các bài giảng có thể không rõ ràng. Nó có thể trở
nên khó hiểu vì thiếu trật tự, thiếu luận lý, vì đề cập đến nhiều chủ đề khác
nhau cùng một lúc. Do đó một nhiệm vụ cần thiết là phải đảm bảo rằng bài giảng
có sự thống nhất theo chủ đề, trình tự và kết nối rõ ràng giữa các câu, để mọi
người có thể dễ dàng theo dõi và hiểu được luận lý của những gì nhà thuyết giảng
nói.
159. Một đặc tính khác là ngôn ngữ tích cực. Đừng nói nhiều
đến những gì người ta không nên làm, nhưng tốt hơn là đề nghị những gì chúng ta
có thể làm tốt hơn. Trong mọi trường hợp, nếu có một điều gì tiêu cực, thì hãy
luôn cố gắng vạch ra một giá trị tích cực có sức thu hút, đừng dừng lại ở việc
than phiền, than thở, chỉ trích hay hối hận. Ngoài ra, một bài giảng tích cực
luôn đem lại hy vọng, hướng về tương lai, không biến chúng ta thành tù nhân của
những điều tiêu cực. Thật là một điều tốt khi các linh mục, phó tế và giáo dân
đến với nhau theo định kỳ để cùng nhau tìm ra những công cụ giúp làm cho bài giảng
thêm hấp dẫn!
IV. Phúc Âm hoá để đào sâu lời rao giảng ban đầu (kerygma)
160. Mệnh lệnh truyền giáo của Chúa bao gồm lời mời gọi lớn
lên trong đức tin khi Người nói: “dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền
cho các con” (Mt 28:20). Vì vậy, rõ ràng là lời rao giảng ban đầu cũng làm phát
sinh một tiến trình hình thành và trưởng thành. Truyền giáo cũng nhằm việc tăng
trưởng, đòi hỏi phải rất coi trọng mọi người và kế họach mà Chúa đã dự định cho
họ. Mỗi người đều cần phải lớn lên hơn trong Đức Kitô, và việc loan báo Tin Mừng
không được để cho một ai chỉ hài lòng với một chút, nhưng người ấy có thể nói
là no đủ: “Không còn là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20).
161. Thật sai lầm khi coi lời mời gọi lớn lên này chỉ độc
quyền hoặc chủ yếu là một việc đào luyện về tín lý. Nó là “tuân giữ” những gì
Chúa đã truyền cho chúng ta, như một sự đáp trả lại tình yêu của Người, nổi bật
nhất trong những điều ấy, cùng với tất cả các nhân đức, là Điều Răn Mới, điều
răn đứng đầu và trọng nhất, điều răn tốt nhất để xác nhận chúng ta là môn đệ:
“Đây là điều răn của Thầy, là các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương
yêu các con” (Ga 15:12). Rõ ràng là khi các tác giả Tân Ước muốn tóm sứ điệp
luân lý của Kitô giáo lại thành một tổng hợp cuối cùng và quan trọng nhất, các
ngài trình bày cho chúng ta đòi hỏi không thể tránh được là yêu tha nhân: “Ai
yêu tha nhân là làm trọn Lề Luật...như thế sự viên mãn của Lề Luật là đức ái”
(Rm 13:8,10). “Nếu anh em làm tròn luật cao trọng nhất theo Kinh Thánh, “Ngươi
phải thương yêu người lân cận như chính mình,” thì anh em làm điều tốt” (Gb
2:8). “Vì toàn thể Lề Luật được làm tròn trong một lời là, “Ngươi hãy yêu người
lân cận như chính mình” (Gal 5:14). Thánh Phaolô đề nghị với cộng đoàn của ngài
một cách để lớn lên trong tình yêu: “Nguyện xin Chúa làm cho tình yêu thương của
anh em đối với nhau và với mọi người được thêm nảy nở và chan chứa” (1 Thes
3:12).
162. Mặt khác, cuộc hành trình đáp trả và lớn lên này luôn bắt
đầu bằng hồng ân, bởi vì hồng ân đi trước một đòi hỏi khác của Chúa: “rửa tội
cho họ nhân danh...” (Mt 28:19). Việc nhận làm nghĩa tử mà Chúa Cha ban cho
chúng ta một cách nhưng không và khởi đầu của ân sủng của Ngài (x. Ep 2:8-9, 1
Cor 4:7) là điều kiện khả thi của việc thánh hóa thường xuyên là điều làm vui
lòng Thiên Chúa và làm cho Ngài được vinh danh. Nó sẽ cho phép chúng ta được biến
đổi trong Đức Kitô bằng một cuộc sống tăng trưởng không ngừng “theo Thần Khí”
(Rm 8:5).
Việc dạy giáo lý cách công bố ban đầu và và hiệp nhiệm
163. Giáo dục và dạy giáo lý là để phục vụ việc tăng trưởng
này. Chúng ta đã có sẵn một số văn kiện Huấn Quyền và tài liệu về việc dạy giáo
lý được cung cấp bởi Tòa Thánh và các Hội Đồng Giám Mục khác nhau. Tôi nhớ Tông
Huấn Dạy Giáo Lý trong Thời Đại Chúng ta - Catechesi tradendae (1979), Hướng Dẫn
Chung về việc Dạy Giáo Lý (1997) và các văn kiện khác mà nội dung của chúng
không cần phải nhắc lại ở đây. Tôi muốn tập trung vào chỉ một vài suy tư mà tôi
nghĩ rằng chúng ta cần lưu ý.
164. Chúng ta cũng tái khám phá ra rằng trong việc dạy giáo
lý có một vai trò cơ bản của lời công bố ban đầu hay “kerygma”, là điều phải ở
trung tâm của việc Phúc Âm hóa và mọi ý định canh tân Hội Thánh. Kerygma có đặc
tính Ba Ngôi. Nó là ngọn lửa của Chúa Thánh Thần được ban trong hình thức các
ngôn ngữ và làm cho chúng ta tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng qua cái chết và
Sống Lại của Người mặc khải cho chúng ta lòng thương xót vô cùng của Chúa Cha.
Trên miệng của giáo lý viên phải luôn luôn vang đi vọng lại lời loan báo ban đầu:
“Đức Chúa Giêsu Kitô yêu thương chúng ta, Người đã ban mạng sống của Người để cứu
chúng ta, và giờ đây Người đang ở bên chúng ta mỗi ngày, để soi sáng, củng cố
và giải thoát chúng ta.” Khi chúng ta nói rằng lời loan báo này là “ban đầu”,
điều này không có nghĩa là nó xuất hiện lúc ban đầu và sau đó có thể quên đi hoặc
thay thế bằng những nội dung khác hay hơn nó. Nó đứng đầu theo nghĩa chất lượng,
bởi vì nó là lời loan báo chính, là lời mà chúng ta phải luôn luôn nghe đi nghe
lại bằng những cách khác nhau và chúng ta phải luôn luôn tái công bố trong các
bài giáo lý dưới dạng này hay dạng khác, trong tất cả các giai đoạn của nó và
những thời điểm của nó. [126] Vì lý do tương tự, “linh mục, cũng như Hội Thánh,
càng ngày càng phải lớn lên trong ý thức rằng chính mình cần phải được thường
trực Phúc Âm hóa”. [127]
165. Chúng ta không được nghĩ rằng trong việc dạy giáo lý phải
bỏ kerygma để chọn một cách đào luyện có vẻ “chắc chắn” hơn. Không có gì chắc
chắn hơn, sâu sắc hơn, an toàn hơn, thực chất hơn và đầy khôn ngoan hơn lời
loan báo ban đầu ấy. Toàn thể việc đào luyện Kitô hữu trước hết cần đào sâu
kerygma, là điều mỗi ngày một nhập thể hơn và không bao giờ ngừng soi sáng việc
dạy giáo lý, cho phép chúng ta hiểu đúng ý nghĩa của bất cứ chủ đề nào được
khai triển trong việc dạy giáo lý. Đây là lời loan báo đáp ứng khát vọng về sự
vô cùng trong mỗi tâm hồn con người. Tính trung tâm của kerygma đòi hỏi một số
đặc tính thiết yếu của lời công bố mà hiện nay cần có ở khắp mọi nơi là: diễn tả
tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trước các nhiệm vụ luân lý và tôn giáo, không áp
đặt chân lý nhưng thu hút qua sự tự do, có thể có một số dấu hiệu của niềm vui,
sự khích lệ, sức sống và sự trọn vẹn hòa hợp mà không thu hẹp việc giảng dạy
vào một số học thuyết đôi khi có tính triết lý hơn rao giảng Tin Mừng. Điều này
đòi hỏi người rao giảng Tin Mừng một vài thái độ để làm cho việc đón nhận lời
loan báo được dễ dàng hơn: gần gũi, cởi mở để đối thoại, kiên nhẫn, chào đón
thân mật mà không lên án.
166. Một đặc tính khác của việc dạy giáo lý, được phát triển
trong vài thập niên vừa qua là khai tâm hiệp nhiệm (l’initiation mystagogique),
[128] mà ý nghĩa chủ yếu là hai điều: sự tiến triển cần thiết của kinh nghiệm
đào luyện, trong đó liên quan đến toàn thể cộng đồng và tái đề cao những dấu chỉ
phụng vụ của việc khai tâm Kitô giáo. Nhiều thủ bản và nhiều chương trình chưa
đáp ứng đầy đủ nhu cầu canh tân hiệp nhiệm này, có thể có những hình thức rất
khác nhau để phù hợp với sự phân định của mỗi cộng đồng giáo dục. Lớp học giáo
lý là một lần rao giảng Lời Chúa và tập trung vào Lời Chúa, nhưng luôn cần có một
môi trường thích hợp và một động lực hấp dẫn, sử dụng các biểu tượng hùng hồn,
lồng vào một tiến trình tăng trưởng và hội nhập rộng lớn hơn trong tất cả các
chiều kích của con người trong một cuộc hành trình lắng nghe và đáp lời cộng đồng.
167. Tốt nhất là tất cả việc dạy giáo lý đặc biệt chú ý đến
“con đường thẩm mỹ” (via pulchritudinis). [129] Loan báo Đức Kitô có nghĩa là
tin vào Người và theo Người không những chỉ như một điều gì thực tế và đúng, mà
còn như một điều gì đẹp đẽ, có khả năng đổ đầy đời sống bằng một sự huy hoàng mới
và một niềm vui sâu thẳm, ngay cả giữa những thử thách. Theo quan điểm này, tất
cả các cách diễn tả về thẩm mỹ thực sự có thể được công nhận là một con đường giúp
người ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Điều này không có nghĩa là cổ võ cho một thuyết
tương đối về thẩm mỹ, [130] là điều có thể che khuất mối dây liên kết bất khả
phân ly giữa chân, thiện, mỹ, nhưng để khôi phục lại lòng ngưỡng mộ vẻ đẹp để
có thể chạm đến quả tim con người và để sáng tỏa trong ấy chân lý và sự tốt
lành của Đấng Phục Sinh. Như Thánh Augustinô nói, nếu chúng ta chỉ có thể yêu
những gì đẹp, [131] thì Chúa Con làm người, mặc khải của sự mỹ miều vô hạn, vô
cùng đáng yêu, và Người lôi kéo chúng ta về với Mình bằng những liên hệ yêu
thương. Do đó, điều cần thiết là việc đào luyện trong via pulchritudinis phải
được tháp nhập vào việc thông truyền đức tin. Hy vọng rằng mỗi Hội Thánh địa
phương thúc đẩy việc sử dụng nghệ thuật trong việc truyền giáo của mình, trong
sự liên tục với sự phong phú của quá khứ, tuy nhiên cũng trong sự rộng lớn của
nhiều hình thức diễn tả hiện nay của nó, để truyền thụ đức tin bằng một “ngôn
ngữ dụ ngôn” mới. [132] Chúng ta phải có can đảm tìm ra những dấu hiệu mới, biểu
tượng mới, thịt mới cho việc thông truyền Lời Chúa, các hình thức thẩm mỹ khác
nhau được bày tỏ trong những bối cảnh văn hóa khác nhau, và bao gồm cả những thể
thức không theo quy ước của thẩm mỹ, là điều có thể chẳng có ý nghĩa gì với những
nhà truyền giáo, nhưng lại trở nên đặc biệt hấp dẫn với những người khác.
168. Về đề nghị luân lý của việc dạy giáo lý, là điều mời gọi
chúng ta lớn lên trong sự trung thành với cách sống theo Tin Mừng, chúng ta phải
luôn luôn nhắc đến điều tốt lành đáng mong ước, đề nghị về sự sống, về sự trưởng
thành, về thành quả, khả năng sinh hoa quả, trong ánh sáng của điều tốt lành
này mà người ta có thể hiểu tại sao chúng ta lại tố cáo những điều xấu có thể
che khuất nó. Thay vì coi chúng ta như những chuyên viên tiên đoán những chuyện
khủng khiếp hay những quan tòa khắc nghiệt thỏa mãn khi phát hiện ra bất kỳ sự
nguy hiểm hoặc sai lạc nào, thì họ nhìn chúng ta như những sứ giả hân hoan của
các đề nghị từ trên cao, những người canh giữ sự tốt lành và thẩm mỹ là những
điều tỏa sáng trong một đời sống trung thành với Tin Mừng.
Việc đồng hành cách cá nhân trong những tiến trình tăng trưởng
169. Trong một nền văn minh bị tổn thương cách nghịch lý bởi
tình trạng nặc danh, và đồng thời, quá bận tâm với những chi tiết về đời sống của
những người khác, và phải chịu đựng sự tò mò trơ trẽn bệnh hoạn, Hội Thánh cần
một cái nhìn gần gũi để xem xét, cảm thông và ngừng lại trước những người khác
mỗi khi cần thiết. Trong thế giới này, các thừa tác viên có chức thánh và những
người làm mục vụ khác có thể làm cho hương thơm của sự hiện diện gần gũi của
Chúa Giêsu và cái nhìn cá nhân của Người hiện diện. Hội Thánh sẽ phải hội nhập
các thành viên của mình – các linh mục, tu sĩ và giáo dân – vào “nghệ thuật đồng
hành” này, để tât cả mọi người học cách luôn luôn biết cởi giày của mình ở trước
đất thánh của người khác (x. Xh 3:5). Chúng ta phải giữ trong cuộc hành trình của
mình một khoảng cách lành mạnh, với một cái nhìn tôn trọng và đầy trắc ẩn nhưng
đồng thời khuyến khích sự khỏe mạnh, tự do và trưởng thành trong đời sống Kitô
hữu.
170. Mặc dù có vẻ tỏ tưởng là việc đồng hành tinh thần phải
dẫn đưa người ta càng ngày càng đến gần Thiên Chúa hơn, trong Ngài chúng ta có
thể đạt được sự tự do thật. Một số người tin rằng họ được tự do khi bước đi
ngoài Chúa, mà không nhận ra rằng mình hiện sinh vẫn là kẻ mồ côi, không nơi
nương tựa, không nhà để cư ngụ hay để trở về. Họ không còn là những người hành
hương mà trở thành những kẻ lang thang, luôn luôn xoay xở mà không đi đến đâu.
Đồng hành với họ sẽ phản tác dụng nếu nó trở thành một loại điêu trị củng cố việc
đóng cửa lòng của những con người tận nội tâm của họ và đó không còn là một cuộc
hành hương với Đức Kitô về cùng Chúa Cha nữa.
171. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần những người nam nữ, là những
người từ kinh nghiệm đồng hành của họ, quen thuộc với tiến trình, trong đó đòi
hỏi sự thận trọng, khả năng hiểu biết, nghệ thuật chờ đợi, ngoan ngoãn đối với
Chúa Thánh Thần, để tất cả cùng nhau bảo vệ đàn chiên đang trông cậy vào chúng
ta, để khỏi bị những chó sói đang tìm cách làm cho nó bị tan tác. Chúng ta cần
phải thực hành nghệ thuật lắng nghe, mà lắng nghe khác với nghe. Trong việc
giao tiếp với người khác, điều đầu tiên là khả năng của con tim có thể tạo ra sự
gần gũi, mà nếu không có nó thì không có cuộc gặp gỡ tinh thần thực sự. Việc lắng
nghe giúp chúng ta tìm được những cử chỉ và lời nói thích hợp để kích hoạt tình
trạng im lìm của khán giả. Chỉ qua việc lắng nghe cách tôn trọng này và khả
năng thông cảm, chúng ta mời có thể tìm thấy những con đường tăng trưởng thật,
chúng ta mới có thể đánh thức những ao ước về lý tưởng Kitô giáo, sự nóng lòng
đáp trả trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa và ao ước phát triển cách tốt nhất những
gì mà Thiên Chúa đã gieo trong cuộc đời họ. Nhưng luôn luôn với sự kiên nhẫn của
những người biết điều mà Thánh Tôma dạy: ai cũng có thể có ân sủng và đức ái,
nhưng không thi hành tốt các nhân đức “vì những xu hướng ngược lại” [133] vẫn
còn tồn tại. Nói cách khác, bản chất hữu cơ của các nhân đức luôn luôn và nhất
thiết phải “in habitu” [ở trong thói quen], cho dù các điều kiện có thể cản trở
những hoạt động của những thói quen đạo đức này. Vì vậy cần phải có “một phương
pháp sư phạm đưa ra cho người ta từng bước một để chiếm hữu toàn thể mầu nhiệm”.
[134] Để đạt được một mức trưởng thành, nghĩa là để cho người ta có khả năng
quyết định thật sự tự do và có trách nhiệm, thì điều cần thiết là phải có thời
gian, và rất kiên nhẫn. Theo lời Chân Phước Phêrô Fabro: “Thời gian là sứ giả của
Thiên Chúa.”
172. Những người bạn đồng hành phải ý thức rằng tình trạng của
mỗi người trước mặt Thiên Chúa và đởi sống ân sủng của họ là một mầu nhiệm mà
không ai có thể hoàn toàn biết được từ bên ngoài. Tin Mừng đề nghị chúng ta sửa
chữa và giúp họ tăng trưởng dựa vào việc nhận ra những sự dữ khách quan của những
hành động của họ (x. Mt 18:15), mà không phán đoán về trách nhiệm và tội trạng
của họ (x. Mt 7:1; Lc 6:37). Trong mọi trường hợp, một người bạn đồng hành tốt
không tuân theo thuyết định mệnh hay sự rụt rè. Người ấy luôn mời gọi người
khác để cho mình được chữa lành, tự đứng dậy, ôm lấy thập giá, từ bỏ mọi sự, để
luôn đi ra một lần nữa để rao giảng Tin Mừng. Kinh nghiệm cá nhân của chúng ta
trong việc để cho người khác đồng hành và chăm sóc, trong việc trình bày với tất
cả lòng chân thành cuộc đởi của chúng ta trước những người đồng hành với mình,
sẽ dạy chúng ta kiên nhẫn và hiểu biết những người khác và cho phép chúng ta
tìm cách để đánh thức trong họ sự tin tưởng, mở lòng và sẵn sàng để lớn lên.
173. Việc đồng hành tinh thần đích thực luôn luôn bắt đầu và
tiến triển trong lãnh vực phục vụ sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sự liên hệ giữa
Thánh Phaolô với Timôthê và Titô là một thí dụ của việc đồng hành này và việc
đào tạo trong tiến trình hoạt động tông đồ. Trong khi ủy thác cho hai ông sứ vụ
ngừng lại ở mỗi thành phố để “xắp đặt theo thứ tự những gì còn lại phải được thực
hiện” (x. Tit 1:5;. x. 1 Tim 1:3-5), ngài cung cấp cho các ông những tiêu chuẩn
cho đời sống cá nhân và cho các hoạt động mục vụ. Tất cả điều này rõ ràng khác
biệt với bất cứ loại đồng hành tư tình hoặc tự mãn tự cô lập nào. Các môn đệ
truyền giáo đồng hành với các môn đệ truyền giáo.
Về Lời Chúa
174. Không chỉ có bài giảng phải được nuôi dưỡng bằng Lời
Chúa. Tất cả việc Phúc Âm hóa được thiết lập dựa trên sự lắng nghe, suy niệm, sống,
cử hành Lời Chúa và làm chứng cho Lời Chúa. Thánh Kinh là nguồn mạch của việc
Phúc Âm hóa. Vì vậy, chúng ta phải liên tục được đào luyện trong việc lắng nghe
Lời Chúa. Hội Thánh không rao giảng Tin Mừng nếu không liên tục để cho mình được
Phúc Âm hóa. Điều quan trọng là Lời Chúa “càng ngày càng trở nên trung tâm của
mọi hoạt động của Hội Thánh”. [135] Lời Chúa được ghe và được cử hành, đặc biệt
trong Bí Tích Thánh Thể nuôi dưỡng và củng cố nội tâm các Kitô hữu và làm cho họ
có khả năng làm nhân chứng đích thực cho Tin Mừng trong cuộc sống hàng ngày của
họ. Chúng ta giờ đây đã vượt qua sự đối chọi xưa kia giữa Lời Chúa và Bí Tích.
Lời Chúa được công bố, linh nghiệm và hiệu quả, chuẩn bị cho việc tiếp nhận các
Bí Tích, và trong Bí Tích Lời này đạt hiệu quả tối đa của nó.
175. Việc học hỏi Thánh Kinh phải là một cánh cửa mở ra cho
tất cả các tín hữu. [136] Điều thiết yếu là Lời được mặc khải phải phong phú
hóa cách triệt để việc dạy giáo lý của chúng ta và tất cả những nỗ lực để truyền
thụ đức tin. [137] Việc Phúc Âm hóa đòi hỏi chúng ta phải làm quen với Lời
Chúa, và điều này đòi buộc các giáo phận, các giáo xứ và các nhóm Công Giáo đề
ra một chương trình học hỏi Thánh Kinh nghiêm túc và kiên trì, cũng như thúc đẩy
việc đọc Thánh Kinh trong cầu nguyện của cá nhân và cộng đồng. [138] Chúng ta
không còn phải tìm kiếm bằng cách mò mẫm trong bóng tối, chúng ta cũng không
còn phải chờ đợi Thiên Chúa nói với mình trước, bởi vì thực sự “Thiên Chúa đã
nói, và không còn gì chúng ta cần phải biết mà chưa được mặc khải cho chúng
ta”. [139] Chúng ta hãy đón nhận kho báu cao siêu của Lời được mặc khải.
110. Sau khi đã xét đến một số thách đố của thực tại hiện
nay, giờ đây tôi muốn nhắc lại nhiệm vụ mà chúng ta phải gánh vác trong mọi lúc
và ở mọi nơi, bởi vì “không thể có việc truyền giáo thật sự nếu không có việc
công bố rõ ràng rằng Chúa Giêsu là Chúa”, và nếu không “dành ưu tiên cho việc
rao giảng Đức Chúa Giêsu Kitô trong mọi hoạt động truyền giáo”. [77] Khi nhìn
nhận những quan tâm của các Giám Mục Á châu, Đức Gioan Phaolô II đã xác quyết rằng,
nếu Hội Thánh “có nhiệm vụ phải hoàn thành mục tiêu được quan phòng, thì việc
rao giảng Tin Mừng, như việc giảng dạy hân hoan, kiên nhẫn và tiệm tiến về Cái
Chết và sự Sống Lại cứu độ của Đức Chúa Giêsu Kitô phải là ưu tiên tuyệt đối của
các hiền huynh.” [78] Điều này cũng áp dụng cho tất cả mọi người.
I. Toàn thể dân Thiên Chúa loan báo Tin Mừng
111. Loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ của Hội Thánh. Nhưng chủ
thể của việc loan báo Tin Mừng này còn hơn là một cơ cấu có hệ thống và phẩm trật,
bởi vì trên hết nó là một dân đang đi trên một cuộc hành trình hướng về Thiên
Chúa. Dân này chắc chắn là một mầu nhiệm bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng
có đặc tính lịch sử cụ thể của nó trong dân hành hương và truyền giáo, luôn
luôn vượt trên bất kỳ cách diễn tả nào về cơ chế cho dù cần thiết. Tôi đề nghị
ngừng lại một chút ở cách hiểu biết về Hội Thánh nảy, là điều có nền tảng tối hậu
trong sáng kiến tự do và nhưng không của Thiên Chúa.
Một dân cho tất cả mọi người
112. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là công trình
của lòng thương xót của Ngài. Không có hành động nào của con người, dù có tốt
thế nào đi nữa, có thể làm cho chúng ta xứng đáng với một hồng ân cả thể như vậy.
Thiên Chúa, trong ân sủng thuần khiết, lôi kéo chúng ta đến kết hợp với Ngài.
[79] Ngài gửi Chúa Thánh Thần đến trong tâm hồn chúng ta để làm cho chúng ta
thành con cái Ngài, để biến đổi chúng ta và cho phép chúng ta đáp lại tình yêu
của Ngài bằng đời sống của mình. Hội Thánh được Đức Chúa Giêsu Kitô sai đi như
một bí tích cứu độ được Thiên Chúa ban ban. [80] Qua các hoạt động truyền giáo
của mình, Hội Thánh hợp tác như một công cụ của ân sủng ấy của Thiên Chúa, là
ân sủng hoạt động không ngừng vượt qua bất sự giám sát nào. Đức Thánh Cha
Bênêđictô XVI diễn tả nó cách hoàn hảo khi mở đầu những suy nghĩ của Thượng Hội
Đồng Giám Mục: “Điều quan trọng là luôn luôn biết rằng Lời Đầu Tiên, sáng kiến
thật, hoạt động thật, đến từ Thiên Chúa, và chỉ bằng cách tự tháp nhập vào sáng
kiến này của Thiên Chúa, chỉ bằng cách cầu khẩn sáng kiến này của Thiên Chúa,
mà chúng ta cũng sẽ trở thành - với Người và trong Người – những người rao giảng
Tin Mừng”. [81] Nguyên tắc ưu việt của ân sủng phải là một ngọn hải đăng liên tục
soi sáng những suy tư về truyền giáo của chúng ta.
113. Ơn cứu rỗi này, mà Thiên Chúa thực hiện và Hội Thánh
hân hoan công bố có mục đích dành cho tất cả mọi người, [82] và Thiên Chúa đã
làm cho phát sinh một cách thế để kết hợp chính Ngài với mỗi con người ở mọi thời
đại. Ngài đã chọn triệu tập họ lại như một dân chứ không phải chỉ như những cá
nhân cô lập. [83] Không ai có thể tự cứu mình cách cá nhân hay bằng sức riêng của
mình. Thiên Chúa lôi kéo chúng ta bằng cách dùng mạng lưới liên hệ phức tạp giữa
người với người có liên quan đến đời sống của một cộng đồng nhân loại. Dân này
mà Thiên Chúa đã chọn và gọi là Hội Thánh. Chúa Giêsu đã không bảo các Tông Đồ
tạo thành một nhóm riêng biệt, một nhóm ưu tú. Chúa Giêsu đã nói: “Các con hãy
đi và làm cho muôn dân thành môn đệ” (Mt 28:19). Thánh Phaolô quả quyết rằng
dân Thiên Chúa trong Hội Thánh “Không còn là người Do Thái hay Hy Lạp… vì tất cả
anh em chỉ là một trong Ðức Kitô” (Gal 3:28). Tôi muốn nói với những người cảm
thấy xa cách Thiên Chúa và Hội Thánh, những người sợ hãi và thờ ơ rằng: Thiên
Chúa cũng gọi anh chị em thành một phần tử của dân Ngài và Ngài làm điều ấy với
sự tôn trọng và tình yêu cao cả!
114. Là Hội Thánh có nghĩa là dân Thiên Chúa, phù hợp với kế
hoạch yêu thương cao cả của Chúa Cha. Điều ấy có nghĩa là làm men của Thiên
Chúa giữa nhân loại. Điều ấy có nghĩa là loan báo và mang ơn cứu độ của Thiên
Chúa vào thế giới của chúng ta, là thế giới thường bị lạc đường, cần những đáp
trả khuyến khích, đem lại cho nó can đảm, cho nó hy vọng và sinh lực mới trong
cuộc hành trình. Hội Thánh phải là nơi của lòng thương xót được ban cách nhưng
không, ở đó mọi người có thể cảm thấy được đón tiếp, yêu thương, tha thứ và
khuyến khích để sống một đời sống tốt đẹp của Tin Mừng.
Một dân có nhiều gương mặt
115. Dân Thiên Chúa này được nhập thể trong các dân tộc trên
thế gian, mỗi phần tử của nó có một nền văn hóa riêng. Khái niệm về văn hóa là
một công cụ có giá trị để hiểu những cách diễn tả khác nhau của đời sống Kitô hữu
hiện diện trong Dân Thiên Chúa. Nó liên quan đến lối sống của một xã hội nhất định,
bằng cách đặc biệt mà các thành viên của nó liên hệ với nhau, với các tạo vật
khác và với Thiên Chúa. Hiểu theo cách này, văn hóa bao gồm toàn thể cuộc đời của
một người. [84] Mỗi quốc gia, trong lịch sử phát triển của nó, phát triển nền
văn hóa riêng của mình với quyền tự chủ hợp pháp. [85] Điều này quy chiếu về xã
hội, nơi họ sống một cách cụ thể trong sự liên hệ của họ với thực tại. Con người
luôn luôn được đặt trong một nền văn hóa: “bản tính và văn hóa liên kết hết sức
chặt chẽ với nhau”. [87] Ân sủng đòi hỏi văn hóa, và hồng ân của Thiên Chúa được
nhập thể trong văn hóa của những người lãnh nhận nó.
116. Trong hai ngàn năm qua của Kitô giáo, nhiều người đã nhận
được ơn đức tin, họ đã làm cho đức tin này phát triển mạnh mẽ trong đời sống
hàng ngày của họ và truyền đạt nó theo những thể thức văn hóa riêng của họ. Khi
một cộng đồng đón nhận lời công bố ơn cứu độ, Chúa Thánh Thần làm cho nền văn
hóa của nó thêm phong phú bằng sức mạnh biến đổi của Tin Mừng. Do đó, như chúng
ta có thể nhìn thấy trong lịch sử Hội Thánh, Kitô giáo không có một mô hình văn
hóa duy nhất, nhưng trái lại, “vẫn hoàn toàn chân thật với chính mình, với lòng
trung thành không lay chuyển trong việc công bố Tin Mừng và truyền thống của Hội
Thánh, cũng mang lấy khuôn mặt của nhiều nền văn hóa và vô số dân tộc trong đó
nó được đón và bén rễ”. [88] Trong các dân tộc khác nhau đã kinh nghiệm hồng ân
của Thiên Chúa theo văn hóa của mình, Hội Thánh diễn tả Công Giáo tính đích thực
của mình và cho thấy “vẻ đẹp của khuôn mặt đa dạng này”. [89] Trong những cách
bày tỏ Kitô giáo của một dân đã được Phúc Âm hóa, Chúa Thánh Thần tô điểm Hội
Thánh, để lộ ra những khía cạnh mới của Mặc Khải của nó và ban cho nó một gương
mặt mới. Qua việc hội nhập văn hóa, Hội Thánh “giới thiệu các dân tộc, cùng với
nền văn hóa của họ, vào cộng đồng của mình”, [90] bởi vì “các giá trị và các
hình thức tích cực” mà mỗi nền văn hóa cung cấp “sẽ làm phong phú hơn nữa cách
thức mà Tin Mừng được rao giảng, được hiểu và được sống”. [91] Bằng cách này,
“Hội Thánh đón nhận những giá trị của các nền văn hóa khác nhau, và trở thành
‘sponsa ornata monilibus suis’, ‘nàng dâu trang điểm bằng đồ trang sức của
mình’ (Is 61:10)”. [92]
117. Nếu hiểu rõ, sự đa dạng về văn hóa không đe dọa sự hiệp
nhất của Hội Thánh. Chính Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Cha và Chúa Con sai đến,
là Đấng biến đổi tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta có thể bước vào sự hiệp
thông hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi mà tất cả tìm thấy sự hiệp nhất của
mình. Ngài xây dựng sự hiệp thông và hòa hợp của Dân Thiên Chúa. Chính Chúa
Thánh Thần là sự hòa hợp, chính Ngài mối dây liên kết yêu thương giữa Chúa Cha
và Chúa Con. [93] Chính Ngài là Đấng gây ra một sự phong phú đa dạng khác nhau
của các hồng ân, đồng thời xây dựng một sự hiệp nhất không bao giờ đồng nhất
nhưng hòa hợp đa dạng là điều có sức hấp dẫn. Việc loan báo Tin Mừng vui vẻ
nhìn nhận nhiều sự phong phú mà Chúa Thánh Thần làm phát sinh trong Hội Thánh.
Thật là bất công đối với luận lý của việc Nhập Thể khi nghĩ đến một Kitô giáo
đơn văn hóa (chỉ có một nền văn hóa) và đơn điệu. Trong khi đúng là có một số nền
văn hóa liên hệ chặt chẽ với việc rao giảng Tin Mừng và sự phát triển của tư tưởng
Kitô giáo, nhưng sứ điệp được mặc khải không đồng hóa với bất kỳ nền văn hóa
nào trong các nền văn hóa ấy và có một nội dung siêu văn hóa. Vì vậy, trong việc
Phúc Âm hóa các nền văn hóa mới hoặc các nền văn hóa chưa chấp nhận lời rao giảng
của Kitô giáo, chúng ta không cần phải áp đặt một hình thức văn hóa đặc thù,
cho dù nó có đẹp đẽ và cổ kính thế nào đi nữa, cùng với đề nghị về Tin Mừng. Sứ
điệp mà chúng ta công bố luôn luôn có một ít vỏ bọc văn hóa, nhưng đôi khi
trong Hội Thánh, chúng ta rơi vào tình trạng thần thánh hóa nền văn hóa riêng của
mình một cách vô ích, và với điều này chúng ta tỏ lộ lòng cuồng tín hơn là lòng
nhiệt thành truyền giáo chân chính.
118. Các Giám Mục Châu Đại Dương đã yêu cầu Hội Thánh “khai
triển một sự hiểu biết và trình bày chân lý của Đức Kitô khởi đầu từ truyền thống
và văn hóa của vùng”, cùng kêu gọi “tất cả các nhà truyền giáo làm việc trong sự
hòa hợp với các Kitô hữu bản xứ để đảm bảo rằng đức tin và đời sống của Hội
Thánh được diễn tả bằng những hình thức hợp pháp phù hợp với từng nền văn hóa”.
[94] Chúng ta không thể muốn mọi dân tộc của tất cả các châu lục, trong việc diễn
tả đức tin Kitô giáo, phải bắt chước các thể thức được chấp nhận bởi các dân tộc
Âu Châu ở một thời điểm trong lịch sử, bởi vì đức tin không thể bị đóng khung
trong phạm vi hiểu biết và diễn tả của một nền văn hóa cụ thể. [95] Chúng ta
không thể chối cãi được rằng một nền văn hóa không diễn tả hết nổi các mầu nhiệm
cứu chuộc của Đức Kitô.
Tất cả chúng ta là những môn đệ truyền giáo
119. Đối với tất cả những người đã được rửa tội, từ người đầu
đến người cuối, tác động của quyền năng thánh hóa của Chúa Thánh Thần thúc đẩy
họ rao giảng Tin Mừng. Dân Thiên Chúa là thánh vì việc xức dầu này làm cho họ
không thể sai lầm ““in credendo [trong đức tin]”. Điều này có nghĩa là khi toàn
thể Dân Thiên Chúa tin là mình không sai, cho dù họ không tìm thấy ngôn từ để
diễn tả đức tin của mình. Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ trong chân lý và đưa họ
đến ơn cứu độ. [96] Như một phần của mầu nhiệm yêu thương của Ngài dành cho
nhân loại, Thiên Chúa phú cho các tín hữu như một tổng thể một cảm thức đức tin
- sensus fidei - giúp họ phân biệt điều gì thực sự đến từ Thiên Chúa. Sự hiện
diện của Chúa Thánh Thần ban cho các Kitô hữu một sự đồng chúng (connaturalité)
với thực tại của Thiên Chúa và một sự khôn ngoan cho phép họ hiểu được những gì
trong trực giác, mặc dù không có cách thích hợp để thể diễn tả chúng một cách
chính xác.
120. Nhờ bí tích Rửa Tội mà họ đã lãnh nhận, mỗi phần tử của
Dân Thiên Chúa trở thành một môn đệ truyền giáo (x. Mt 28:19). Mọi người đã được
rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Hội Thánh và trình độ giáo dục đức tin của
họ, đều là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng, và thật là thiếu
sót khi nghĩ về một chương trình truyền giáo được thực hiện bởi các chuyên viên
có khả năng trong khi phần còn lại của các tín hữu chỉ là những người tiếp nhận
thụ động. Việc Tân Phúc Âm hóa liên quan đến vai trò tiên phong mới của từng
người đã được rửa tội. Xác tín này được biến đổi thành một lời kêu gọi trực tiếp
dành cho mọi Kitô hữu, bởi vì không ai được phép chối bỏ cam kết rao giảng Tin
Mừng, vì chưng nếu đã thực sự cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa là Đấng cứu
độ, thì người ta không cần nhiều thì giờ chuẩn bị để đi rao giảng, người ta
không thể chờ đợi để học được nhiều bài giảng dạy, hoặc những hướng dẫn dài
dòng. Mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo theo mức mức độ mà người ấy đã gặp gỡ
tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Chúa Giêsu Kitô; chúng ta không còn nói rằng
chúng ta là “môn đệ” và “nhà truyền giáo”, nhưng chúng ta luôn luôn là “môn đệ
- truyền giáo”. Nếu chúng ta không tin thì hãy nhìn vào các môn đệ đầu tiên, những
vị ngay lập tức, sau khi đã nhận được cái nhìn của Chúa Giêsu, đã đầy vui mừng
công bố, “Chúng tôi đã gặp Đấng Chịu Xức Dầu” (Ga 1:41). Người phụ nữ Samaria,
sau khi vừa nói chuyện với Chúa Giêsu xong, lập tức trở thành một nhà truyền
giáo, và nhiều người Samaria đã tin vào Chúa Giêsu “vì lời của người phụ nữ”
(Ga 4:39). Thánh Phaolô cũng thế, sau khi gặp gỡ Đức Chúa Giêsu Kitô, ngài “lập
tức rao giảng rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa” (Cv 9:20). Còn chúng ta, chúng
ta chờ đợi gì?
121. Đương nhiên là tất cả chúng ta đều được mời gọi để lớn
lên như những người rao giảng Tin Mừng. Đồng thời chúng ta cũng muốn được đào
luyện tốt hơn để đào sâu hơn tình yêu của mình và biết rõ ràng hơn về việc làm
nhân chứng cho Tin Mừng. Theo nghĩa này, tất cả chúng ta phải để cho người khác
liên tục Phúc Âm hóa mình, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải bỏ sứ
mệnh rao giảng Tin Mừng; nhưng tốt nhất là tìm cách truyền thông Chúa Giêsu ở bất
cứ hoàn cảnh nào của mình. Trong mọi trường hợp, chúng ta được mời gọi để làm
chứng cho những người khác một cách rõ ràng về tình yêu cứu độ của Chúa, là Đấng
bất chấp sự bất toàn của chúng ta, đã ban cho chúng ta sự gần gũi của Người, Lời
của Người, sức mạnh của Người, và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Con tim
anh chị em biết rằng đời sống sẽ rất khác nếu không có Người, vì vậy những gì
mà anh chị em khám phá ra, những gì giúp anh chị em sống và ban cho anh chị em
hy vọng, chính là những điều mà anh chị em cần phải truyền thông cho những người
khác. Sự bất toàn của chúng ta không phải là một lý do để thoái thác; trái lại,
việc truyền giáo là một kích thích liên tục để không chìm vào tình trạng tầm
thường và để tiếp tục lớn lên. Việc làm nhân chứng cho đức tin mà mỗi Kitô hữu
được mời gọi để thực hiện, ám chỉ một lời khẳng định, như Thánh Phaolô nói:
“Không phải như là tôi đã đạt được điều đó, hay đã nên hoàn thiện; nhưng tôi
đang cố gắng theo đuổi, để đạt cho kỳ được mục tiêu” (Phil 3:12-13).
Sức mạnh rao giảng Tin Mừng của những việc đạo đức phổ thông
122. Tương tự, chúng ta có thể nghĩ rằng các dân tộc khác
nhau, mà giữa họ Tin Mừng đã được hội nhập, là những chủ thể tập thể chủ động
hoặc những tác nhân của việc Phúc Âm hóa. Điều này xảy ra bởi vì mỗi dân tộc là
tác giả của nền văn hóa riêng của mình và là vai chính của lịch sử của nó. Văn
hóa là một điều gì năng động mà một dân tộc tái tạo liên tục, và mỗi thế hệ
truyền lại cho thế hệ sau một tổ hợp những thái độ và cách hành sử phức tạp
liên quan đến những hoàn cảnh khác nhau, mà người ta phải tái công thức hóa để
giải quyết những thách đố riêng của họ. Là con người có nghĩa là “vừa là con
cái vừa là cha mẹ của nền văn hóa mà trong đó mình chìm vào”. [97] Khi một dân
đã được Tin Mừng hội nhập, thì trong tiến trình truyền thụ văn hóa nó cũng truyền
thụ đức tin theo những cách thức luôn luôn mới mẻ; vì lý do ấy tầm quan trọng của
việc Phúc Âm hóa được hiểu như hội nhập văn hóa. Mỗi phần của Dân Chúa, qua việc
biến hồng ân của Thiên Chúa thành chính đời sống của họ theo sự thiên khiếu
riêng, làm chứng cho đức tin nhận được và phong phú hóa nó bằng những cách diễn
tả mới và hùng hồn. Người ta có thể nói rằng “dân ấy liên tục Phúc Âm hóa chính
mình”. [98] Ở đó tầm quan trọng đặc biệt là của những việc đạo đức phổ thông, sự
diễn tả đích thực của hoạt động truyền giáo bộc phát của Dân Thiên Chúa. Nó bắt
nguồn từ một thực tại đang phát triển thường trực, mà ở đó Chúa Thánh Thần là
tác nhân chính. [99]
123. Trong việc đạo đức phổ thông người ta có thể hiểu được
cách thức mà đức tin nhận được nhập thể trong một nền văn hóa và tiếp tục thông
truyền thế nào. Có một thời bị nhìn với sự nghi ngờ, việc đạo đức phổ thông đã
được lại đánh giá cao trong những thập niên sau Công Đồng. Chính Đức Phaolô VI
trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của ngài đã cung cấp một động lực quyết định
theo nghĩa này. Ngài giải thích rằng việc đạo đức phổ thông “tỏ lộ một sự khao
khát Thiên Chúa mà chỉ những người đơn thành và nghèo khổ mới có thể biết”
[100] và nó “làm cho con người có khả năng quảng đại và hy sinh thậm chí đến độ
anh hùng, khi nói đến việc bày tỏ đức tin.” [101] Gần chúng ta hơn, Đức
Bênêđictô XVI, khi nói về Châu Mỹ Latinh, đã vạch ra rằng đó là một “kho tàng
quý báu của Hội Thánh Công Giáo” và rằng nó “là linh hồn của các dân tộc Mỹ
Latinh”. [102]
124. Văn Kiện Aparecida mô tả sự phong phú mà Chúa Thánh Thần
khai triển trong việc đạo đức phổ thông với sáng kiến tự do của Ngài. Ở lục địa
thân yêu này, nơi mà nhiều Kitô hữu bày tỏ đức tin của mình qua việc đạo đức phổ
thông, các Giám Mục cũng gọi nó là “linh đạo phổ thông” hay “Thuyết thần bí dân
gian”. [103] Nó thật sự là “một linh đạo được nhập thể trong văn hóa của những
người đơn thành.” [104] Nó không phải là không có nội dung, nhưng là phát hiện
và diễn tả nội dung ấy qua các biểu tượng thay vì sử dụng công cụ lý luận, và
trong một hành động đức tin nhấn mạnh hơn vào credere in Deum (tin vào Thiên
Chúa) thay vì credere Deum (tin Thiên Chúa). [105] Đó là “một cách hợp pháp để
sống đức tin, một cách để cảm thấy là phần tử của Hội Thánh, và là những nhà
truyền giáo” [106] Nó mang theo nó ân sủng của việc là một nhà truyền giáo, đi
ra khỏi mình và làm những người hành hương: “Cùng nhau bước đến đền thờ và tham
gia vào các cách bày tỏ khác nhau của việc đạo đức phổ thông, trong khi cũng
đem theo các con em hoặc mời những người khác, tự nó là một hành động loan báo
Tin Mừng”. [107] Chúng ta đừng chế ngự cũng đừng tìm cách kiểm soát sức mạnh
truyền giáo này!
125. Để hiểu thực tại này chúng cần phải tiếp cận nó với cái
nhìn của Chúa Chiên Lành, là Đấng không tìm cách để phán xét, nhưng để yêu
thương. Chỉ từ tình cảm tiên thiên được phát sinh từ tình yêu mà chúng ta có thể
đánh giá cao đời sống thần học hiện diện trong việc đạo đức của các dân Kitô
giáo, đặc biệt là những người nghèo. Tôi nghĩ đến đức tin vững vàng của những
bà mẹ ở bên giường của một đứa con đang đau ốm trong tay nắm chặt một tràng hạt
Mân Côi, mặc dù chỉ thuộc qua loa những câu Kinh Tin Kính; hay đến tất cả hy vọng
trút xuống một ngọn nến được đốt trong một căn nhà khiêm tốn để cầu xin Đức Mẹ
giúp đỡ, hoặc trong những cái nhìn yêu mến sâu thẳm hướng về Đức Kitô Chịu Đóng
Đinh. Không có ai yêu dân thánh trung thành của Thiên Chúa mà nhìn những hành động
này như đơn thuần chỉ là việc tìm kiếm Thiên Chúa của con người. Chúng là những
biểu hiện của một cách sống thần học được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần là
Đấng đã tuôn đổ vào lòng chúng ta (x. Rm 5:5).
126. Trong việc đạo đức phổ thông, vì là kết quả của Tin Mừng
được hội nhập văn hóa, người ta tìm thấy một sức mạnh tích cực của việc Phúc Âm
hóa mà chúng ta không thể được đánh giá thấp: làm như thế là không nhận ra công
việc của Chúa Thánh Thần. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi để khuyến khích và
củng cố nó ngõ hầu đào sâu tiến trình hội nhập văn hoá là một thực tại không
bao giờ kết thúc. Những cách diễn tả của việc đạo đức phổ thông có nhiều điều để
dạy cho chúng ta, và đối với những người có thể đọc chúng, chúng là một nguồn của
thần học mà chúng ta phải chú ý đến, đặc biệt là khi chúng ta nghĩ về việc Tân
Phúc Âm hóa.
Giữa người với người
127. Giờ đây khi Hội Thánh muốn sống một sự đổi mới sâu xa về
truyền giáo, có một hình thức rao giảng thuộc về tất cả chúng ta như một bổn phận
hàng ngày. Đó là mang Tin Mừng đến cho những người mà chúng ta gặp, dù là những
người lân cận hoặc những người lạ. Đó là việc rao giảng không chính thức có thể
được thực hiện trong một cuộc trò chuyện và đó cũng là việc mà một nhà truyền
giáo làm khi đến thăm một gia đình. Là một môn đệ có nghĩa là lúc nào cũng sẵn
sàng để mang tình yêu của Chúa Giêsu đến cho người khác và điều này có thể xảy
ra đột xuất, ở bất cứ đâu, trên đường phố, nơi quảng trường, trong lúc làm việc,
trong một cuộc hành trình.
128. Trong việc giảng dạy này, là điều luôn luôn tôn trọng
và lịch sự, giây phút đầu tiên hệ tại một cuộc đối thoại cá nhân, trong đó người
kia diễn tả và chia sẻ niềm vui và hy vọng của họ với những quan tâm mà họ dành
cho những người thân yêu của họ cùng rất nhiều điều mà người ấy mang nặng trong
lòng. Chỉ sau cuộc đối thoại này, chúng ta mới có thể trình bày Lời Chúa cho họ,
hoặc bằng cách đọc một đoạn Thánh Kinh hoặc dưới hình thức một tường thuật,
nhưng luôn luôn nhắc lại sứ điệp căn bản: tình yêu của Thiên Chúa làm người, Đấng
đã hiến mình cho chúng ta và hằng sống, ban cho chúng ta ơn cứu rỗi và tình bằng
hữu của Người. Đây là lời công bố mà anh chị em chia sẻ với một thái độ khiêm tốn
và như lời chứng của một người luôn biết học hỏi, với ý thức rằng sứ điệp này
quá phong phú và quá thâm sâu đến nỗi nó luôn luôn vượt trên sự hiểu biết của
mình. Đôi khi nó được diễn tả một cách trực tiếp hơn, đôi khi qua một chứng từ
cá nhân, một câu chuyện, một cử chỉ, hay một hình thức mà Chúa Thánh Thần có thể
linh hứng trong một hoàn cảnh cụ thể. Nếu thận trọng và đúng điều kiện, thì tốt
nhất là cuộc gặp gỡ và truyền giáo huynh đệ này được kết thúc bằng một lời cầu
nguyện ngắn, liên hệ đến những quan tâm mà người ấy đã nói ra. Như thế, người ấy
sẽ cảm thấy rõ ràng hơn rằng mình được nghe và hiểu, rằng tình trạng của mình
đã được đặt trong bàn tay Thiên Chúa, và nhận ra rằng Lời Chúa thực sự nói với
cuộc đời của họ.
129. Đừng nghĩ rằng sứ điệp Tin Mừng phải luôn luôn được
truyền bằng những công thức nhất định và những lời chính xác diễn tả một nội
dung hoàn toàn không thay đổi. Nó được truyền lại dưới nhiều hình thức rất khác
nhau đến nỗi không thể mô tả hoặc phân loại nổi, và trong đó dân Thiên Chúa, với
nhiều cử chỉ và biểu hiệu của mình, là một chủ thể tập thể. Do đó, nếu Tin Mừng
được nhập thể trong một nền văn hóa, nó không còn chỉ được truyền thụ qua việc
loan báo từ người sang người khác. Điều này phải làm cho chúng ta nghĩ rằng, ở
các nước mà Kitô giáo là thiểu số, cũng như để khuyến khích tất cả những người
đã được rửa tội rao giảng Tin Mừng, các Hội Thánh địa phương cần tích cực thúc
đẩy các hình thức hội nhập văn hóa, ít ra là lúc ban đầu. Cuối cùng, điều mà
chúng ta phải nhắm đến là Tin Mừng, một khi được rao giảng bằng những loại rao
giảng thích hợp với mỗi nền văn hóa, sẽ tạo ra một tổng hợp mới với nền văn hóa
ấy. Mặc dù tiến trình này luôn chậm, đôi khi sợ hãi làm chúng ta quá tê liệt. Nếu
chúng ta cho phép nghi ngờ và sợ hãi bóp nghẹt sự mạnh dạn của mình, thì điều
có thể xảy ra là, thay vì sáng tạo, chúng ta chỉ đơn thuần nghỉ thoải mái mà
không đạt được bất kỳ một tiến bộ nào, và nếu như thế, chúng ta sẽ không còn là
những người tham gia vào tiến trình lịch sử với sự hợp tác của mình, nhưng chỉ
đơn thuần là những khán giả của một tình trạng đình trệ cằn cỗi của Hội Thánh.
Đặc sủng để phục vụ sự hiệp thông truyền giáo
130. Chúa Thánh Thần cũng phong phú hóa toàn thể Hội Thánh
rao giảng Tin Mừng với những đặc sủng khác nhau. Những đặc sủng này là những hồng
ân để canh tân và xây dựng Hội Thánh. [108] Chúng không phải là một tài sản bị
khóa chặt và được trao cho một nhóm nhỏ để bảo vệ; trái lại, chúng là quà tặng
của Chúa Thánh Thần được tháp nhập vào thân thể của Hội Thánh, được thu hút về
trung tâm là Đức Kitô, từ đó chuyển thành động lực của việc Phúc Âm hóa. Một dấu
chỉ rõ ràng về tính xác thực của một đặc sủng là bản chất Hội Thánh của nó, khả
năng tháp nhập một cách nhịp nhàng vào đời sống dân thánh của Thiên Chúa vì lợi
ích của mọi người. Một tính mới mẻ thật sự được tác động bởi Chúa Thánh Thần mà
không cần che khuất các hình thức linh đạo và hồng ân khác để mình được chứng tỏ.
Một đặc sủng càng hướng về trọng tâm của Tin Mừng thì việc thực thi nó sẽ càng
có tính Hội Thánh. Chính trong sự hiệp thông, dù thật khó khăn, mà một đặc sủng
được chứng tỏ là chân chính và sinh hoa quả nhiệm mầu. Nếu Hội Thánh sống thách
đố này, nó có thể là một khuôn mẫu cho hòa bình trên thế giới.
131. Sự khác nhau giữa dân chúng và cộng đồng đôi khi có vẻ
phiền toái, nhưng Chúa Thánh Thần, Đấng tạo nên sự đa dạng này, có thể rút ra từ
tất cả mọi sự một điều gì tốt và biến nó thành động năng truyền giáo có sức hấp
dẫn. Sự đa dạng luôn luôn phải được điều hòa bởi sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần;
chỉ có Ngài mới có thể gây ra sự đa dạng, đa số, vô số và đồng thời thực hiện
được sự hiệp nhất. Ngược lại, khi chúng ta tìm sự đa dạng, chúng ta khóa mình
trong chủ thuyết đặc thủ và chủ thuyết độc quyền của mình, cho nên chúng ta chỉ
gây ra chia rẽ. Tương tự, khi chúng ta muốn xây dựng sự hiệp nhất với những kế
hoạch nhân loại của mình, chúng ta chỉ áp đặt trên người khác tính thống nhất
và sự phê chuẩn của mình. Điều này không giúp gì được việc truyền giáo của Hội
Thánh.
Văn hóa, tư tưởng và giáo dục
132. Rao giảng cho nền văn hóa cũng có nghĩa là rao giảng
cho những nghành văn hóa chuyên nghiệp, khoa học và học thuật. Đây là cuộc gặp
gỡ giữa đức tin, lý trí và khoa học, nhằm mục đích phát triển những luận chứng
mới về sự đáng tin cậy và hộ giáo ban đầu [109] giúp tạo ra các quy tắc cho một
Tin Mừng được lắng nghe bởi tất cả mọi người. Khi một số loại lý lẽ và khoa học
được chấp nhận trong việc công bố sứ điệp, các loại này cùng trở thành công cụ
truyền giáo; như nước biến thành rượu. Bất cứ điều gì, một khi được xử dụng,
không chỉ được cứu chuộc, mà còn trở thành một công cụ của Chúa Thánh Thần để
soi sáng và đổi mới thế giới.
133. Việc người rao giảng Tin Mừng bận tâm đến việc gặp mọi
người thì chưa đủ, ngay cả khi Tin Mừng được công bố cho các nền văn hóa như một
tổng thể, thần học - không chỉ thần học mục vụ - trong cuộc đối thoại với các
khoa học khác và kinh nghiệm của con người, rất quan trọng để suy nghĩ về việc
làm thế nào để truyền đạt đề nghị của Tin Mừng cho những bối cảnh văn hóa và
các nhóm người nhận khác nhau. [110] Hội Thánh, tham gia vào việc Phúc Âm hóa,
đánh giá cao và khuyến khích đặc sủng của các nhà thần học và các nỗ lực của họ
trong việc nghiên cứu thần học, cổ võ việc đối thoại với thế giới văn hóa và
khoa học. Tôi kêu gọi các nhà thần học, thi hành tác vụ này như một phần của sứ
mệnh cứu độ của Hội Thánh. Tuy nhiên, trong khi làm như thế, họ luôn phải nhớ rằng
Hội Thánh và thần học hiện hữu để truyền giáo, chứ không chỉ hài lòng với một
thần học bàn giấy.
134. Các trường đại học là một môi trường đặc biệt để suy
nghĩ về phát triển về dấn thân này cho việc loan báo Tin Mừng bằng một cách tiếp
cận liên ngành và dung hợp. Các trường Công Giáo, luôn luôn cố gắng kết hợp
công tác giáo dục với việc công bố Tin Mừng cách rõ ràng, là một đóng góp rất
có giá trị cho việc Phúc Âm hóa nền văn hóa, ngay cả trong các quốc gia và
thành phố nơi mà một tình hình bất lợi thúc đẩy chúng ta sử dụng óc sáng tạo để
tìm ra những cách thức phù hợp. [111]
II. Bài giảng
135. Giờ đây chúng ta hãy xét đến việc giảng dạy trong phụng
vụ, là điều đòi hỏi các mục tử phải cẩn thận xem xét. Tôi sẽ đặc biệt chú ý, thậm
chí một cách hơi tỉ mỉ, đến bài giảng và việc chuẩn bị nó, bởi vì có rất nhiều
người than phiền vì tác vụ quan trọng này và chúng ta không thể bịt tai lại.
Bài giảng là tiêu chuẩn để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của một
mục tử với dân mình. Thực ra, chúng ta biết rằng các tín hữu rất coi trọng bài
giảng; và họ cũng như chính những thừa tác viên có chức thánh, cả người nghe lẫn
người giảng, thường bị thiệt thòi (vì những bài giảng thiếu chất lượng). Thật
đáng buồn khi điều này xảy ra. Bài giảng có thể thực sự là một kinh nghiệm mãnh
liệt và hạnh phúc về Chúa Thánh Thần, một cuộc gặp gỡ an ủi với Lời Chúa, một
nguồn mạch không ngừng của việc canh tân và tăng trưởng.
136. Chúng ta hãy phục hồi lòng tin tưởng của mình trong việc
giảng dạy, dựa trên xác tín rằng Chính Thiên Chúa, Đấng muốn đi đến với con người
qua các nhà thuyết giảng và rằng Ngài sẽ bày tỏ quyền năng của Ngài qua các lời
của loài người. Thánh Phaolô nói một cách mạnh mẽ về sự cần thiết phải rao giảng,
vì Chúa muốn đến với những người khác bằng lời của chúng ta (x. Rm 10:14-17). Với
Lời Người, Chúa đã chinh phục được quả tim của dân chúng. Họ đã đến tù khắp nơi
để nghe Người (x. Mc 1:45). Họ đã kinh ngạc “uống” giáo huấn của Người (x. Mc
6:2). Họ cảm thấy Người nói với uy quyền (x. Mc 1:27). Bằng lời của mình, các
Tông Đồ, là những người mà Đức Kitô đã thiết lập “để ở với Người và được sai đi
rao giảng” (Mc 3:14), đã kéo mọi dân tộc vào Hội Thánh (x. Mc 16:15,20).
Bối cảnh phụng vụ
137. Giờ đây chúng ta cần phải nhớ rằng “việc công bố Lời
Chúa trong phụng vụ, đặc biệt là trong bối cảnh của cộng đồng Thánh Thể, phải
như một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài hơn là một thời điểm để suy
niệm và dạy giáo lý, một cuộc đối thoại mà trong đó những kỳ công cứu độ được
công bố và những đòi hỏi của Giao Ước được liên tục lặp lại”. [112] Bài giảng
có một giá trị đặc biệt vì phát sinh từ bối cảnh Thánh Thể, là điều làm cho nó
vượt trên mọi hình thức dạy giáo lý bởi vì nó là một cuộc đối thoại tuyệt vời
nhất giữa Thiên Chúa và dân Ngài, trước khi hiệp thông Bí Tích. Bài giảng một lần
nữa tiếp tục cuộc đối thoại đã được mở ra giữa Chúa và dân Ngài. Nhà thuyết giảng
phải biết trọng tâm của cộng đồng của mình để nhận ra lòng ao ước Thiên Chúa sống
động và mãnh liệt ở đâu, và thậm chí một cuộc đối thoại thoại yêu thương như vậy
đã bị bóp nghẹt hoặc không thể sinh hoa kết quả ở chỗ nào.
138. Bài giảng không thể là một hình thức giải trí, như được
trình bày trên các phương tiện truyền thông, nhưng phải đem lại sự nhiệt thành
và ý nghĩa cho buổi lễ. Nó là một loại đặc biệt, vì nó là giảng dạy trong khuôn
khổ của một cuộc cử hành phụng vụ; do đó cần phải ngắn gọn và tránh làm cho nó
có vẻ như một bài diễn văn hoặc một bài thuyết trình. Một nhà thuyết giảng có
thể giữ được sự chú ý của quần chúng trong một giờ, như thế lời của ông trở nên
quan trọng hơn việc cử hành đức tin. Nếu bài giảng kéo dài quá lâu, nó sẽ ảnh
hưởng đến hai đặc tính của việc cử hành phụng vụ: sự hòa hợp giữa các phần của
phụng vụ và nhịp điệu của phụng vụ. Khi giảng dạy được thực hiện trong bối cảnh
phụng vụ, nó hợp thành một phần của Lễ Vật dâng lên Chúa Cha, và như trung gian
của ân sủng mà Đức Kitô đổ ra trong buổi Cử Hành. Cùng bối cảnh này đòi hỏi bài
giảng phải hướng dẫn cộng đồng, và ngay cả nhà thuyết giảng, đến sự hiệp thông
với Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, là Đấng biến đổi cuộc sống. Điều này đòi
hỏi lời của nhà thuyết giảng không được chiếm quá nhiều không gian, để Chúa có
thể tỏa sáng nhiều hơn nhà thuyết giảng.
Một cuộc nói chuyện của một người mẹ
139. Chúng tôi đã nói rằng Dân Thiên Chúa, qua sự tác động
liên tục của Chúa Thánh Thần ở trong họ, không ngừng Phúc Âm hóa chính mình.
Xác tín này có ý nói gì với nhà thuyết giảng? Nó nhắc nhở chúng ta rằng Hội
Thánh là mẹ và giảng cho dân như một người mẹ nói chuyện với con mình, biết rằng
đứa con tin rằng tất cả những gì mẹ dạy là vì muốn điểu tốt cho mình vì nó biết
rằng mẹ yêu thương mình. Hơn nữa, một người mẹ tốt có thể nhận ra tất cả những
gì Thiên Chúa đã gieo trồng trong con mình, lắng nghe những quan tâm của nó và
học hỏi từ nó. Tinh thần yêu thương ngự trị trong một gia đình hướng dẫn cả mẹ
lẫn con trong cuộc đối thoại của họ, ở đó người ta dạy và học, sửa chữa và đề
cao những điều tốt. Điều tương tự cũng xảy ra trong bài giảng. Cùng một Chúa
Thánh Thần, Đấng linh hứng các sách Tin Mừng và hoạt động trong dân Thiên Chúa,
cũng linh hứng chúng ta để lắng nghe đức tin của dân và giảng thế nào trong mỗi
Thánh Thể. Do đó, bài giảng Kitô giáo tìm thấy ở trung tâm của nền văn hóa của
dân chúng một nguồn nước hằng sống, là điều giúp cho nhà thuyết giảng biết phải
nói gì và tìm cách thích hợp để nói. Cũng như tất cả chúng ta đều thích được
người khác nói với mình bằng tiếng mẹ đẻ của mình, vì vậy trong đức tin, chúng
ta cũng muốn người ta nói bằng thuật ngữ của “văn hóa của mẹ”, bằng thổ ngữ của
mẹ (x. 2 Mac 7:21, 27), và quả tim chúng ta sẵn sàng lắng nghe hơn. Ngôn ngữ
này là một âm điệu truyền lòng dũng cảm, sự hứng khởi, sức mạnh và sự thúc đẩy.
140. Lãnh vực mẹ và Hội Thánh này, trong đó cuộc đối thoại
giữa Chúa với dân Ngài xảy ra, phải được khuyến khích và nuôi dưỡng bởi sự gần
gũi của nhà thuyết giảng, sự ấm áp của giọng nói, sự dịu dàng của cách nói, niềm
vui của những cử chỉ của ngài. Ngay cả trong những trường hợp bài giảng có vẻ một
chút thiếu hấp dẫn, nếu người nghe cảm nhận được tinh thần mẫu tử và Hội Thánh
này, thì vẫn luôn luôn có kết quả, như những lời khuyên nhàm chán của một bà mẹ
mang lại kết quả với thời gian trong lòng con cái.
141. Người ta phải ngưỡng mộ những phương tiện mà Chúa sử dụng
để đối thoại với dân chúng của Người, để mặc khải mầu nhiệm của Người cho mọi
người, để thu hút những người đơn thành với những giáo huấn quá cao vời và quá
đòi hỏi của Người. Tôi tin rằng bí mật được giấu trong cái nhìn của Chúa Giêsu
đối với dân chúng, vượt trên những yếu đuối và sa ngã của họ: “Hỡi đàn chiên bé
nhỏ, đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban Nước Trời cho các con” (Lc 12:32);
Chúa Giêsu đã rao giảng với tinh thần ấy. Tràn đầy niềm vui trong Chúa Thánh Thần,
Người chúc tụng Chúa Cha là Đấng đã kéo những người bé nhỏ lại: “Lạy Cha là
Chúa Tể trời đất, Con chúc tụng Cha vì Cha đã giấu không cho các người khôn
ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải chúng cho những người
bé mọn” (Lc 10:21). Chúa thực sự vui lòng với cuộc đối thoại với dân của Người,
và nhà thuyết giảng phải làm cho người ta cảm nhận được niềm vui này của Chúa.
Những lời đốt cháy lòng người
142. Một cuộc đối thoại còn nhiều hơn là chỉ thông truyền chân
lý. Nó được thực hiện bởi sự hứng thú khi nói và vì lợi ích cụ thể được truyền
thông giữa những người thích nhau qua lời nói. Đây là một điều tốt lành không hệ
tại ở các sự vật, nhưng ở những người chia sẻ với nhau trong cuộc đối thoại. Một
bài giảng thuần túy về luân lý hoặc về tín lý, cũng như một bài giảng trở thành
một bài thuyêt trình về chú giải Thánh Kinh, làm giảm bớt sự truyền thông giữa
các tâm hồn. Sự truyền thong này xảy ra trong bài giảng và có một tính cách hầu
như bí tích: “Đức tin có được là nhờ nghe, mà nghe là nghe rao giảng lời Ðức
Kitô” (Rm 10:17). Trong bài giảng, chân lý được đi kèm với sự thiện và mỹ. Đây
không phải là chân lý trừu tượng hay suy diễn lạnh lùng, bởi vì nó cũng truyền
đạt vẻ đẹp của hình ảnh mà Chúa sử dụng để khuyến khích người ta làm điều tốt.
Ký ức của các tín hữu, giống như của Đức Mẹ Maria, phải tràn đầy những điều kỳ
diệu của Thiên Chúa. Được mở ra cho niềm hy vọng về một thực hành hân hoan và
khả năng yêu thương được rao giảng, tâm hồn họ cảm thấy rằng từng Lời trong
Thánh Kinh trước hết là một hồng ân, trước khi là một đòi hỏi.
143. Thách đố của một bài giảng được hội nhập văn hóa hệ tại
việc công bố một tổng hợp của sứ điệp Tin Mừng, chứ không phải những ý tưởng hoặc
những giá trị rời rạc. Tổng hợp của chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta ở đó. Sự
khác biệt giữa việc làm sáng tỏ một tổng hợp với việc làm sáng tỏ những ý tưởng
rời rạc nhau cũng giống như giữa sự buồn tẻ và lòng nhiệt thành của tâm hồn.
Nhà thuyết giảng có sứ vụ đẹp nhất và khó khăn nhất là kết hợp những trái tim
thân yêu: đó là trái tim của Chúa và những trái tim của dân Người. Cuộc đối thoại
giữa Thiên Chúa và dân Người làm cho Giao Ước giữa hai bên càng thêm vững chắc
và củng cố mối dây bác ái. Trong lúc nghe giảng, trái tim của các tín hữu im lặng
để nghe Chúa nói. Chúa và dân Người trực tiếp nói với nhau bằng hàng ngàn cách
mà không cần trung gian. Tuy nhiên, trong bài giảng, họ muốn có một người khác
phục vụ như một công cụ và diễn tả những cảm xúc của họ, để sau đó mỗi người có
thể chọn cách tiếp tục cuộc nói chuyện. Lời Chúa tự bản chất là một trung gian
và đòi hỏi không những chỉ có hai người đối thoại với nhau mà còn một nhà thuyết
giảng đại diện, tôi tin rằng “chúng tôi không rao giảng chính mình, nhưng rao
giảng Ðức Giêsu Kitô là Chúa; còn chúng tôi chỉ là đầy tớ của anh em vì Chúa
Giêsu” (2 Cor 4:5).
144. Nói chuyện bằng trái tim không những chỉ có nghĩa là giữ
cho nó rực cháy, nhưng còn cho nó được chiếu sáng bởi sự toàn vẹn của Mặc Khải
và bởi con đường mà Lời Chúa đã hành trình trong lòng Hội Thánh và của dân
trung thành của chúng ta trong suốt dòng lịch sử. Căn tính Kitô giáo này, như
cái ôm lúc rửa tội mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta khi còn nhỏ, làm cho chúng
ta ao ước, như những đứa con phung phí - và những đứa con yêu của Đức Mẹ – một
cái ôm khác, của Cha nhân từ là Đấng đang chờ đợi chúng ta trong vinh quang. Việc
giúp cho dân của chúng ta cảm thấy rằng họ đang sống giữa hai cái ôm này là một
nhiệm vụ khó khăn nhưng đẹp đẽ của những người giảng Tin Mừng.
III. Việc soạn bài giảng
145. Việc chuẩn bị bài giảng là một nhiệm vụ rất quan trọng
nên phải dành nhiều thì giờ để học hỏi, cầu nguyện, suy niệm và sáng tạo mục vụ.
Với lòng trìu mến, tôi muốn đề ra một cách soạn bài giảng. Có những dấu hiệu
cho thấy một số điều có vẻ hiển nhiên, nhưng tôi yêu cầu các nhà thuyết giảng
nhớ dành một thì giờ ưu tiên cho mục vụ cao quý này. Một số mục tử thường cho rằng
việc chuẩn bị này không thể được vì họ có quá nhiều nhiệm vụ phải chu toàn. Tuy
nhiên, tôi mạo muội yêu cầu quý cha mỗi tuần dành riêng một phần thì giờ cá
nhân và cộng đồng đủ dài cho công tác này, thậm chí nếu cần thì phải bớt thì giờ
cho nhưng công tác khác, mặc dù quan trọng. Lòng tín thác vào Chúa Thánh Thần,
Đấng hoạt động trong bài giảng không chỉ đơn thuần thụ động, mà tích cực và và
sáng tạo. Nó liên quan đến việc chúng ta hiến mình như một công cụ (x. Rm 12:1)
với tất cả kỹ năng của mình để có thể được Thiên Chúa sử dụng. Một mục tử không
chuẩn bị thì không “thuộc về tinh thần”; mục tử ấy bất hảo và vô trách nhiệm đối
với những hồng ân mà mình đã nhận được.
Việc tôn sùng chân lý
146. Bước thứ nhất, sau khi đã cầu khẩn Chúa Thánh Thần, là
hoàn toàn chú ý vào bản văn Thánh Kinh, điều này phải là nền tảng của việc giảng
dạy. Khi một người tập trung để cố gắng hiểu sứ điệp của văn bản là gì, là người
ấy thực hành “việc tôn sùng chân lý”. [113] Đó là sự khiêm tốn của tâm hồn,
nhìn nhận rằng Lời Chúa luôn luôn siêu vượt chúng ta, rằng chúng ta không phải
là “những vị thầy, cũng không phải là chủ nhân, nhưng là những người quản thủ,
những người loan tin và những người phục vụ”. [114] Thái độ cung kính khiêm tốn
và kinh ngạc về Lời Chúa được thể hiện trong việc bỏ thì giờ ra để nghiên cứu một
cách cẩn thận và với một lòng kinh sợ thánh thiện để khỏi giải thích sai lạc. Để
giải thích một bản văn Thánh Kinh, chúng ta cần phải kiên nhẫn, gạt hết mọi ưu
tư ra ngoài, và dành thì giờ cho nó, thích thú và hiến thân cách nhưng không.
Chúng ta cần phải đặt bất kỳ bận tâm nào ám ảnh mình sang một bên để tạo ra một
bầu khí trầm lặng cho việc tập trung tư tưởng. Thật là vô ích để đọc một bản
văn Thánh Kinh nếu chúng ta muốn có kết quả nhanh chóng, dễ dàng hoặc tức thì.
Vì vậy, việc soạn bài giảng đòi hỏi phải có tình yêu. Người ta chỉ bỏ thì giờ
không công và không vội vàng cho những sự việc hay những người mình yêu; và ở
đây là tình yêu Thiên Chúa, Đấng muốn nói với chúng ta. Vì tình yêu này, cần
bao nhiêu thì giờ thì chúng ta có thể bỏ ra bấy nhiêu, với thái độ của người
môn đệ, “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1 Sam 3:9).
147. Trước hết, chúng ta phải chắc chắn rằng mình hiểu đúng
ý nghĩa của những lời mà mình đọc. Tôi muốn nhấn mạnh vào một điều có vẻ hiển
nhiên nhưng không phải là chúng ta luôn luôn nhớ: bản văn Thánh Kinh mà chúng
ta nghiên cứu đã có từ hai ngàn hay ba ngàn năm, ngôn ngữ của nó rất khác với
ngôn ngữ chúng ta sử dụng ngày nay. Nhiều khi chúng ta dường như hiểu những từ
ngữ được dịch sang ngôn ngữ của mình, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta
hiểu đúng những gì các Thánh Ký có ý nói. Những phương tiện khác nhau được khoa
phân tích văn học cung cấp thì ai cũng biết: chú ý đến các từ ngữ được lặp đi lặp
lại hoặc nổi bật, nhận ra cấu trúc và động năng riêng của một văn bản, xem xét
vai trò mà các nhân vật đóng, vv.... Nhưng mục tiêu không phải là để hiểu tất cả
những chi tiết nhỏ của một văn bản, điều quan trọng nhất là tìm ra sứ điệp
chính là gì, điều gì cho bản văn cấu trúc và sự thống nhất của nó. Nếu nhà giảng
thuyết không thực hiện cố gắng này, thì có thể bài giảng sẽ thậm chí không có sự
thống nhất và thứ tự; bài nói chuyện của người ấy sẽ chỉ là một tổng hợp của
nhiều ý tưởng rời rạc mà không đánh động được ai. Sứ điệp chính là điều tác giả
muốn truyền đạt trước hết, nó liên hệ không những chỉ đến việc nhận ra một ý tưởng,
nhưng còn hiệu quả mà tác giả ấy muốn tạo ra. Nếu một bản văn được viết để an ủi,
thì không được sử dụng nó để sửa lỗi; nếu nó được viết để khuyên nhủ, thì không
được sử dụng nó để hướng dẫn; nếu nó được viết để dạy chúng ta một điều gì về
Thiên Chúa, thì không được sử dụng nó để giải thích những tư tưởng thần học
khác nhau; nếu nó được viết để biện minh cho những lời chúc tụng hoặc công việc
truyền giáo, thì đừng sử dụng để nói về những tin tức thời sự.
148. Tất nhiên là để hiểu đầy đủ ý nghĩa của sứ điệp chính của
một bản văn, thì cần phải đặt nó trong mối liên hệ với giáo huấn của toàn bộ
Thánh Kinh như được truyền lại qua Hội Thánh. Đây là một nguyên tắc quan trọng
trong việc giải thích Thánh Kinh, vì nhận ra rằng Chúa Thánh Thần đã không linh
hứng chỉ một phần, mà toàn bộ Thánh Kinh, và rằng trong một số vấn đề, dân
chúng lớn lên trong sự hiểu biết của mình về Thánh Ý Thiên Chúa từ những kinh
nghiệm sống. Bằng cách này chúng ta tránh giải thích sai hoặc không đầy đủ, là
điều mâu thuẫn với các giáo huấn khác của Thánh Kinh. Nhưng điều này không có
nghĩa là làm suy yếu điểm nổi bật thích hợp và đặc biệt của bản văn mà chúng ta
phải giảng. Một trong những thiếu sót của một bài giảng tẻ nhạt và không hiệu
quả là người giảng không có khả năng truyền thụ sức mạnh riêng của bản văn mà
mình công bố.
Việc cá nhân hóa Lời Chúa
149. Nhà thuyết giảng “trước hết phải phát triển một sự quen
thuộc rộng rãi với Lời Chúa. Kiến thức về bình diện ngữ học và chú giải, mặc dù
cần thiết, nhưng chưa đủ. Họ cần phải tiếp cận Lời Chúa bằng một tâm hồn ngoan
ngoãn và cầu nguyện, ngõ hầu Lời Chúa thấm sâu vào những suy nghĩ và cảm xúc của
họ cùng phát sinh nơi họ một não trạng mới”. [115] Tốt hơn cho chúng ta là lập
lại mỗi ngày, mỗi Chúa Nhật, nhiệt tình của mình trong việc soạn bài giảng, và
kiểm chứng lại xem tình yêu Lời Chúa mà chúng ta giảng có lớn lên trong chính
mình chúng ta không. Chúng ta cũng đừng quên rằng “đặc biệt, sự thánh thiện nhiều
hay ít của thừa tác viên có ảnh hưởng thực sự đến việc rao giảng Lời Chúa”.
[116] Như Thánh Phaolô quả quyết: “chúng tôi rao giảng, không phải để đẹp lòng
người ta, mà để đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng thử thách lòng chúng tôi” (1 Thes
2:4). Nếu chúng ta có một ao ước sống động là người đầu tiên nghe Lời Chúa mà
chúng ta phải giảng, thì điều này sẽ chắc chắn được truyền cách này hay cách
khác đến Dân Thiên Chúa: “Vì có đầy tràn trong lòng, thì miệng mới nói ra” (Mt
12:34). Các bài đọc Chúa Nhật sẽ vang vọng với tất cả vẻ huy hoàng của chúng
trong tâm hồn dân chúng, nếu trước hết được vang vọng trong tâm hồn của Mục Tử.
150. Chúa Giêsu đã tức giận trước với những người tự nhận là
thầy, là những kẻ khó khăn với những người khác khi dạy Lời Chúa, nhưng không để
cho chính mình được soi sáng bởi Lời ấy: “họ bó những gánh nặng nề, khó mà vác
nổi, và chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại chẳng động một ngón tay
nào vào”(Mt 23:04). Thánh Tông Đồ Giacôbê kêu gọi: “Thưa anh em, đừng có nhiều
người muốn làm thầy, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn”
(Gb 3:1). Bất cứ ai muốn giảng, trước hết phải sẵn sàng để được đánh động bởi Lời
Chúa và làm cho Lời ấy nhập thể trong cuộc sống cụ thể của mình. Bằng cách này,
việc giảng dạy sẽ hệ tại hoạt động ấy, rất mãnh liệt và hiệu quả, đó là “truyền
đạt cho những người khác điều mà mình đã chiêm niệm”. [117] Vì tất cả những điều
này, trước khi chuẩn bị một cách cụ thể những gì chúng ta sẽ nói trong việc giảng
dạy, chúng ta phải chấp nhận bị thương trước hết bởi Lời ấy, là Lời sẽ làm cho
những người khác bị thương, vì đó là một Lời hằng sống và linh nghiệm, như một
lưỡi gươm “xuyên qua giữa linh hồn và thần trí; gân và tủy, và có thể phân biệt
các toan tính và suy tư của lòng người” (Dt 4:12). Điều này rất quan trọng
trong mục vụ. Ngay cả trong thời đại này, người ta thích nghe các nhân chứng: họ
“khao khát sự xác thực [...] đòi các nhà truyền giáo phải nói về một Thiên Chúa
mà chính mình biết và quen thuộc với, như thể họ thấy Đấng vô hình”. [118]
151. Không ai đòi buộc chúng ta phải hoàn toàn thanh khiết,
nhưng đúng hơn là chúng ta phải luôn luôn lớn lên, sống ước muốn thâm sâu để tiến
triển trên con đường Tin Mừng, và không cho phép mình sa ngã. Điều quan trọng
là nhà thuyết giảng phải chắc chắn rằng Thiên Chúa yêu thương mình, rằng Đức
Chúa Giêsu Kitô đã cứu mình, rằng tình yêu của Người luôn luôn là tiếng nói quyết
định. Trước vẻ đẹp như thế, chúng ta thường cảm thấy rằng cuộc sống của mình đã
không làm vinh danh Người cách trọn vẹn và muốn chân thành đáp lại cách tốt hơn
một tình yêu cao cả như vậy. Nhưng nếu chúng ta không dừng lại để lắng nghe Lời
Chúa với tấm lòng cởi mở chân thành, nếu chúng ta không để cho Lời ấy chạm vào
cuộc sống của mình, chất vấn mình, khuyên nhủ mình, lay chuyển mình, nếu chúng
ta không dành thời giờ để cầu nguyện bằng Lời Chúa, thì chúng ta sẽ là những
tiên tri giả, những kẻ lừa đảo hoặc giả mạo trống rỗng. Trong mọi trường hợp, bắt
đầu với việc công nhận sự nghèo nàn của mình và ước muốn dấn thân nhiều hơn nữa,
chúng ta có thể luôn luôn ban tặng Đức Chúa Giêsu Kitô, như Thánh Phêrô nói:
“Tôi không có bạc hay vàng; nhưng điều tôi có thì tôi cho anh” (Cv 3:6). Chúa
muốn sử dụng chúng ta như những tạo vật sống động, tự do và có óc sáng tạo, những
người tự để cho mình được xuyên qua bằng Lời của Người trước khi truyền thông
nó; sứ điệp của Người phải thực sự đi qua các nhà thuyết giảng, nhưng không chỉ
qua lý trí, mà qua việc sở hữu toàn thể con người. Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng
Lời Chúa, chính là Đấng “Ngày nay, giống như thủa ban đầu của Hội Thánh, hoạt động
trong mọi nhà truyền giáo là những người để cho mình được Ngài sở hữu và dẫn đường,
cùng đặt trong miệng họ những ngôn từ mà chỉ Ngài mới có thể tìm thấy được”.
[119]
Việc đọc sách thiêng liêng
152. Có một cách cụ thể để lắng nghe điều Chúa muốn nói với
chúng ta trong Lời của Người và được biến Thánh Thần của Người đổi. Và đó là điều
mà chúng ta gọi là “lectio divina”. Nó bao gồm việc đọc Lời Chúa để nội tâm hóa
trong lúc cầu nguyện để cho Lời ấy soi sáng và đổi mới chúng ta. Việc đọc Thánh
Kinh trong cầu nguyện này không phải là điều tách rời khỏi việc học hỏi các nhà
giảng thuyết, được thực hiện để xác định sứ điệp chính của bản văn; trái lại,
phải bắt đầu từ đó, để cố gắng khám phá điều mà chính sứ điệp nói với đời sống
của mình. Việc đọc sách thiêng liêng của một văn bản phải bắt đầu từ nghĩa đen
của nó. Nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng làm cho văn bản nói những gì chúng ta
nghĩ là thuận tiện, những gì xác nhận những quyết định có trước của mình, thích
nghi với tư duy của mình. Điều này, cuối cùng, sẽ như sử dụng một sự gì thánh để
tìm tư lợi và chuyển sự mơ hồ như thế sang dân Thiên Chúa. Đừng bao giờ quên rằng
đôi khi “ngay cả Satan cũng cải trang thành một thiên thần ánh sáng” (2 Cor
11:14).
153. Trong sự hiện diện của Thiên Chúa, khi bình tĩnh đọc bản
văn, thật tốt để chúng ta hỏi, chẳng hạn như: “Lạy Chúa, bản văn này nói gì với
con? Chúa muốn con thay đổi điều gì trong đời con với sứ điệp này? Điều gì làm
tôi khó chịu trong văn bản này? Tại sao tôi không quan tâm đến điều này?” Hoặc,
“Tôi thích gì, điều gì thúc đẩy tôi trong Lời này? Điều gì thu hút tôi? Tại sao
nó thu hút tôi?” Khi cố gắng để lắng nghe Chúa, chúng ta thường có những cám dỗ.
Một trong chúng chỉ đơn thuần là khó chịu hoặc cảm thấy bị áp bức, và tự khép
kín trong chính mình; một cám dỗ rất phổ thông là bắt đầu suy nghĩ về những gì
văn bản nói đến người khác, để tránh áp dụng nó vào cuộc sống của mình. Điều
cũng xảy ra là người ta bắt đầu tìm lý do để cho phép họ nhận chìm sứ điệp cụ
thể của một văn bản. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa đòi chúng ta một quyết
định quá lớn, mà chúng ta chưa có điều kiện để thực hiện. Điều này dẫn đến việc
nhiều người mất niềm vui của việc gặp gỡ Lời Chúa, nhưng điều ấy có nghĩa là
quên rằng không ai là kiên nhẫn hơn Thiên Chúa Cha, rằng không ai hiểu và biết
cách chờ đợi hơn Ngài. Ngài luôn luôn mời gọi chúng ta bước lên một bước về
phía trước, nhưng không đòi hỏi một câu trả lời đầy đủ nếu chúng ta chưa bước
đi trên con đường làm cho nó khả thi. Ngài chỉ đơn thuần muốn chúng ta nhìn một
cách trung thực vào cuộc sống hiện tại của mình và trình diện chính mình mà
không không giả tạo trong đôi mắt của Ngài, rằng chúng ta sẵn sàng tiếp tục lớn
lên, và cầu xin Ngài những gì chúng ta vẫn chưa nhận được.
Lắng nghe dân chúng
154. Nhà thuyết giảng cũng phải lắng nghe dân chúng, để tìm
ra những gì mà các tín hữu cần nghe. Một mục tử phải chiêm niệm Lời Chúa và
cũng phải chiêm ngắm dân mình. Bằng cách này, ngài khám phá ra “những nguyện vọng,
những sự phong phú và những giới hạn, những cách để cầu nguyện, để yêu thương,
để xem xét cuộc sống và thế giới, là điều phân biệt cuộc tụ họp này hoặc cuộc tụ
họp khác của con người,” trong khi chú ý đến “những con người cụ thể mà ngài
nói với, để sử dụng ngôn ngữ của họ, những dấu hiệu và biểu tượng của họ, để trả
lời những câu hỏi của hỏi.” [120] Đó là kết nối sứ điệp của bản văn Thánh Kinh
với một hoàn cảnh của con người, với những gì mà họ sống, với một kinh nghiệm cần
ánh sáng của Lời Chúa. Mối quan tâm này không đáp ứng với thái độ của một người
theo cơ hội chủ nghĩa hay một nhà ngoại giao, nhưng có tính cách tôn giáo và mục
vụ sâu xa. Căn bản, nó là “ một sự nhạy cảm tinh thần thực sự đối với việc đọc
sứ điệp của Thiên Chúa trong các biến cố” [121] và điều này còn nhiều hơn tìm kiếm
một điều gì thú vị để nói. Điều mà chúng ta đang tìm kiếm để khám phá ra là
“Chúa muốn nói gì trong dịp này”. [122] Như vậy, việc soạn bài giảng trở thành
một thực tập trong việc phân biệt theo Tin Mừng, trong đó chúng ta cố gắng để
nhận ra - trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần – “một lời mời gọi mà Thiên Chúa
đã làm vang lên trong chính hoàn cảnh lịch sử, mà cũng qua qua đó, Thiên Chúa mời
gọi các tín hữu”. [123]
155. Trong việc nghiên cứu này có thể chỉ cần sử dụng một số
kinh nghiệm thông thường của con người, chẳng hạn như niềm vui của một cuộc gặp
gỡ mới, sự thất vọng, sợ hãi cô đơn, lòng trắc ẩn trước sự những đau khổ của
người khác, sự bất ổn về tương lai, những quan tâm cho người thân, vv.... Tuy
nhiên chúng ta cần phải có một sự nhạy cảm lớn lao để nhận ra những gì thực sự ảnh
hưởng đến đời sống của họ. Cần phải nhớ rằng chúng ta không bao giờ nên trả lời
những câu hỏi mà không ai đặt ra, cũng không phải là lúc thích hợp để nói về những
tin tức thời sự với mục đích kéo sự chú ý của người nghe: đã có chương trình
truyền hình cho những tin tức này rồi. Tuy nhiên, chúng ta có thể mở đầu bằng một
vài sự kiện hay câu chuyện để Lời Chúa có thể vang dội cách mãnh liệt trong lời
kêu gọi hoán cải, thờ phượng và những thái độ cụ thể của tình huynh đệ và phục
vụ, vv…. Bởi vì đôi khi có một số người thích nghe trong bài giảng những bình
luận về thời sự, trong khi không để cho cá nhân mình bị thách đố.
Những công cụ sư phạm
156. Một số người tin rằng họ có thể giảng thuyết tốt vì họ
biết những gì họ sẽ nói, tuy nhiên họ không chú ý đến cách phải nói thế nào, là
cách cụ thể để khai triển một bài giảng. Họ khó chịu khi những người khác không
nghe họ hoặc không đánh giá cao họ, nhưng có lẽ họ không mấy bận tâm đến việc
tìm cách thích hợp để trình bày sứ điệp. Chúng ta hãy nhớ rằng “tầm quan trọng
hiển nhiên của nội dung truyền giáo không thể che khuất tầm quan trọng của những
cách thức và phương tiện”. [124] Quan tâm đến cách giảng cũng là một thái độ hết
sức tâm linh. Thái độ này có nghĩa là đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa, hiến
mình với tất cả khả năng và óc sáng tạo của mính để phục vụ sứ mệnh được trao
phó. Nhưng nó cũng là một thực tập của tình yêu tinh tế dành cho những ngưởi
lân cận, vì chúng ta không muốn cung cấp cho người khác những gì kém chất lượng.
Trong Thánh Kinh, chẳng hạn, chúng ta tìm thấy những đề nghị để soạn bài giảng
hầu đảm bảo một biện pháp thích hợp, “hãy tóm lược các lời nói của con. Nhiều lời
trong vài chữ” (Sir 32,8).
157. Tôi chỉ đơn thuần đưa ra một vài thí dụ, chúng ta hãy
nhớ lại một số công cụ thực tế có thể phong phú hóa bài giảng và làm cho nó hấp
dẫn hơn. Một trong những cố gắng rất cần thiết là học cách sử dụng hình ảnh
trong bài giảng, nghĩa là nói bằng những hình ảnh. Đôi khi chúng ta dùng những
thí dụ để làm cho điều mình muốn giải thích đươc dễ hiểu, nhưng những thí dụ
thường chỉ nại vào trí óc; ngược lại, hình ảnh giúp người nghe thưởng thức và dễ
chấp nhận sứ điệp chúng ta muốn truyền đạt hơn. Một hình ảnh hấp dẫn làm cho sứ
điệp có vẻ nghe quen thuộc, gần gũi, thực tế và liên hệ với đời sống hằng ngày.
Một hình ảnh thành công có thể giúp người ta thưởng thức sứ điệp mà chúng ta muốn
truyền đạt, và làm thức tỉnh một ước muốn và chuyển ý chí về phía Tin Mừng. Như
một vị thầy cũ đã nói với tôi, một bài giảng hay phải có “một tư tưởng, một cảm
giác và một hình ảnh.”
158. Đức Phaolô VI đã nói rằng các tín hữu “kỳ vọng nhiều ở
bài giảng, và nó sẽ có lợi cho rất nhiều người nếu nó rất đơn giản, rõ ràng, trực
tiếp và phù hợp”. [125] Đơn giản liên hệ đến ngôn ngữ được sử dụng. Nó phải là
ngôn ngữ mà người nghe có thể hiểu nếu không chúng ta nói vô ích. Thường thì
nhà thuyết giảng dùng những từ ngữ mà họ đã học được trong tiến trình nghiên cứu
và trong môi trường chuyên môn của họ, nhưng không phải là một phần của ngôn ngữ
chung của thính giả của họ. Có những từ ngữ thần học hay tín lý, mà phần lớn
các Kitô hữu không hiểu được ý nghĩa của chúng. Nguy cơ lớn nhất đối với một
nhà giảng thuyết là quá quen thuộc với ngôn ngữ riêng của họ và nghĩ rằng tất cả
những người khác đều dùng và hiểu chúng một cách tự nhiên. Nếu chúng ta muốn
thích nghi với ngôn ngữ của những người khác để họ tiếp xúc được với Lời Chúa,
chúng ta phải lắng nghe rất nhiều, chúng phải chia sẻ cuộc sống của dân chúng
và chú ý nhiều đến họ. Sự đơn giản và rõ ràng là hai việc khác nhau. Ngôn ngữ
có thể rất đơn giản, nhưng các bài giảng có thể không rõ ràng. Nó có thể trở
nên khó hiểu vì thiếu trật tự, thiếu luận lý, vì đề cập đến nhiều chủ đề khác
nhau cùng một lúc. Do đó một nhiệm vụ cần thiết là phải đảm bảo rằng bài giảng
có sự thống nhất theo chủ đề, trình tự và kết nối rõ ràng giữa các câu, để mọi
người có thể dễ dàng theo dõi và hiểu được luận lý của những gì nhà thuyết giảng
nói.
159. Một đặc tính khác là ngôn ngữ tích cực. Đừng nói nhiều
đến những gì người ta không nên làm, nhưng tốt hơn là đề nghị những gì chúng ta
có thể làm tốt hơn. Trong mọi trường hợp, nếu có một điều gì tiêu cực, thì hãy
luôn cố gắng vạch ra một giá trị tích cực có sức thu hút, đừng dừng lại ở việc
than phiền, than thở, chỉ trích hay hối hận. Ngoài ra, một bài giảng tích cực
luôn đem lại hy vọng, hướng về tương lai, không biến chúng ta thành tù nhân của
những điều tiêu cực. Thật là một điều tốt khi các linh mục, phó tế và giáo dân
đến với nhau theo định kỳ để cùng nhau tìm ra những công cụ giúp làm cho bài giảng
thêm hấp dẫn!
IV. Phúc Âm hoá để đào sâu lời rao giảng ban đầu (kerygma)
160. Mệnh lệnh truyền giáo của Chúa bao gồm lời mời gọi lớn
lên trong đức tin khi Người nói: “dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền
cho các con” (Mt 28:20). Vì vậy, rõ ràng là lời rao giảng ban đầu cũng làm phát
sinh một tiến trình hình thành và trưởng thành. Truyền giáo cũng nhằm việc tăng
trưởng, đòi hỏi phải rất coi trọng mọi người và kế họach mà Chúa đã dự định cho
họ. Mỗi người đều cần phải lớn lên hơn trong Đức Kitô, và việc loan báo Tin Mừng
không được để cho một ai chỉ hài lòng với một chút, nhưng người ấy có thể nói
là no đủ: “Không còn là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20).
161. Thật sai lầm khi coi lời mời gọi lớn lên này chỉ độc
quyền hoặc chủ yếu là một việc đào luyện về tín lý. Nó là “tuân giữ” những gì
Chúa đã truyền cho chúng ta, như một sự đáp trả lại tình yêu của Người, nổi bật
nhất trong những điều ấy, cùng với tất cả các nhân đức, là Điều Răn Mới, điều
răn đứng đầu và trọng nhất, điều răn tốt nhất để xác nhận chúng ta là môn đệ:
“Đây là điều răn của Thầy, là các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương
yêu các con” (Ga 15:12). Rõ ràng là khi các tác giả Tân Ước muốn tóm sứ điệp
luân lý của Kitô giáo lại thành một tổng hợp cuối cùng và quan trọng nhất, các
ngài trình bày cho chúng ta đòi hỏi không thể tránh được là yêu tha nhân: “Ai
yêu tha nhân là làm trọn Lề Luật...như thế sự viên mãn của Lề Luật là đức ái”
(Rm 13:8,10). “Nếu anh em làm tròn luật cao trọng nhất theo Kinh Thánh, “Ngươi
phải thương yêu người lân cận như chính mình,” thì anh em làm điều tốt” (Gb
2:8). “Vì toàn thể Lề Luật được làm tròn trong một lời là, “Ngươi hãy yêu người
lân cận như chính mình” (Gal 5:14). Thánh Phaolô đề nghị với cộng đoàn của ngài
một cách để lớn lên trong tình yêu: “Nguyện xin Chúa làm cho tình yêu thương của
anh em đối với nhau và với mọi người được thêm nảy nở và chan chứa” (1 Thes
3:12).
162. Mặt khác, cuộc hành trình đáp trả và lớn lên này luôn bắt
đầu bằng hồng ân, bởi vì hồng ân đi trước một đòi hỏi khác của Chúa: “rửa tội
cho họ nhân danh...” (Mt 28:19). Việc nhận làm nghĩa tử mà Chúa Cha ban cho
chúng ta một cách nhưng không và khởi đầu của ân sủng của Ngài (x. Ep 2:8-9, 1
Cor 4:7) là điều kiện khả thi của việc thánh hóa thường xuyên là điều làm vui
lòng Thiên Chúa và làm cho Ngài được vinh danh. Nó sẽ cho phép chúng ta được biến
đổi trong Đức Kitô bằng một cuộc sống tăng trưởng không ngừng “theo Thần Khí”
(Rm 8:5).
Việc dạy giáo lý cách công bố ban đầu và và hiệp nhiệm
163. Giáo dục và dạy giáo lý là để phục vụ việc tăng trưởng
này. Chúng ta đã có sẵn một số văn kiện Huấn Quyền và tài liệu về việc dạy giáo
lý được cung cấp bởi Tòa Thánh và các Hội Đồng Giám Mục khác nhau. Tôi nhớ Tông
Huấn Dạy Giáo Lý trong Thời Đại Chúng ta - Catechesi tradendae (1979), Hướng Dẫn
Chung về việc Dạy Giáo Lý (1997) và các văn kiện khác mà nội dung của chúng
không cần phải nhắc lại ở đây. Tôi muốn tập trung vào chỉ một vài suy tư mà tôi
nghĩ rằng chúng ta cần lưu ý.
164. Chúng ta cũng tái khám phá ra rằng trong việc dạy giáo
lý có một vai trò cơ bản của lời công bố ban đầu hay “kerygma”, là điều phải ở
trung tâm của việc Phúc Âm hóa và mọi ý định canh tân Hội Thánh. Kerygma có đặc
tính Ba Ngôi. Nó là ngọn lửa của Chúa Thánh Thần được ban trong hình thức các
ngôn ngữ và làm cho chúng ta tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng qua cái chết và
Sống Lại của Người mặc khải cho chúng ta lòng thương xót vô cùng của Chúa Cha.
Trên miệng của giáo lý viên phải luôn luôn vang đi vọng lại lời loan báo ban đầu:
“Đức Chúa Giêsu Kitô yêu thương chúng ta, Người đã ban mạng sống của Người để cứu
chúng ta, và giờ đây Người đang ở bên chúng ta mỗi ngày, để soi sáng, củng cố
và giải thoát chúng ta.” Khi chúng ta nói rằng lời loan báo này là “ban đầu”,
điều này không có nghĩa là nó xuất hiện lúc ban đầu và sau đó có thể quên đi hoặc
thay thế bằng những nội dung khác hay hơn nó. Nó đứng đầu theo nghĩa chất lượng,
bởi vì nó là lời loan báo chính, là lời mà chúng ta phải luôn luôn nghe đi nghe
lại bằng những cách khác nhau và chúng ta phải luôn luôn tái công bố trong các
bài giáo lý dưới dạng này hay dạng khác, trong tất cả các giai đoạn của nó và
những thời điểm của nó. [126] Vì lý do tương tự, “linh mục, cũng như Hội Thánh,
càng ngày càng phải lớn lên trong ý thức rằng chính mình cần phải được thường
trực Phúc Âm hóa”. [127]
165. Chúng ta không được nghĩ rằng trong việc dạy giáo lý phải
bỏ kerygma để chọn một cách đào luyện có vẻ “chắc chắn” hơn. Không có gì chắc
chắn hơn, sâu sắc hơn, an toàn hơn, thực chất hơn và đầy khôn ngoan hơn lời
loan báo ban đầu ấy. Toàn thể việc đào luyện Kitô hữu trước hết cần đào sâu
kerygma, là điều mỗi ngày một nhập thể hơn và không bao giờ ngừng soi sáng việc
dạy giáo lý, cho phép chúng ta hiểu đúng ý nghĩa của bất cứ chủ đề nào được
khai triển trong việc dạy giáo lý. Đây là lời loan báo đáp ứng khát vọng về sự
vô cùng trong mỗi tâm hồn con người. Tính trung tâm của kerygma đòi hỏi một số
đặc tính thiết yếu của lời công bố mà hiện nay cần có ở khắp mọi nơi là: diễn tả
tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trước các nhiệm vụ luân lý và tôn giáo, không áp
đặt chân lý nhưng thu hút qua sự tự do, có thể có một số dấu hiệu của niềm vui,
sự khích lệ, sức sống và sự trọn vẹn hòa hợp mà không thu hẹp việc giảng dạy
vào một số học thuyết đôi khi có tính triết lý hơn rao giảng Tin Mừng. Điều này
đòi hỏi người rao giảng Tin Mừng một vài thái độ để làm cho việc đón nhận lời
loan báo được dễ dàng hơn: gần gũi, cởi mở để đối thoại, kiên nhẫn, chào đón
thân mật mà không lên án.
166. Một đặc tính khác của việc dạy giáo lý, được phát triển
trong vài thập niên vừa qua là khai tâm hiệp nhiệm (l’initiation mystagogique),
[128] mà ý nghĩa chủ yếu là hai điều: sự tiến triển cần thiết của kinh nghiệm
đào luyện, trong đó liên quan đến toàn thể cộng đồng và tái đề cao những dấu chỉ
phụng vụ của việc khai tâm Kitô giáo. Nhiều thủ bản và nhiều chương trình chưa
đáp ứng đầy đủ nhu cầu canh tân hiệp nhiệm này, có thể có những hình thức rất
khác nhau để phù hợp với sự phân định của mỗi cộng đồng giáo dục. Lớp học giáo
lý là một lần rao giảng Lời Chúa và tập trung vào Lời Chúa, nhưng luôn cần có một
môi trường thích hợp và một động lực hấp dẫn, sử dụng các biểu tượng hùng hồn,
lồng vào một tiến trình tăng trưởng và hội nhập rộng lớn hơn trong tất cả các
chiều kích của con người trong một cuộc hành trình lắng nghe và đáp lời cộng đồng.
167. Tốt nhất là tất cả việc dạy giáo lý đặc biệt chú ý đến
“con đường thẩm mỹ” (via pulchritudinis). [129] Loan báo Đức Kitô có nghĩa là
tin vào Người và theo Người không những chỉ như một điều gì thực tế và đúng, mà
còn như một điều gì đẹp đẽ, có khả năng đổ đầy đời sống bằng một sự huy hoàng mới
và một niềm vui sâu thẳm, ngay cả giữa những thử thách. Theo quan điểm này, tất
cả các cách diễn tả về thẩm mỹ thực sự có thể được công nhận là một con đường
giúp người ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Điều này không có nghĩa là cổ võ cho một thuyết
tương đối về thẩm mỹ, [130] là điều có thể che khuất mối dây liên kết bất khả
phân ly giữa chân, thiện, mỹ, nhưng để khôi phục lại lòng ngưỡng mộ vẻ đẹp để
có thể chạm đến quả tim con người và để sáng tỏa trong ấy chân lý và sự tốt
lành của Đấng Phục Sinh. Như Thánh Augustinô nói, nếu chúng ta chỉ có thể yêu
những gì đẹp, [131] thì Chúa Con làm người, mặc khải của sự mỹ miều vô hạn, vô
cùng đáng yêu, và Người lôi kéo chúng ta về với Mình bằng những liên hệ yêu
thương. Do đó, điều cần thiết là việc đào luyện trong via pulchritudinis phải
được tháp nhập vào việc thông truyền đức tin. Hy vọng rằng mỗi Hội Thánh địa
phương thúc đẩy việc sử dụng nghệ thuật trong việc truyền giáo của mình, trong
sự liên tục với sự phong phú của quá khứ, tuy nhiên cũng trong sự rộng lớn của
nhiều hình thức diễn tả hiện nay của nó, để truyền thụ đức tin bằng một “ngôn
ngữ dụ ngôn” mới. [132] Chúng ta phải có can đảm tìm ra những dấu hiệu mới, biểu
tượng mới, thịt mới cho việc thông truyền Lời Chúa, các hình thức thẩm mỹ khác
nhau được bày tỏ trong những bối cảnh văn hóa khác nhau, và bao gồm cả những thể
thức không theo quy ước của thẩm mỹ, là điều có thể chẳng có ý nghĩa gì với những
nhà truyền giáo, nhưng lại trở nên đặc biệt hấp dẫn với những người khác.
168. Về đề nghị luân lý của việc dạy giáo lý, là điều mời gọi
chúng ta lớn lên trong sự trung thành với cách sống theo Tin Mừng, chúng ta phải
luôn luôn nhắc đến điều tốt lành đáng mong ước, đề nghị về sự sống, về sự trưởng
thành, về thành quả, khả năng sinh hoa quả, trong ánh sáng của điều tốt lành
này mà người ta có thể hiểu tại sao chúng ta lại tố cáo những điều xấu có thể
che khuất nó. Thay vì coi chúng ta như những chuyên viên tiên đoán những chuyện
khủng khiếp hay những quan tòa khắc nghiệt thỏa mãn khi phát hiện ra bất kỳ sự
nguy hiểm hoặc sai lạc nào, thì họ nhìn chúng ta như những sứ giả hân hoan của
các đề nghị từ trên cao, những người canh giữ sự tốt lành và thẩm mỹ là những
điều tỏa sáng trong một đời sống trung thành với Tin Mừng.
Việc đồng hành cách cá nhân trong những tiến trình tăng trưởng
169. Trong một nền văn minh bị tổn thương cách nghịch lý bởi
tình trạng nặc danh, và đồng thời, quá bận tâm với những chi tiết về đời sống của
những người khác, và phải chịu đựng sự tò mò trơ trẽn bệnh hoạn, Hội Thánh cần
một cái nhìn gần gũi để xem xét, cảm thông và ngừng lại trước những người khác
mỗi khi cần thiết. Trong thế giới này, các thừa tác viên có chức thánh và những
người làm mục vụ khác có thể làm cho hương thơm của sự hiện diện gần gũi của
Chúa Giêsu và cái nhìn cá nhân của Người hiện diện. Hội Thánh sẽ phải hội nhập
các thành viên của mình – các linh mục, tu sĩ và giáo dân – vào “nghệ thuật đồng
hành” này, để tât cả mọi người học cách luôn luôn biết cởi giày của mình ở trước
đất thánh của người khác (x. Xh 3:5). Chúng ta phải giữ trong cuộc hành trình của
mình một khoảng cách lành mạnh, với một cái nhìn tôn trọng và đầy trắc ẩn nhưng
đồng thời khuyến khích sự khỏe mạnh, tự do và trưởng thành trong đời sống Kitô
hữu.
170. Mặc dù có vẻ tỏ tưởng là việc đồng hành tinh thần phải
dẫn đưa người ta càng ngày càng đến gần Thiên Chúa hơn, trong Ngài chúng ta có
thể đạt được sự tự do thật. Một số người tin rằng họ được tự do khi bước đi
ngoài Chúa, mà không nhận ra rằng mình hiện sinh vẫn là kẻ mồ côi, không nơi
nương tựa, không nhà để cư ngụ hay để trở về. Họ không còn là những người hành
hương mà trở thành những kẻ lang thang, luôn luôn xoay xở mà không đi đến đâu.
Đồng hành với họ sẽ phản tác dụng nếu nó trở thành một loại điêu trị củng cố việc
đóng cửa lòng của những con người tận nội tâm của họ và đó không còn là một cuộc
hành hương với Đức Kitô về cùng Chúa Cha nữa.
171. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần những người nam nữ, là những
người từ kinh nghiệm đồng hành của họ, quen thuộc với tiến trình, trong đó đòi
hỏi sự thận trọng, khả năng hiểu biết, nghệ thuật chờ đợi, ngoan ngoãn đối với
Chúa Thánh Thần, để tất cả cùng nhau bảo vệ đàn chiên đang trông cậy vào chúng
ta, để khỏi bị những chó sói đang tìm cách làm cho nó bị tan tác. Chúng ta cần
phải thực hành nghệ thuật lắng nghe, mà lắng nghe khác với nghe. Trong việc
giao tiếp với người khác, điều đầu tiên là khả năng của con tim có thể tạo ra sự
gần gũi, mà nếu không có nó thì không có cuộc gặp gỡ tinh thần thực sự. Việc lắng
nghe giúp chúng ta tìm được những cử chỉ và lời nói thích hợp để kích hoạt tình
trạng im lìm của khán giả. Chỉ qua việc lắng nghe cách tôn trọng này và khả
năng thông cảm, chúng ta mời có thể tìm thấy những con đường tăng trưởng thật,
chúng ta mới có thể đánh thức những ao ước về lý tưởng Kitô giáo, sự nóng lòng
đáp trả trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa và ao ước phát triển cách tốt nhất những
gì mà Thiên Chúa đã gieo trong cuộc đời họ. Nhưng luôn luôn với sự kiên nhẫn của
những người biết điều mà Thánh Tôma dạy: ai cũng có thể có ân sủng và đức ái,
nhưng không thi hành tốt các nhân đức “vì những xu hướng ngược lại” [133] vẫn
còn tồn tại. Nói cách khác, bản chất hữu cơ của các nhân đức luôn luôn và nhất
thiết phải “in habitu” [ở trong thói quen], cho dù các điều kiện có thể cản trở
những hoạt động của những thói quen đạo đức này. Vì vậy cần phải có “một phương
pháp sư phạm đưa ra cho người ta từng bước một để chiếm hữu toàn thể mầu nhiệm”.
[134] Để đạt được một mức trưởng thành, nghĩa là để cho người ta có khả năng
quyết định thật sự tự do và có trách nhiệm, thì điều cần thiết là phải có thời
gian, và rất kiên nhẫn. Theo lời Chân Phước Phêrô Fabro: “Thời gian là sứ giả của
Thiên Chúa.”
172. Những người bạn đồng hành phải ý thức rằng tình trạng của
mỗi người trước mặt Thiên Chúa và đởi sống ân sủng của họ là một mầu nhiệm mà
không ai có thể hoàn toàn biết được từ bên ngoài. Tin Mừng đề nghị chúng ta sửa
chữa và giúp họ tăng trưởng dựa vào việc nhận ra những sự dữ khách quan của những
hành động của họ (x. Mt 18:15), mà không phán đoán về trách nhiệm và tội trạng
của họ (x. Mt 7:1; Lc 6:37). Trong mọi trường hợp, một người bạn đồng hành tốt
không tuân theo thuyết định mệnh hay sự rụt rè. Người ấy luôn mời gọi người
khác để cho mình được chữa lành, tự đứng dậy, ôm lấy thập giá, từ bỏ mọi sự, để
luôn đi ra một lần nữa để rao giảng Tin Mừng. Kinh nghiệm cá nhân của chúng ta
trong việc để cho người khác đồng hành và chăm sóc, trong việc trình bày với tất
cả lòng chân thành cuộc đởi của chúng ta trước những người đồng hành với mình,
sẽ dạy chúng ta kiên nhẫn và hiểu biết những người khác và cho phép chúng ta
tìm cách để đánh thức trong họ sự tin tưởng, mở lòng và sẵn sàng để lớn lên.
173. Việc đồng hành tinh thần đích thực luôn luôn bắt đầu và
tiến triển trong lãnh vực phục vụ sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sự liên hệ giữa
Thánh Phaolô với Timôthê và Titô là một thí dụ của việc đồng hành này và việc
đào tạo trong tiến trình hoạt động tông đồ. Trong khi ủy thác cho hai ông sứ vụ
ngừng lại ở mỗi thành phố để “xắp đặt theo thứ tự những gì còn lại phải được thực
hiện” (x. Tit 1:5;. x. 1 Tim 1:3-5), ngài cung cấp cho các ông những tiêu chuẩn
cho đời sống cá nhân và cho các hoạt động mục vụ. Tất cả điều này rõ ràng khác
biệt với bất cứ loại đồng hành tư tình hoặc tự mãn tự cô lập nào. Các môn đệ
truyền giáo đồng hành với các môn đệ truyền giáo.
Về Lời Chúa
174. Không chỉ có bài giảng phải được nuôi dưỡng bằng Lời
Chúa. Tất cả việc Phúc Âm hóa được thiết lập dựa trên sự lắng nghe, suy niệm, sống,
cử hành Lời Chúa và làm chứng cho Lời Chúa. Thánh Kinh là nguồn mạch của việc
Phúc Âm hóa. Vì vậy, chúng ta phải liên tục được đào luyện trong việc lắng nghe
Lời Chúa. Hội Thánh không rao giảng Tin Mừng nếu không liên tục để cho mình được
Phúc Âm hóa. Điều quan trọng là Lời Chúa “càng ngày càng trở nên trung tâm của
mọi hoạt động của Hội Thánh”. [135] Lời Chúa được ghe và được cử hành, đặc biệt
trong Bí Tích Thánh Thể nuôi dưỡng và củng cố nội tâm các Kitô hữu và làm cho họ
có khả năng làm nhân chứng đích thực cho Tin Mừng trong cuộc sống hàng ngày của
họ. Chúng ta giờ đây đã vượt qua sự đối chọi xưa kia giữa Lời Chúa và Bí Tích.
Lời Chúa được công bố, linh nghiệm và hiệu quả, chuẩn bị cho việc tiếp nhận các
Bí Tích, và trong Bí Tích Lời này đạt hiệu quả tối đa của nó.
175. Việc học hỏi Thánh Kinh phải là một cánh cửa mở ra cho
tất cả các tín hữu. [136] Điều thiết yếu là Lời được mặc khải phải phong phú
hóa cách triệt để việc dạy giáo lý của chúng ta và tất cả những nỗ lực để truyền
thụ đức tin. [137] Việc Phúc Âm hóa đòi hỏi chúng ta phải làm quen với Lời
Chúa, và điều này đòi buộc các giáo phận, các giáo xứ và các nhóm Công Giáo đề
ra một chương trình học hỏi Thánh Kinh nghiêm túc và kiên trì, cũng như thúc đẩy
việc đọc Thánh Kinh trong cầu nguyện của cá nhân và cộng đồng. [138] Chúng ta
không còn phải tìm kiếm bằng cách mò mẫm trong bóng tối, chúng ta cũng không
còn phải chờ đợi Thiên Chúa nói với mình trước, bởi vì thực sự “Thiên Chúa đã
nói, và không còn gì chúng ta cần phải biết mà chưa được mặc khải cho chúng
ta”. [139] Chúng ta hãy đón nhận kho báu cao siêu của Lời được mặc khải.
CHƯƠNG BỐN
CHIỀU KÍCH XÃ HỘI CỦA VIỆC PHÚC ÂM HÓA
176. Phúc Âm hóa là làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện trên
thế gian, nhưng “không có một định nghĩa bán phần hay vụn vặt nào có thể lý luận
cho thực tại phong phú, phức tạp và năng động, được gọi là Phúc Âm hóa, mà
không có nguy cơ bần cùng hóa và thậm chí bóp méo nó.” [140] Giờ đây tôi muốn
chia sẻ mối quan tâm của tôi về khía cạnh xã hội của việc truyền giáo một cách
chính xác bởi vì, nếu chiều kích này không được làm sáng tỏ một cách đúng đắn,
thì chúng ta luôn có nguy cơ làm biến dạng ý nghĩa thực sự và đầy đủ sứ vụ rao
giảng Tin Mừng.
I. Những ảnh hưởngcộng đồng và xã hội của lời công bố ban đầu
(kerygma)
177. Kerygma có một nội dung xã hội không thể tránh được: ở
trung tâm của Tin Mừng, có đời sống cộng đồng và sự tham gia với những người
khác. Nội dung của lời công bố ban đầu có những tác động luân lý tức thì mà
trung tâm của chúng là đức ái.
Tuyên xưng đức tin và cam kết xã hội
178. Tuyên xưng một Chúa Cha, Đấng yêu thương mỗi con người
bằng một tình yêu vô hạn, nghĩa là khám phá ra rằng “Ngài ban cho họ một phẩm
giá vô cùng”. [141] Tuyên xưng rằng Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm của chúng
ta có nghĩa là mỗi con người đã được đưa lên tận trái tim của chính Thiên Chúa.
Tuyên xưng rằng Chúa Giêsu đã đổ máu của Người ra vì chúng ta giúp chúng ta
không còn nghi ngờ một chút nào về tình yêu vô biên là điều làm cho mỗi con người
thành cao thượng. Việc cứu chuộc của Người có một ý nghĩa xã hội bởi vì “Thiên
Chúa trong Đức Kitô, cứu chuộc không những chỉ cá nhân, mà còn cả những liên hệ
xã hội giữa con người”. [142] Tuyên xưng rằng Chúa Thánh Thần hoạt động trong tất
cả mọi sự hàm ý công nhận rằng Ngài tìm cách thâm nhập vào mọi hoàn cảnh của
con người và vào tất cả mọi liên hệ xã hội: “Chúa Thánh Thần có một óc sáng tạo
vô hạn, riêng biệt của Thần Khí Thiên Chúa, Đấng biết làm sao để tháo gỡ những
nút thắt của các vấn đề của con người, thậm chí cả những vấn đề phức tạp nhất
và không thể dò được” [143]. Việc Phúc Âm hóa cũng tìm cách hợp tác với hành động
giải phóng này của Chúa Thánh Thần. Chính mầu nhiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi nhắc
nhở chúng ta rằng chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của sự hiệp thông ấy của
Thiên Chúa, vì thế chúng ta không thể tự mình đạt được sự sung mãn hoặc tự cứu
mình. Từ trung tâm của Tin Mừng chúng ta nhận ra sự kết nối mật thiết giữa việc
Phúc Âm hóa và thăng tiến con người, mà nhất thiết phải được diễn tả và phát
triển trong mọi việc truyền giáo. Việc chấp nhận lời công bố ban đầu, mời chúng
ta đến để được Thiên Chúa yêu thương và yêu lại Ngài với tình yêu mà Ngài thông
truyền cho chúng ta, gây ra trong cuộc sống và hành động của chúng ta một đáp
trả đầu tiên và cơ bản: mong muốn, tìm kiếm và quan tâm đến hạnh phúc của những
người khác.
179. Mối dây liên kết bất khả phân ly giữa việc tiếp nhận sứ
điệp cứu độ và tình yêu huynh đệ chân chính được diễn tả trong một số đoạn văn
của Thánh Kinh, là những đọan văn rất hay để suy nghĩ và suy niệm cẩn thận hầu
rút ra mọi kết quả. Đó là một sứ điệp mà chúng ta sử dụng quá thường xuyên và lặp
lại gần như máy móc, tuy nhiên không chắc rằng nó có một tác động thực sự trong
đời sống và trong cộng đồng của chúng ta. Thói quen này thật là nguy hiểm và
tai hại vì nó dẫn đến việc mất sự kinh ngạc, lòng say đắm và nhiệt tình để sống
Tin Mừng của tình huynh đệ và công lý! Lời Chúa dạy rằng người anh em là phần
kéo dài thường trực của việc nhập thể cho mỗi người chúng ta: “Mỗi lần các con
làm như vậy cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, chính là các con đã
làm cho Ta” (Mt 25:40). Tất cả những điều chúng ta làm cho người khác đều có một
chiều kích siêu việt: “các con đong đấu nào, thì các con cũng sẽ được đong lại
bằng đấu ấy” (Mt 7:2); nó tương ứng với lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho
chúng ta: “Hãy có lòng thương xót, như Cha các con là Ðấng hay thương xót. Ðừng
xét đoán, để khỏi bị xét đoán. Ðừng kết án để khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì
sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ được cho lại […] Vì các con lấy đấu nào mà
đong, thì các con sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (Lc 6:36-38). Những đoạn văn
trên diễn tả sự ưu tiên tuyệt đối của “việc ra khỏi chính mình để đi về phía
anh em của mình”, là một trong hai điều răn chính làm nền tảng cho tất cả các
qui tắc luân lý và là dấu chỉ rõ ràng nhất để phân biệt trên cuộc hành trình
tăng trưởng tâm linh ngõ hầu đáp lại hồng ân hoàn toàn nhưng không của Thiên
Chúa. Chính vì lý do này mà “ ngay cả việc phục vụ của đức ái cũng là một chiều
kích cấu thành của việc truyền giáo của Hội Thánh và là một cách diễn tả không
thể thiếu được về bản chất Hội Thánh”. [144] Như thế, Hội Thánh tự bản chất là
truyền giáo, vì vậy chắc chắn bản chất này phải phát sinh ra hiệu quả đức ái đối
với những người lân cận, là lòng trắc ẩn, cảm thông, giúp đỡ và khuyến khích họ.
Nước Thiên Chúa mời gọi chúng ta
180. Khi đọc Thánh Kinh, chúng ta thấy rõ ràng là đề nghị của
Tin Mừng không chỉ bao hàm mối liên hệ cá nhân với Thiên Chúa. Và ngay cả sự
đáp trả yêu thương của chúng ta cũng không chỉ được hiểu như là tổng số của những
cử chỉ cá nhân nho nhỏ đối với một số người đang túng thiếu, là điều tạo thành
một loại “thực đơn bác ái theo món”, một loạt các hành động chỉ nhằm mục đích
xoa dịu lương tâm của chúng ta. Đề nghị này của Tin Mừng là Nước Thiên Chúa (Lc
4:43); nó nói về yêu mến Thiên Chúa, là Đấng cai trị trên thế gian. Theo mức độ
mà Ngài có thể trị vì trong chúng ta, đời sống xã hội sẽ là một không gian của
tình huynh đệ, công lý, hòa bình và phẩm giá cho tất cả mọi người. Vì vậy, lời
loan báo như kinh nghiệm Kitô giáo có khuynh hướng ảnh hưởng đến xã hội. Chúng
ta tìm Vương Quốc của Ngài: “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa và đức công chính
của Ngài, còn tất cả những điều khác, Ngài cũng sẽ ban thêm cho” (Mt 6:33). Dự
án của Chúa Giêsu là thiết lập Nước của Cha Người, Người đòi buộc các môn đệ:
“Hãy rao giảng rằng Nước Trời đã gần” (Mt 10:7).
181. Được tiên liệu và đang lớn lên giữa chúng ta, Nước
Thiên Chúa liên hệ đến tất cả mọi sự và nhắc nhở chúng ta về nguyên tắc phân biệt
này mà Đức Phaolô VI đã đề ra liên quan đến sự phát triển thực sự: “Mọi người
và toàn thể con người”. [145] Chúng ta biết rằng “việc truyền giáo sẽ không được
hoàn thành nếu không kể đến những liên hệ cụ thể và thường trực giữa việc Phúc
Âm hóa và đời sống, cả cá nhân lẫn xã hội của con người”. [146] Đây là tiêu chuẩn
của sự phổ quát, của sự năng động của Tin Mừng, vì Chúa Cha muốn mọi người được
cứu độ và kế hoạch cứu độ của Ngài nhằm kết hợp tất cả mọi sự trên trời và dưới
đất lại với nhau, dưới quyền một Chúa, là Đức Kitô (x. Ep 1:10). Mệnh lệnh Chúa
truyền cho chúng ta là: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi
loài thụ tạo” (Mc 16:15), bởi “vì sự tha thiết mong chờ của tạo vật, đợi ngày
con cái Thiên Chúa được tỏ ra” (Rm 8:19). Toàn thể tạo vật cũng có nghĩa là tất
cả các khía cạnh của bản tính con người, do đó “sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đức
Chúa Giêsu Kitô có một mục tiêu phổ quát. Mệnh lệnh về đức ái bao trùm tất cả mọi
khía cạnh của đời sống, tất cả mọi người, tất cả mọi lãnh vực của đời sống xã hội
và tất cả mọi dân tộc. Không có gì là nhân bản mà con người có thể xa lạ với”.
[147] Niềm hy vọng Kitô giáo đích thực, là tìm kiếm Vương Quốc cánh chung, luôn
luôn tạo ra lịch sử.
Giáo huấn của Hội Thánh về các vấn đề xã hội
182. Các giáo huấn của Hội Thánh về những tình trạng đột xuất
là những đề tài của những khai triển lớn hơn hoặc những khai triển mới và có thể
là chủ đề để thảo luận, nhưng chúng ta không thể làm gì hơn là phải cụ thể - mà
không tự nhận là đi vào chi tiết – bởi vì những nguyên tắc xã hội lớn không chỉ
là những dấu chỉ đơn giản tổng quát không thách đố bất cứ ai. Chúng ta phải rút
ra được những kết quả thực tế bởi vì “chúng có thể có một tác động lớn hơn trên
các tình trạng phức tạp ngày nay”. [148] Các mục tử, khi chấp nhận sự đóng góp
của các ngành khoa học khác nhau, có quyền đưa ra ý kiến về tất cả mọi vấn đề
liên quan đến đời sống dân chúng, vì nhiệm vụ loan báo Tin Mừng ngụ ý và đòi hỏi
một sự thăng tiến hoàn toàn của mọi con người. Chúng ta không còn có thể nói rằng
tôn giáo phải được giới hạn trong lĩnh vực tư nhân và chỉ tồn tại để chuẩn bị
các tâm hồn cho thiên đàng. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa cũng muốn con cái
Ngài được hạnh phúc ở dưới đất này, mặc dù họ được mời gọi đến sự viên mãn đời
đời, vì Ngài tạo ra tất cả mọi sự “để cho chúng ta được hưởng dùng” (1 Tim
6:17), để mọi người có thể thưởng thức chúng. Kế đến, việc hoán cải của Kitô hữu
phải được xem xét lại “đặc biệt là tất cả những gì liên quan đến trật tự xã hội
và đạt đến công ích”. [149]
183. Kết quả là, không ai có thể buộc tôn giáo phải giới hạn
vào phạm vi riêng tư của cuộc sống con người, mà không được phép có bất kỳ ảnh
hưởng nào đến đời sống xã hội và quốc gia, không được phép bận tâm đến sự lành
mạnh của các tổ chức xã hội dân sự, cũng không được phép bày tỏ ý kiến về những
biến cố liên quan đến các công dân. Ai dám khóa kín trong một ngôi nhà thờ và bịt
kín sứ điệp của Thánh Phanxicô Assisi và Chân Phước Têrêxa thành Calcutta? Các
ngài không thể chấp nhận nó. Một đức tin đích thực – là đức tin không bao giờ
thoải mái và hoàn toàn cá nhân - luôn luôn hàm ý một ước muốn sâu xa để thay đổi
thế giới, để truyền đạt các giá trị, để lại một điều gì đó tốt hơn sau khi
chúng ta qua đi. Chúng ta yêu mến hành tinh xinh đẹp này, nơi Thiên Chúa đã đặt
chúng ta vào, và chúng ta yêu thương nhân loại sinh sống trên đó, với tất cả những
bi kịch của nó và những sự mệt mỏi của nó, với những khát vọng và những hy vọng
của nó, với các giá trị và sự mong manh của nó. Trái đất là ngôi nhà chung của
chúng ta, và tất cả chúng ta đều là anh em. Mặc dù “trật tự công bằng của xã hội
và của quốc gia là nhiệm vụ chính của chính trị”, Hội Thánh “không thể và không
được đứng yên bên lề cuộc đấu tranh cho công lý”. [150] Tất cả các Kitô hữu, kể
cả các mục tử, được mời gọi để chăm lo cho việc xây dựng một thế giới tốt đẹp
hơn. Sở dĩ như thế, vì tư tưởng xã hội của Hội Thánh chủ yếu là tích cực và chủ
động, nó đưa ra những đề nghị, hướng đến những hành động có sức biến đổi, và
theo nghĩa này, nó không ngừng là một dấu chỉ của hy vọng vọt ra từ trái tim đầy
yêu thương của Đức Chúa Giêsu Kitô. Đồng thời, nó kết hợp “những nỗ lực của nó
với những nỗ lực trong lĩnh vực xã hội của các Hội Thánh và Cộng Đoàn Hội Thánh
khác, cả ở mức độ suy tư về tín lý lẫn mức độ thực tế”. [151]
184. Đây không phải lúc để khai triển tất cả các vấn đề xã hội
quan trọng đánh dấu thế giới hiện nay, tôi đã nhận xét về một số vấn đề đó ở
chương thứ hai. Đây cũng không phải là một tài liệu xã hội, và để suy nghĩ về
các chủ đề khác nhau, chúng ta đã có một tài liệu rất đầy đủ trong Tóm lược Học
thuyết Xã hội của Hội Thánh Công Giáo, là tài liệu mà tôi hết lòng đề nghị anh
chị em sử dụng và nghiên cứu. Ngoài ra, không phải Giáo Hoàng hay Hội Thánh có
độc quyền giải thích các thực tại xã hội hay đề ra những giải pháp cho các vấn
đề hiện đại. Ở đây tôi có thể nhắc lại những gì mà Đức Phaolô VI đã nói rõ
ràng: “Đối diện với những tình trạng rất khác nhau như vậy, rất khó cho chúng
tôi để nói lên một sứ điệp duy nhất, và đề ra một giải pháp có giá trị phổ
quát. Hơn nữa, đây không phải là tham vọng của chúng tôi, cũng không phải là sứ
vụ của chúng tôi. Điều đó tùy thuộc vào các cộng đồng Kitô hữu để phân tích
cách khách quan tình trạng thích hợp với đất nước của họ”. [152]
185. Trong phần dưới đây tôi sẽ cố gắng tập trung vào hai vấn
đề chính mà tôi nghĩ là rất thiết yếu ở thời điểm này trong lịch sử. Tôi sẽ
khai triển chúng một cách đầy đủ hơn bởi vì tôi nghĩ rằng chúng sẽ quyết định
tương lai của nhân loại. Đó là, trước hết, việc hòa nhập xã hội của người
nghèo, và thứ đến, là hòa bình và đối thoại xã hội.
II. Việc hòa nhập xã hội của người nghèo
186. Từ đức tin của chúng ta trong Đức Kitô, Đấng trở nên
nghèo khó, và luôn luôn gần gũi với những người nghèo và những người bị loại trừ,
phát sinh mối quan tâm cho sự phát triển trọn vẹn của hầu hết những người bị xã
hội bỏ rơi.
Kết hợp với Thiên Chúa chúng te nghe thấy một tiếng kêu
187. Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đồng được mời gọi để trở thành
công cụ của Thiên Chúa trong việc giải phóng và thăng tiến người nghèo, ngõ hầu
họ có thể gia nhập cách trọn vẹn vào xã hội; và điều này giả định rằng chúng ta
ngoan ngoãn và chú ý lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và cứu họ. Chỉ cần đọc
lướt qua Thánh Kinh là đủ để chúng ta khám phá ra Chúa Cha, Đấng Nhân Lành, muốn
nghe tiếng kêu của người nghèo như thế nào: “Ta đã thấy rõ nỗi cực khổ của dân
Ta tại Ai Cập, và nghe thấu tiếng kêu rên của chúng vì bị các quản đốc hành hạ;
phải, Ta biết sự đau khổ của chúng. Ta ngự xuống để giải thoát chúng… hãy đi,
Ta sẽ sai ngươi” (Xh 3:7-8,10), và điều này cho thấy sự lo lắng cho nhu cầu của
họ: “Rồi dân Israel kêu cầu cùng Đức Chúa, và Đức Chúa đưa ra cho họ một vị cứu
tinh” (Tl 3:15). Tiếp tục giả điếc trước tiếng kêu ấy, khi chúng ta là những
công cụ của Thiên Chúa để lắng nghe người nghèo, đặt chúng ta ra ngoài Thánh Ý
của Chúa Cha và kế hoạch của Ngài, bởi vì người nghèo “kêu Đức Chúa tố cáo anh
em, và anh em sẽ mang tội” (Đnl 15:9). Và sự thiếu đoàn kết trước nhu cầu của họ
trực tiếp ảnh hưởng đến mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa: “Ai cay đắng
trong lòng mà nguyền rủa ngươi, thì Đấng tạo thành ra nó sẽ nghe lời nó thỉnh
nguyện” (Hc 4:6). Câu hỏi xưa kia luôn luôn quay trở lại: “Nếu ai có của cải thế
gian và thấy anh em mình túng quẫn, mà đóng lòng lại đối với họ, thì làm sao
tình yêu của Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1 Ga 3:17). Chúng ta hãy
nhớ Thánh Tông Đồ Giacôbê đã nói một cách thẳng thừng thế nào về tiếng kêu của
người bị áp bức: “Tiền lương của những người thợ gặt trong ruộng các người mà
các người đã giữ lại cách gian lận đang kêu lên, và tiếng kêu của những người
thợ ấy đã đến tai Chúa toàn năng” (Gb 5:4).
188. Hội Thánh nhìn nhận rằng nhu cầu phải lắng nghe tiếng
kêu này xuất phát từ công trình giải phóng của chính ân sủng trong mỗi người
chúng ta, vì vậy đây không phải là một sứ vụ chỉ dành riêng cho một số người:
“Hội Thánh, được hướng dẫn bởi Tin Mừng của lòng thương xót và tình yêu dành
cho con người, lắng nghe tiếng kêu khóc đòi công lý và muốn trả lời nó bằng tất
cả sức lực của mình”. [153] Trong bối cảnh này, chúng ta hiểu mệnh lệnh của
Chúa Giêsu với các môn đệ, “các con hãy cho họ ăn” (Mc 6:37), và điều này bao gồm
cả việc hợp tác để giải quyết những nguyên nhân cấu trúc của nạn nghèo đói và
thúc đẩy sự phát triển toàn diện của người nghèo, cũng như những cử chỉ đơn giản
nhất hàng ngày của tình đoàn kết khi đối diện với đau khổ rất cụ thể mà chúng
ta gặp. Từ “đoàn kết” có vẻ hơi cũ rích và đôi khi bị hiểu lầm, nhưng biểu thị
nhiều hơn một vài cử chỉ rộng lượng không mấy thường xuyên. Nó đòi hỏi chúng ta
phải tạo ra một não trạng mới, là não trạng biết suy nghĩ theo cộng đồng, về ưu
tiên cho cuộc sống của tất cả mọi người so với việc làm chủ của cải của một số
ít người.
189. Đoàn kết là một phản ứng tự nhiên của những người công
nhận chức năng xã hội của tài sản và mục tiêu phổ quát của của cải như là những
thực thể đến trước việc sở hữu riêng. Việc sở hữu của cải cách riêng tư được biện
minh bằng nhu cầu cần phải giữ chúng lại và gia tăng chúng, để chúng có thể phục
vụ công ích cách tốt hơn, đó là lý do tại sao mà tình đoàn kết phải sống như
quyết định trả lại cho người nghèo những gì thuộc về họ. Những xác tín và việc
thi hành tình đoàn kết này, một khi được thực hiện, sẽ mở đường cho những thay
đổi cấu trúc khác và làm cho chúng khả thi. Nếu một sự thay đổi cấu trúc không
tạo ra những niềm tin và những thái độ mới, thì chính cấu trúc ấy không sớm thì
muộn cũng sẽ bị mục nát, nặng nề và vô hiệu.
190. Đôi khi chúng ta phải lắng nghe tiếng kêu của toàn thể
dân chúng, của những dân nghèo nhất trên thế giới, bởi vì “hòa bình không chỉ dựa
trên sự tôn trọng các quyền của con người, mà cả quyền của các dân tộc”. [154]
Thật đáng buồn, khi ngay cả nhân quyền cũng có thể bị sử dụng để biện minh cho
việc bảo vệ quyền lợi của cá nhân hoặc của những người giàu có nhất. Trong khi
tôn trọng sự độc lập và nền văn hóa của mỗi quốc gia, chúng ta luôn luôn phải
nhớ rằng hành tinh này thuộc về toàn thể nhân loại cùng dành cho toàn thể nhân
loại, và sự kiện một người bị sinh ra ở những nơi có ít tài nguyên hay kém phát
triển không thể biện minh cho việc họ phải sống với ít nhân phẩm hơn. Phải nói
rằng “những người may mắn hơn nên khước từ một số quyền lợi của họ để đặt của cải
của họ cách quảng đại hơn vào việc phục vụ những người khác”. [155] Muốn nói một
cách thích đáng về những quyền lợi của mình, chúng ta phải mở rộng tầm mắt và
tai của mình ra để nghe được tiếng than khóc của các dân khác và các vùng khác
ngoài những vùng của đất nước chúng ta. Chúng ta cần phải lớn lên trong một
tinh thần đoàn kết, là điều “cho phép tất cả mọi người tự sức mình trở thành những
kiến trúc sư của vận mệnh của mình” [156] cũng như “mỗi con người được mời gọi
để tăng trưởng”. [157]
191. Ở mọi nơi và mọi hoàn cảnh, các Kitô hữu, được khuyến
khích bởi các mục tử của họ, được mời gọi để lắng nghe tiếng kêu của những người
nghèo, như đã được Hội Đồng Giám Mục Ba Tây xác quyết cách hùng hồn: “Chúng tôi
muốn uống mỗi ngày, những niềm vui và hy vọng, những buồn phiền và lo lắng của
người dân Ba Tây, đặc biệt là những người ở các vùng ngoại ô và nông thôn – những
người không có đất đai, không có nhà cửa, không có thức ăn, không có sức khỏe –
những quyền lợi của họ bị vi phạm. Nhìn thấy sự khốn cùng của họ, nghe được tiếng
kêu la của họ và biết được những đau khổ của họ, chúng tôi rất phẫn nộ vì biết
rằng có đủ thức ăn cho tất cả mọi người, và rằng nạn đói này là do sự phân phối
của cải và lợi tức cách tồi tệ. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn nữa là sự phung phí ở
khắp nơi”. [158]
192. Tuy nhiên, chúng ta còn muốn nhiều hơn nữa, giấc mơ của
chúng ta là bay cao hơn. Chúng ta không chỉ nói đến việc đảm bảo thực phẩm hoặc
một “sinh kế xứng đáng” cho tất cả mọi người, nhưng còn muốn rằng mọi người có
được “sự thịnh vượng trong nhiều khía cạnh của nó”. [159] Các khía ấy có nghĩa
là giáo dục, tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe, và đặc biệt là việc làm, bởi
vì trong sự lao động tự do, sáng tạo, sự tham gia và hỗ trợ lẫn nhau, con người
diễn tả và nâng cao phẩm giá của chính đời sống họ. Một mức lương công bằng cho
phép họ sử dụng tất cả những của cải khác, là những điều được trù liệu để sử dụng
chung.
Trung thành với Tin Mừng để không chạy cách vô ích
193. Mệnh lệnh nghe tiếng kêu của người nghèo thành nhục thể
trong chúng ta khi chúng ta cảm động sâu xa nhất trước sự đau khổ của người
khác. Chúng ta hãy đọc một số giáo huấn của Lời Chúa về lòng thương xót, để
chúng vang dội mãnh liệt trong đời sống của Hội Thánh. Tin Mừng tuyên bố: “Phúc
cho những ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa thương xót” (Mt 5:7).
Thánh Tông Đồ Giacôbê dạy rằng lòng thương xót dành cho tha nhân cho phép chúng
ra khỏi cuộc phán xét của Thiên Chúa trong chiến thắng: “Anh em hãy nói và làm
như những người sẽ bị xét xử theo luật tự do. Vì Người sẽ xét xử cách không
thương xót những kẻ không biết thương xót; nhưng lòng thương xót thắng việc xét
xử” (2:12-13). Trong văn bản này, Thánh Giacôbê tỏ ra là người thừa kế sự phong
phú lớn lao về tâm linh của người Do Thái thời hậu lưu đầy, là gắn liền một giá
trị cứu độ đặc biệt với lòng thương xót: “Làm nhẹ bớt tội bằng cách làm việc
lành, là tỏ lòng từ bi đối với người nghèo, may ra thời thịnh vượng của ngài sẽ
được kéo dài thêm” (Dan 4:24). Trong cùng một quan điểm này, văn chương Khôn
Ngoan nói về bố thí như thực thi cách cụ thể lòng thương xót đối với những người
nghèo: “Việc bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi” (Tob 12:9). Sách
Huấn Ca cũng diễn tả nó một cách mềm dẻo hơn: “Nước dập tắt lửa hồng, bố thí đền
bù tội lỗi” (Hc 3:30). Tổng hợp tương tự được chứa đựng trong Tân Ước: “Trên hết
mọi sự, hãy nhiệt tình yêu thương nhau, vì đức ái che phủ vô vàn tội lỗi” (1
Phr 4:8). Chân lý này thấm nhập một cách sâu xa vào não trạng của các Giáo Phụ
của Hội Thánh và gây ra một sức đề kháng tiên tri, như một nền văn hóa khác, chống
lại nền văn hóa theo chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa cá nhân của ngoại giáo.
Chúng ta chỉ cần nhớ một thí dụ: “Khi chúng ta đang có nguy cơ bị cháy, chắc chắn
là chúng ta chạy đến nước để cố gắng tắt lửa, [...] cùng một cách, nếu rơm của
chúng ta bị bén lửa tội lỗi, và vì thế mà chúng ta lo lắng, thì khi nào chúng
ta có dịp thực hiện một việc thương xót, chúng ta hãy vui mừng vì việc ấy, như
thể nó là một nguồn được ban cho chúng ta để chúng ta có thể dập tắt lửa”.
[160]
194. Đó là một sứ điệp quá rõ ràng, quá trực tiếp, quá đơn
giản và hùng hồn, mà không một cách chú giải nào của Hội Thánh có quyền tương đối
hóa nó. Suy nghĩ của Hội Thánh về những câu này không được phép che khuất hoặc
làm suy yếu ý nghĩa khuyên bảo của chúng, nhưng giúp biến chúng thành của riêng
mình với lòng can đảm và nhiệt tình. Tại sao lại làm cho những gì đơn giản ra
phức tạp? Những công cụ khái niệm hiện diện để thúc đẩy việc tiếp xúc với những
thực tại mà chúng ta muốn giải thích, và không làm cho chúng ta xa chúng. Điều
này đặc biệt áp dụng cho những lời khuyên nhủ trong Thánh Kinh, là những lời mời
chúng ta, với nhiều quyết tâm, đến tình huynh đệ, đến việc phục vụ khiêm tốn và
đại lượng, đến công lý, đến lòng thương xót đối với người nghèo. Chúa Giêsu đã
dạy chúng ta con đường nhận biết người khác qua những lời nói và hành động của
họ. Tại sao lại làm lu mờ những gì quá rõ ràng? Chúng ta đừng chỉ bận tâm với
sai lạc về tín lý, mà còn phải bận tâm với việc trung thành với lối sống đầy
ánh sáng và sự khôn ngoan này. Bởi vì “những người bảo vệ ‘sự chính thống’ đôi
khi bị kết án là thụ động, được nuông chiều hay có lỗi vì đồng lõa trong những
tình trạng bất công và không thể chấp nhận được và những chế độ chính trị muốn
duy trì những tình trạng ấy”. [161]
195. Khi Thánh Phaolô đến cùng các Tông Đồ ở Giêrusalem để
phân định xem ngài đã chạy đúng đường hay đã chạy vô ích (x. Gl 2:2), tiêu chuẩn
chính của tính xác thực mà các Tông Đồ vạch ra cho ngài là đừng quên những người
nghèo (x. Gl 2:10). Nguyên tắc vĩ đại này, là các cộng đồng của Thánh Phaolô
không được phép để cho họ bị lôi kéo vào lối sống theo cá nhân chủ nghĩa của
dân ngoại, là điều liên hệ cách đáng kể với bối cảnh hiện nay, là bối cảnh có
xu hướng phát triển một chủ nghĩa cá nhân ngoại giáo mới. Chúng ta không thể
luôn luôn diễn tả đầy đủ nổi vẻ đẹp của Tin Mừng, nhưng có một dấu chỉ mà chúng
ta không bao giờ được thiếu: là chọn thương yêu những người bé mọn, những người
bị xã hội ruồng bỏ và loại trừ.
196. Đôi khi chúng ta cũng cứng lòng và cứng đầu, chúng ta
hay quên, chúng ta quá ham vui và bị kích động bởi những dịp để tiêu thụ và
tiêu khiển vô giới hạn được cung cấp bởi xã hội hiện đại. Vì vậy, nó tạo ra một
loại xa lạ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, bởi vì “một xã hội trở nên xa lạ khi
những hình thức của tổ chức xã hội, của sản xuất và tiêu thụ làm cho việc hy
sinh tự hiến và thiết lập tình đoàn kết giữa con ngưởi trở nên khó khăn hơn.”
[162]
Chỗ đứng đặc quyền của người nghèo trong Dân Thiên Chúa
197. Trong quả tim của Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho
người nghèo, đến nỗi chính Người “trở nên nghèo” (2 Cor 8:9). Toàn thể cuộc
hành trình cứu chuộc của chúng ta được đánh dấu bởi sự hiện diện của những người
nghèo. Ơn cứu độ này đã đến với chúng ta qua lời “xin vâng” của một thiếu nữ
khiêm tốn từ một ngôi làng xa xôi nhỏ bé ở vùng ngoại vi của một đế quốc vĩ đại.
Đấng Cứu Thế đã được sinh ra trong máng cỏ, giữa những thú vật, như trường hợp
những đứa con của những người nghèo nhất; được dâng trong đền thờ với hai con
chim câu, lễ vật của những người không có khả năng dâng một con chiên (x. Lc
2,24; Lev 5:7); lớn lên trong một ngôi nhà của người lao động đơn giản và làm
việc với đôi bàn tay của mình để kiếm được bánh mà ăn. Khi Người bắt đầu công bố
Nước Thiên Chúa, đám đông những kẻ bị bóc lột đã theo Người, và do đó minh họa
những gì chính Người đã nói: “Thánh Thần Chúa ngự trên Tôi, vì Chúa đã xức dầu
cho Tôi và sai Tôi đi để mang Tin Mừng đến cho những người nghèo” (Lc 4:18);
cho những người đang gánh nặng với đau buồn, bị áp bức bởi sự nghèo khổ, đảm bảo
cho họ rằng Thiên Chúa đang dành cho họ một chỗ đặc biệt trong quả tim Ngài:
“Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”
(Lc 6:20), và Người đã tự đồng với họ: “Ta đói, các con đã cho Ta ăn”, và đã dạy
rằng lòng thương xót đối với họ là chìa khóa của Thiên Đàng (x. Mt 25:35 tt).
198. Đối với Hội Thánh, việc chọn thương yêu người nghèo chủ
yếu là một loại chọn lựa thần học hơn là loại chọn lựa văn hóa, xã hội học,
chính trị hay triết học. Thiên Chúa ban cho họ “lòng thương xót trước”. [163] Sở
thích này của Thiên Chúa có những kết quả trong đời sống đức tin của mọi Kitô hữu,
được gọi là có “tâm tư cũng là tâm tư ở trong Ðức Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2:5). Được
linh hứng bởi đó, Hội Thánh đã có một lựa chọn cho người nghèo được hiểu như một
“hình thức đặc biệt ưu đãi trong việc thực thi bác ái Kitô giáo, mà toàn thể
truyền thống của Hội Thánh làm chứng” [164] Đức Bênêđictô XVI dạy rằng sự chọn
lựa này “tiềm ẩn trong đức tin vào một Thiên Chúa của Kitô giáo chúng ta, Đấng
trở nên nghèo khó vì chúng ta, để làm cho chúng ta được giàu có nhờ sự nghèo
khó của Người”. [165] Đó là lý do tại sao tôi muốn có một Hội Thánh nghèo cho
người nghèo. Họ có nhiều điều để dạy chúng ta. Ngoài việc chia sẻ sensus fidei
[cảm thức đức tin], họ còn biết Đức Kitô chịu đau khổ qua những đau khổ của họ.
Chúng ta cần phải để cho mình được họ Phúc Âm hóa. Tân Phúc Âm hóa là một lời mời
gọi để nhận ra sức mạnh cứu độ trong cuộc sống của họ và đặt họ ở trung tâm của
con đường hành hương của Hội Thánh. Chúng ta được mời gọi để tìm thấy Đức Kitô
trong họ, để cho họ mượn tiếng nói của mình mà nói lên những lý do của họ,
nhưng còn là bạn bè của họ, lắng nghe họ, hiểu họ và đón nhận sự khôn ngoan nhiệm
mầu mà Thiên Chúa muốn truyền thông qua họ.
199. Việc dấn thân của chúng ta không chỉ hệ tại các hoạt động
hay các chương trình cổ động và hỗ trợ; điều mà Chúa Thánh Thần động viên không
phải là một sự hiếu động thái quá, nhưng trước hết một chú tâm đến những người
khác, “coi họ như một với mình”. [166] Chú tâm yêu thương này là khởi đầu của một
mối quan tâm thực sự đối với con người của họ, và từ đó tôi muốn tìm kiếm sự tốt
lành của họ một cách có hiệu quả. Điều này ngụ ý đánh giá cao những người nghèo
trong sự tốt lành của họ, với con người thật của họ, với nền văn hóa của nó, với
cách sống đức tin của họ. Tình yêu chân thật luôn luôn là chiêm niệm, cho phép
chúng ta phục vụ lẫn nhau không vì nhu cầu của mình hoặc vì khoe khoang, nhưng
vì người kia đẹp vượt trên và vượt ra ngoài những vẻ bề ngoài. “Từ tình yêu mà
chúng ta thấy người khác dễ thương dẫn chúng ta đến việc tặng họ một điều gì đó
một cách nhưng không”. [167] Người nghèo, khi được yêu thương, thì “được coi trọng
như có giá trị lớn lao”, [168] và đây là những gì làm cho việc chọn lựa ưu tiên
cho người nghèo khác với những ý thức hệ, khác với bất kỳ ý đồ nào nhằm sử dụng
người nghèo để phục vụ những quyền lợi cá nhân hay chính trị. Chỉ từ sự gần gũi
thực sự và thân thiện này mà chúng ta có thể đồng hành với họ cách đầy đủ trong
cuộc hành trình giải phóng. Chỉ có điều này sẽ làm cho “những người nghèo có thể
cảm thấy thoải mái trong mọi cộng đồng Kitô hữu ‘như ở nhà’. Cách này không phải
là cách trình bày hay nhất và có hiệu quả nhất về Tin Mừng của Nước Thiên Chúa
sao?” [169] Nếu không có sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, “việc công bố Tin
Mừng, là việc bác ái đầu tiên, có nguy cơ bị hiểu lầm hoặc bị chìm trong đại
dương của những ngôn từ mà xã hội thông tin đại chúng ngày nay phô bày cho
chúng ta hàng ngày”. [170]
200. Vì Tông Huấn này được gửi đến các thành viên của Hội
Thánh Công Giáo, tôi đau lòng mà nói rằng việc kỳ thị tồi tệ nhất mà những người
nghèo đang phải chịu là thiếu sự chăm sóc tinh thần. Đại đa số người nghèo có một
lòng cởi mở đặc biệt với đức tin; họ cần Thiên Chúa, và chúng ta không thể
không cung cấp cho họ tình bằng hữu của Ngài, phúc lành của Ngài, Lời của Ngài,
việc cử hành các Bí Tích và đề nghị một con đường tăng trưởng và trưởng thành
trong đức tin. Sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo cần phải được phản ảnh chủ yếu
trong việc quan tâm đến đặc quyền và ưu tiên về tôn giáo của họ.
201. Không ai được nói rằng mình tránh xa những người nghèo
vì những lựa chọn của đời sống buộc họ phải chú ý hơn đến các nhiệm vụ khác.
Đây là một bào chữa được dùng thường xuyên trong giới khoa bảng, kinh doanh,
chuyên nghiệp, và ngay cả những người làm việc trong Hội Thánh. Mặc dù chúng ta
có thể nói chung chung rằng ơn gọi và sứ vụ của giáo dân là biến đổi các thực tại
trần thế khác nhau ngõ hầu mọi hoạt động của con người được biến đổi bởi Tin Mừng,
[171] không ai được nghĩ rằng mình được miễn trừ nhiệm vụ quan tâm đến người
nghèo và công bằng xã hội: “Việc hoán cải tinh thần, cường độ của tình yêu đối
với Thiên Chúa và tha nhân, lòng nhiệt thành với công lý và hòa bình, ý nghĩa
Tin Mừng của người nghèo và sự nghèo đói là điều đòi buộc tất cả mọi người”.
[172] Tôi e rằng những lời này có thể trở thành chủ đề của một số bình luận
không thực sự có bất kỳ tác dụng thực tế nào. Tuy nhiên, tôi tin tưởng vào sự cởi
mở và những chuẩn bị tốt đẹp của các Kitô hữu, và tôi yêu cầu anh chị em, như một
cộng đoàn, hãy tìm những cách thức mới để đón nhận đề nghị canh tân này.
Nền kinh tế và sự phân chia lợi tức
202. Sự cần thiết phải giải quyết những nguyên nhân cơ cấu của
nghèo đói là điều chúng ta không thể chờ đợi được, không chỉ vì nhu cầu thực tế
để đạt được kết quả và trật tự xã hội, nhưng còn để chữa nó khỏi một căn bệnh
làm cho nó yếu đi và không còn giá trị và sẽ chỉ đưa nó đến những cuộc khủng hoảng
mới. Những kế hoạch an sinh, là kế hoạch giải quyết một số nhu cầu khẩn cấp, chỉ
được coi như những đáp ứng tạm thời. Bao lâu mà vấn đề về người nghèo chưa được
giải quyết một cách tận gốc bằng cách bác bỏ quyền tự chủ tuyệt đối của thị trường
và đầu cơ tài chính, cùng tấn công những nguyên nhân cấu trúc của sự bất bình đẳng,
[173] thì không giải quyết được các vấn đề của thế giới và cuối cùng cũng chẳng
giải quyết được vấn đề nào. Sự bất bình đẳng là cội rễ của các tệ nạn xã hội.
203. Phẩm giá của mỗi con người và công ích là những vấn đề
phải trở nên cấu trúc của tất cả các chính sách kinh tế, nhưng đôi khi chúng bị
coi như những phụ lục được thêm vào từ bên ngoài để hoàn thành một bài diễn văn
chính trị mà không có những quan điểm hoặc những chương trình phát triển toàn
diện thật sự. Biết bao nhiêu lời đã trở thành khó chịu đối với hệ thống này! Nó
khó chịu khi nói về đạo đức, nó khó chịu khi nói về tinh thần đoàn kết toàn cầu,
nó khó chịu khi nói về phân phối của cải, nó khó chịu khi nói về bảo vệ lao động,
nó khó chịu khi nói về phẩm giá của những người yếu đuối, nó khó chịu khi nói về
một Thiên Chúa, Đấng đòi hỏi một sự dấn thân cho công lý. Những lần khác các lời
này ngẫu nhiên trở thành chủ đề của những lý luận thao túng theo cơ hội chủ
nghĩa nhằm làm giảm giá trị của chúng. Sự thờ ơ thoải mái trước những vấn đề
này làm cho đời sống và lời nói của chúng ta mất hết ý nghĩa. Ơn gọi của một
doanh nhân là một công việc cao quý, miễn là người ấy để cho mình luôn bị chất
vấn bởi một ý nghĩa rộng lớn hơn của cuộc sống; điều này cho phép người ấy thực
sự phục vụ công ích, bằng những nỗ lực của mình để gia tăng tất cả của cải trên
thế giới này và làm cho chúng dễ được tiếp cận hơn.
204. Chúng ta không còn có thể trông cậy vào sức mạnh mù
quáng và bàn tay vô hình của thị trường. Sự phát triển trong công bằng đòi hỏi
nhiều hơn là sự phát triển về kinh tế, mặc dù giả thiết, nó đòi phải có các quyết
định, các chương trình, các cơ chế và quy trình đặc biệt hướng vể việc phân
chia lợi nhuận cách tốt hơn, việc tạo ra các cơ hội làm việc, để phát triển người
nghèo cách đầy đủ vượt trên não trạng an sinh. Tôi không đề nghị một chủ nghĩa
dân túy (populism) vô trách nhiệm, nhưng nền kinh tế không còn có thể dùng đến
những biện pháp trị liệu mà chính những biện pháp này lại là những chất độc mới,
như việc cố gắng tăng lợi nhuận bằng cách giảm thị trường lao động và do đó tạo
ra những người bị loại trừ mới.
205. Tôi cầu xinThiên Chúa ban thêm cho chúng ta nhiều chính
trị gia có khả năng tham gia vào một cuộc đối thoại chân chính nhằm chữa lành
cách hiệu quả những căn nguyên sâu xa, chứ không chỉ vẻ bề ngoài, của các tệ nạn
của thế giới của chúng ta! Chính trị, dù bị nhiều người phỉ báng, là một ơn gọi
cao quý, là một trong những hình thức đáng quý nhất của đức ái, bởi vì nó tìm
kiếm công ích. [174] Chúng ta phải xác tín rằng đức ái “là nguyên tắc không những
chỉ của những tiểu-liên-hệ: những liên hệ giữa bạn bè, gia đình, nhóm nhỏ,
nhưng cũng của những đại-liên-hệ: những liên hệ xã hội, kinh tế và chính trị”.
[175] Tôi cầu xin Chúa ban cho chúng ta thêm những chính trị gia thực sự biết
quan tâm đến xã hội, dân chúng và đời sống của những người nghèo! Điều thiết yếu
là các nhà lãnh đạo chính quyền và các cơ quan tài chính ngước mắt lên và mở rộng
cái nhìn của họ, ngõ hầu họ làm việc một cách thế nào để có được những công việc
xứng đáng, sự giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi công dân. Và tại sao
chúng ta không cầu cùng Thiên Chúa để xin Ngài linh hứng cho các kế hoạch của họ?
Tôi tin chắc rằng bằng cách mở đầu với việc mở lòng ra với Đấng siêu việt chúng
ta có thể hình thành một tâm thức chính trị và kinh tế mới có khả năng giúp
chúng ta khắc phục được tình trạng lưỡng phân tuyệt đối giữa nền kinh tế và lợi
ích chung của xã hội.
206. Nền kinh tế, như chính từ này ám chỉ, phải là nghệ thuật
nhằm đạt được một sự quản lý thích hợp của ngôi nhà chung, là toàn thể thế giới.
Mỗi hành động kinh tế có một tầm hoạt động nhất định, được thực hiện trong một
phần của hành tinh, nhưng tác động đến toàn thể; vì vậy không một chính phủ nào
có thể hoạt động bên ngoài một trách nhiệm chung. Thực ra, càng ngày càng trở
nên khó khăn để tìm ra những giải pháp địa phương cho những mâu thuẫn toàn cầu
vĩ đại, đó là lý do tại sao nền chính trị địa phương có đầy những vấn đề để giải
quyết. Nếu chúng ta thực sự muốn đạt được một nền kinh tế thế giới lành mạnh,
thì chúng ta cần, trong giai đoạn lịch sử này, một cách tương tác hiệu quả hơn,
không ảnh hưởng đến chủ quyền của các quốc gia, đảm bảo phúc lợi kinh tế của tất
cả các quốc gia chứ không chỉ của một ít quốc gia.
207. Bất cứ cộng đồng nào của Hội Thánh, tùy theo mức độ giả
bộ ngồi yên mà không bận tâm một cách sáng tạo và không hợp tác một cách hiệu
quả để giúp cho những người nghèo có thể sống với phẩm giá cùng bao gồm tất cả
mọi người, thì nó sẽ có nguy cơ bị suy đồ, mặc dù nó có bàn về những vấn đề xã
hội hoặc chỉ trích chính quyền. Cuối cùng nó sẽ dễ dàng bị chìm vào tinh thần
thế tục, được ngụy trang dưới việc thực hành tôn giáo, dưới những cuộc họp
không sinh hoa quả và những diễn từ trống rỗng.
208. Nếu có ai cảm thấy bị xúc phạm vì những lời nói của
tôi, thì tôi xin thưa rằng tôi nói với họ bằng tâm tình và một ý định tốt nhất,
mà không nhằm bất kỳ lợi ích cá nhân hoặc tư tưởng chính trị nào. Lời nói của
tôi không phải là của một kẻ thù hay một đối thủ. Tôi chỉ muốn làm thế để giúp
những người đang làm nô lệ cho một não trạng cá nhân, thờ ơ và ích kỷ, có thể
thoát ra khỏi những xềng xích kinh tởm ấy cùng đạt được một cách sống và suy
nghĩ nhân bản hơn, cao thượng hơn, hiệu quả hơn, đem lại nhân phẩm cho cuộc sống
chóng qua của họ trên trái đất này.
Chăm sóc cho những ngưởi yếu thế
209. Chúa Giêsu, nhà truyền giáo tuyệt vời và chính Người
làTin Mừng, đặc biệt đồng hóa mình với những người bé nhỏ (x. Mt 25:40). Điều
này nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta được mời gọi để chăm sóc những người
yếu thế nhất trên trần gian. Nhưng trong mô hình hiện tại của “thành công” và
“tư nhân hóa” dường như không quan trọng để đầu tư giúp đỡ những người bị bỏ lại
đằng sau, những người yếu đuối hoặc ít tài năng để họ có thể có tìm được con đường
sống.
210. Điều thiết yếu là chúng ta để tâm đến việc quen thuộc với
những hình thức mới của nghèo đói và yếu đuối mà trong đó chúng ta được mời gọi
để nhận ra Đức Kitô đau khổ, mặc dù điều này có vẻ không mang lại cho chúng ta
những lợi ích hữu hình và tức thời: những người vô gia cư, nghiện ngập, tị nạn,
thổ dân, những người già cả và số những người bị cô lập và bị bỏ rơi càng ngày
càng đông, cùng nhiều người khác. Những người di cư đặt ra cho tôi một thách đố
đặc biệt vì tôi là mục tử của một Hội Thánh không biên giới, một Hội Thánh cảm
thấy mình là mẹ của tất cả mọi người. Vì vậy, tôi kêu gọi các quốc gia hãy đại
lượng mở rộng cửa, thay vì lo sợ bị mất căn tính địa phương, việc di dân sẽ có
khả năng tạo ra một tổng hợp văn hóa mới. Đẹp thay các thành phố vượt qua được
sự ngờ vực không lành mạnh, và hội nhập những ngưởi khác biệt, cùng biến việc hội
nhập này thành một yếu tố mới trong việc phát triển! Đẹp thay các thành phố, mà
thậm chí trong thiết kế kiến trúc của chúng, có đầy những không gian kết nối,
liên kết, khuyến khích việc nhìn nhận những ngưởi khác!
211. Tôi luôn luôn đau buồn vì hoàn cảnh của những người
đang là nạn nhân của những hình thức buôn người khác nhau. Tôi muốn rằng chúng
ta lắng nghe tiếng kêu của Thiên Chúa, là Đấng đang hỏi tất cả chúng ta: “anh
em con đâu?” (St 4:9). Anh chị em con đang làm nô lệ ở đâu? Những người đang bị
giết mỗi ngày trong những xưởng máy bí mật nhỏ, trong những ổ mại dâm, trong những
trẻ em bị sử dụng để ăn xin, trong những người phải lén lút làm việc vì tình trạng
bất hợp lệ đang ở đâu? Chúng ta giả vờ như không có chuyện gì xảy ra. Có rất
nhiều đồng lõa. Câu hỏi được đặt ra là cho tất cả mọi người! Mạng lưới tội ác
(mafia) và bỉ ổi đang được thiết lập khắp nơi trong các thành phố của chúng ta,
và nhiều người đang có những bàn tay vấy máu vì một loại đồng lõa qua việc sống
thoải mái và im lặng.
212. Những người nghèo gấp đôi là các phụ nữ đang ở trong những
tình trạng bị loại trừ, lạm dụng và bạo lực, bởi vì họ thường cảm thấy ít có khả
năng để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, ngay cả trong số họ, chúng ta
liên tục tìm thấy các cử chỉ anh thư đáng ngưỡng mộ nhất hàng ngày trong việc bảo
vệ và chăm sóc những gia đình dễ bị tổn thương của họ.
213. Trong số những người yếu đuối, là những người mà Hội
Thánh muốn chăm sóc với lòng yêu thương đặc biệt, có các thai nhi, là những người
không có khả năng tự vệ nhất và vô tội nhất trong tất cả mọi người, là những
người mà ngày nay bị người ta phủ nhận nhân phẩm để họ có thể làm những gì họ
muốn, bằng cách tước đoạt sự sống của các em và cổ võ những đạo luật ngõ hầu
không ai có thể ngăn chặn được chúng. Thường xuyên, như một cách phỉ báng việc
bảo vệ sự sống của trẻ em chưa được sinh ra của Hội Thánh, người ta còn cố gắng
trình bày lập trường của Hội Thánh như một điều gì liên quan đến ý thức hệ,
chưa rõ ràng và bảo thủ. Tuy nhiên, việc bảo vệ sự sống của những người chưa
sinh ra này liên hệ mật thiết với việc bảo vệ bất kỳ quyền nào khác của con người.
Nó dựa trên xác tín rằng một con người luôn luôn thánh thiêng và bất khả xâm phạm,
ở mọi thời điểm và mọi giai đoạn phát triển của nó. Nó là cùng đích của chính
nó chứ không phải là một phương tiện để giải quyết các vấn đề khác. Nếu xác tín
này biến mất, thì không còn nền tảng vững chắc và lâu dài cho việc bảo vệ các
quyền của con người, là những điều sẽ luôn luôn lệ thuộc vào các tiện nghi đột
xuất của những thế lực luân phiên. Chỉ cần lý do này mà thôi cũng đủ để nhận ra
giá trị bất khả xâm phạm của mọi sự sống con người, nhưng nếu chúng ta cũng
nhìn theo đức tin thì “Mọi vi phạm đến phẩm giá cá nhân của con người đều là lời
kêu xin trả thù trước sự hiện diện của Thiên Chúa và trở thành một tội chống lại
Đấng Tạo Hóa của con người”. [176]
214. Chính vì nó là một vấn đề liên quan đến tính kiên định
nội tại của sứ điệp của chúng ta về giá trị của con người, đừng ai mong rằng Hội
Thánh thay đổi lập trường của mình về vấn đề này. Tôi muốn hoàn toàn thành thật
về điểu ấy. Đây không phải là một chủ đề lệ thuộc vào những cải cách hay “việc
hiện đại hóa”. Không phải là “cấp tiến” khi giải quyết vấn đề bằng cách loại bỏ
một sự sống của con người. Nhưng cũng thật sự là chúng ta đã làm rất ít để đồng
hành cách thích hợp với những phụ nữ gặp hoàn cảnh rất khó khăn, trong khi đó
việc phá thai được trình bày cho họ như một giải pháp nhanh chóng cho nỗi lo sợ
thâm sâu của họ, đặc biệt là khi đời sống đang lớn lên trong họ là kết quả của
bạo lực, hoặc trong một bối cảnh nghèo đói cùng cực. Có ai không hiểu được những
hoàn cảnh quá đau thương như vậy không?
215. Còn có những hữu thể khác cũng yếu đuối và không có khả
năng tự vệ, thường cũng bị đặt dưới quyền sinh sát của những ích lợi kinh tế hoặc
những sử dụng bừa bãi. Tôi đề cập đến toàn thể thụ tạo. Là con người, chúng ta
không những chỉ được hưởng lợi ích nhưng còn phải chăm sóc cho những tạo vật
khác. Qua thân xác của chúng ta, Thiên Chúa đã kết hợp chúng ta rất chặt chẽ với
thế giới chung quanh chúng ta, đến nỗi việc sa mạc hoá đất đai cũng giống như một
bệnh cho mọi người; và chúng ta có thể thương tiếc việc tuyệt chủng của một
loài vật giống như mình bị chặt mất tay chân. Chúng ta đừng để lại trong đời
mình những dấu vết hủy diệt và chết chóc có ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng
ta và của những thế hệ tương lai. [177] Theo nghĩa này, tôi mượn lời than thở rất
đẹp và tiên tri mà một ít năm trước đây Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân đã bày tỏ:
“Hàng loạt côn trùng đáng kinh ngạc khác nhau đang sống trong rừng và chúng bận
rộn với đủ thứ nhiệm vụ thích hợp [...] những con chim đang bay trong không
khí, bộ lông rực rỡ của chúng cùng các bài hát và giai điệu khác nhau của chúng
thêm màu sắc và âm điệu cho màu xanh của rừng [...] Thiên Chúa có ý ban đất này
cho chúng ta, một tạo vật đặc biệt của Ngài, nhưng không phải để chúng ta có thể
tiêu diệt nó và biến nó thành một vùng đất sa mạc [...] Sau một đêm mưa, hãy
nhìn về phía các con sông mầu nâu sôcôla trong môi trường chung quanh anh chị
em, và hãy nhớ rằng chúng đang mang máu sống của đất ra biển [...] Làm sao mà
cá có thể bơi lội được trong những cống rãnh như sông Pasig và nhiều con sông
khác đã bị ô nhiễm? Ai đã biến thế giới tuyệt vời dưới nước của biển thành
nghĩa trang bị tước mất sự sống và màu sắc?” [178]
216. Nhỏ nhưng mạnh mẽ trong tình yêu của Thiên Chúa, như
Thánh Phanxicô Assisi, tất cả các Kitô chúng ta được mời gọi để chăm sóc cho sự
yếu ớt của dân chúng và của thế giới mà chúng ta đang sống.
III. Công ích và an bình xã hội
217. Chúng ta đã nói rất nhiều về niềm vui và tình yêu,
nhưng Lời Chúa cũng đề cập đến hoa quả của bình an (x. Gal 5:22).
218. An bình xã hội không thể được hiểu như bình định hoặc
như sự vắng mặt của bạo lực chỉ đạt được bằng sự áp đặt của một phe nhóm trên
những phe nhóm khác. Nó cũng sẽ chỉ là một an bình giả tạo khi bị xử dụng như một
lý do để biện minh cho một cấu trúc xã hội nào đó hoặc bịt miệng những người
nghèo nhất hay xoa dịu họ, để những người được hưởng những lợi ích lớn nhất có
thể duy trì lối sống của họ mà không bị xáo trộn, trong khi những người khác
thì sống chết mặc họ. Nhu cầu xã hội liên quan đến việc phân chia lợi nhuận,
hòa nhập vào xã hội của người nghèo và nhân quyền, không thể bị bóp nghẹt bởi
lý do xây dựng một sự đồng thuận trên giấy tờ hoặc một nền hòa bình phù du cho
một thiểu số hạnh phúc. Phẩm giá của con người và công ích vượt trên sự an lành
của một số người không muốn từ bỏ đặc quyền của họ. Khi các giá trị ấy bị ảnh
hưởng, thì cần phải có một tiếng nói tiên tri.
219. Hòa bình “không thể bị giảm xuống thành một sự vắng mặt
của chiến tranh, là kết quả của một cân bằng luôn luôn bấp bênh của các quyền lực.
Nó phải được xây dựng từng ngày, trong việc theo đuổi một trật tự mà Thiên Chúa
muốn, ngụ ý một công lý hoàn hảo hơn nơi con người”. [179] Cuối cùng, một nền
hòa bình mà không phát sinh như kết quả của sự phát triển toàn diện của tất cả
mọi người, thì sẽ không có tương lai và sẽ luôn luôn là hạt giống của các cuộc
xung đột mới và các hình thức khác nhau của bạo lực.
220. Trong mọi quốc gia, dân cư phát triển chiều kích xã hội
của cuộc sống của họ bằng cách được hình thành như những công dân có trách nhiệm
trong lòng của một dân tộc, chứ không phải như một khối người bị các thế lực thống
trị lôi kéo. Chúng ta hãy nhớ rằng “làm công dân trung thành là một đức tính,
và tham gia vào đời sống chính trị là một nghĩa vụ đạo đức”. [180] Tuy nhiên,
trở thành một dân tộc là một điều khó khăn hơn nhiều, và đòi hỏi một tiến trình
liên tục, trong đó mỗi thế hệ mới phải được đóng góp. Nó là một công việc tiệm
tiến và khó khăn, đòi hỏi người ta phải hòa nhập và học cách làm điều ấy cho đến
khi phát triển một nền văn hóa gặp gỡ trong một sự hòa hợp đa dạng.
221. Để thăng tiến việc xây dựng một dân tộc trong hòa bình,
công lý và tình huynh đệ, có bốn nguyên tắc liên quan đến sự dằng co lưỡng cực
vốn có sẵn trong mọi thực tại xã hội. Chúng được trích ra từ những định đề lớn
của Học thuyết Xã hội của Hội Thánh, tạo thành “điểm đầu tiên và cơ bản để tham
chiếu trong việc giải thích và đánh giá các hiện tượng xã hội”. [181] Trong ánh
sáng của chúng, giờ đây tôi muốn đề nghị bốn nguyên tắc là điều có thể hướng dẫn
cách cụ thể việc phát triển sự chung sống trong xã hội và xây dựng một dân tộc,
trong đó những sự khác biệt được hòa hợp trong một kế hoạch chung. Tôi làm thế
với xác tín rằng việc áp dụng chúng có thể đại diện cho một con đường chân
chính đưa đến hòa bình trong mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.
Thời gian lớn hơn không gian
222. Có một sự dằng co lưỡng cực giữa sự viên mãn và giới hạn.
Sự viên mãn là động cơ cho ý muốn có tất cả mọi sự, và giới hạn là bức tường chặn
trước mặt chúng ta. “Thời gian”, được kể theo nghĩa rộng của nó, ám chỉ sự viên
mãn như một biểu hiện của đường chân trời mở ra ở phía trước chúng ta, và khoảnh
khắc là một biểu hiện cho giới hạn của người sống trong một không gian hạn chế.
Các công dân đang sống trong sự giằng co giữa tình trạng của khoảnh khắc này và
ánh sáng của thời gian, là chân trời không tưởng lớn hơn mở ra cho chúng ta về
tương lai như một cứu cánh hấp dẫn. Từ đó phát sinh nguyên tắc thứ nhất để tiến
lên trong việc xây dựng một dân tộc: thời gian lớn hơn không gian.
223. Nguyên tắc này cho phép chúng ta làm việc dài hạn, mà
không quá bận tâm đến kết quả tức thời. Nó giúp chúng ta nhẫn nại chịu đựng trong
những hoàn cảnh khó khăn và bất lợi hoặc khi phải thay đổi kế hoạch vì động
năng của thực tại đòi hỏi. Nó là một lời mời gọi để chấp nhận sự giằng co giữa
sự viên mãn và giới hạn, theo ưu tiên của thời gian. Một trong những lỗi lầm
đôi khi được tìm thấy trong hoạt động chính trị xã hội là đặt ưu tiên vào không
gian của quyền lực thay vì thời gian của tiến trình. Ưu tiên cho không gian có
nghĩa là điên khùng cố gắng giải quyết tất cả mọi sự trong lúc hiện tại, để cố
gắng chiếm hữu tất cả không gian của quyền lực và tự khẳng định. Nó có nghĩa là
việc kết tinh những tiến trình và việc dám ngưng chúng. Đặt ưu tiên cho thời
gian có nghĩa là quan tâm đến việc khởi xướng các tiến trình hơn là chiếm hữu
các không gian. Thời gian xắp đặt thứ tự cho không gian, soi sáng chúng và biến
chúng thành các mối dây liên kết trong một chuỗi tăng trưởng liên tiếp, không
có thể trở ngược lại được. Đó là dành ưu tiên cho những hành động tạo ra những
động năng mới trong xã hội, cùng liên quan đến những người khác và các nhóm sẽ phát
triển chúng cho đến khi đạt được thành quả trong những biến cố lịch sử quan trọng.
Không cần lo lắng, nhưng với những xác tín rõ ràng và lòng kiên trì.
224. Đôi khi tôi tự hỏi có những ai trong thế giới ngày nay
thực sự quan tâm đến việc tạo ra những tiến trình xây dựng một dân tộc, chứ
không phải chỉ tìm cách để đạt được những kết quả tức thời là điều dễ dàng tạo
ra những lợi thế chính trị nhanh chóng và thoáng qua, nhưng chúng không xây dựng
sự no ấm cho con người. Lịch sử có lẽ sẽ phán xét họ với tiêu chuẩn mà Romano
Guardini đã đề ra, “Một mẫu mực duy nhất để đánh giá đúng một thời đại là điều
tra xem nó có nuôi dưỡng sự phát triển và đạt đến một lý do tồn tại chân chính
cho sự viên mãn của đời sống con người, phù hợp với căn tính đặc biệt và những
khả năng của cùng một thời đại ấy đến mức nào”. [182]
225. Tiêu chuẩn này cũng rất thích hợp cho việc truyền giáo,
là điều đòi hỏi chúng ta phải tính đến triển vọng, làm theo những tiến trình có
thể và đi theo đường dài. Chính Chúa trong cuộc sống trần thế của Người, đã nhiều
lần làm cho các môn đệ hiểu rằng có những điều các ông chưa thể hiểu được và
các ông cần phải chờ Chúa Thánh Thần (x. Ga 16:12-13). Dụ ngôn cỏ lùng trong
lúa mì (x. Mt 13: 24-30) mô tả một khía cạnh quan trọng của việc truyền giáo, là
điều hệ tại ở việc cho thấy rằng đối phương có thể chiếm không gian của Vương
Quốc và gây thiệt hại với cỏ dại, nhưng được khắc phục bằng sự tốt lành của lúa
mì tự biểu lộ theo thời gian.
Hiệp nhất thắng xung đột
226. Chúng ta không thể lờ đi hay che dấu xung đột. Nó phải
được chấp nhận. Nhưng nếu chúng ta vẫn còn bị mắc kẹt trong đó thì chúng ta mất
triển vọng, những chân trời bị giới hạn và chính thực tại cũng bị vỡ ra từng mảnh.
Khi chúng ta ngừng lại ở trong tình trạng xung đột, chúng ta đánh mất ý nghĩa của
sự hiệp nhất sâu xa của thực tại.
227. Khi đối diện với xung đột, một số người chỉ đơn thuần
nhìn vào nó và cứ tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra; họ rửa tay để tiếp tục
với cuộc sống của họ. Những người khác gia nhập cuộc xung đột một cách nào đó
khiến cho họ vẫn còn là tù nhân, đánh mất triển vọng, phóng chiếu lên các tổ chức
sự nhầm lẫn và bất bình riêng của họ, và do đó, sự hiệp nhất sẽ trở thành không
thể được. Nhưng có một cách thứ ba, thích hợp nhất để đối đầu với xung đột.
Chúng ta đồng ý đương đầu với xung đột, giải quyết nó và biến nó thành một vòng
kết nối của một tiến trình mới. “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình” (Mt 5:9).
228. Bằng cách này, chúng ta có thể phát triển một sự hiệp
thông trong những khác biệt, là điều chỉ có thể được cổ võ bởi những người cao
thượng có can đảm vượt qua bề mặt của xung đột và nhìn những người khác trong
phẩm giá sâu xa nhất của họ. Vì lý do này mà cần phải thừa nhận một nguyên tắc
là điều không thể thiếu được cho việc xây dựng quan hệ hữu nghị xã hội: sự hiệp
nhất lớn hơn xung đột. Tình đoàn kết, được hiểu theo ý nghĩa sâu xa nhất và
thách thức nhất của nó, như thế trở thành một cách để xây dựng lịch sử, một khu
vực sống còn mà ở đó các xung đột, giằng co và đối lập có thể đạt được một sự
hiệp nhất đa dạng là điều tạo ra cuộc sống mới. Nó không có nghĩa là nhắm vào
chủ nghĩa hỗn hợp, hoặc sự thu hút của một phe vào một phe khác, nhưng nhằm vào
một giải pháp cao hơn mà vẫn giữ được những khả năng quý giá của những đa cực
trái ngược nhau.
229. Tiêu chuẩn này của Tin Mừng nhắc nhở chúng ta rằng Đức
Kitô đã kết hợp tất cả mọi sự trong Người: trời và đất, Thiên Chúa và con người,
thời gian và vĩnh cửu, xác thịt và tinh thần, con người và xã hội. Dấu chỉ đặc
trưng của sự hiệp nhất và hòa giải mọi sự trong Người này là sự bình an. Đức
Kitô “là sự bình an của chúng ta” (Eph 2:14). Việc công bố Tin Mừng luôn luôn bắt
đầu với lời chào bình an, và trong mọi lúc sự bình an làm cho mối liên hệ giữa
các môn đệ được nên hoàn hảo và củng cố nó. Chúng ta có thể có bình an bởi vì
Chúa đã chiến thắng thế gian và cuộc xung đột trường kỳ của nó đã “được dẹp yên
bằng máu của Thánh Giá Người” (Col 1:20). Nhưng nếu đi sâu vào các bản văn
Thánh Kinh, chúng ta sẽ khám phá ra rằng lãnh vực đầu tiên mà chúng ta được mời
gọi để chinh phục trong cuộc bình định những sự khác biệt này, chính là nội tâm
của mình, đời sống riêng của chúng ta luôn luôn bị đe dọa bởi những lý do biện
minh cho sự phân tán. [183] Với những con tim bị tan vỡ thành ngàn mảnh thì sẽ
khó mà xây dựng nổi một nền hòa bình xã hội chân chính.
230. Lời loan báo về hòa bình không phải là về một hòa bình
được đàm phán, nhưng là xác tín rằng sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần hòa hợp tất
cả mọi sự đa dạng. Nó vượt trên mọi xung đột bằng một tổng hợp mới đầy hứa hẹn.
Sự đa dạng là điều đẹp đẽ khi nó chấp nhận không ngừng bước vào một tiến trình
hòa giải, cho đến khi phê chuẩn một loại hiệp ước văn hóa, là điều tạo ra một
“sự đa dạng được hòa giải” như các Giám mục Congo đã dạy: “Sự đa dạng của các
dân tộc của chúng ta là một sự phong phú [...] Chỉ với tình đoàn kết, với sự
hoán cải tâm hồn và hòa giải mà chúng ta có thể thăng tiến đất nước của chúng
ta”. [184]
Thực tai quan trọng hơn ý tưởng
231. Ngoài ra còn có một sự dằng co lưỡng cực giữa ý tưởng
và thực tại. Thực tại chỉ đơn thuần là ý tưởng được trình bày chi tiết. Chúng
ta phải duy trì một cuộc đối thoại liên tục giữa cả hai để tránh việc ý tưởng rốt
cuộc bị tách ra khỏi thực tại. Thật nguy hiểm khi chỉ sống trong sự cai trị của
lời nói, hình ảnh và ngụy biện mà thôi. Từ đó chúng ta cần phải đưa ra một
nguyên tắc thứ ba: thực tại quan trọng hơn ý tưởng. Điều này liên quan đến việc
tránh các hình thức che đậy thực tại: thuyết trong sạch như thiên thần, sự độc
tài của thuyết tương đối, thuyết duy danh trống rỗng, các dự án nệ hình thức
hơn là thực tế, chủ nghĩa cơ bàn, chống lịch sử, hệ thống đạo đức không có sự tốt
lành, nệ lý trí mà không có sự khôn ngoan.
232. Ý tưởng - những cân nhắc cẩn thận về khái niệm - là một
chức năng của sự thu lượm, hiểu biết và hướng dẫn thực tại. Ý tưởng tách rời khỏi
thực tại là nguồn gốc của những hình thức vô ích của chủ nghĩa lý tưởng và chủ
nghĩa duy danh, chỉ có khả năng tối đa là phân loại hoặc định nghĩa, nhưng
không dấn thân vào. Điều mà chúng ta dấn thân vào là một thực tại được soi sáng
bằng lý trí. Chúng ta cần phải đi từ duy danh theo hình thức sang hòa hợp khách
quan. Nếu không, người ta sẽ thao túng sự thật, như thay thế thể dục bằng mỹ phẩm.
[185] Có những chính trị gia - và thậm chí cả các nhà lãnh đạo tôn giáo - tự hỏi
rằng tại sao mọi người không hiểu họ và không chịu theo họ, mặc dù những đề nghị
của họ rất hợp lý và rõ ràng. Có lẽ bởi vì họ đã đặt chúng trong lĩnh vực tư tưởng
thuần túy và đã giảm chính trị hay đức tin xuống thành thuật hùng biện. Những
người khác đã quên sự đơn giản và đã nhập cảng từ bên ngoài một sự thuần lý xa
lạ với dân chúng.
233. Thực tại cao hơn những ý tưởng. Tiêu chuẩn này liên hệ
đến việc nhập thể của Ngôi Lời và việc đưa Lời Chúa ra thực hành: “Dựa vào điều
này mà anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa, mọi thần khí tuyên xưng Ðức Chúa
Giêsu Kitô đã đến trong xác phàm, thì thuộc về Thiên Chúa” (1 Ga 4:2). Tiêu chuẩn
về thực tại của một Ngôi Lời đã nhập thể và luôn tìm cách nhập thể, là điều thiết
yếu cho việc loan báo Tin Mừng. Một mặt, nó giúp chúng ta nhận ra lịch sử của Hội
Thánh là lịch sử cứu độ, để chúng ta nhớ đến các thánh, là những người đã hội
nhập Tin Mừng vào đời sống của dân chúng, để thu thập truyền thống phong phú của
hai ngàn năm của Hội Thánh, mà không làm bộ như đưa ra một tư tưởng tách rời khỏi
kho tàng này, như thể chúng ta muốn phát minh ra Tin Mừng. Mặt khác, tiêu chuẩn
này khuyến khích chúng ta đưa Lời Chúa ra thực hành, để thực thi những việc
công lý và bác ái mà trong đó Lời Chúa sinh hoa quả. Không đem ra thực hành,
thì không dẫn Lời Chúa đến thực tại, có nghĩa là xây dựng trên cát, vẫn còn
trong ý tưởng thuần túy và chung cuộc trở thành một bức họa và tri thức không
mang lại kết quả, mà còn làm cho động năng của nó trở thành vô bổ.
Toàn thể lớn hơn một phần
234. Giữa việc toàn cầu hóa và địa phương hóa cũng tạo ra một
sự giằng co. Chúng ta phải chú ý đến kích thước toàn cầu để tránh rơi vào tình
trạng nhỏ mọn hàng ngày. Đồng thời, cũng đừng để mất những gì là địa phương, là
điều làm cho chúng ta bước đi bằng đôi chân của mình trên mặt đất. Hai điều ấy
hợp lại với nhau tránh cho chúng ta rơi vào một trong hai thái cực: thái cực thứ
nhất, những công dân sống trong một thế giới trừu tượng và toàn cầu hóa, như những
hành khách trong những toa tàu ở cuối, nhìn ngắm pháo bông của thế giới, là của
những người khác, miệng há hốc và vỗ tay theo đợt. Mặt khác, họ biến thành một
bảo tàng viện dân gian của các ẩn sĩ địa phương, bị kết án phải lặp đi lặp lại
những điều tương tự, không có khả năng để cho mình bị thách đố bởi những gì
khác hoặc thưởng thức vẻ đẹp mà Thiên Chúa trải rộng từ biên giới của của họ.
235. Toàn thể lớn hơn một phần, và thậm chí còn lớn hơn cả tổng
số đơn giản của chúng. Vì vậy, chúng ta không nên quá lo lắng về những vấn đề bị
hạn chế và đặc thù. Chúng ta nên luôn luôn mở rộng nhãn quan của mình để nhận
ra điều tốt hơn, là điều sẽ có lợi cho tất cả chúng ta. Nhưng phải làm thế nào
mà không tránh né hoặc mất gốc. Chúng ta phải đâm rễ sâu vào mảnh đất màu mỡ và
lịch sử của sinh quán của mình, là một hồng ân của Thiên Chúa. Chúng ta đang
làm việc trong lãnh vực nhỏ, với những người lân cận, nhưng với một viển cảnh rộng
lớn hơn. Tương tự như thế, một người duy trì những đặc thù cá nhân của mình và
không che giấu căn tính của mình, khi thân tình hội nhập vào một cộng đồng, người
ấy không hủy bỏ mình nhưng nhận được những kích thích tố mới cho sự phát triển
của riêng mình. Lãnh vực toàn cầu không nhất thiết là hủy bỏ, và sự đặc thù
cũng không bị coi là vô bổ.
236. Mô hình này không phải là hình cầu, là hình không lớn
hơn các phần của nó, trong đó mỗi điểm là khoảng cách bằng nhau từ trung tâm mà
không có sự khác biệt giữa chúng. Mô hình này là một khối đa diện, phản ánh sự
hội tụ của tất cả các phần riêng biệt, trong đó mỗi phần vẫn giữ được tính độc
đáo riêng của mình. Cả hoạt động mục vụ lẫn hoạt động chính trị tìm cách thu thập
trong khối đa diện này điều tốt nhất của mỗi hoạt động. Ở đó có chỗ cho người
nghèo, với văn hóa của họ, các dự án của họ và tiềm năng riêng của họ. Ngay cả
những người có thể bị chỉ trích vì những sai lầm của họ, cũng có một điều gì để
đóng góp mà không được để mất. Nó là sự kết hợp của dân chúng, là những người,
theo thứ tự phổ quát, giữ lại những nét riêng biệt của họ; nó là tổng số những
người trong một xã hội tìm kiếm một lợi ích chung, là điều thực sự kết hợp tất
cả mọi người.
237. Đối với các Kitô hữu chúng ta, nguyên tắc này cũng nói
về tổng thể hoặc sự toàn vẹn của Tin Mừng mà Hội Thánh truyền lại cho chúng ta
và sai chúng ta đi rao giảng. Sự phong phú trọn vẹn của nó kết hợp các học giả
và công nhân, doanh nhân và nghệ sĩ, tất cả mọi người. Sự “thần bí dân gian”
đón nhận theo cách của nó toàn thể Tin Mừng và nhập thể nó dưới dạng cầu nguyện,
tình huynh đệ, công lý, phấn đấu và cử hành. Tin Mừng là niềm vui của một người
cha không muốn mất bất cứ đứa con nào của mình. Vì vậy, cũng là niềm vui của Vị
Mục Tử Nhân Lành Đấng tìm kiếm con chiên lạc và đem nó trở về đàn chiên của
mình. Tin Mừng là nắm men làm dậy men toàn thể khôi bột, và thành phố tỏa sáng
trên lên núi, chiếu soi mọi dân tộc. Tin Mừng có một tiêu chuẩn tổng thể nội tại:
nó không bao giờ ngừng là Tin Mừng cho đến khi được công bố cho tất cả mọi người,
cho đến khi sinh hoa kết quả và chữa lành tất cả mọi chiều kích của con người,
và cho đến khi kết hợp tất cả mọi người trong bàn tiệc Nước Trời. Toàn thể lớn
hơn một phần.
IV. Đối thoại xã hội như một đóng góp cho hòa bình
238. Loan báo Tin Mừng cũng liên quan đến con đường đối thoại.
Đối với Hội Thánh, ở thời điểm này có ba lĩnh vực đặc biệt trong đó đối thoại
phải có mặt, để chu toàn việc phục vụ có lợi cho việc phát triển đầy đủ của con
người và theo đuổi công ích: đối thoại với các quốc gia, đối thoại với xã hội -
bao gồm đối thoại với các nền văn hóa và khoa học - và đối thoại với các tín hữu
khác không phải là phần tử của Hội Thánh Công Giáo. Trong mọi trường hợp, “Hội
Thánh nói từ ánh sáng ấy là ánh sáng mà đức tin ban cho”, [186] đem theo hơn
hai ngàn năm kinh nghiệm của mình và luôn luôn giữ lại trong ký ức cuộc sống và
đau khổ của con người. Điều này vượt xa lý trí con người, nhưng cũng có một ý
nghĩa có thể phong phú hóa những người không tin và mời gọi lý trí mở rộng quan
điểm của họ.
239. Hội Thánh công bố “Tin Mừng của hòa bình” (Eph 6:15) và
mở cửa để hợp tác với tất cả các chính quyền quốc gia và quốc tế ngõ hầu chăm
sóc cho những tài sản phổ quát quá vĩ đại này. Trong khi rao gỉang Đức Chúa
Giêsu Kitô, Đấng là hiện thân của hòa bình (x. Ep 2,14), việc Tân Phúc Âm hóa
khuyến khích mọi người đã được rửa tội trở thành công cụ cho việc xây dựng hòa
bình và làm nhân chứng đáng tin cậy của một đời sống hòa giải. [187] Trong một
nền văn hóa đối thoại đặc quyền như một hình thức gặp gỡ, đây là thời điểm để
biết cách làm sao thiết kế một cuộc tìm kiếm sự đồng thuận và thỏa thuận, nhưng
không tách biệt nó khỏi mối quan tâm cho một xã hội công bằng, có khả năng nhớ
và không loại trừ. Tác giả chính, chủ thể lịch sử của quá trình này, là dân
chúng và nền văn hóa của họ, không phải là một tầng lớp, một thiểu số, một
nhóm, một số người ưu tú. Chúng ta không cần một dự án được soạn thảo bởi một
ít người cho một ít người, hoặc một thiểu số được khai minh hay những ngưởi tự
nhận là nói thay cho một tập thể. Đây là một thỏa thuận chung sống, một hiệp ước
xã hội và văn hóa.
240. Quốc gia có trách nhiệm chăm sóc và phát huy lợi ích
chung của xã hội. [188] Dựa trên các nguyên tắc bổ trợ và đoàn kết, và với một
nỗ lực đáng kể của việc đối thoại chính trị và xây dựng sự đồng thuận, là những
điều đóng một vai trò quan trọng không thể ủy nhiệm được trong việc theo đuổi sự
phát triển toàn diện của tất cả mọi người. Vai trò này, trong hoàn cảnh hiện
nay, đòi hỏi một sự khiêm nhường xã hội sâu sắc.
241. Trong cuộc đối thoại với quốc gia và xã hội, Hội Thánh
không có giải pháp cho tất cả mọi vấn đề đặc biệt. Tuy nhiên, cùng với các quyền
lực xã hội khác, Hội Thánh theo đuổi những đề nghị có thể đáp ứng tốt hơn với
phẩm giá của con người và công ích. Bằng cách này, Hội Thánh luôn đề nghị một
cách rõ ràng những giá trị cơ bản của cuộc sống con người, để truyền đạt những
xác tín mà sau đó có thể được chuyển thành hành động chính trị.
Cuộc đối thoại giữa đức tin, lý trí và khoa học
242. Cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin cũng là một phần
của hành động rao giảng Tin Mừng để phục vụ hòa bình. [189] Chủ nghĩa duy khoa
học và chủ nghĩa thực chứng không chịu “thừa nhận sự chính đáng của những hình
thức kiến thức khác không thuộc về những ngành khoa học tích cực”. [190] Hội
Thánh đề nghị một con đường khác, là con đường đòi hỏi một sự tổng hợp giữa việc
sử dụng có trách nhiệm những phương pháp riêng của các khoa học thực nghiệm, và
các môn học khác như triết học, thần học, và chính đức tin, là điều nâng con
người lên tới mầu nhiệm siêu vượt thiên nhiên và trí thông minh của loài người.
Đức tin không sợ lý trí; trái lại, đức tin tìm kiếm và tin vào lý tri bởi vì “cả
ánh sáng của lý trí lẫn ánh sáng của đức tin đều đến từ Thiên Chúa”, [191] và
không thể mâu thuẫn nhau. Phúc Âm hóa là chú ý đến những tiến bộ khoa học để
soi sáng chúng bằng ánh sáng đức tin và luật tự nhiên, để luôn luôn tôn trọng
tính trung tâm và giá trị tối cao của con người ở tất cả các giai đoạn của đời
sống của nó. Toàn thể xã hội có thể được phong phú hóa nhờ cuộc đối thoại này,
là điều mở ra những chân trời mới để suy nghĩ và mở rộng các khả năng của lý
trí. Đây cũng là một cuộc hành trình của hòa hợp và hòa bình.
243. Hội Thánh không tìm cách ngăn cản sự tiến bộ đáng ngưỡng
mộ của khoa học. Trái lại, Hội Thánh vui mừng và thậm chí rất thích thú khi nhận
ra tiềm năng vĩ đại mà Thiên Chúa đã ban cho tâm trí con người. Khi sự tiến bộ
của khoa học, qua việc tuân theo sự chặt chẽ của học thuật trong lĩnh vực
nghiên cứu về đề tài chuyên môn của chúng, đi đến một kết luận rõ ràng mà lý
trí không thể phủ nhận, thì đức tin cũng không mâu thuẫn với nó. Các tín hữu
cũng không thể cho rằng một quan điểm khoa học mà họ ưa thích, nhưng chưa được
chứng minh đầy đủ, có thể có tầm mức quan trọng của một tín điều đức tin. Tuy
nhiên, trong một vài trường hợp, có một số khoa học gia đi ra ngoài chủ đề
chính của môn học của họ và mất cân bằng với những tuyên bố hoặc kết luận vượt
quá phạm vi khoa học thuần túy của họ. Trong trường hợp này, điều được họ đề
nghị không còn phải là do lý trí, nhưng do một ý thức hệ nhất định, là điều chặn
đường một cuộc đối thoại chân chính, sáng sủa và có hiệu quả.
Đối thoại đại kết
244. Quyết tâm đại kết đáp lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu
rằng “Xin cho tất cả được nên một” (Ga 17:21). Sự đáng tin cậy của sứ điệp Kitô
giáo sẽ lớn hơn nhiều nếu các Kitô hữu khắc phục được những chia rẽ của họ và Hội
Thánh nhận ra “sự đầy đủ tính cách Công Giáo riêng biệt của mình nơi những con
cái tuy đã thuộc về Hội Thánh nhờ phép Rửa Tội, nhưng còn xa cách và chưa hoàn
toàn thông hiệp với Hội Thánh”. [192] Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng mình là
những khách hành hương, và chúng ta cùng hành hương với nhau. Để thực hiện điều
này, chúng ta phải tin tưởng vào những bạn đồng hành mà không ngờ vực, nghi kỵ
và trước hết nhìn vào điều chúng ta tìm kiếm: bình an trong khuôn mặt của một
Thiên Chúa Duy Nhất. Tin tưởng vào người khác là một thủ công, và hòa bình cũng
là một thủ công. Chúa Giêsu bảo chúng ta: “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình”
(Mt 5:9). Trong quyết tâm này, ngay cả giữa chúng ta, lời tiên tri xưa kia được
ứng nghiệm: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày” (Is 2:4).
245. Trong ánh sáng này, đại kết là một đóng góp cho sự hiệp
nhất của gia đình nhân loại. Sự hiện diện của Thượng Phụ Constantinople, Đức
Bartholomew I và Tổng Giám Mục Canterbury, Đức Rowan Douglas Williams, tại Thượng
Hội Đồng Giám Mục [193] đã là một món quà thật từ Thiên Chúa và nhân chứng Kitô
giáo quý giá.
246. Với sự nghiêm trọng của việc phản chứng vì sự chia rẽ
giữa các Kitô hữu, đặc biệt là ở Á Châu và Phi Châu, việc tìm kiếm con đường hiệp
nhất trở nên cấp bách. Các nhà truyền giáo ở những lục địa ấy liên tục đề cập đến
những lời chỉ trích, than phiền và chế nhạo mà họ nhận được vì gương xấu của việc
chia rẽ Kitô giáo. Nếu chúng ta tập trung vào những xác tín có thể hợp nhất
chúng ta và nhớ lại nguyên tắc về phẩm trật chân lý, chúng ta sẽ có thể nhanh
chóng đi đến những hình thức chung để rao giảng, phục vụ và làm chứng. Đám đông
bao la những người chưa chấp nhận sứ điệp của Đức Chúa Giêsu Kitô không cho
phép chúng ta thờ ơ. Do đó, quyết tâm dấn thân cho sự hợp nhất, là điều giúp họ
dễ dàng chấp nhận Đức Chúa Giêsu Kitô, không còn đơn thuần là một việc ngoại
giao hoặc một việc hoàn thành cậy vào vũ lực, nhưng trái lại phải được biến đổi
thành một phương thế không thể thiếu được của việc truyền giáo. Các dấu hiệu của
sự chia rẽ giữa các Kitô hữu trong những quốc gia đã bị tan nát vì bạo lực, tạo
thêm những nguyên nhân cho cuộc xung đột gây nên bởi những người đáng lẽ phải
trở thành những nắm men tích cực của hòa bình. Có quá nhiều điều rất quý giá có
thể kết hợp chúng ta! Và nếu chúng ta thực sự tin tưởng vào hành động tự do và
quảng đại của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể học không biết bao nhiêu điều từ
nhau! Điều này không chỉ là nhận được những dữ kiện về những người khác để biết
họ rõ hơn, nhưng còn gặt hái những gì Chúa Thánh Thần đã gieo trong họ, mà cũng
là những món quà cho chúng ta. Chỉ cần đan cử một thí dụ, trong cuộc đối thoại
với anh em Chính Thống của chúng ta, người Công Giáo chúng ta có cơ hội để tìm
hiểu thêm về ý nghĩa của Giám Mục Đoàn và kinh nghiệm về Thượng Hội Đồng Giám Mục
của họ. Qua việc trao đổi quà tặng, Chúa Thánh Thần có thể dẫn chúng ta tiến gần
hơn đến chân lý và sự tốt lành.
Quan hệ với Do Thái giáo
247. Chúng ta có một cái nhìn rất đặc biệt đối với người Do
Thái, mà Giao Ước của họ với Thiên Chúa đã không bao giờ bị thu hồi, bởi vì “những
hồng ân và ơn gọi của Thiên Chúa thì không thể thu hồi được” (Rm 11:29). Hội
Thánh, chia sẻ với Do Thái giáo một phần quan trọng của Thánh Kinh, coi dân của
Giao Ước và đức tin của họ như một cội rễ thiêng liêng của căn tính Kitô giáo của
mình (x. Rm 11:16-18). Là Kitô hữu, chúng ta không thể coi Do Thái giáo như một
tôn giáo xa lạ, đồng thời không bao giờ được bao gồm người Do Thái trong số những
người được mời gọi từ bỏ các ngẫu tượng để trở về với Thiên Chúa thật (x. 1 Th
1:9). Cùng với họ, chúng ta tin vào một Thiên Chúa, Đấng hoạt động trong lịch sử,
và cùng họ chúng ta đón chào mặc khải chung của Ngài.
248. Đối thoại và tình bằng hữu với con cái Israel là một phần
đời sống của các môn đệ Chúa Giêsu. Lòng yêu mến đang phát triển làm cho chúng
ta đắng cay và chân thành hối tiếc vì những cuộc bách hại khủng khiếp mà họ đã
và đang phải chịu, đặc biệt là những cuộc bách hại liên quan đến hoặc có các
Kitô hữu tham gia.
249. Thiên Chúa tiếp tục làm việc trong dân của Giao Ước Cũ
và làm phát sinh những kho tàng khôn ngoan chảy từ cuộc gặp gỡ của họ với Lời
Chúa. Vì lý do này mà Hội Thánh được phong phú hóa khi đón nhận các giá trị của
Do Thái giáo. Mặc dù có một số niềm tin Kitô giáo bị Do Thái giáo coi là không
thể chấp nhận được, nhưng Hội Thánh không thể từ bỏ việc rao giảng Chúa Giêsu
là Chúa và là Đấng Được Xức Dầu (Mêsia), cũng có một sự bổ túc phong phú cho
phép chúng ta cùng đọc các bản văn Thánh Kinh Do Thái và giúp đỡ lẫn nhau để thấy
rõ sự phong phú của Lời Chúa, cũng như để chia sẻ nhiều xác tín về luân lý và
những quan tâm chung về công lý và sự phát triển của dân tộc.
Đối thoại giữa các tôn giáo
250. Một thái độ cởi mở trong chân lý và tình yêu phải biểu
thị đặc tính của cuộc đối thoại với các tín hữu của các tôn giáo ngoài Kitô
giáo, bất chấp những trở ngại khác nhau và những khó khăn, đặc biệt là với những
người theo chủ nghĩa cơ bản quá khích ở cả hai bên. Cuộc đối thoại liên tôn này
là một điều kiện cần thiết cho hòa bình thế giới, và do đó là một nhiệm vụ đối
với các Kitô hữu, cũng như đối với các cộng đồng tôn giáo khác. Cuộc đối thoại
này, trên hết, là một cuộc trò chuyện về đời sống con người hoặc đơn giản như,
theo đề nghị của các Giám Mục Ấn Độ, là “một thái độ cởi mở đối với họ, chia sẻ
những vui buồn của họ”. [194] Vì vậy, chúng ta học chấp nhận những người khác
theo những cách làm người, suy nghĩ và diễn tả khác nhau của họ. Với phương
pháp này, chúng ta có thể cùng nhau gánh vác trách nhiệm phục vụ công lý và hòa
bình, là điều cần phải trở nên một tiêu chuẩn chính của bất cứ trao đổi nào. Một
cuộc đối thoại mà trong đó người ta tìm kiếm hòa bình và công bằng xã hội nơi
chính nó, vượt qua tất cả những gì chỉ là những bình diện hoàn toàn thực dụng,
một cam kết về luân lý là điều tạo ra những điều kiện xã hội mới. Những cố gắng
chung quanh một chủ đề cụ thể có thể được biến đổi thành một tiến trình mà
trong đó, bằng cách lắng nghe người khác, cả hai bên được thanh lọc và phong
phú hóa. Vì vậy, ngay cả những cố gắng này có thể có ý nghĩa của tình yêu dành
cho chân lý.
251. Trong cuộc đối thoại này, luôn luôn niềm nở và thân thiện,
chúng ta không bao giờ được quên mối dây liên hệ chủ yếu giữa việc đối thoại và
rao giảng, là điều giúp cho Hội Thánh duy trì và tăng cường quan hệ với những
người ngoài Kitô giáo. [195] Một chủ nghĩa hòa giải hỗn hợp (syncrétisme) chung
cuộc sẽ thành một chế độ chuyên chế của những kẻ giả bộ hòa giải bất chấp các
giá trị vượt trên họ và họ không phải là chủ của chúng. Việc cởi mở thật liên
quan đến việc giữ vững những xác tín sâu xa nhất của mình, với một căn tính rõ
ràng và vui tươi, nhưng mở ra “để hiểu những người khác” và “biết rõ rằng cuộc
đối thoại có thể phong phú hóa mỗi người”. [196] Chúng ta không cần một lời mở
đầu ngoại giao, tức là đồng ý với tất cả mọi sự để tránh rắc rối, bởi vì nó là
một cách lừa dối những người khác và làm cho họ không nhận được những ích lợi
mà chúng ta đã nhận được như một món quà để chia sẻ rộng rãi. Việc truyền giáo
và đối thoại liên tôn, thay vì trái ngược nhau, thì chúng lại hỗ trợ và nuôi dưỡng
nhau. [197]
252. Ở thời đại này sự liên hệ của chúng ta với các tín đồ Hồi
giáo có một tầm mức rất quan trọng, đặc biệt là ngày nay họ hiện diện ở nhiều
quốc gia có truyền thống Kitô giáo, ở đó họ có thể tự do cử hành việc phụng tự
của họ và sống hội nhập vào xã hội. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng họ “tuyên
xưng đức tin của ông Abraham, cùng với chúng ta, họ tôn thờ một Thiên Chúa duy
nhất, hay thương xót, phán xét con người vào ngày sau hết”. [198] Các sách
thánh của Hồi giáo vẫn giữ lại một phần giáo huấn của Kitô giáo, Đức Chúa Giêsu
Kitô và Đức Mẹ Maria là những đối tượng được tôn kính sâu xa; và thật đáng ngưỡng
mộ khi thấy cách những người trẻ và người già, đàn ông và phụ nữ Hồi giáo có thể
dành thì giờ để cầu nguyện hàng ngày và trung thành tham dự các nghi lễ tôn
giáo của họ. Đồng thời, nhiều người trong họ có một xác tín sâu xa rằng toàn thể
đời sống của họ đến từ Thiên Chúa và dành cho Ngài. Họ cũng nhận ra rằng cần phải
đáp trả lại Thiên Chúa bằng một cam kết luân lý và lòng thương xót đối với người
nghèo.
253. Để hỗ trợ việc đối thoại với Hồi giáo điều cần thiết là
đào tạo những người đối thoại một cách thích đáng, không chỉ vì để giúp cho họ
có một nền móng kiên định và vui tươi trong căn tính riêng của họ, nhưng để họ
cũng có thể nhận ra các giá trị của người khác, để hiểu những mối quan tâm cơ bản
với những nhu cầu của họ và làm sáng tỏ những xác tín được chia sẻ. Kitô hữu
chúng ta nên chào đón với tình cảm và tôn trọng những di dân Hồi giáo là những
người đến trong nước của chúng ta, như cùng một cách chúng ta hy vọng và đòi hỏi
được chấp nhận và tôn trọng ở các nước theo truyền thống Hồi giáo. Tôi khiêm tốn
yêu cầu các nước Hồi giáo làm ơn đảm bảo sự tự do cho các Kitô hữu để họ có thể
cử hành việc phụng tự của họ và sống đức tin của họ, bằng cách nghĩ đến sự tự
do mà các tín đồ Hồi giáo được hưởng ở các nước Tây Phương! Trước những cảnh bạo
tàn do những người theo chủ nghĩa cơ bản gây ra làm chúng ta quan tâm, thiện cảm
đối với các tín hữu Hồi giáo chân chính phải dẫn chúng ta đến việc tránh những
hận thù khái quát, bởi vì Hồi giáo chân chính và việc giải thích đúng đắn kinh
Koran chống lại bất cứ hình thức bạo lực nào.
254. Những người ngoài Kitô giáo, nhờ sáng kiến tự do của
Thiên Chúa, và trung thành với lương tâm của họ, họ có thể sống một cuộc sống
“được công chính hóa nhờ ân sủng của Thiên Chúa” [199] và do đó “được kết hợp với
mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Chúa Giêsu Kitô”. [200] Tuy nhiên, vì chiều kích bí
tích của ơn thánh sủng, hành động của Thiên Chúa trong họ có khuynh hướng tạo
ra các dấu chỉ, các nghi lễ, biểu thức thiêng liêng, là những điều đem những
người khác đến kinh nghiệm cộng đồng của cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa.
[201] Trong khi chúng không có ý nghĩa và hiệu quả của các Bí Tích do Đức Kitô
thiết lập, nhưng cũng có thể là những cách thế mà cùng một Chúa Thánh Thần gợi
ra để giải thoát những người ngoài Kitô giáo khỏi chủ nghĩa vô thần nội tại hoặc
những kinh nghiệm tôn giáo thuần túy cá nhân. Cùng một Chúa Thánh Thần linh hứng
ở mọi nơi những hình thức khôn ngoan thực tế để giúp chúng ta chịu đựng những
khó khăn của cuộc sống cùng sống an bình và hòa hợp hơn. Là những Kitô hữu
chúng ta có thể được ích lợi từ sự phong phú này được tích lũy qua nhiều kỷ
nguyên, có thể giúp chúng ta sống những xác tín riêng của mình một cách tốt đẹp
hơn.
Đối thoại xã hội trong bối cảnh tự do tôn giáo
255. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nhắc lại tầm quan trọng
của việc tôn trọng tự do tôn giáo, được coi như là một quyền cơ bản của con người.
[202] Nó bao gồm “quyền tự do lựa chọn một tôn giáo mà người ta coi là chân thật
và công khai bày tỏ đức tin của họ”. [203] Một chủ nghĩa đa nguyên lành mạnh,
là chủ nghĩa thực sự tôn trọng những sự khác biệt và các giá trị như thế, không
buộc phải tư nhân hóa các tôn giáo với ý định là bắt chúng phải im lặng và rút
vào bóng tối của lương tâm mỗi cá nhân, hoặc bị nhốt trong hàng rào khóa kín của
các nhà thờ, các hội đường Do Thái hoặc các đền thờ Hồi giáo. Chung cuộc, nó sẽ
là một hình thức mới của kỳ thị và chuyên chế. Sự tôn trọng dành cho những nhóm
thiểu số bất khả tri hay những kẻ vô tín ngưỡng không được áp đặt một cách tùy
tiện để bịt kín xác tín của đa số những người có tín ngưỡng hoặc gạt đi sự
phong phú của các truyền thống tôn giáo. Điều này về lâu dài sẽ gây ra bất mãn
thay vì khoan dung và hòa bình.
256. Khi kể đến ảnh hưởng của tôn giáo trên đời sống công cộng,
chúng ta phải phân biệt những cách khác nhau mà tôn giáo được thực hành. Cả giới
trí thức và báo chí thường rơi vào tình trạng tổng quát hóa một cách thô thiển
và hơi có chút tính chất thuật học khi nói về những thiếu sót của các tôn giáo,
và thường không thể phân biệt được rằng không phải tất cả các tín hữu – cũng
không phải tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo - đều bằng nhau. Một số chính trị
gia lạm dụng sự nhầm lẫn này để biện minh cho hành động kỳ thị của họ. Những lần
khác họ tỏ ra kinh rẻ những tác phẩm phát sinh trong bối cảnh của một tín hữu
có xác tín, mà quên rằng những bản văn tôn giáo cổ điển có thể cung cấp một ý
nghĩa cho mọi thời đại, luôn có một động lực mở ra những chân trời mới, kích
thích tư tưởng, mở rộng trí khôn và tâm hồn. Chúng bị coi thường vì sự hẹp hòi
của nhãn quan duy lý. Có hợp lý và thông minh không khi đẩy chúng vào trong
bóng tối chỉ vì chúng đã được sinh ra trong bối cảnh của niềm tin tôn giáo?
Chúng mang theo mình những nguyên tắc nhân văn sâu sắc, có giá trị hợp lý mặc
dù chúng được thấm nhuần với những biểu tượng và những học thuyết tôn giáo.
257. Như các tín hữu chúng ta cảm thấy gần gũi ngay cả những
người, dù không nhận mình là phần tử của bất kỳ truyền thống tôn giáo nào,
nhưng chân thành tìm kiếm chân thiện mỹ, mà đối với chúng ta là biểu hiện cao
nhất và nguồn mạch của chúng được tìm thấy nơi Thiên Chúa. Chúng ta coi họ như
những đồng minh quý hóa trong việc dấn thân bảo vệ phẩm giá con người, trong việc
xây dựng một sự chung sống hoà bình giữa các dân tộc và bảo vệ tạo vật. Một
không gian đặc biệt của cái gọi là Aeropagus mới, là “Sân của dân ngoại”, trong
đó “các tín hữu và những người không tin có thể bàn về những vấn đề cơ bản của
luân lý, nghệ thuật, khoa học, và việc tìm kiếm sự siêu việt.” [204] Đây cũng
là một con đường hòa bình cho thế giới đang bị thương tích của chúng ta.
258. Bắt đầu từ một số vấn đề xã hội, là những vấn đề quan
trọng đối với tương lai của nhân loại, tôi đã cố gắng một lần nữa giải thích
các chiều kích xã hội không thể tránh được của việc rao giảng Tin Mừng, nhằm mục
đích khuyến khích mọi Kitô hữu luôn luôn biểu lộ chúng bằng lời nói, thái độ và
hành động của họ.
CHƯƠNG NĂM
NHỮNG NGƯỜI RAO GIẢNG TIN MỪNG ĐẦY THÁNH THẦN
259. Những người rao giảng Tin Mừng đầy Thánh Thần có nghĩa
là những nhà truyền giáo mở lòng ra với tác động của Chúa Thánh Thần mà không sợ
hãi. Trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã làm cho các Tông Đồ ra khỏi
chính mình và biến các ngài thành những người loan báo những việc cao cả của
Thiên Chúa, mà mỗi thính giả bắt đầu hiểu theo ngôn ngữ riêng của mình. Chúa
Thánh Thần cũng đổ vào chúng ta sức mạnh để loan báo sự mới mẻ của Tin Mừng với
sự mạnh bạo (parrhesia), lớn tiếng, ở mọi nơi và mọi lúc, ngay cả những lúc phải
lội ngược dòng. Chúng ta hãy cầu khẩn Ngài hôm nay, để được thiết lập một cách
vững chắc trên cầu nguyện, vì nếu không có cầu nguyện thì mọi hoạt động có nguy
cơ trở thành trống rỗng và rốt cuộc lời rao giảng cũng trở nên không có hồn.
Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành những nhà truyền giáo loan báo Tin Mừng
không chỉ bằng lời nói, nhưng trên hết, bằng một cuộc sống được sự hiện diện của
Thiên Chúa biến đổi.
260. Trong chương cuối cùng này, tôi sẽ không đưa ra một tổng
hợp của linh đạo Kitô giáo, cũng không khai triển những chủ đề chính như cầu
nguyện, chầu Thánh Thể hoặc cử hành đức tin, là những điều chúng ta đã có những
bản văn có giá trị của Huấn Quyền và những tác phẩm nổi tiếng của các tác giả
thời danh. Tôi không tự nhận là thay thế hoặc vượt trên sự phong phú này. Tôi
chỉ đơn thuần đề nghị một số suy nghĩ về tinh thần của việc Tân Phúc Âm hóa.
261. Khi chúng ta nói rằng một điều gì có một “tinh thần”,
thì thường ám chỉ một số động lực bên trong tạo ra một sự thúc đẩy, động cơ,
khích lệ cùng làm cho các hành động cá nhân và cộng đồng có ý nghĩa. Một việc
truyền giáo đầy Thánh Thần khác xa với một mớ những công tác bị coi như những
nhiệm vụ nặng nề mà chúng ta chỉ đơn thuần phải làm, hoặc việc gì bị coi như
mâu thuẫn với những xu hướng và ước muốn của chúng ta. Tôi rất ước ao tìm được
những lời để cổ võ một mùa rao giảng Tin Mừng nhiệt thành, vui mừng, quảng đại,
táo bạo, tràn đầy tình yêu cho đến cùng và một đời sống truyền cảm! Nhưng tôi
biết rằng không có động lực nào có thể đủ nếu không có ngọn lửa của Chúa Thánh
Thần đốt cháy trong lòng chúng ta. Cuối cùng, truyền giáo với tinh thần là truyền
giáo với Chúa Thánh Thần, vì Ngài là linh hồn của việc truyền giáo của Hội
Thánh. Trước khi đề ra một số lý do thúc đẩy và đề nghị tinh thần, một lần nữa
tôi cầu khẩn Chúa Thánh Thần, tôi cầu xin Ngài đến canh tân, lay động và thúc đẩy
Hội Thánh mạnh dạn ra khỏi chính mình để rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc.
I. Những lý do thúc đẩy một động năng truyền giáo mới
262. Những người rao giảng Tin Mừng đầy Chúa Thánh Thần có
nghĩa là những nhà truyền giáo vừa cầu nguyện vừa làm việc. Từ quan điểm Phúc
Âm hóa, những đề nghị thần bí mà không có một sự dấn thân xã hội và truyền giáo
mạnh mẽ, hay những bài thuyết trình và những thực hành xã hội và mục vụ mà
không có một linh đạo có sức biến đổi tâm hồn, sẽ chẳng giúp được gì. Những đề
nghị bán phần và rời rạc ấy chỉ chạm đến một số người nhỏ và không có sức mạnh
lan tràn lớn lao, bởi vì chúng cắt xén Tin Mừng. Chúng ta phải luôn luôn nuôi
dưỡng một chỗ ở trong tâm hồn, là điều đem lại cho một Kitô hữu ý nghĩa của việc
dấn thân và hoạt động. [205] Nếu không có những giờ phút lâu dài để tôn thờ, gặp
gỡ Lời Chúa trong cầu nguyện, chân thành đối thoại với Chúa, thì các nhiệm vụ dễ
dàng mất hết ý nghĩa, chúng ta sẽ bị suy yếu vì mệt mỏi hay vì những khó khăn,
và lòng nhiệt thành sẽ bị dập tắt. Hội Thánh không thể làm được gì nếu không có
lá phổi cầu nguyện, và lòng tôi vô cùng vui mừng vì sự gia tăng rất nhiều nhóm
cầu nguyện, chuyển cầu, đọc Lời Chúa trong cầu nguyện và chầu Thánh Thể thường
trực trong tất cả cơ cấu Hội Thánh. Đồng thời, “chúng ta phải đẩy lui cám dỗ về
một linh đạo riêng tư và cá nhân không phù hợp với những đòi hỏi của đức ái,
cũng như luận lý của mầu nhiệm Nhập Thể”. [206] Có một nguy cơ là một số giờ
phút cầu nguyện biến thành một lý do để tránh sống đời truyền giáo, vì việc tư
nhân hóa lối sống có thể dẫn các Kitô hữu đến việc nương náu ở một số linh đạo
sai lầm.
263. Thật là bổ ích để nhớ đến các Kitô hữu tiên khởi và nhiều
anh em trong suốt dòng lịch sử, là những người đầy niềm vui, đầy can đảm, không
biết mệt trong việc rao giảng Tin Mừng cùng có khả năng hoạt động với sức chịu
đựng tuyệt vời. Có những người tự an ủi bằng cách nói rằng ngày nay khó khăn
hơn nhiều; nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng bối cảnh thời đế quốc Rôma không
có lợi gì cho việc rao giảng Tin Mừng, hay đấu tranh cho công lý, hoặc bảo vệ
phẩm giá con người. Trong mọi thời điểm của lịch sử, sự yếu đuối của con người,
tính vụ lợi thiếu lành mạnh, sự tiện nghi ích kỷ, và cuối cùng, lòng ham muốn
nhục dục đe dọa tất cả chúng ta. Thực tại này luôn luôn hiện diện, dươi hình thức
này hay hình thức khác; chúng đến từ những giới hạn của con người chứ không phải
tư các hoàn cảnh. Vì thế chúng ta không được nói rằng ngày nay khó khăn hơn;
chúng khác nhau. Chúng ta hãy học nhiều từ các Thánh, là những vị đã đi trước
chúng ta và đã trực diện với những khó khăn của thời đại các ngài. Để đạt được
mục đích này, tôi đề nghị ngừng lại để tái khám phá ra một số lý do giúp chúng
ta bắt chước các ngài ngõ hầu áp dụng trong thời đại chúng ta. [207]
Cuộc gặp gỡ cá nhân với tình yêu của Chúa Giêsu là Đấng cứu
độ chúng ta
264. Lý do đầu tiên thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng là
tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta đã nhận được, kinh nghiệm được Người cứu độ
là điều thúc đẩy chúng ta yêu Người mỗi ngày một hơn. Nhưng có loại tình yêu
nào mà không làm cho chúng ta cảm thấy cần phải nói về người mình yêu, chỉ cho
người khác thấy Người, làm cho Người được biết đến không? Nếu chúng ta không cảm
thấy có ước muốn mãnh liệt để truyền thông tình yêu này, chúng ta cần phải tạm
ngừng lại trong cầu nguyện để cầu xin Người trở lại làm cho chúng ta say đắm.
Chúng ta cần phải cầu xin mỗi ngày, để ân sủng Người mở rộng con tim giá lạnh của
chúng ta và cải tổ cuộc sống hờ hững và nông cạn của chúng ta. Hãy đặt mình trước
mặt Người với một con tim rộng mở, hãy để cho Người ngắm nhìn chúng ta, chúng
ta sẽ nhận ra cái nhìn yêu thương này là cái nhìn mà Nathaniel đã khám phá ra
ngày Chúa Giêsu nói với ông: “Tôi nhìn thấy anh khi anh ở dưới cây vả” (Ga
1:48). Êm dịu biết bao khi đứng trước một cây Thánh Giá, hoặc quỳ trước Thánh
Thể, và chỉ đơn thuần là ở trước mắt Người! Tốt biết bao cho chúng ta khi Người
trở lại chạm vào cuộc đời chúng ta và thúc đẩy chúng ta truyền thông sự sống mới
của Người! Vì vậy, kết cuộc là, “những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe thì
chúng tôi công bố” (1 Ga 1:3). Động lực tốt nhất cho quyết định truyền thông
Tin Mừng là chiêm niệm nó với tình yêu, đọc chầm chậm những trang của nó và đọc
bằng con tim của mình. Nếu chúng ta đến gần Tin Mừng cách này, vẻ đẹp của nó sẽ
làm cho chúng ta ngạc nhiên, và làm cho chúng ta say đắm mỗi lần chúng ta trở lại.
Vì vậy, thật khẩn cấp để phục hồi tinh thần chiêm niệm, là điều cho phép chúng
ta khám phá ra mỗi ngày rằng chúng ta là những người được ủy thác cho một gia sản,
là điều nhân bản hóa chúng ta và giúp chúng ta sống một cuộc sống mới. Không có
gì quý giá hơn để truyền lại cho những người khác.
265. Toàn thể đời sống của Chúa Giêsu, cách Người đối xử với
những người nghèo, những cử chỉ của Người, sự kiên định của Người, lòng quảng đại
của Người, sự đơn giản hằng ngày của Người, và cuối cùng là sự tự hiến hoàn
toàn của Người, tất cả đều quý giá và nói với cuộc sống cá nhân của chúng ta. Mỗi
lần chúng ta trở lại để tìm hiểu, chúng ta lại được thuyết phục rằng đây chính
là những gì người khác cần, ngay cả khi chúng ta không nhận ra điều ấy: “Đấng
mà anh em không biết nhưng vẫn tôn thờ, là Đấng mà tôi rao giảng cho anh em”
(Cv 17:23). Đôi khi chúng ta mất lòng nhiệt thành đối với sứ vụ truyền giáo, mà
quên rằng Tin Mừng đáp ứng nhu cầu sâu xa nhất của con người, bởi vì tất cả
chúng ta đã được tạo ra cho những gì Tin Mừng cung cấp cho chúng ta: tình bằng
hữu với Chúa Giêsu và tình yêu huynh đệ với anh chị em. Khi chúng ta thành công
trong việc diễn tả đầy đủ và cách thẩm mỹ nội dung cơ bản của Tin Mừng, sứ điệp
ấy chắc chắn sẽ đáp ứng những thắc mắc sâu xa nhất của con tim: “Nhà truyền
giáo tin chắc rằng nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, đã có sẵn trong những cá
nhân và các dân tộc một ước vọng, ngay cả khi người ta không ý thức, để biết sự
thật về Thiên Chúa, con người, con đường dẫn đến việc giải thoát khỏi tội lỗi
và sự chết. Lòng nhiệt thành trong việc loan báo Đức Kitô xuất phát từ xác tín
có thể đáp ứng được ước vọng này”. [208] Lòng nhiệt thành truyền giáo dựa trên
xác tín này. Chúng ta có một kho báu sự sống và tình yêu không thể lừa dối, sứ
điệp không thể bị thao tác hoặc lừa dối. Đó là một câu trả lời chìm vào tận đáy
lòng con người, có thể nâng đỡ nó và nâng nó lên. Đó là chân lý không bao giờ lỗi
thời bởi vì nó có thể thâm nhập vào những nơi không một điều gì khác có thể đến
được. Nỗi buồn vô hạn của chúng ta chỉ có thể được chữa lành bằng một tình yêu
vô hạn.
266. Tuy nhiên niềm xác tín này được nâng đỡ bằng kinh nghiệm
cá nhân, không ngừng đổi mới, để tận hưởng tình bằng hữu của Người và sứ điệp của
Người. Chúng ta không thể kiên trì trong một việc truyền giáo đầy nhiệt tình nếu
chúng ta không còn được thuyết phục nữa bằng kinh nghiệm riêng của mình rằng gặp
gỡ Chúa Giêsu hoàn toàn khác với việc không biết Người, bước đi với Người hoàn
toàn khác với mò mẫm, có thể lắng nghe Người hoàn toàn khác với việc coi thường
Lời Người, có thể chiêm niệm, thờ phượng, nghỉ ngơi trong Người hoàn toàn khác
với việc không làm những điều ấy. Cố gắng xây dựng thế giới với Tin Mừng của
Người không giống như làm việc ấy chỉ với những lý do riêng của mình. Chúng ta
biết rằng cuộc sống với Chúa Giêsu trở nên đầy đủ hơn nhiều và với Người chúng ta
dễ dàng tìm thấy ý nghĩa của tất cả mọi sự hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta
rao giảng Tin Mừng. Một nhà truyền giáo thực sự, là người không bao giờ ngừng
là một môn đệ, biết rằng Chúa Giêsu đi với mình, nói với mình, thở với mình,
làm việc với mình. Cảm thấy Chúa Giêsu đang sống cùng mình ở giữa sứ vụ truyền
giáo. Nếu chúng ta không tìm thấy điều này ở trung tâm của các hoạt động truyền
giáo, thì chúng ta sẽ sớm mất nhiệt tình và không còn chắc chắn về điều mình
thông truyền, chúng ta sẽ thiếu nghị lực và lòng say mê. Và khi một người không
được thuyết phục, không có nhiệt tình, không đáng tin cậy, không được yêu, thì
người ấy sẽ chẳng thuyết phục được ai.
267. Kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta tìm những gì Người
tìm, chúng ta yêu những gì Người yêu. Cuối cùng, điều chúng ta tìm kiếm là vinh
quang của Chúa Cha, chúng ta sống và hành động “để ngợi khen vinh quang của ân
sủng Người” (Eph 1:6). Nếu chúng ta hiến thân cách trọn vẹn và kiên định, chúng
ta phải vượt trên bất cứ động lực nào khác. Đây là động lực cuối cùng, sâu sắc
nhất, lớn nhất, là lý do và ý nghĩa tối hậu của mọi động lực khác. Đó chính là
vinh quang Chúa Cha, mà Chúa Giêsu đã tìm suốt cuộc đời của Người. Người là Con
luôn luôn vui lòng với tất cả con người của mình “ở trong cung lòng Chúa Cha”
(Ga 1:18). Nếu chúng ta là những nhà truyền giáo, thì trên hết chính vì Chúa
Giêsu nói với chúng ta: “Bằng cách này mà Chúa Cha được tôn vinh, là các con
sinh nhiều hoa trái” (Ga 15:8). Vượt trên sự kiện là chúng ta đồng ý hay không,
thích hay không, cần hay không, vượt trên những giới hạn bé nhỏ của những ham
muốn của chúng ta, sự hiểu biết và động cơ thúc đẩy chúng ta, chúng ta rao giảng
Tin Mừng vì vinh quang cao cả của Chúa Cha là Đấng yêu thương chúng ta.
Niềm vui tinh thần của việc là một dân
268. Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta nhận ra rằng chúng ta là
một dân duy nhất: “Xưa kia anh em không phải là một dân, nhưng nay đã là Dân
Thiên Chúa” (1 Phr 2:10). Để là những nhà truyền giáo đích thực chúng ta cũng cần
phải phát triển một vị giác tinh thần để ở gần đời sống của con người, đến độ
nó trở thành một nguồn vui cao thượng hơn. Việc truyền giáo là một sự say mê với
Chúa Giêsu, nhưng đồng thời cũng là một sự say mê với dân Người. Khi chúng ta đứng
trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta nhận ra tất cả tình yêu của Người, là
điều nâng đỡ chúng ta và ban cho chúng ta phẩm giá, tuy nhiên, đồng thời, trừ
khi chúng ta bị mù, chúng ta bắt đầu nhận thức rằng cái nhìn của Chúa Giêsu mở
rộng và quay về phía toàn thể dân Người với đầy trìu mến và nhiệt tình. Vì vậy,
chúng ta nhận ra rằng Người muốn dùng chúng ta để gần gũi hơn với dân yêu quý của
Người. Người lấy chúng ta từ giữa dân Người và sai chúng ta đến với họ, vì thế
chúng ta sẽ không thể hiểu được căn tính của mình nếu không thuộc về dân này.
269. Chính Chúa Giêsu là kiểu mẫu của sự lựa chọn cách rao
giảng Tin Mừng này, là cách đưa chúng ta vào lòng dân chúng. Thật tốt cho chúng
ta khi thấy Người gần gũi tất cả mọi người! Khi Người nói chuyện với ai, thì
Người nhìn thẳng vào mắt người ấy với một sự ân cần yêu thương sâu thẳm, “Chúa
Giêsu nhìn anh, và thương mến anh” (Mc 10:21). Chúng ta thấy Chúa dễ tiếp cận
thế nào với người mù bên vệ đường (x. Mc 10:46-52), và khi Người ăn uống với những
kẻ tội lỗi (x. Mc 2:16), Người chẳng bận tâm gì đến việc bị người khác coi là
mê ăn uống và chè chén say sưa (x. Mt 11:19). Chúng ta thấy Người sẵn sàng để
cho một cô gái điếm xức dầu đôi bàn chân của Người (x. Lc 7:36-50), hoặc tiếp
ông Nicôđêmô vào ban đêm (Ga 3:1-15). Sự tự hiến của Chúa Giêsu trên thập giá
không là gì khác hơn là tột đỉnh của cách thế này, là cách thế đã đánh dấu toàn
thể cuộc đời của Người. Được thu hút bởi kiểu mẫu này, chúng ta muốn gia nhập
cách trọn vẹn vào xã hội, chia sẻ cuộc sống của mình với tất cả mọi người, lắng
nghe những quan tâm của họ, cộng tác với họ cả về vật chất lẫn tinh thần trong
những nhu cầu của họ, vui với người vui, khóc với người khóc và dấn thân trong
việc xây dựng một thế giới mới, tay trong tay với những người khác. Nhưng luôn
luôn không coi đó như một điều bị bắt buộc, như một gánh nặng mà chúng ta phải
gánh, nhưng như một sự lựa chọn cá nhân tràn ngập niềm vui và cho chúng ta một
căn tính.
270. Đôi khi chúng ta cảm thấy bị cám dỗ là những Kitô hữu
trong khi vẫn giữ một khoảng cách an toàn với những vết thương của Chúa. Nhưng
Chúa Giêsu muốn chúng ta chạm vào sự đau khổ của con người, chạm vào da thịt
đau khổ của những người khác. Người muốn chúng ta ngưng tìm kiếm những nơi trú ẩn
cá nhân hay cộng đồng, là những nơi cho phép chúng ta giữ một khoảng cách với
trung tâm của những thảm cảnh của con người, ngõ hầu chúng ta thực sự chấp nhận
tiếp xúc với đời sống cụ thể của những người khác, và biết sức mạnh của sự dịu
dàng. Khi chúng ta làm như thế, đời sống của chúng ta sẽ luôn luôn phức tạp một
cách kỳ diệu và chúng ta sống kinh nghiệm mãnh liệt của một dân, kinh nghiệm
thuộc về một dân.
271. Đúng là trong mối liên hệ của mình với thế giới, chúng
ta được yêu cầu cung cấp một lý do của niềm hy vọng của mình, nhưng không phải
như kẻ thù, bằng cách chỉ tay và lên án. Chúng ta đã được cảnh báo rất rõ ràng:
“phải làm với sự hiền lành và tôn trọng” (1 Phr 3:16), và “Nếu có thể, thì ít
ra về phần anh em, hãy sống hòa thuận với mọi người” (Rm 12:18). Chúng ta cũng
được khuyến khích cố gắng chiến thắng “sự dữ bằng việc lành” (Rm 12:21), mà
không được mệt mỏi “làm điều lành” (Gl 6:9), và không cố gắng tỏ ra là những
người trên, nhưng coi “những người khác hơn mình” (Phl 2:3). Thực ra, các Tông
Đồ của Chúa “được lòng tất cả mọi người” (Cv 2:47, xem 4,21.33; 5:13). Rõ ràng
là Đức Chúa Giêsu Kitô không muốn chúng ta như những ông hoàng trông rất thô bạo,
nhưng như những người nam nữ của dân chúng. Đây không phải là ý kiến của một
giáo hoàng hoặc một lựa chọn mục vụ giữa những lựa chọn khác mà chúng ta có thể
làm; chúng là những dấu chỉ của Lời Chúa rất tỏ tường, trực tiếp và hiển nhiên
đến nỗi chúng không cần phải được giải thích, là điều sẽ giảm bớt sức mạnh chất
vấn của chúng. Chúng ta hãy sống chúng “sine glossa”, mà không cần chú giải. Bằng
cách này, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui chia sẻ cuộc sống truyền giáo với
những người trung thành với Thiên Chúa trong khi cố gắng đốt lên một ngọn lửa ở
trung tâm thế giới.
272. Tình yêu đối với người khác là một sức mạnh tinh thần
thúc đẩy cuộc gặp gỡ Thiên Chúa một cách trọn vẹn đến mức bất cứ ai không yêu
anh em mình là “đi trong bóng tối “ (1 Ga 2:11), là “ở lại trong sự chết” (1 Ga
3, 14) và “không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4:8). Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rằng
“nhắm mắt mình trước những người lân cận của chúng ta cũng làm cho chúng ta mù
trước mặt Thiên Chúa” [209] và rằng tình yêu cuối cùng là ánh sáng duy nhất
“luôn luôn có thể soi sáng một thế giới đang tối tăm và ban cho chúng ta can đảm
để sống và hành động”. [210] Vì vậy, khi chúng ta sống tiếp cận thần bí với tha
nhân nhằm mục đích tìm kiếm sự tốt lành cho họ, chúng ta mở rộng nội tâm của
mình để nhận những hồng ân tốt đẹp nhất của Chúa. Mỗi lần chúng ta gặp gỡ một
con người trong tình yêu, chúng ta đặt mình vào một điều kiện thuận lợi để khám
phá một điều gì mới mẻ về Thiên Chúa. Mỗi lần chúng ta mở mắt để nhận ra những
người khác, thì đức tin của chúng ta được sáng suốt hơn để nhận ra Thiên Chúa.
Vì thế, nếu chúng ta muốn lớn lên trong đời sống tinh thần, chúng ta không thể
ngưng là những nhà truyền giáo. Dấn thân truyền giáo phong phú hóa tâm trí và
tâm hồn, mở ra cho chúng ta những chân trời tâm linh, giúp chúng ta nhạy cảm
hơn để nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần, đưa chúng ta ra khỏi những mô thức
tâm linh hạn hẹp của mình. Đồng thời, một nhà truyền giáo hoàn toàn dấn thân vào
việc truyền giáo cảm nghiệm được niềm vui của việc trở thành một nguồn, tràn đầy
và làm tươi mát những người khác. Chúng ta chỉ có thể là một nhà truyền giáo
khi cảm thấy tốt trong việc tìm kiếm những điều tốt đẹp cho người khác và muốn
hạnh phúc cho người khác. Việc mở rộng tâm hồn là nguồn gốc của hạnh phúc, bởi
vì “cho đi thì có phúc hơn nhận được” (Cv 20:35). Không ai có thể sống tốt hơn
bằng cách chạy trốn những người khác, ẩn nấp, từ chối chia sẻ, không chịu cho
đi và nhốt mình trong sự thoải mái. Điều này chẳng khác gì một việc tự vận từ từ.
273. Việc truyền giáo (sứ vụ) giữa lòng dân chúng không phải
là một phần của đời sống của tôi, hoặc một đồ trang sức mà tôi có thể bỏ đi, nó
cũng không phải là một phần phụ thuộc, hoặc một thời điểm trong nhiều thời điểm
của cuộc sống. Nó là một điều mà tôi không có thể xóa bỏ khỏi con người của tôi
nếu tôi không muốn tiêu diệt chính mình. Tôi là một việc truyền giáo (sứ vụ)
trên thế gian này, và đó là lý do tại sao tôi đang ở trong thế gian. Tôi phải
nhận ra rằng mình đã được đóng ấn bằng lửa cho sứ vụ này để soi sáng, chúc
lành, sinh động hóa, nâng lên, chữa lành, và giải phóng. Tôi sẽ thấy chung
quanh mình các y tá với linh hồn, các thầy giáo với linh hồn, các chính trị gia
với linh hồn, là những người đã quyết định tận đáy lòng là sống với những người
khác và cho những người khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta tách rời nhiệm vụ ra khỏi
cuộc sống riêng tư của mình, thì tất cả mọi sự sẽ trở thành màu xám và chúng ta
sẽ liên tục cố gắng tìm kiếm danh vọng hoặc bảo vệ những nhu cầu riêng tư của
mình. Chúng ta không còn là một dân nữa.
274. Để chia sẻ cuộc sống của mình với mọi người và hiến
thân một cách quảng đại, chúng ta cần phải nhận ra rằng tất cả mọi người đều
đáng cho chúng ta hiến thân. Không phải vì vẻ bề ngoài của họ, khả năng của họ,
ngôn ngữ của họ, não trạng của họ hoặc sự thỏa mãn mà chúng ta có thể cung cấp,
nhưng vì họ là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, là tạo vật của Ngài. Ngài đã
tạo dựng nên họ theo hình ảnh của Ngài, và họ phản ánh một phần nào đó vinh
quang của Ngài. Mỗi con người là đối tượng của sự ân cần vô cùng của Chúa, và
chính Người ngự trong cuộc sống của họ. Đức Chúa Giêsu Kitô đã ban bửu huyết của
Người trên Thánh Giá cho người ấy. Vượt ra ngoài bất kỳ vẻ bề ngoài nào, mỗi
người đều vô cùng thánh thiêng và xứng đáng với tình yêu của chúng ta và sự tận
tụy của chúng ta. Vì vậy, nếu tôi có thể giúp một người sống tốt lành hơn, chỉ
điều này mà thôi cũng đã đủ để biện minh cho việc hiến đời sống của tôi làm món
quà cho người ấy. Thật là tốt đẹp khi là dân trung thành của Thiên Chúa. Và
chúng ta đạt được sự viên mãn khi chúng ta phá đổ các bức tường, để cho tâm hồn
của mình chứa đầy những gương mặt và những tên của họ!
Công trình mầu nhiệm của Chúa Phục Sinh và Chúa Thánh Thần
275. Trong chương hai chúng ta đã suy nghĩ về việc thiếu
linh đạo sâu xa là điều đưa đến bi quan, tin vào định mệnh và mất niềm tin. Một
số người không tận tâm với sứ vụ bởi vì họ tin rằng không gì có thể thay đổi được,
và do đó đối với họ, phấn đấu là điều vô ích. Họ nghĩ như thế này: “Tại sao tôi
phải tước đi sự thoải mái và thú vui của tôi nếu tôi không nhìn thấy một kết quả
đáng kể nào”. Với não trạng này thì chúng ta sẽ không tài nào truyền giáo được.
Thái độ này là một lý do xấu để biện minh cho việc vẫn còn khép mình trong sự
thoải mái, lười biếng, buồn rầu vì không thỏa mãn tính ích kỷ trống rỗng của
mình. Nó là một hành vi tự hủy diệt vì “con người không thể sống mà không có hy
vọng: đời sống sẽ trở nên vô nghĩa và không thể chịu nổi”. [211] Nếu chúng ta
nghĩ rằng mọi sự sẽ không thay đổi, chúng ta hãy nhớ rằng Đức Chúa Giêsu Kitô
đã chiến thắng tội lỗi cùng sự chết và có đầy đủ quyền năng. Đức Chúa Giêsu
Kitô thật sự đang sống. Bằng không, “nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời
rao giảng của chúng tôi là trống rỗng” (1 Cor 15:14). Tin Mừng cho chúng ta biết
rằng khi các môn đệ đầu tiên đi rao giảng, “Chúa đã làm việc với các ông và xác
nhận lời rao giảng của các ông” (Mc 16:20). Điều này xảy ra ngay cả ngày nay.
Chúng ta được mời gọi để khám phá ra điều này và sống với điều này. Đức Kitô Phục
Sinh và vinh quang là nguồn gốc sâu xa của niềm hy vọng của chúng ta, và chúng
ta đừng bỏ lỡ sự giúp đỡ của Người để hoàn thành sứ mệnh được trao phó cho
chúng ta.
276. Việc Phục Sinh của Người không phải là một điều trong
quá khứ; nó chứa đựng một sức sống đã thấm nhập thế gian. Ở đâu mọi sự dường
như đã chết, thì khắp nơi mầm non của sự sống lại đột nhiên xuất hiện. Đó là một
sức mạnh vô song. Đúng là nhiều lần dường như không có Thiên Chúa: chúng ta thấy
sự bất công, gian ác, thờ ơ và tàn nhẫn không thuyên giảm. Nhưng chúng ta cũng
không kém chắc chắn rằng ở giữa bóng tối luôn luôn bắt đầu nở ra một điều gì đó
mới, sớm hay muộn cũng sinh hoa trái. Trong một cánh đồng bằng phẳng sự sống xuất
hiện, kiên trì và không gì có thể thắng nổi. Sẽ có nhiều điều xấu, nhưng điều tốt
luôn luôn có khuynh hướng quay lại nở hoa và lan tràn. Mỗi ngày trên thế giới
cái đẹp tái sinh, mọc lên được biến đổi qua những thảm kịch của lịch sử. Các
giá trị luôn luôn có khuynh hướng xuất hiện trở lại dưới những hình thức mới,
và thực ra, nhân loại được tái sinh nhiều lần từ những tình trạng dường như
không thể đảo ngược được. Đây là sức mạnh của sự sống lại và mỗi người rao giảng
Tin Mừng là một công cụ của động năng này.
277. Những khó khăn mới cũng liên tục xuất hiện, những kinh
nghiệm thất bại, những sự nhỏ nhen của con người tạo nên quá nhiều sự dữ. Tất cả
chúng ta đều biết từ kinh nghiệm rằng đôi khi một công tác không đem lại cho
chúng ta sự thỏa mãn mà chúng ta mong ước, thành quả hiếm hoi, và những thay đổi
thì chậm chạp, và chúng ta bị cám dỗ trở nên mệt mỏi. Tuy nhiên, khi một người
vì mệt mỏi mà tạm thời hạ tay xuống thì khác với những người buông xuôi vì bị
khống chế bởi bệnh bất mãn kinh niên và bởi sự lười biếng làm khô héo linh hồn.
Điều có thể xảy ra là tâm hồn mệt mỏi trong cuộc chiến đấu bởi vì chúng ta thực
ra chỉ nghĩ đến mình, đến danh vọng, như khao khát được người khác biết đến, được
ca tụng, được thưởng và có địa vị. Khi ấy chúng ta không hạ thấp nổi cánh tay,
nhưng chúng ta cũng không còn kiên quyết, sự sống lại không có ở đó. Như vậy,
Tin Mừng, là sứ điệp đẹp nhất mà chúng ta có trong thế giới này, vẫn còn bị
chôn vùi dưới một đống lý do để tự bào chữa.
278. Đức tin có nghĩa là tin vào Thiên Chúa, tin rằng Ngài
thực sự yêu thương chúng ta, tin rằng Ngài hằng sống, rằng Ngài có thể can thiệp
một cách mầu nhiệm, rằng Ngài không bỏ rơi chúng ta, rằng Ngài có thể rút ra sự
tốt lành từ sự dữ bởi quyền năng và óc sáng tạo vô biên của Ngài. Nó có nghĩa
là tin rằng Ngài tiến bước khải hoàn trong lịch sử cùng với “những người thuộc
về Ngài... những người được gọi, và được chọn, là các tín hữu” (Kh 17:14).
Chúng ta tin rằng Tin Mừng nói rằng Nước Thiên Chúa đã hiện diện trong thế
gian, và đang phát triển ở đây và ở đó, bằng nhiều cách khác nhau: như hạt giống
nhỏ có thể biến thành một cây lớn (x. Mt 13:31-32), như một ít men làm dậy men
cả một đống bột (x. Mt 13:33), và như hạt giống tốt mọc ở giữa cỏ dại (x. Mt
13:24-30), và có thể luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên cách thú vị. Nước Thiên
Chúa đang hiện diện, sẽ trở lại, phấn đấu để phát triển mạnh mẽ trở lại. Sự Sống
Lại của Đức Kitô tạo ra ở mọi nơi những hạt giống của thế giới mới này; và ngay
cả khi chúng bị cắt đi, chúng lại mọc lên, bởi vì sự Phục Sinh của Chúa đã thâm
nhập vào cơ cấu tàng ẩn của lịch sử này, bởi vì Chúa Giêsu đã không sống lại một
cách vô ích. Chớ gì chúng ta đừng ở bên lề cuộc hành trình hy vọng được sống
này!
279. Vì chúng ta không luôn luôn nhìn thấy những chồi non,
nên chúng ta cần một sự chắc chắn nội tâm, đó là, lòng tin tưởng rằng Thiên
Chúa có thể hoạt động trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả giữa những thất bại tỏ
tưởng, bởi vì “chúng ta có kho báu này trong những bình sành” (2 Cor 4:7). Sự
chắc chắn này là điều được gọi là “một cảm thức mầu nhiệm.” Đó là biết một cách
chắc chắn rằng tất cả những ai phó thác cho Thiên Chúa trong tình yêu, nhất định
sẽ sinh hoa kết quả (x. Ga 15,5). Khả năng sinh hoa quả này thường vô hình, khó
nắm bắt và không thể đo lường được. Chúng ta có thể biết rõ rằng cuộc sống của
mình sẽ mang lại kết quả, nhưng không tự nhận rằng mình biết thế nào, ở đâu và
khi nào. Chúng ta có thể chắc chắn rằng không một việc nào chúng ta làm vì yêu,
hoặc bất cứ hành động nào chúng ta làm vì chân thành lo lắng cho tha nhân sẽ bị
mất đi. Không một hành động yêu mến nào dành cho Thiên Chúa sẽ bị mất đi, không
một cố gắng đại lượng nào sẽ ra vô nghĩa và không một kiên nhẫn đau khổ nào sẽ
ra vô ích. Tất cả mọi sự đi vòng quanh thế giới của chúng ta như sức sống. Đôi
khi những nỗ lực của chúng ta dường như không đem lại một kết quả nào, nhưng việc
truyền giáo không phải là một thương vụ hoặc một kế hoạch kinh doanh, nó cũng
không thậm chí là một tổ chức nhân đạo, không phải là một buổi trình diễn để đếm
xem có bao nhiêu người tham dự nhờ việc tuyên truyền của chúng ta; nó là một điều
gì đó sâu xa hơn nhiều, vượt ra ngoài tất cả mọi đo lường. Có lẽ Chúa dùng sự dấn
thân của chúng ta để đổ phúc lành xuống một nơi nào khác trên thế giới mà chúng
ta sẽ không bao giờ đi đến. Chúa Thánh Thần hoạt động như Ngài muốn, khi Ngài
muốn và ở nơi nào Ngài tùy ý Ngài; chúng ta tận tâm hy sinh nhưng không mong thấy
kết quả tỏ tường. Chúng ta chỉ biết rằng việc hiến thân của mình là điều cần
thiết. Chúng ta hãy học nghỉ ngơi trong vòng tay âu yếm của Chúa Cha, giữa cuộc
dấn thân sáng tạo và quảng đại của mình. Chúng ta hãy tiếp tục tiến bước, hãy
dâng tất cả cho Ngài, nhưng hãy để cho Ngài làm cho những nỗ lực của chúng ta
có kết quả như ý Ngài.
280. Để duy trì lòng nhiệt thành truyền giáo phải có một niềm
tin mãnh liệt vào Chúa Thánh Thần, bởi vì Ngài “giúp đỡ sự yếu đuối của chúng
ta” (Rm 8:26). Nhưng lòng tin tưởng quảng đại như vậy phải được nuôi dưỡng và
do đó chúng ta phải liên tục cầu khẩn Ngài. Ngài có thể chữa lành tất cả những
gì làm cho chúng ta yếu đuối trong việc dấn thân truyền giáo của mình. Đúng là
lòng tin tưởng vào Đấng vô hình này có thể làm chúng ta chóng mặt: giống như
lao mình xuống biển mà không biết mình sẽ gặp phải những gì. Bản thân tôi đã
kinh nghiệm điều này nhiều lần. Tuy nhiên, không có tự do nào lớn hơn việc để
cho chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn, bằng cách từ bỏ việc tính toán và kiểm
soát tất cả mọi sự, và để Ngài soi sáng chúng ta, hướng dẫn chúng ta, định hướng
chúng ta, đưa chúng ta đến nơi mà Ngài muốn. Ngài biết rõ những gì chúng ta cần
ở mọi thời đại và ở mọi lúc. Điều này được gọi là hiệu quả huyền nhiệm!
Sức mạnh truyền giáo của việc chuyển cầu
281. Có một hình thức cầu nguyện đặc biệt khuyến khích chúng
ta hiến thân trong việc Phúc Âm hóa và thúc đẩy chúng ta tìm kiếm sự tốt lành
cho người khác là chuyển cầu. Chúng ta hãy một ít giây phút ra để quan sát con
người nội tâm của một nhà truyền giáo vĩ đại như Thánh Phaolô, để hiểu xem lời
cầu nguyện của ngài như thế nào. Lời cầu nguyện này đầy ắp những người: “Mỗi
khi cầu nguyện cho tất cả anh em, tôi luôn luôn cầu xin với niềm hân hoan, […]
bởi vì tôi ấp ủ anh em trong lòng tôi” (Phl 1:4.7). Như vậy chúng ta thấy rằng
cầu nguyện chuyển cầu không ngăn cách chúng ta khỏi việc chiêm niệm thật, bởi
vì chiêm niệm mà bỏ tha nhân ra ngoài là một sự lừa dối.
282. Thái độ này cũng biến thành một lời tạ ơn Thiên Chúa
cho người khác: “Trước tiên, tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi qua Đức Chúa Giêsu
Kitô cho tất cả anh em” (Rm 1:8). Đó là một lời cảm tạ liên tục: “Tôi luôn luôn
cảm tạ Thiên Chúa của tôi cho anh em vì những ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho
anh em trong Đức Chúa Giêsu Kitô” (1 Cor 1:4), “Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi mỗi
khi tôi nhớ đến anh em” (Phl 1:3). Đây không phải là một cái nhìn hoài nghi,
tiêu cực và vô vọng, nhưng là một cái nhìn tâm linh, của đức tin sâu thẳm, công
nhận rằng chính Thiên Chúa hoạt động trong những người khác. Đồng thởi, đó là
lòng biết ơn đến từ một quả tim thực sự chú ý tới những người khác. Bằng cách
này, khi một nhà truyền giáo cầu nguyện xong, quả tim người ấy trở nên đại lượng
hơn, được giải thoát khỏi ý thức cô lập và sẵn sàng làm điều lành cùng chia sẻ
sự sống với người khác.
283. Những người nam nữ vĩ đại của Thiên Chúa đã là những đấng
cầu bầu cả thể. Việc chuyển cầu như “nắm men” ở trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi.
Đây là cách đi xâu vào lòng Chúa Cha và khám phá ra những chiều kích mới soi
sáng các hoàn cảnh cụ thể và những thay đổi. Chúng ta có thể nói rằng trái tim
của Thiên Chúa được chạm đến bởi lời chuyển cầu, nhưng thực ra Ngài luôn luôn
tiên liệu, và điều chúng ta có thể làm với lời cầu bầu của mình là làm cho quyền
năng của Ngài, tình yêu của Ngài và lòng trung tín của Ngài được biểu lộ một
cách rõ ràng hơn nơi dân Ngài.
II. Đức Mẹ Maria, Mẹ của Phúc Âm hóa
284. Với Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ Maria luôn luôn ở giữa dân
chúng. Mẹ tụ họp cùng các môn đệ để kêu cầu Ngài (Cv 1:14), và do đó làm cho sự
phát triển nhanh chóng của việc truyền giáo có thể xảy ra trong Lễ Ngũ Tuần. Mẹ
là Mẹ của việc Phúc Âm hóa của Hội Thánh và không có Mẹ, chúng ta không thể
hoàn toàn hiểu được tinh thần của việc Tân Phúc Âm hóa.
Món quà của Chúa Giêsu cho dân Người
285. Trên thập giá, khi Đức Kitô chịu đau khổ trong thân xác
của Người, ở đó xảy ra cuộc gặp gỡ bi thảm giữa tội lỗi của thế gian và lòng
thương xót của Thiên Chúa, Người có thể nhìn thấy dưới chân Người sự hiện diện
an ủi của Mẹ Người và bạn Người. Ở thời điểm chủ yếu đó, trước khi Người hoàn
thành công việc mà Chúa Cha đã trao phó cho Người, Chúa Giêsu thưa cùng Đức Mẹ
Maria: “Thưa Bà, đây là con Bà!”. Sau đó, Người nói với người bạn thân yêu của
Người: “Này là Mẹ con!” (Ga 19:26-27). Những lời này của Chúa Giêsu ở ngưỡng cửa
sự chết trước hết không diễn tả một mối quan tâm từ bi đối với Mẹ Người, nhưng
là một công thức của mặc khải tỏ lộ mầu nhiệm của một sứ vụ cứu độ đặc biệt.
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta Mẹ Người như Mẹ của chúng ta. Chỉ sau khi làm
thế Chúa Giêsu mới có thể cảm thấy rằng “tất cả mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19:28).
Dưới chân Thánh Giá, giờ tối cao của việc tạo dựng mới, Đức Kitô dẫn chúng ta đến
cùng Đức Mẹ Maria. Người dẫn chúng ta đến với Mẹ bởi vì Người không muốn chúng
ta bước đi mà không có một người Mẹ, và chúng ta đọc trong hình ảnh người Mẹ
này tất cả những mầu nhiệm của Tin Mừng. Chúa không muốn rời Hội Thánh mà không
có biểu tượng người nữ này. Mẹ, Đấng đã sinh ra Người với đức tin vĩ đại, cũng
đồng hành với “những con cái còn lại của mình, [...] những người giữ các điều
răn của Thiên Chúa và mang chứng tích của Chúa Giêsu” (Kh 12:17). Sự nối kết mật
thiết giữa Đức Mẹ Maria, Hội Thánh và tất cả các tín hữu, theo nhiều cách khác
nhau, tạo ra Đức Kitô, đã được trình bày cách tuyệt mỹ bởi Thánh Isaac đệ
Stella: “Trong Thánh Kinh được Thiên Chúa linh hứng, điều gì được hiểu cách
chung về Hội Thánh, người mẹ trinh nữ, thì cũng được hiểu cách đặc thù về Đức
Trinh Nữ Maria [...] Người ta cũng có thể nói cách tương tự rằng mỗi linh hồn là
một hiền thê trung tín của Lời Chúa, là mẹ, là con gái và em gái của Đức Kitô,
đồng trinh và mẹ đông con [...]. Đức Kitô đã ở chín tháng trong cung lòng của Đức
Mẹ Maria, sẽ ở trong đền tạm của đức tin của Hội Thánh cho đến thời sau hết; và
trong sự hiểu biết và tình yêu của tâm hồn tín hữu, cho đến muôn đời”. [212]
286. Đức Mẹ Maria là Đấng biết cách biến một hang nuôi súc vật
thành ngôi nhà cho Chúa Giêsu, với một tã vải nghèo nàn và một núi đầy âu yếm.
Mẹ là nữ tỳ bé nhỏ của Cha, Đấng đã vui mừng hát lên lời chúc tụng Ngài. Mẹ là
người bạn luôn luôn lưu tâm ngõ hầu chúng ta không thiếu rượu trong cuộc sống của
mình. Mẹ là người có trái tim bị lưỡi gươm đâm thâu qua, Đấng hiểu tất cả nỗi
thống khổ của chúng ta. Như Mẹ của tất cả mọi người, Mẹ là một dấu chỉ của niềm
hy vọng cho những người bị đau đớn vì sinh nở cho đến khi công lý được sinh ra.
Mẹ là nhà truyền giáo đến gần chúng ta để đồng hành với chúng ta trong cuộc sống,
mở lòng chúng ta ra với đức tin bằng tình mẫu tử của Mẹ. Như một người Mẹ thật,
Mẹ bước đi với chúng ta, chiến đấu với chúng ta, và không ngừng tuôn đổ sự gần
gũi của tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta. Qua những việc sùng kính Đức Mẹ khác
nhau, thường liên quan đến các đền thờ, Mẹ chia sẻ lịch sử của tất cả những dân
nhận được Tin Mừng, và trở thành một phần căn tính lịch sử của họ. Nhiều cha mẹ
Kitô giáo xin cho con cái họ được Rửa Tội ở một đền Đức Mẹ, như thế tỏ bày niềm
tin vào hành động mẫu tử của Đức Mẹ Maria trong việc sinh ra những người con mới
cho Thiên Chúa. Ở đó, nơi các đền Đức Mẹ, chúng ta có thể quan sát Đức Mẹ Maria
tụ tập chung quanh Mẹ những con cái, là những người với cố gắng hành hương đến
để thấy Mẹ, để cho mình được Mẹ nhìn ngắm. Ở đó chúng ta tìm thấy sức mạnh của
Thiên Chúa để chịu đựng những đau khổ và mệt mỏi của cuộc sống. Như đối với
Thánh Juan Diego, Đức Mẹ ban cho họ sự an ủi và tình từ mẫu của mình và nói với
họ, “Tâm hồn các con đừng xao xuyến [...] Mẹ là Mẹ của các con, Mẹ không có ở
đây sao?” [213]
Ngôi sao của Tân Phúc Âm Hóa
287. Chúng ta xin Mẹ của Tin Mừng hằng sống cầu bầu cho
chúng ta để toàn thể cộng đồng Hội Thánh chấp nhận lời mời gọi vào một giai đoạn
mới của việc Phúc Âm hóa này. Mẹ là người nữ của đức tin, bước đi trong đức
tin, [214] và “cuộc hành trình đức tin đặc biệt của Mẹ đại diện cho một điểm
quy chiếu liên tục của Hội Thánh”. [215] Mẹ để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa
Thánh Thần, qua một cuộc hành trình đức tin, hướng về một số phận phục vụ và
sinh hoa trái. Bây giờ chúng ta hãy nhìn lên Mẹ, để xin Mẹ giúp chúng ta công bố
sứ điệp cứu độ cho mọi người, và biến các môn đệ mới thành những nhà truyền
giáo siêng năng. [216] Trong cuộc hành hương rao giảng Tin Mừng này sẽ không
thiếu những giây phút khô khan, đen tối và thậm chí mệt mỏi, như Đức Mẹ đã sống
trong những năm ở Nazareth, khi Chúa Giêsu đã lớn lên: “Đây là sự khởi đầu của
Tin Mừng, tin mừng hân hoan. Tuy nhiên, không khó để thấy trong lúc ban đầu ấy
một sự nặng nề đặc biệt của tâm hồn, kết hợp với một loại “đêm đen của đức tin”
- sử dụng những lời của Thánh Gioan Thánh Giá - gần như là một “bức màn che” mà
qua đó chúng ta phải tiếp cận Đấng vô hình và sống trong sự thân mật với mầu
nhiệm. Thực ra, đây là cách mà Đức Mẹ Maria, trong nhiều năm, đã sống mật thiết
với mầu nhiệm của Con Mẹ, và tiến bước trong cuộc hành trình của đức tin của Mẹ”.
[217]
288. Có một “kiểu” Maria trong hoạt động truyền giáo của Hội
Thánh. Bởi vì mỗi khi chúng ta nhìn lên Đức Mẹ, chúng ta lại tin vào sức mạnh
cách mạng của sự dịu dàng và lòng trìu mến. Trong Mẹ, chúng ta thấy rằng khiêm
nhường và dịu dàng không phải là nhân đức của những người yếu đuối nhưng của những
người mạnh mẽ, là những người không cần phải đối xử tệ với người khác để cảm thấy
rằng mình quan trọng. Nhìn lên Đức Mẹ Maria, chúng ta khám phá ra rằng Mẹ ca ngợi
Thiên Chúa vì “Ngài đã hạ những người quyền hành xuống khỏi ngai vàng” và “đã
cho những người giàu có trở về tay không” (Lc 1:52,53) giống như một người đem
hơi ấm đến cho việc theo đuổi công lý của chúng ta. Đây cũng là người “cẩn thận
giữ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Đức Mẹ
Maria biết làm thế nào để nhận ra bước chân của Thần Khí Thiên Chúa trong những
biến cố lớn và ngay cả trong những biến cố dường như không thể nhận thấy được.
Đó là chiêm niệm về mầu nhiệm của Thiên Chúa trong thế gian, trong lịch sử và
trong đời sống hàng ngày của mỗi người và mọi người. Chính Mẹ là người phụ nữ cầu
nguyện và làm việc ở Nadareth, và cũng là Đức Mẹ Giúp Đỡ, một người “vội vã” rời
làng mình để đi giúp đỡ người khác (Lc 1:39). Động năng này của công lý và sự dịu
dàng, chiêm niệm cùng đi đến với những người khác, là những gì làm cho Mẹ trở
nên một mô hình cho việc truyền giáo của Hội Thánh. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ để
qua lời cầu nguyện từ mẫu của Mẹ, Mẹ giúp cho Hội Thánh trở nên một nhà cho nhiều
người, một người mẹ cho tất cả các dân tộc, và làm cho có thể phát sinh một thế
giới mới. Chính Đấng Phục Sinh đã nói với chúng ta, bằng một quyền năng, đổ đầy
chúng ta với lòng tin tưởng và niềm hy vọng không gì có thể lay chuyển nổi:
“Này, Ta làm mọi sự ra mới” (Kh 21:5). Cùng với Đức Mẹ Maria, chúng ta hãy tin
tưởng tiến về phía lời hứa này, và hãy cùng nhau cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria, Nữ Trinh và Hiền Mẫu
Mẹ là Đấng đã được tác động bởi Chúa Thánh Thần,
đã đón nhận Lời ban sự sống
tận đáy lòng đức tin khiêm cung của Mẹ,
khi Mẹ phó thác hoàn toàn cho Đấng Muôn Đời,
xin giúp chúng con biết thưa tiếng “xin vâng”
trong sự cấp bách và khẩn thiết hơn bao giờ hết,
để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Mẹ, là Đấng tràn đầy sự hiện diện của Đức Kitô,
Mẹ mang lại niềm vui cho Thánh Gioan Tẩy Giả,
làm cho ngài nhảy mừng ngay trong lòng mẹ.
Mẹ, lòng rộn ràng hoan hỉ,
Mẹ đã hát lên ca tụng những kỳ công của Chúa.
Mẹ, là Đấng đã đứng vững dưới chấn Thập Giá
với một đức tin kiên vững vô cùng,
Mẹ nhận được sự an ủi vui mừng về tin Sống Lại,
và đã hợp cùng các môn đệ trong Chúa Thánh Thần
ngõ hầu Hội Thánh rao giảng Tin Mừng có thể được sinh ra.
Xin cầu cho chúng con giờ đây có một nhiệt huyết mới của Phục
Sinh
đề mang đến cho tất cả mọi người Tin Mừng sự sống
là điều đã chiến thắng sự chết.
Xin ban cho chúng con ơn mạnh dạn thánh để kiếm tìm những
con đường mới
để đem đến cho tất cả mọi người
hồng ân của vẻ đẹp không bao giờ phai tàn.
Lạy Mẹ, Đức Trinh Nữ biết lắng nghe và chiêm niệm,
Mẹ của tình yêu, nàng dâu của tiệc cưới vĩnh cửu,
xin cầu bầu cho Hội Thánh, mà Mẹ là biểu tượng rất khiết
trinh,
để không bao giờ Hội Thánh tự khép kín nơi mình
hoặc mất lòng say mê trong việc thiết lập Nước Trời.
Lạy Ngôi Sao của Tân Phúc Âm hóa,
xin giúp chúng con tỏa sáng qua việc làm chứng nhân của sự
hiệp thông,
của phục vụ, của đức tin nhiệt thành và quảng đại,
của công lý và tình yêu dành cho người nghèo,
để cho niềm vui của Tin Mừng
có thể đi đến tận cùng của trái đất
và không có ngoại vi nào mà không có ánh sáng của nó.
Lạy Mẹ của Tin Mừng hằng sống,
nguồn mạch của niềm vui cho những người bé nhỏ,
xin cầu cho chúng con.
Amen. Alleluia!
Ban hành tại Rôma, nơi Đền Thờ Thánh Phêrô, vào dịp kết thúc
năm của Đức Tin, ngày 24 tháng 11, Đại Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, năm 2013,
năm thứ nhất của triều đại Giáo Hoàng của tôi.
PHANXICÔ
http://giaoly.org/vn/
---------------------------------------------------
GHI CHÚ:
[1] ĐTC PHAOLÔ VI, Tông huấn Gaudete in Domino (9-5-1975),
22: AAS 67 (1975), 297.
[2] Như trên 8: AAS 67 (1975), 292.
[3] Thông điệp Deus Caritas Est (25-12-2005), 1: AAS 98
(2006), 217.
[4] HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI LẦN THỨ V CỦA CÁC GIÁM MỤC CHÂU MỸ
LATINH VÀ VÙNG CARIBÊ, Văn kiện Aparecida, 29-6-2007, 360.
[5] Như trên
[6] ĐTC PHAOLÔ VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi (8-12-1975),
80: AAS 68 (1976), 75.
[7] Spiritual Canticle, 36, 10.
[8] Adversus Haereses, IV, c. 34, n. 1: PG 7, pars prior,
1083: “Omnem novitatem attulit, semetipsum afferens”.
[9] ĐTC PHAOLÔ VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi
(8-12-1975), 7: AAS 68 (1976), 9.
[10] Xem Propositio 7.
[11] ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Bài giảng trong lễ bế mạc Thượng Hội
đồng Giám mục (28-10-2012): AAS 104 (2102), 890.
[12] Như trên
[13] ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Bài giảng trong lễ khai mạc Hội nghị
khoáng đại lần thứ V của các Giám mục châu Mỹ latinh và Vùng Caribê
(13-5-2007), Aparecida, Brazil: AAS 99 (2007), 437.
[14] Thông điệp Redemptoris Missio (7-12-1990), 34: AAS 83
(1991), 280.
[15] Như trên, 40: AAS 83 (1991), 287.
[16] Như trên, 86: AAS 83 (1991), 333.
[17] HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI LẦN THỨ V CỦA CÁC GIÁM MỤC CHÂU MỸ
LATINH VÀ VÙNG CARIBÊ, Aparecida Document, 29-6-2007, 548.
[18] Như trên, 370.
[19] Xem Propositio 1.
[20] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng
Christifideles Laici (30-12-1988), 32: AAS 81 (1989) 451.
[21] HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI LẦN THỨ V CỦA CÁC GIÁM MỤC CHÂU MỸ
LATINH VÀ VÙNG CARIBÊ, Văn kiện Aparecida, 29-6-2007, 201.
[22] Như trên, 551.
[23] ĐTC PHAOLÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam (6-8-1964), 9,
10, 11: AAS 56 (1964), 611-612.
[24] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Sắc lệnh về Đại kết
Unitatis Redintegratio, 6.
[25] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng
Ecclesia in Oceania (22-11-2001), 19: AAS 94 (2002), 390.
[26] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Christifideles
Laici (30-9-1988), 26: AAS 81 (1989), 438.
[27] Xem Propositio 26.
[28] Xem Propositio 44.
[29] Xem Propositio 26.
[30] Xem Propositio 41.
[31] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ
của các Giám Mục Christus Dominus, 11.
[32] Xem ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Diễn văn nhân lễ kỷ niệm 40 năm
ngày ban hành Sắc lệnh Ad Gentes (11-3-2006): AAS 98 (2006), 337.
[33] Xem Propositio 42.
[34] Xem Khoản luật 460-468; 492-502; 511-514; 536-537.
[35] Thông điệp Ut Unum Sint (25-5-1995), 95: AAS 87 (1995),
977-978.
[36] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội
Lumen Gentium, 23.
[37] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tự sắc Apostolos Suos (21-5-1998):
AAS 90 (1998), 641-658.
[38] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Sắc lệnh về Đại kết
Unitatis Redintegratio, 11.
[39] Xem S. Th., I-II, q. 66, a. 4-6.
[40] S. Th., I-II, q. 108, a. 1.
[41] S. Th., II-II, q. 30, a. 4: “We do not worship God with
sacrifices and exterior gifts for him, but rather for us and for our neighbour.
He has no need of our sacrifices, but he does ask that these be offered by us
as devotion and for the benefit of our neighbour. For him, mercy, which
overcomes the defects of our devotion and sacrifice, is the sacrifice which is
most pleasing, because it is mercy which above all seeks the good of one’s
neighbour” (S. Th., II-II, q. 30, a. 4, ad 1).
[42] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế tín lý về Mặc Khải
Dei Verbum, 12.
[43] Tự sắc Socialium Scientiarum (1-1-1994): AAS 86 (1994),
209.
[44] Saint Thomas Aquinas noted that the multiplicity and
variety “were the intention of the first agent”, who wished that “what each
individual thing lacked in order to reflect the divine goodness would be made
up for by other things”, since the Creator’s goodness “could not be fittingly
reflected by just one creature” (S. Th., I, q. 47, a. 1). Consequently, we need
to grasp the variety of things in their multiple relationships (Xem S. Th., I,
q. 47, a. 2, ad 1; q. 47, a. 3). By analogy, we need to listen to and
complement one another in our partial reception of reality and the Gospel.
[45] ĐTC GIOAN XXIII, Diễn văn khai mạc Công đồng chung
Vatican II (11-10-1962): AAS 54 (1962), 792: “Est enim aliud ipsum depositum
fidei, seu veritates, quae veneranda doctrina nostra continentur, aliud modus,
quo eaedem enuntiantur”.
[46] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Ut Unum Sint
(25-5-1995), 19: AAS 87 (1995), 933.
[47] S. Th., I-II, q. 107, a. 4.
[48] Như trên
[49] Số 1735
[50] Xem ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng
Familiaris Consortio (22-11-1981), 34: AAS 74 (1982), 123.
[51] Xem THÁNH AMBRÔSIÔ, De Sacramentis, IV, 6, 28: PL 16,
464: “I must receive it always, so that it may always forgive my sins. If I sin
continually, I must always have a remedy”; ID., op. cit., IV, 5, 24: PL 16,
463: “Those who ate manna died; those who eat this body will obtain the
forgiveness of their sins”; SAINT CYRIL OF ALEXANDRIA, In Joh. Evang., IV, 2: PG
73, 584-585: “I examined myself and I found myself unworthy. To those who speak
thus I say: when will you be worthy? When at last you present yourself before
Christ? And if your sins prevent you from drawing nigh, and you never cease to
fall – for, as the Psalm says, ‘what man knows his faults?’ – will you remain
without partaking of the sanctification that gives life for eternity?”
[52] ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Diễn văn với các Giám mục Brazil
trong nhà thờ chính tòa São Paulo, Brazil (11-5-2007), 3: AAS 99 (2007), 428.
[53] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng
Pastores Dabo Vobis (25-3-1992), 10: AAS 84 (1992), 673.
[54] ĐTC PHAOLÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam (6-8-1964),
19: AAS 56 (1964), 609.
[55] THÁNH GIOAN KIM KHẨU, De Lazaro Concio, II, 6: PG 48,
992D.
[56] Xem Propositio 13.
[57] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Ecclesia in Africa
(14-9-1995), 52: AAS 88 (1996), 32-33; ID., Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis
(30-12-1987), 22: AAS 80 (1988), 539.
[58] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Ecclesia in Asia
(6-11-1999), 7: AAS 92 (2000), 458.
[59] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CÔNG GIÁO MỸ, Ministry to Persons
with a Homosexual Inclination: Guidelines for Pastoral Care (2006), 17.
[60] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHÁP, Conseil Famille et Société,
Élargir le mariage aux personnes de même sexe? Ouvrons le débat! (28-9-2012).
[61] Xem Propositio 25.
[62] AZIONE CATTOLICA ITALIANA, Messaggio della XIV
Assemblea Nazionale alla Chiesa ed al Paese (8-5-2011).
[63] J. RATZINGER, The Current Situation of Faith and
Theology. Bài thuyết trình tại Hội nghị các Chủ tịch Ủy ban Giáo lý đức tin của
các Hội đồng Giám mục châu Mỹ latinh, tại Guadalajara, Mexico, 1996. Bản dịch
trong tờ L’Osservatore Romano, Phiên bản tiếng Anh, 6-11-1996. Xem HỘI NGHỊ
KHOÁNG ĐẠI LẦN THỨ V CỦA CÁC GIÁM MỤC CHÂU MỸ LATINH VÀ VÙNG CARIBÊ, Aparecida
Document, 29-6-2007, 12.
[64] G. BERNANOS, Journal d’un curé de campagne, Paris,
1974, 135.
[65] Diễn văn khai mạc Công đồng chung Vatican II
(11-10-1962): 4, 2-4: AAS 54 (1962), 789.
[66] J.H. NEWMAN, Thư ngày 26-1-1833, trong The Letters and
Diaries của John Henry Newman, tập III, Oxford 1979, 204.
[67] ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Giảng lễ khai mạc Năm Đức tin
(11-10-2012): AAS 104 (2012), 881.
[68] THOMAS À KEMPIS, De Imitatione Christi, Lib. I, IX, 5:
“Dreaming of different places, and moving from one to another, has misled
many”.
[69] We can benefit from the testimony of Saint Thérèse of
Lisieux, who speaks of one particular Sister whom she found especially
disagreeable, where an interior experience had a decisive impact: “One winter
afternoon I was engaged as usual in my little task. It was cold and growing
dark… Suddenly I heard in the distance the harmonious sounds of a musical
instrument. I began to imagine a well-lit room, draped in gold, and in it,
elegantly dressed young ladies exchanging worldly compliments and courtesies.
Then I looked at the poor sick woman whom I was attending. In place of a
melody, I heard her occasional groans and sighs… I cannot express what took
place in my soul. All that I do know is that the Lord illumined it with the
rays of truth which so surpassed the flickering glow of earthly revels, that I
could scarcely believe my happiness” (Ms. C, 29v-30r, in Oeuvres Complètes,
Paris, 1992, 274-275).
[70] Xem Propositio 8.
[71] H. DE LUBAC, Méditation sur l’Église, Paris, 1968, 321.
[72] HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH VỀ CÔNG LÝ HÒA BÌNH, Tóm lược học
thuyết xã hội của Giáo Hội, 295.
[73] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II,
Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Christifideles Laici (30-12-1988), 51: AAS
81 (1989), 413.
[74] THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Tuyên ngôn Inter Insigniores
'Về Vấn Đề Nữ Giới Gia Nhập Hàng Giáo Sĩ' (15-10-1976): AAS 68 (1977) 115, được
trích dẫn trong ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng
Christifideles Laici (30-12-1988), ghi chú 190: AAS 81 (1989), 493.
[75] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Mulieris Dignitatem
(15-8-1988), 27: AAS 80 (1988), 1718.
[76] Xem Propositio 51.
[77] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng
Ecclesia in Asia (6-11- 1999), 19: AAS 92 (2000), 478.
[78] Như trên, 2: AAS 92 (2000), 451.
[79] Xem Propositio 4.
[80] Xem CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế tín lý về Giáo
Hội Lumen Gentium, 1.
[81] Bài suy niệm tại Khóa họp thứ I của Đại hội Thường kỳ lần
thứ 13 Thượng Hội đồng Giám mục (8-10-2012): AAS 104 (2012), 897.
[82] Xem Propositio 6; CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế
Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes, 22.
[83] Xem CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế tín lý về Giáo
Hội Lumen Gentium, 9.
[84] Xem HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI LẦN THỨ III CỦA CÁC GIÁM MỤC
CHÂU MỸ LATINH VÀ VÙNG CARIBÊ, Văn kiện Puebla, 23-3-1979, Nos. 386-387.
[85] Xem CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế Mục vụ về Giáo
Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes, 36.
[86] Như trên, 25.
[87] Như trên, 53.
[88] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Novo Millennio Ineunte
(6-1-2001), 40: AAS 93 (2001), 295.
[89] Như trên.
[90] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptoris Missio
(7-12-1990), 52: AAS 83 (1991), 300; Xem Tông huấn Catechesi Tradendae
(16-10-1979) 53: AAS 71 (1979), 1321.
[91] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng
Ecclesia in Oceania (22-11-2001), 16: AAS 94 (2002), 383.
[92] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng
Ecclesia in Africa (14-9- 1995), 61: AAS 88 (1996), 39.
[93] SAINT THOMAS AQUINAS, S. Th. I, q. 39, a. 8 cons. 2:
“Without the Holy Spirit who is the bond of both, one cannot understand the
connecting unity between the Father and the Son”; Xem I, q. 37, a. 1, ad 3.
[94] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng
Ecclesia in Oceania (22-11-2001), 17: AAS 94 (2002), 385.
[95] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng
Ecclesia in Asia (6-11- 1999), 20: AAS 92 (2000), 478-482.
[96] Xem CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế tín lý về Giáo
Hội Lumen Gentium, 12.
[97] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Fides et Ratio
(14-9-1998), 71: AAS 91 (1999), 60.
[98] HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI LẦN THỨ III CỦA CÁC GIÁM MỤC CHÂU MỸ
LATINH VÀ VÙNG CARIBÊ, Văn kiện Puebla, 23-3-1979, 450; Xem HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI
LẦN THỨ V CỦA CÁC GIÁM MỤC CHÂU MỸ LATINH VÀ VÙNG CARIBÊ, Văn kiện Aparecida,
29-6-2007, 264.
[99] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng
Ecclesia in Asia (6-11- 1999), 21: AAS 92 (2000), 482-484.
[100] Số 48: AAS 68 (1976), 38.
[101] Như trên
[102] Diễn văn khai mạc Hội nghị khoáng đại lần thứ V của
các Giám mục châu Mỹ latinh và Vùng Caribê (13-5-2007), 1: AAS 90 (2007), 446.
[103] HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI LẦN THỨ V CỦA CÁC GIÁM MỤC CHÂU MỸ
LATINH VÀ VÙNG CARIBÊ, Văn kiện Aparecida, 29-6-2007, 262.
[104] Như trên, 263
[105] Xem SAINT THOMAS AQUINAS, S. Th., II-II, q. 2, a. 2.
[106] HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI LẦN THỨ V CỦA CÁC GIÁM MỤC CHÂU MỸ
LATINH VÀ VÙNG CARIBÊ, Văn kiện Aparecida, 29-6-2007, 264.
[107] Như trên
[108] Xem CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế tín lý về
Giáo Hội Lumen Gentium, 12.
[109] Xem Propositio 17.
[110] Xem Propositio 30.
[111] Xem Propositio 27.
[112] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Dies Domini (31-5-1998),
41: AAS 90 (1998), 738-739.
[113] ĐTC PHAOLÔ VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi
(8-12-1975), 78: AAS 68 (1976), 71.
[114] Như trên
[115] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng
Pastores Dabo Vobis (25-3-1992), 26: AAS 84 (1992), 698.
[116] Như trên, 25: AAS 84 (1992), 696.
[117] THÁNH THOMAS AQUINAS, S. Th. II-II, q. 188, a. 6.
[118] ĐTC PHAOLÔ VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi
(8-12-1975), 76: AAS 68 (1976), 68.
[119] Như trên, 75: AAS 68 (1976), 65.
[120] Như trên, 63: AAS 68 (1976), 53
[121] Như trên, 43: AAS 68 (1976), 33
[122] Như trên
[123] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng
Pastores Dabo Vobis (25-3-1992), 10: AAS 84 (1992), 672.
[124] ĐTC PHAOLÔ VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi
(8-12-1975), 40: AAS 68 (1976), 31.
[125] Như trên, 43: AAS 68 (1976), 33.
[126] Xem Propositio 9.
[127] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng
Pastores Dabo Vobis (25-3-1992), 26: AAS 84 (1992), 698.
[128] Xem Propositio 38.
[129] Xem Propositio 20.
[130] Xem CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Sắc lệnh về các Phương
tiện truyền thông xã hội Inter Mirifica, 6.
[131] Xem De Musica, VI, 13, 38: PL 32, 1183-1184;
Confessiones, IV, 13.20: PL 32, 701.
[132] ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Diễn văn trình chiếu phim tài liệu
“Art and Faith” – Via Pulchritudinis (25-10-2012): L’Osservatore Romano
(27-10-2012), 7.
[133] S. Th., I-II, q. 65, a. 3, ad 2: “propter aliquas
dispositiones contrarias”.
[134] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng
Ecclesia in Asia (6-11- 1999), 20: AAS 92 (2000), 481.
[135] ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Verbum
Domini (30-9- 2010), 1: AAS 102 (2010), 682.
[136] Xem Propositio 11.
[137] Xem CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế tín lý về Mặc
Khải Dei Verbum, 21-22.
[138] Xem ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng
Verbum Domini (30-9-2010), 86-87: AAS 102 (2010), 757-760.
[139] ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Diễn văn tại Hội nghị khoáng đại lần
thứ I của Thượng Hội đồng Giám mục (8-10-2012): AAS 104 (2012), 896.
[140] ĐTC PHAOLÔ VI, Tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục
Evangelii Nuntiandi (8-12-1975), 17: AAS 68 (1976), 17.
[141] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp cho người Khuyết tật,
Kinh Truyền Tin (16-11- 1980): Insegnamenti, 3/2 (1980), 1232.
[142] HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH VỀ CÔNG LÝ HÒA BÌNH, Sách Tóm lược
Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, 52.
[143] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Bài giáo lý (24-4-1991):
Insegnamenti, 14/1 (1991), 853.
[144] ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Tự sắc Intima Ecclesiae Natura
(11-11-2012): AAS 104 (2012), 996.
[145] Thông điệp Populorum Progressio (16-3-1967), 14: AAS
59 (1967), 264.
[146] ĐTC PHAOLÔ VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi
(8-12-1075), 29: AAS 68 (1976), 25.
[147] HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI LẦN THỨ V CỦA CÁC GIÁM MỤC CHÂU MỸ
LATINH VÀ VÙNG CARIBÊ, Van kiện Aparecida, 29-6-2007, 380.
[148] HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH VỀ CÔNG LÝ HÒA BÌNH, Sách Tóm lược
Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, 9.
[149] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng hội đồng
Giám mục Ecclesia in America (22-1-1999), 27: AAS 91 (1999), 762.
[150] ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Thông điệp Deus Caritas Est
(25-12-2005), 28: AAS 98 (2006), 239-240.
[151] HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH VỀ CÔNG LÝ HÒA BÌNH, Sách Tóm lược
Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, 12.
[152] Tông thư Octogesima Adveniens (14-5-1971), 4: AAS 63
(1971), 403.
[153] THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Huấn thị Libertatis Nuntius
(6-8-1984), XI, 1: AAS 76 (1984), 903.
[154] HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH VỀ CÔNG LÝ HÒA BÌNH, Sách Tóm lược
Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, 157.
[155] ĐTC PHAOLÔ VI, Tông thư Octogesima Adveniens
(14-5-1971), 23: AAS 63 (1971), 418.
[156] ĐTC PHAOLÔ VI, Thông điệp Populorum Progressio
(26-3-1967), 65: AAS 59 (1967), 289.
[157] Như trên, 15: AAS 59 (1967), 265.
[158] CONFERÊNCIA NACIONAL DOS BISPOS DO BRAZIL, Exigências
evangélicas e éticas de superação da miséria e da fome” (tháng 4-2002),
Introduction, 2.
[159] ĐTC GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra
(15-5-1961), 3: AAS 53 (1961), 402.
[160] THÁNH ÂU TINH, De Catechizandis Rudibus, I, XIX, 22:
PL 40, 327.
[161] THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Huấn thị Libertatis Nuntius
(6-8-1984), XI, 18: AAS 76 (1984), 907-908.
[162] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Centesimus Annus
(1-5-1991), 41: AAS 83 (1991), 844-845.
[163] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, bài giảng thánh lễ Phúc Âm hóa
các Dân tộc ở Santo Domingo (11-10-1984), 5: AAS 77 (1985), 358.
[164] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Sollicitudo Rei
Socialis (30-12-1987), 42: AAS 80 (1988), 572.
[165] Diễn văn khai mạc Hội nghị khoáng đại lần thứ V của
các Giám mục châu Mỹ latinh và Vùng Caribê (13-5-2007), 3: AAS 99 (2007), 450.
[166] THÁNH THOMAS AQUINAS, S. Th., II-II, q. 27, a. 2.
[167] Như trên, I-II, q. 110, a. 1.
[168] Như trên, I-II, q. 26, a. 3.
[169] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Novo Millennio Ineunte
(6-1-2001), 50: AAS 93 (2001), 303.
[170] Như trên
[171] Xem Propositio 45.
[172] THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Huấn thị Libertatis Nuntius
(6-8-1984), XI, 18: AAS 76 (1984), 908.
[173] Điều này bao hàm một cam kết để “xóa bỏ các nguyên nhân cấu trúc của sự hoạt
động khác thường của kinh tế toàn cầu”: ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Diễn văn với ngoại
giao đoàn (8-1-2007): AAS 99 (2007), 73.
[174] Xem ỦY BAN XÃ HỘI CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM JỤC PHÁP,
Réhabiliter la politique (17-2-1999); Xem ĐTC PIÔ XI, Sứ điệp ngày 18-12-1927.
[175] ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Thông điệp Caritas in Veritate
(29-6-2009), 2: AAS 101 (2009), 642.
[176] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng hội đồng
Giám mục Christifideles Laici (30-12-1988), 37: AAS 81 (1989), 461.
[177] Xem Propositio 56.
[178] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CÔNG GIÁO PHILIPPINES, Thư mục vụ
What is Happening to our Beautiful Land? (29-1-1988).
[179] ĐTC PHAOLÔ VI, Thông điệp Populorum Progressio
(26-3-1967), 76: AAS 59 (1967), 294-295.
[180] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CÔNG GIÁO MỸ, Thư mục vụ Forming
Conscience for Faithful Citizenship (tháng 11-2007), 13.
[181] HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH VỀ CÔNG LÝ HÒA BÌNH, Sách Tóm lược
Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, 161.
[182] Das Ende der Neuzeit, Würzburg, 1965, 30-31.
[183] Xem I. QUILES, S.J., Filosofía de la educación
personalista, Buenos Aires, 1981, 46-53.
[184] ỦY BAN THƯỜNG TRỰC CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC QUỐC GIA
CONGO, Message sur la situation sécuritaire dans le pays (5-12-2012), 11.
[185] Xem PLATO, Gorgias, 465.
[186] ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Diễn văn với Giáo triều Rôma
(21-12-2012): AAS 105 (2013), 51.
[187] Xem Propositio 14.
[188] Xem Sách Giáo Lý Giáo Hội Công giáo, 1910; HỘI ĐỒNG
TÒA THÁNH VỀ CÔNG LÝ HÒA BÌNH, Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội,
168.
[189] Xem Propositio 54.
[190] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Fides et Ratio
(14-9-1998), 88: AAS 91 (1999), 74.
[191] THÁNH THOMAS AQUINAS, Summa contra Gentiles, I, 7; Xem
ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Fides et Ratio (14-9-1998), 43: AAS 91 (1999),
39.
[192] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Sắc lệnh về Đại kết
Unitatis Redintegratio, 4.
[193] Xem Propositio 52.
[194] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ẤN ĐỘ, Tuyên bố kết thúc Hội nghị lần
thứ XXX: The Role of the Church for a Better India (8-3-2013), 8.9.
[195] Xem Propositio 53.
[196] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptoris Missio
(7-12-1990), 56: AAS 83 (1991), 304.
[197] Xem ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Diễn văn với Giáo triều Rôma
(21-12-2012): AAS 105 (2006), 51; CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Sắc lệnh về hoạt
động truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 9; Sách Giáo lý Giáo Hội Công giáo,
856.
[198] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội
Lumen Gentium, 16.
[199] ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Christianity and the World
Religions (1996), 72: Enchiridion Vaticanum 15, No. 1061.
[200] Như trên
[201] Xem Như trên, 81-87: Enchiridion Vaticanum 15, Nos.
1070-1076.
[202] Xem Propositio 16.
[203] ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám mục
Ecclesia in Medio Oriente (14-9-2012), 26: AAS 104 (2012), 762.
[204] Xem Propositio 55.
[205] Xem Propositio 36.
[206] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Novo Millennio Ineunte
(6-1-2001), 52: AAS 93 (2001), 304.
[207] Xem V.M. Fernández, “Espiritualidad para la esperanza
activa. Discurso en la apertura del I Congreso Nacional de Doctrina Social de
la Iglesia (Rosario 2011)”, trong UCActualidad, 142 (2011), 16.
[208] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptoris Missio
(7-12-1990), 45: AAS 83 (1991), 292.
[209] ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, Thông điệp Deus Caritas Est
(25-12-2005), 16: AAS 98 (2006), 230.
[210] Như trên, 39: AAS 98 (2006), 250.
[211] HỘI NGHỊ ĐẶC BIỆT LẦN THỨ II VỀ CHÂU ÂU CỦA THƯỢNG HỘI
ĐỒNG GIÁM MỤC, Sứ điệp bế mạc, 1: L’Osservatore Romano, phiên bản hàng tuần bằng
tiếng Anh, 27-10-1999, 5.
[212] Isaac of Stella, Sermo 51: PL 194, 1863, 1865.
[213] Nican Mopohua, 118-119.
[214] Xem CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế tín lý về
Giáo Hội Lumen Gentium, 52-69.
[215] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptoris Mater
(25-3-1987), 6: AAS 79 (1987), 366-367.
[216] Xem Propositio 58.
[217] ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptoris Mater
(25-3-1987), 17: AAS 79 (1987), 381.