Cánh đồng Bê-lem ngày nay
Mt 2,13-23 (Bản dịch
NPDCGKPV)
13 Khi các nhà chiêm tinh đã
ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông,
dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo
lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!"
14 Ông Giu-se liền trỗi dậy,
và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.
15 Ông ở đó cho đến khi vua
Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi
con Ta ra khỏi Ai-cập.
16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy
mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi
giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống,
tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.
17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn
sứ Giê-rê-mi-a:
18 "Ở Ra-ma, vẳng nghe
tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để
cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.
19 Sau khi vua Hê-rô-đê băng
hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập,
20 báo mộng cho ông rằng:
"Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm
giết Hài Nhi đã chết rồi."
21 Ông liền trỗi dậy đưa Hài
Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.
22 Nhưng vì nghe biết
Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không
dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê,
23 và đến ở tại một thành kia
gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người
sẽ được gọi là người Na-da-rét.
Chia
sẻ
Dẫn nhập
Đoạn Tin Mừng Mt 2,13-23
trình bày hai đề tài chính:
1) Tương phản giữa sức mạnh
và sự yếu ớt, giữa quyền lực của vua Hê-rô-đê và không chút quyền lực nào của
Thánh Gia. Sự tương phản làm lộ ra cách Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân
loại. Phải chăng Thiên Chúa bày tỏ sức mạnh của Người trong chính sự yếu ớt và
không quyền hành?
2) Tương phản thứ hai xoay
quanh “niềm vui” và “nỗi buồn”. Điều nghịch lý là thay vì Đấng Cứu Tinh xuất
hiện đem lại niềm vui cho con người, thì lại dẫn đến đau thương và nước mắt.
Làm thế nào để nối kết niềm vui Giáng Sinh với nỗi đau của những người mẹ mất
con? (2,18) Đâu là niềm vui đích thực trong biến cố Con Thiên Chúa đến cứu loài
người?
Xin chia sẻ hai ý tưởng
nghịch lý: “Sức mạnh trong yếu ớt” và “niềm vui trong nỗi đau” để tìm hiểu cách
Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử và niềm vui lớn lao nơi biến cố Con Thiên
Chúa đến với nhân loại.
I.
SỨC MẠNH TRONG YẾU ỚT
Tin Mừng Mát-thêu 2,13-23
thoáng cho thấy cách Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử, qua tương phản mạnh mẽ
giữa sức mạnh và yếu ớt, giữa quyền lực và không quyền lực.
Thánh Giu-se, Mẹ Ma-ri-a và
Hài Nhi Giê-su nổi lên trong trình thuật với nét âm thầm, khó nghèo và không
chút quyền lực nào. Cả ba nhân vật đều không lên tiếng trong trình thuật. Thánh
Giu-se không nói nhưng mau mắn hành động để bảo vệ sự sống của gia đình. Đầu
bài Tin Mừng, khi được báo mộng, thánh Giu-se “liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa
Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập” (2,14). Gần cuối bài Tin Mừng, khi được
báo mộng, thánh Giu-se “liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en”
(2,21). Cuối cùng, thánh Giu-se cũng được báo mộng để đưa Thánh Gia về
Na-da-rét thay vì về Giu-đê (2,22).
Bài Tin Mừng thuật lại ba
cuộc chạy trốn theo nghĩa rộng. Trình thuật mở đầu: “Khi các nhà chiêm tinh đã
ra đi”. Trong mạch văn, đây là một cuộc chạy trốn, vì các nhà chiêm tinh đã
thất hứa, không cho vua Hê-rô-đê biết chỗ ở của Hài Nhi, nên họ có nguy cơ bị
truy đuổi. Cuộc chạy trốn thứ hai là đang đêm Thánh Gia phải trốn sang Ai Cập.
Cuộc chạy trốn thứ ba theo nghĩa lánh nạn: Thay vì về Giu-đê thì lánh về
Na-da-rét để thoát khỏi sự bách hại của vua Ác-khê-lao, người kế vị vua cha
Hê-rô-đê.
Như thế, Thánh Gia ở trong
hoàn cảnh mong manh, yếu ớt và khó nghèo. Khó nghèo vì sinh hạ con đầu lòng
trong hang bò lừa giữa mùa đông giá rét. Yếu ớt vì mới sinh hạ đã phải chạy trốn
trong đêm tối. Đường đi thì dài và nguy hiểm, nơi đến là đất khách quê người.
Bản văn cho thấy đây là cuộc chạy trốn của một gia đình đơn độc, chỉ có ba
người. Thế giới ngày nay vẫn xảy ra những cảnh chạy trốn, chạy chốn thiên tai,
chạy chốn chiến tranh, chạy trốn bách hại…
Yếu tố thứ hai trong bản văn
là vai trò quan trọng của sứ thần Chúa với hai lời tường thuật trực tiếp: Lời
thứ nhất: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó
cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy” (2,13). Lời
thứ hai: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm
giết Hài Nhi đã chết rồi” (2,20). Lời báo mộng thứ ba thuật lại gián tiếp, cho
biết nơi trở về là Ga-li-lê thay vì về Giu-đê.
Tuy nhiên, trong thực tế cuộc
sống, không có gì mong manh hơn giấc mơ, chỉ là giấc mơ, chỉ là báo mộng, qua
đó cho biết ý định của Thiên Chúa, chứ không phải là bày tỏ uy quyền trong lịch
sử. Trình thuật tạo nên tương phản mạnh mẽ giữa báo mộng với thực quyền sinh
sát của Hê-rô-đê.
Yếu tố thứ ba trong bản văn
là kiểu nói: “để ứng nghiệm lời đã phán”. Lời thứ
nhất là “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”. Câu trích gợi lại biến cố dân
Ít-ra-en thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Biến cố Xuất Hành ngày xưa được áp dụng
cho Hài Nhi Giê-su như thể báo trước vai trò Mê-si-a của Người. Lời trích thứ
hai: “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét” giải thích quê hương trần thế của
Đức Giê-su (lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a sẽ phân tích trong mục II).
Qua lời
trích, như thể các biến cố xảy ra đã được xếp đặt trước. Phải chăng sự bách hại
của Hê-rô-đê đã được Thiên Chúa xếp đặt?
Bản văn
trình bày hai chiều kích: Chiều kích lịch sử với sự bách hại của Hê-rô-đê và sự
khó khăn, thiếu thốn của Thánh Gia. Chiều kích mặc khải là cách Thiên Chúa hành
động trong hoàn cảnh cụ thể của lịch sử. Qua bài Tin Mừng có thể rút ra hai kết
luận:
1) Những
tai hoạ con người gây ra cho nhau không phải là do Thiên Chúa sắp đặt mà là do
tội lỗi và tham vọng của con người. Một lời nói của một vị vua tham vọng có thể
giết chết hàng trăm người vô tội. Điều Hê-rô-đê đã làm vẫn còn xảy ra đây đó
ngày nay.
2) Đứng
trước tham vọng của con người, chương trình cứu độ của Thiên Chúa vẫn được thực
hiện trong sự mong manh, nhỏ bé, yếu ớt, không quyền hành, qua hình ảnh một Hài
Nhi mới sinh, một gia đình không nhà cửa, không tiện nghi và đang chạy trốn. Sự
yếu ớt còn thể hiện qua sự âm thầm, im lặng của Thánh Gia trong bản văn.
Tất cả
những yếu ớt trên làm tỏ lộ ra sức mạnh của Thiên Chúa. Thực vậy, điều trớ trêu
là một thế lực hùng mạnh như vua Hê-rô-đê cũng không làm gì được một trẻ thơ
vừa mới sinh hạ. Thế lực bóng tối không tiêu diệt được ánh sáng. Có thể nói,
không có gì, không có thế lực đen tối nào trong lịch sử có thể ngăn cản được
chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đó là điều an ủi lớn lao cho người tin vào
Đức Giê-su trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách như Thánh Gia.
Nhưng
Tin Mừng không dừng lại ở đây. Trình thuật hôm nay chuẩn bị một nghịch lý lớn
lao hơn. Hôm nay, Thánh Gia thoát khỏi sự bách hại của Hê-rô-đê, nhưng 33 năm
sau, Đức Giê-su đã không bảo toàn được mạng sống của mình, Người đã bị bách hại
và đã chết trên thập giá. Nhưng Thiên Chúa vẫn không thua thế lực bóng tối.
Thập giá là nơi chiến thắng thế lực của sự chết, Thập giá là nơi Đức Giê-su
được tôn vinh, là lúc Người đi về với Cha và sống với các môn đệ mãi mãi.
Biến cố
Thánh Gia xuất hành từ Ai Cập trở về đất Ít-ra-en là hình ảnh của một cuộc xuất
hành khác: Đức Giê-su từ thế gian này đi về với Cha.
Tóm lại, sức mạnh của
Thiên Chúa vẫn luôn tỏ lộ trong sự yếu ớt, kể cả sự chết. Như thế, Thiên Chúa
bày tỏ “sức mạnh” trong “không có sức mạnh”, bày tỏ “quyền hành” trong “không
có quyền hành”. Ước gì chúng ta xác tín rằng sức mạnh của Thiên Chúa vẫn tỏ lộ
trong những khó khăn và thách đố thường ngày của chúng ta. Xin cho chúng ta tin
tưởng, phó thác và mau mắn hành động như thánh Giu-se dưới sự hướng dẫn của sứ
thần Chúa.
II. NIỀM
VUI TRONG NỖI ĐAU
Biến cố
Giáng Sinh là niềm vui lớn lao cho toàn thể nhân loại. Chương trình cứu độ của
Thiên Chúa bước qua một giai đoạn quyết định. Con Thiên Chúa nhập thể mang đến
cho loài người sự sống đích thực. Nhưng khởi đầu của niềm vui cũng là khởi đầu
của những nỗi đau mất mát và chết chóc. Câu hỏi đặt ra: Niềm vui ở đâu? Phải
hiểu niềm vui Giáng Sinh như thế nào trong những nỗi đau mà nguyên nhân là Đấng
Cứu Tinh đã ra đời?
Cơn giận
của Hê-rô-đê bị các nhà chiêm tinh lừa dẫn đến chuyện “giết tất cả các con trẻ
ở Bê-lem và toàn vùng lân cận từ hai tuổi trở xuống” (2,16). Cơn giận của một
kẻ có quyền lực thật khủng khiếp.
Nhưng
đâu là ý nghĩa của trình thuật. Về lịch sử, phải khởi đi từ cuối Tin Mừng, biến
cố lịch sử có thật là biến cố Thương Khó, kế đến là các trình thuật về cuộc đời
công khai của Đức Giê-su. Các tác giả sách Tin Mừng đã thu thập tài liệu và
truyền thống, sau đó sắp xếp lại để xây dựng thần học riêng của mỗi sách Tin
Mừng. Thời thơ ấu của Đức Giê-su ít tính lịch sử hơn cả, nhưng lại đậm nét thần
học. Chỉ có Tin Mừng Mát-thêu và Tin Mừng Lu-ca có trình thuật thời thơ ấu,
nhưng mỗi Tin Mừng lại có những đặc điểm riêng. Điểm nhấn thần học của trình
thuật thời thơ ấu khẳng định: Đấng Cứu Tinh xuất hiện là ứng nghiệm lời Kinh
Thánh, là một phần trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa trải dài trong lịch
sử dân Ít-ra-en.
Chẳng
hạn, chuyện Hê-rô-đê sát hại các con trẻ ở Bê-lem và vùng lân cận là ứng nghiệm
lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà
Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng
không còn nữa” (Mt 2,18 // Gr 13,15).
Trong
sách Giê-rê-mi-a đây là lời tiên báo thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy năm 587
TCN. Ra-ma là một làng ở phía Bắc Giê-ru-sa-lem, gần Ramala ngày nay. Thời
Giê-rê-mi-a, Ra-ma là nơi tập trung dân Giu-đa để bị đưa đi lưu đày ở
Ba-by-lon. Tại Ra-ma, bà Ra-khen là một trong hai người mẹ của con cái Ít-ra-en
đã khóc thương con cái Ít-ra-en bị đưa đi lưu đày không trở về nữa.
Mát-thêu
nối kết tiếng khóc của bà Ra-khen với Bê-lem bởi vì theo St 35,19-20: “Bà
Ra-khen qua đời và được chôn trên con đường đi Ép-ra-tha, tức là Bê-lem. Ông
Gia-cóp dựng một bia đá trên mộ bà, đó là bia mộ bà Ra-khen, vẫn còn cho đến
ngày nay.”
Trong
bối cảnh cộng đoàn Tin Mừng Mát-thêu vào cuối thế kỷ I, những dữ liệu trên cho
phép hiểu trình thuật các trẻ Bê-lem bị giết gợi lại biến cố Đền Thờ bị phá huỷ
năm 70. Một biến cố lịch sử ảnh hưởng sâu đậm tâm thức dân Do Thái, đặc biệt
Tin Mừng Mát-thêu được viết cho cộng đoàn tín hữu xuất thân từ Do Thái giáo.
Đền Thờ
bị phá huỷ, bị đốt cháy, không chỉ trẻ thơ mà nhiều người Do Thái đã chết để
bảo vệ thành Thánh. Đây là một biến cố làm đảo lộn không chỉ một số làng ở
Bê-lem mà cả một dân tộc. Từ đó họ phải sống lưu vong trong hai mươi thế kỷ; và
ngày nay vẫn còn nhiều khó khăn để có một quê hương yên bình.
Đối với
độc giả, câu hỏi đặt ra: Tại sao Đấng Cứu Tinh xuất hiện lại dẫn đến cái chết
của những trẻ thơ vô tội. Chúa ở đâu khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá huỷ và dân
Do Thái phải tản mác khắp nơi? Đâu là niềm vui, khi chỉ thấy chết chóc, khóc
than và nước mắt?
Thiết
nghĩ, gương các thánh tử đạo cho chúng ta câu trả lời. Sự sống Thiên Chúa ban
quý trọng hơn sự sống thể lý. Ai tin vào Đức Giê-su thì có niềm vui và bình an
của Người ngay giữa lúc khó khăn thử thách. Đó là niềm vui không ai lấy mất
được. Vì niềm vui và sự sống đích thực được ban tặng, mà các thánh tử đạo đã
dám hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho niềm vui lớn lao đó. Có thể nói,
các ngài đã chấp nhận chết để sống.
Ước gì
chúng ta nhận ra niềm vui sâu xa mà Thiên Chúa đã ban tặng cho loài người để từ
đó vượt qua mọi khó khăn thách đố trong hiện tại.
Ước gì
chúng ta nhận ra cách Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử để từ đó xác tín và
đón nhận sự can thiệp của Người trong cuộc đời mình./.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
I. SỨC MẠNH TRONG YẾU ỚT