Kính thưa quý vị và anh chị em,
Sáng thứ Ba 26 tháng 11 tại Phòng
Báo Chí Tòa Thánh đã có cuộc họp báo giới thiệu Tông Huấn đầu tiên của Đức
Thánh Cha Phanxicô có tựa đề là Evangelii Gaudium, nghĩa là Niềm Vui Phúc Âm.
Tài liệu dày 224 trang này phác thảo tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng về một Giáo Hội
truyền giáo, một Giáo Hội "lúc nào cũng phải mở cửa". Đức Giáo Hoàng
đã đề cập đến nhiều chủ đề, bao gồm truyền giáo, hòa bình, thuyết giáo, công bằng
xã hội, gia đình, tôn trọng sáng tạo, đức tin và chính trị, phong trào đại kết,
đối thoại liên tôn, và vai trò của phụ nữ và của giáo dân trong Giáo Hội.
Hiện diện trong cuộc họp báo có Đức
Tổng Giám Mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm Hoá,
Đức Tổng Giám Mục Claudio, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông xã hội, Đức
Tổng Giám Mục Lorenzo Baldisseri, tân tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế
Giới và cha Federico Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh.
Đức Tổng Giám Mục Rino
Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm Hoá nhận định như sau:
“Nếu chúng ta muốn tóm tắt Tông Huấn Evangelii Gaudium của Đức Thánh Cha
Phanxicô trong một vài từ, chúng ta có thể nói rằng đó là một Tông Huấn chung
quanh chủ đề niềm vui Kitô giáo để Giáo Hội có thể tái khám phá cội nguồn của
việc loan báo Tin Mừng trong thế giới đương đại. Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra
tài liệu này như một bản đồ và một hướng dẫn cho việc mục vụ truyền giáo của
Giáo Hội trong tương lai gần. Đó là một lời mời gọi để phục hồi một tầm nhìn
tiên tri và tích cực về thực tại mà không bỏ qua các thách thức hiện nay. Đức
Thánh Cha khích lệ chúng ta hãy can đảm nhìn về phía trước bất chấp cuộc khủng
hoảng hiện nay, để thập giá và sự phục sinh của Chúa Kitô một lần nữa là ‘ngọn
cờ chiến thắng’ của chúng ta”.
2. Một số điểm chính trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Thông qua Tông huấn này, Đức
Thánh Cha Phanxicô đã chính thức phác họa những gì ngài muốn tập trung trong
triều đại giáo hoàng của mình. Ngài khích lệ tất cả người Công Giáo hãy chia sẻ
thông điệp Tin Mừng với niềm vui và lòng thương xót. Nêu ví dụ cụ thể, Đức
Thánh Cha nói triều Giáo hoàng phải trải qua một cuộc chuyển đổi, để trung
thành hơn với "ý nghĩa mà Chúa Giêsu Kitô mong muốn cũng như cho các nhu cầu
hiện tại của việc loan báo Tin Mừng . "
Đây là một số trong những điểm
quan trọng của Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm mà Đức Thánh Cha nói, phải đem lại
“những hệ quả quan trọng”
1. HÀNH ĐỘNG
Đức Giáo Hoàng không quan tâm nhiều
đến việc thay đổi học thuyết Giáo Hội, nhưng là trong việc thay đổi cách Kitô
giáo được trình bày với thế giới. Ngài nói rằng đề cập về Thiên Chúa,
"không phải là áp đặt niềm tin, mà là chia sẻ niềm vui của đức tin."
2 . GẦN GŨI
Nhân tính của Giáo Hội Công Giáo
là một trong những điểm nổi bật mà ngài muốn làm rõ, bao gồm cả việc thể hiện
"lòng thương xót với các tội nhân". Ngài cũng kêu gọi ' tìm kiếm hạnh
phúc của người khác như Cha trên trời vẫn làm". Ngài mời gọi người Công
Giáo rao giảng Tin Mừng trên cơ sở cụ thể từng cá nhân.
3 . KHÔNG NHẮM MẮT LÀM NGƠ
Trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm,
Đức Thánh Cha kêu gọi các Kitô hữu đừng nhắm mắt làm ngơ, đừng tỉnh bơ trước những
bất công xã hội. Ngài đặc biệt kêu gọi chống lại nền kinh tế “loại trừ và bất
bình đẳng” của “bọn độc tài” thị trường và nền văn hóa tôn thờ tiền bạc. Ngài
cũng đề cập đến chế độ nô lệ mới thời hiện đại như việc ép buộc mại dâm và lao
động trẻ em, bao gồm cả việc bắt buộc trẻ em đi ăn xin.
4 . PHỤ NỮ
Vấn đề phong chức linh mục cho phụ
nữ là chuyện không thể được, nhưng Đức Giáo Hoàng viết rằng phụ nữ nên được
giao những vai trò cụ thể hơn trong Giáo Hội. Ngài cũng nói thêm rằng, thừa tác
vụ linh mục là một vai trò phục vụ chứ không phải là một danh dự. Khi nói đến bảo
vệ sự sống , Đức Thánh Cha nói Giáo Hội sẽ không bao giờ thay đổi lập trường của
mình về việc phá thai, và giải thích rằng loại bỏ cuộc sống không phải là 'tiến
bộ.' Tuy nhiên, ngài cũng đặt câu hỏi liệu Giáo Hội đã làm đủ chưa để giúp những
phụ nữ đơn thân đang mang thai.
Tài liệu này là dành cho tất cả
người Công Giáo, không chỉ cho những cấp lãnh đạo trong Giáo Hội trong đó Đức
Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng tất cả các tín hữu cần phải thể hiện niềm vui đức tin
và phải cảm thấy được trách nhiệm chia sẻ đức tin mình với tha nhân.
3. Buổi triều yết chung thứ Tư 27 tháng 11: Đức Thánh Cha nói đừng sợ
chết vì cái chết mở cửa thiên đàng cho chúng ta
Trong buổi tiếp kiến chung hàng
tuần hôm thứ Tư 27 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về ý nghĩa của cái
chết. Ngài giải thích rằng mặc dù cái chết thường bị hiểu nhầm, sợ hãi và khước
từ, con người được sinh ra để khao khát sự vô hạn, là điều chỉ có thể tìm thấy
chính xác trong cuộc sống vĩnh cửu.
Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng những
ai sống thân mật với Thiên Chúa, có thể giã từ cuộc sống này "bình thản và
tự tin trong tay Chúa tại thời điểm cái chết". Chúng ta không cần phải sợ
cái chết, nhưng trái lại hân hoan chào đón nó như là cánh cửa mở ra thiên đàng
và niềm vui của sự sống đời đời.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Tiếp tục bài giáo lý của chúng ta
về Kinh Tin Kính, giờ đây chúng ta hãy suy nghĩ về "xác sống lại". Đức
tin Kitô soi sáng những bí ẩn của cái chết và mang lại hy vọng về sự phục sinh.
Cái chết thách thức tất cả chúng ta: nếu không có niềm tin vào Thiên Chúa và một
nhãn quan vượt qua cuộc sống dương thế, thì cái chết xuất hiện như một bi kịch
quá bi thảm, khiến chúng ta hiểu lầm cái chết, sợ hãi và từ chối nó.
Tuy nhiên, con người đã được sinh
ra cho một cái gì đó lớn hơn cuộc sống dương thế này, chúng ta khao khát sự vô
hạn, sự vĩnh cửu. Phục Sinh của Chúa Kitô không những chỉ cho chúng ta thấy sự
chắc chắn của cuộc sống đời sau, nhưng cũng mở mắt cho chúng ta hiểu được ý
nghĩa thực sự của cái chết.
Chúng ta chết như chúng ta đang sống:
nếu cuộc sống của chúng ta đã được kết hiệp trong yêu thương với Thiên Chúa,
chúng ta sẽ có thể từ bỏ cõi đời này bình thản và tự tin trong tay Chúa vào thời
điểm cái chết đến với chúng ta. Chúa thường xuyên cảnh giác chúng ta là phải thận
trọng, phải biết rằng cuộc sống của chúng ta trong thế giới này chỉ là một sự
chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.
Nếu chúng ta giữ sự gần gũi với
Ngài, đặc biệt là thông qua các công việc bác ái cho người nghèo và tình liên đới
với những ai đang quẫn bách, chúng ta không cần phải sợ cái chết, nhưng trái lại
hân hoan chào đón nó như là cánh cửa mở ra thiên đàng và niềm vui của sự sống đời
đời."
4. Thánh Lễ Bế Mạc Năm Đức Tin
Sáng Chúa Nhật 24 tháng 11, lễ
Chúa Kitô Vua, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ Bế Mạc Năm Đức Tin trước hơn
60,000 tín hữu và khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô.
Thánh lễ đã bắt đầu lúc 10 giờ rưỡi
sáng. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có khoảng 80 Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục
và 1,200 linh mục. Đảm trách phần thánh ca có ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, ca
đoàn của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Nhạc và ca đoàn Mater Ecclesiae cũng như dàn
nhạc hòa tấu của tỉnh Bari nam Italia.
Hàng trăm người thiện nguyện đã
đi quyên tiền trợ giúp các nạn nhân bão lụt Hayan bên Phi Luật Tân. Từ 15 năm
qua đây là lần đầu tiên có việc quyên tiền trong thánh lễ tại quảng trường
Thánh Phêrô. Số tiền này sẽ được Đức Thánh Cha chuyển tới các nạn nhân trong những
ngày tới.
Lúc 9 giờ 45 hòm đựng xương Thánh
Phêrô đã được rước ra và để trên đế cao phía bên trái bàn thờ. Hòm xương thánh
bằng đồng dài 30 cm rộng 10 cm có 8 mảnh xương, mỗi mảnh dài 2-3 cm. Trên hòm
thánh tích có viết hàng chữ: “Từ các xương tìm thấy trong lòng đất của Vương
cung thánh đường Thánh Phêrô được coi là của Tông Đồ Phêrô Diễm Phúc”. Thánh
tích này đã được trao tặng Đức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1971, và từ đó được giữ
trong Nhà nguyện riêng của Đức Giáo Hoàng trong Dinh Tông Tòa. Trong các năm
qua Thánh tích được trưng bầy trong nhà nguyện này mỗi ngày 29 tháng 6 là lễ
kính hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ.
Hôm Chúa Nhật 24 tháng 11 là lần
đầu tiên thánh tích được trưng bầy tại quảng trường Thánh Phêrô cho tín hữu tôn
kính.
Các bài Sách Thánh đã được đọc bằng
các thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha và Ý. Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
Hôm nay lễ trọng Chúa Giêsu Kitô,
Vua vũ trụ, là triều thiên của năm phụng vụ, cũng đánh dấu sự kết thúc Năm Đức
tin đã được khai mạc bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, là người mà giờ đây
chúng ta hướng đến với tình cảm trìu mến và lòng biết ơn. Nhờ sáng kiến được
Chúa quan phòng này, ngài đã mang đến cho chúng ta một cơ hội để khám phá vẻ đẹp
của hành trình đức tin đã bắt đầu từ ngày chúng ta chịu phép Rửa Tội, nhờ bí
tích này chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và anh chị em với nhau trong Giáo
Hội. Đây là một cuộc hành trình với đỉnh cao tối hậu là cuộc gặp gỡ trọn vẹn của
chúng ta với Thiên Chúa, là cuộc lữ hành mà trong suốt thời gian ấy Chúa Thánh
Thần không ngừng thanh tẩy chúng ta, nâng chúng ta lên và thánh hóa chúng ta, để
chúng ta có thể tiến vào hạnh phúc mà con tim chúng ta hằng mong đợi.
Tôi gởi lời chào thân ái đến các
vị Thượng Phụ và Tổng Giám Mục Trưởng của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương hiện
diện nơi đây. Lời chúc bình an mà tôi sẽ trao đổi với các vị trước hết là một dấu
hiệu của lòng mộ mến của vị Giám Mục Roma dành cho các cộng đoàn đã tuyên xưng
đức tin vào Chúa Kitô với một lòng trung thành gương mẫu, mà thường là phải trả
một giá rất cao. Với cử chỉ này, thông qua các vị, tôi muốn hướng đến tất cả những
Kitô hữu đang sống ở Thánh Địa, ở Syria và trong toàn thế giới Đông Phương, với
lời cầu chúc ân sủng của bình an và hòa hợp.
Các bài đọc Kinh Thánh được công
bố cho chúng ta hôm nay có cùng một chủ đề chung là vị trí trung tâm của Chúa
Kitô. Chúa Kitô là trung tâm của sáng thế, là trung tâm của dân Ngài và là
trung tâm của lịch sử.
1. Thánh Tông đồ Phaolô, trong
bài đọc thứ hai, trích từ thư gửi tín hữu Côlôxê, cho chúng ta một tầm nhìn sâu
sắc về vai trò trung tâm của Chúa Giêsu. Ngài trình bày với chúng ta Chúa Kitô
như là nguyên ủy của tất cả các thụ tạo: trong Người, nhờ Người và với Người,
muôn vật được tạo thành. Ngài là trung tâm của tất cả mọi thứ, là sự khởi đầu.
Thiên Chúa đã ban cho Người sự viên mãn, tổng thể, nhờ đó trong Người tất cả mọi
thứ có thể được giao hòa (x. Col 1:12-20) .
Hình ảnh này cho thấy Chúa Giêsu
là trung tâm của sáng tạo, và như vậy thái độ phải có của người tín hữu thật sự
là phải nhận biết và chấp nhận trong cuộc sống của chúng ta vị thế trung tâm của
Chúa Giêsu Kitô, trong suy nghĩ của chúng ta, trong lời nói và trong các việc
làm của chúng ta. Khi vị thế trung tâm này không còn nữa, khi nó được thay thế
bằng cái gì khác, thì khi đó tác hại xảy đến cho tất cả mọi thứ xung quanh
chúng ta và cho chính chúng ta.
2. Không chỉ là trung tâm của
sáng tạo, Chúa Kitô còn là trung tâm của dân Thiên Chúa. Chúng ta thấy điều này
trong bài đọc thứ nhất trong đó mô tả thời điểm khi các chi tộc Israel tìm kiếm
và xức dầu tấn phong David là vua của Israel trước mặt Chúa (x. 2 Sam 5:1-3).
Khi tìm kiếm một vị vua lý tưởng, con người cũng đang tìm kiếm chính Thiên
Chúa: một Thiên Chúa sẽ gần gũi với họ, sẽ đồng hành với họ trong cuộc lữ hành,
và sẽ là một người anh em với họ.
Chúa Kitô, hậu duệ của vua David,
là người "anh em" mà dân Chúa vây quanh. Người là Đấng chăm sóc cho
dân mình, cho tất cả chúng ta, ngay cả với giá là cuộc đời Người. Trong Người
chúng ta nên một; hiệp nhất với Ngài, và chia sẻ cùng một cuộc hành trình duy
nhất, một vận mệnh duy nhất.
3. Cuối cùng, Đức Kitô là trung
tâm của lịch sử loài người và của mỗi người nam nữ. Chúng ta có thể mang đến với
Ngài niềm vui và hy vọng, những nỗi buồn và khó khăn trong cuộc sống của chúng
ta. Khi Chúa Giêsu là trung tâm, ánh sáng bừng lên ngay cả trong lúc đen tối nhất
của cuộc sống chúng ta, Ngài mang đến cho chúng ta hy vọng, như Ngài đã làm với
người trộm lành trong Tin Mừng hôm nay.
Trong khi tất cả những người khác
đối xử với Chúa Giêsu với thái độ khinh thị - "Nếu ông là Đấng Kitô, là Đấng
Mêsia, thì hãy cứu mình đi và xuống khỏi cây thập tự!" – Người trộm đã lạc
lối trong cuộc sống của mình nhưng bây giờ ăn năn, bám víu vào Chúa Giêsu chịu
đóng đinh, và cầu xin Ngài: "Khi vào nước của ông, xin nhớ đến tôi
nhé" (Lc 23:42 ) . Và Chúa Giêsu đã hứa với anh: "Hôm nay anh sẽ được
ở với tôi trên nước thiên đường" (câu 43). Chúa Giêsu chỉ nói một lời tha
thứ, không chỉ trích, bất cứ khi nào có ta có đủ can đảm để thỉnh cầu sự tha thứ
này, Chúa không để một lời thỉnh cầu như vậy không được nghe đến.
Hôm nay, tất cả chúng ta có thể
nghĩ tới lịch sử của mình, con đường của mình. Mỗi người trong chúng ta có lịch
sử của mình: mỗi người trong chúng ta, cả khi có các sai lầm, tội lỗi, các lúc
sung sướng và tối tăm. Trong ngày này, thật là ích lợi, khi nghĩ tới lịch sử của
chúng ta và nhìn lên Chúa Giêsu, và từ tận đáy lòng, mỗi người trong chúng ta
hãy lập lại với Người biết bao lần, nhưng với con tim thinh lặng, rằng: “Lậy
Chúa, xin nhớ tới con, bây giờ Chúa đang ở trong Nước Chúa. Lậy Chúa Giêsu, xin
nhớ tới con vì con muốn sống tốt lành, con muốn trở thành người tốt lành, nhưng
con không có sức mạnh, con không thể, con là kẻ tội lỗi. Nhưng lậy Chúa Giêsu,
xin nhớ tới con. Chúa có thể nhớ tới con, bởi vì Chúa ở trung tâm, Chúa ở trong
Nước Chúa”. Thật đẹp biết bao! Hôm nay tất cả chúng ta hãy làm điều đó, mỗi người
trong con tim mình, lập lại thật nhiều lần: “Lậy Chúa, xin nhớ tới con, Chúa là
trung tâm, Chúa ở trong Nước Chúa!”
Lời hứa của Chúa Giêsu với người
trộm lành đem lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao: nó cho thấy ân sủng Chúa
luôn luôn lớn hơn lời cầu xin. Chúa luôn luôn ban cho chúng ta phong phú hơn
nhiều những gì chúng ta xin: anh chị em hãy xin Ngài nhớ đến anh chị em, và
Ngài sẽ đưa anh chị em vào Vương quốc của Ngài!
Chúng ta hãy xin Chúa nhớ đến
chúng ta, trong niềm xác tín rằng lòng thương xót của Ngài sẽ cho chúng ta được
thông phần trong vinh quang thiên quốc. Amen!
5. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin
Hôm thứ Hai 25 tháng 11, Đức
Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến tổng thống Nga ông Vladimir Putin. Hai bên đã
thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế trong đó có chiến tranh Syria.
Đây là lần thứ tư tổng thống
Vladimir Putin viếng thăm Tòa Thánh. Hai lần đầu vào năm 2000 và 2003 dưới thời
Đức Gioan Phaolô II, lần thứ ba năm 2007 dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ
16.
Trong phần trao quà lưu niệm, Đức
Giáo Hoàng Phanxicô đã tặng tổng thống Putin một khảm gốm sứ cảnh khu vườn
Vatican. Đáp lại, tổng thống Putin đã tặng Đức Giáo Hoàng một bức ảnh Đức Mẹ của
danh họa Vladimir, một biểu tượng tôn giáo quan trọng đối với Chính Thống giáo
dân Nga.
Sau khi trao đổi những món quà, tổng
thống Putin hỏi cho Đức Giáo Hoàng có thích bức ảnh không, và Đức Giáo Hoàng
Phanxicô cho biết Ngài rất thích. Tức thì Putin tiến lên và hôn lên bức ảnh Đức
Mẹ. Đức Giáo Hoàng cũng hôn bức ảnh và làm dấu thánh giá.
Trong buổi họp báo sau đó, cha
Federico Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết cũng giống như các lần gặp
các vị Giáo Hoàng trước đây, ông Putin đã không đưa ra lời mời Đức Thánh Cha
sang thăm Nga. Đây là dấu chỉ cho thấy quan hệ giữa Tòa Thánh và Tòa Thượng Phụ
Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.
Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc
Tư Khoa hiện nay là Kirill. Dưới thời Đức Thượng Phụ Alexy Đệ Nhị, ngài giữ chức
bộ trưởng ngoại giao của Toà Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nên ngài thường xuyên có mặt
tại Vatican. Tuy nhiên, từ sau khi kế vị Đức Alexy Đệ Nhị vào ngày 1 tháng Hai
năm 2009, tiếp tục truyền thống của vị tiền nhiệm ngài đặt ra những điều kiện
tiên quyết cho một cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng:
Ba vấn đề thường được Chính Thống
Giáo Nga nêu ra để phàn nàn Giáo Hội Công Giáo là vấn đề “chiêu dụ tín đồ”, vấn
đề trả lại các tài sản của Giáo Hội Công Giáo mà cộng sản đã tịch thu giao cho
Chính Thống Giáo quản lý, và vấn đề các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương.
6. Đức Giáo Hoàng kêu gọi Ukraina Hy Lạp Công Giáo xây dựng các nhịp cầu
với các Giáo Hội khác
Hơn 3.000 người hành hương từ
Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine đã chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô giữa những
tràng pháo tay dồn dã tại Đền Thờ Thánh Phêrô hôm 25 tháng 11 trong buổi lễ
đánh dấu 50 năm di hài của Thánh Josaphat, vị tử đạo người Ukraine, được đưa về
Đền Thờ Thánh Phêrô.
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav
Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp – Ukraine đã chào đón Đức Thánh Cha
Phanxicô bằng tiếng mẹ đẻ của Đức Thánh Cha.
Một phái đoàn Công Giáo Hy Lạp nhỏ
hơn đến từ Belarus cũng tham dự buổi lễ này. Đức Thánh Cha đã đề cập đến Thánh
Josaphat như là một mẫu gương về tình hiệp thông giữa các thánh.
Ngài nói:
"Ký ức về vị thánh tử đạo
này nói với chúng ta về sự hiệp thông của các thánh, về sự hiệp thông trong cuộc
sống giữa tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô."
Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng cách
tốt nhất để tôn vinh Thánh Josaphat là hãy yêu thương và phục vụ trong tình hiệp
nhất của Giáo Hội. Ngài kêu gọi Giáo Hội tại Ukraine hãy xây dựng mối quan hệ mạnh
mẽ hơn với Giáo Hội khác.
Sau khi Liên Sô chiếm Lviv vào năm
1944, Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp đã bị lãnh tụ Stalin đàn áp thẳng tay và bị xóa
sổ hoàn toàn. Các linh mục và giáo dân bị buộc theo Chính Thống Giáo. Nhiều
linh mục từ chối theo Chính Thống Giáo đã bị giết, hoặc bị lưu đày; trong số bị
lưu đày nầy, có cả các vị Giám Mục như Đức Tổng Giám Mục Josyf Slipyj. Hiện
nay, sau sự tan rã của chế độ Sô Viết, những người Công Giáo Hy Lạp đang được
phục hồi dưới sự lãnh đạo của Đức Hồng Y Lubomir Husar, và quyết liệt đòi phải
được trả lại những nơi thờ phượng của họ. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa chống lại
việc trao trả nầy và gây nhiều áp lực lên chính quyền Ukraine. Chính vì thế
quan hệ giữa Chính Thống Giáo Nga và các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương rất
căng thẳng.
Liên quan đến vấn đề này, Đức
Thánh Cha nói:
"Tôi hy vọng rằng sự hiệp
thông sâu xa mà anh chị em muốn tăng cường mỗi ngày trong Giáo Hội Công Giáo, sẽ
giúp anh chị em xây dựng những nhịp cầu trong tình huynh đệ với những Giáo Hội
khác và các cộng đồng Giáo Hội trên mảnh đất Ukraine, và bất cứ nơi nào có sự
hiện diện của cộng đồng anh chị em"
Thánh Josaphat là một giám mục
Công Giáo Hy Lạp Ukraine từ thế kỷ 17, được phong chân phước vào năm 1643, và
được Đức Piô IX phong thánh vào năm 1867.
7. Đức Thánh Cha nói với người Phi Luật Tân: Đừng ngại hỏi Thiên Chúa
tại sao?
Cộng đồng người Phi Luật Tân tại
Rôma đã tập trung tại Đền Thờ Thánh Phêrô chiều hôm thứ Năm 21 tháng 11 để cầu
nguyện cho quê hương và các nạn nhân của trận bão Haiyan tàn khốc.
Đức Hồng Y Antonio Tagle Luis của
tổng giáo phận Manila đã không dằn được cảm xúc khi ngài đề cập đến các nạn
nhân của cơn bão Haiyan ở Phi Luật Tân.
"Quá nhiều những mất mát
xung quanh chúng tôi... Ngay cả trong đêm đen này... Chúng tôi đã chứng kiến một
sự can đảm rất lớn trong dân chúng khi cố gắng cứu gia đình của mình. "
Đức Thánh Cha Phanxicô, đã lắng
nghe những lời của Đức Hồng Y với một niềm cảm thông sâu xa. Ngài đã trìu mến
ôm Đức Hồng Y.
Sau đó, Đức Thánh Cha đã ứng khẩu
nói với anh chị em hiện diện trong đền thờ. Ngài nói rằng họ không nên sợ hỏi
Chúa tại sao Ngài lại để cho tất cả các đau khổ này có thể xảy ra.
Đức Thánh Cha nói:
"Tại sao những điều này xảy
ra? Không thể giải thích được. Có rất nhiều điều chúng ta không thể hiểu được.
Trong những giây phút đau khổ, anh chị em đừng né tránh câu hỏi 'Tại sao?' như
trẻ em thường hỏi. Anh chị em sẽ thu hút ánh mắt của Cha chúng ta trên anh chị
em. Anh chị em sẽ thu hút sự dịu dàng của Cha chúng ta trên Trời"
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng
khi trẻ em hỏi ' Tại sao?' với cha mẹ chúng, những gì chúng thực sự muốn xin là
tình yêu. Đó là lý do tại sao, người lớn nên làm như thế trong những bi kịch
như cơn bão vừa qua.
Ngài nói:
"Trong những giây phút đau
khổ, có lẽ đây là lời cầu nguyện hữu ích nhất. Đó là hỏi tại sao trong lời cầu
nguyện. "
Đức Thánh Cha sau đó đã làm phép
một bức ảnh Thánh Pedro Calungsod tử đạo, là vị đã được Đức Giáo Hoàng
Bênêđíctô thứ 16 phong thánh vào năm 2012. Sau đó, Đức Hồng Y Tagle đã cử hành
Thánh Lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
8. Đức Thánh Cha thăm đan viện dòng Camaldolese của Thánh Antôn
Trong khuôn khổ chương trình Bế Mạc
Năm Đức Tin, hôm thứ Năm 21 tháng 11, Đức Thánh Cha đã đến thăm đan viện dòng
Camaldolese của Thánh Antôn tại Rôma. Ngày 21 tháng 11 được gọi là ngày Pro
Orantibus để vinh danh những người sống đời chiêm niệm.
Trong diễn từ với các nữ đan sĩ,
Đức Thánh Cha đã mô tả Đức Trinh Nữ Maria là "Mẹ của hy vọng", là người
đã lấp đầy ngôi mộ của Chúa Giêsu với ánh sáng. Suy tư về mẫu gương Đức Maria,
Đức Thánh Cha nói:
"Ánh sáng duy nhất trong
ngôi mộ của Chúa Giêsu là hy vọng của một người mẹ và trong giờ khắc đó, hy vọng
của Mẹ cũng là hy vọng của toàn thể nhân loại. Tôi hỏi bản thân mình và tôi
cũng đặt câu hỏi với chị em: Những tu viện nào tiếp tục giữ sáng niềm hy vọng
trên? Có phải các tu viện đang chờ đợi ‘Thiên Chúa của ngày mai không?’"
Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng
Đức Maria hiểu rằng ý muốn của Thiên Chúa vượt trên mọi thứ luật tự nhiên khi
suy tư về tình yêu và sự tin tưởng vô điều kiện của Đức Maria, và mô tả Mẹ như
gương mẫu cho tất cả các Kitô hữu.
Đức Thánh Cha nói tiếp:
"Chúng ta nợ Đức Mẹ khá nhiều.
Mẹ liên tục có mặt trong suốt lịch sử cứu rỗi. Trong Mẹ, chúng ta thấy một bằng
chứng mạnh mẽ của niềm hy vọng. Mẹ là Mẹ của một niềm hy vọng nâng chúng ta lên
trong những khoảnh khắc của bóng tối. "
Sau buổi kinh chiều, Đức Thánh
Cha đã cùng Chầu Thánh Thể với các nữ tu dòng kín. Chuyến thăm của Đức Thánh
Cha đến đan viện này đánh dấu những ngày cuối của "Năm Đức Tin" đã được
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 công bố từ 11 tháng 10 năm ngoái và sẽ chính thức
kết thúc vào ngày Chúa Nhật 24 tháng 11, lễ Chúa Kitô Vua.
9. Không thể để xảy ra tình trạng một Trung Đông không còn Kitô hữu
nào.
Hôm 21 Tháng 11 là lần đầu tiên
trong triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp
riêng với các nhà lãnh đạo của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương tự trị trong
tình hiệp thông trọn vẹn với Rôma.
Đức Thánh Cha đã khích lệ các vị
Thượng Phụ và Tổng Giám Mục trưởng của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương hãy
gia tăng tình hiệp trong các Giáo Hội thuộc quyền và làm sao để chứng tá của
mình luôn đáng tin.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây
trong buổi tiếp kiến các vị Thượng Phụ và Tổng Giám Mục Trưởng, là những thủ
lãnh của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, nhân dịp các vị về Rôma tham dự
khóa họp toàn thể của Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương từ ngày 19 đến
22-11.
Đức Thánh Cha nói:
"Để chứng tá chúng ta đáng
tin cậy, chúng ta được mời gọi để luôn luôn tìm kiếm công lý, đạo đức, đức tin,
đức ái, sự kiên nhẫn và khoan dung. "
Sau đó, Đức Thánh Cha đã lắng
nghe những mối quan tâm từ các đại diện của các Giáo Hội tại Đông Âu, Ấn Độ và
Trung Đông.
Hiện nay có 21 Giáo Hội Công Giáo
nghi lễ Đông Phương tự quản, với khoảng 15 triệu tín hữu, trong đó đông nhất là
Giáo Hội Công Giáo Ucraine với gần 4 triệu 350 ngàn tín hữu, tiếp đến là Giáo Hội
Syro-Malabar bên Ấn độ và Maronite, mỗi Giáo Hội có hơn 3 triệu 380 ngàn tín hữu.
Đứng thứ tư là Giáo Hội Công Giáo Melkite với 1 triệu 650 ngàn tín hữu. Các
Giáo Hội nhỏ nhất chỉ có vài chục ngàn tín hữu như tại Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ,
Croatia, Albani
Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh rằng
người Công Giáo không thể buông xuôi chấp nhận một Trung Đông không còn một tín
hữu Kitô nào. Ngài nói:
"Từ Đông sang Tây, toàn thể
Giáo Hội phải làm chứng cho Con Thiên Chúa. Giáo Hội, như đã được đề cập trong
cùng văn bản của công đồng ‘hiện diện trong mọi quốc gia trên trái đất, trên thực
tế, hiện diện nơi tất cả các tín hữu trên toàn thế giới trong tình hiệp thông với
Chúa Thánh Thần."
Ngài nói rằng mọi người Công Giáo
nên cám ơn các Giáo Hội tại Thánh Địa và cầu nguyện cho tất cả các Kitô hữu
trong khu vực này.
Trong khi tất cả các Giáo Hội
Đông Phương tự trị, và theo truyền thống Byzantine hay Hy Lạp, tất cả họ đều
công nhận quyền bính của Đức Giáo Hoàng. Đây là cuộc họp thứ hai của các nhà
lãnh đạo của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương tại Vatican. Cuộc họp đầu tiên
đã diễn ra vào năm 2010 dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.
10. Một cựu Tổng Giám Mục Canterbury cảnh báo rằng đức tin
Kitô giáo có thể tuyệt chủng tại Anh.
Chỉ một thập niên trước đây, những
ai kêu gọi áp dụng luật Hồi Giáo Sharia tại Anh chắc chắn sẽ bị xem là điên rồ
hay ngu xuẩn. Nhưng ngày nay đó đã là một thực tế với những cuộc biểu tình rầm
rộ của người Hồi Giáo. Tại nhiều nơi trong thành phố Luân Đôn, nhiều người bị
những nhóm Hồi Giáo tấn công khi lai vãng đến các quán bia.
Trong khi những đền thờ Hồi Giáo
mọc lên như nấm và các buổi cầu kinh ngày thứ Sáu thu hút đông đảo các tín đồ Hồi
Giáo, báo cáo, nộp cho Thượng Hội Đồng chung của Anh Giáo và thượng tuần tháng
11 năm nay cho thấy chỉ có 1,5% tín hữu Anh Giáo tham dự các nghi lễ ngày Chúa
Nhật.
Lên tiếng về báo cáo này Lord
Carey, cựu Tổng Giám Mục thành Cantebury, là người lãnh đạo Anh Giáo từ 1991 đến
2002, nói rằng ông đã nhìn thấy một "cảm giác thất bại" trong hàng
ngũ các giáo sĩ Anh Giáo, và thêm rằng trừ khi có một "bước đột phá đáng kể"
trong việc thu hút những người trẻ, Anh Giáo sẽ ngừng tồn tại như một định chế
quốc gia.
11. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các cầu thủ bóng bầu dục:
Hãy sống cuộc đời anh em như đang chơi trên sân cỏ
Đức Thánh Cha Phanxicô là người
yêu thích thể thao, đặc biệt trên phương diện là thể thao có thể giúp xây dựng
tinh thần và tính cách của các thể tháo gia. Trong cuộc gặp gỡ hôm thứ Sáu 22
tháng 11 với các thành viên hai đội bóng bầu dục của Ý và Á Căn Đình, Đức Thánh
Cha đã nhấn mạnh đến các giá trị của thể thao nói chung, và đặc biệt là của môn
bóng bầu dục.
Đức Thánh Cha nói:
"Đó là một môn thể thao khó
khăn, rất nhiều va chạm thể lý, nhưng không chỗ cho bạo lực. Trong môn này nổi
lên lòng trung thành tuyệt vời, và sự tôn trọng lẫn nhau. Chơi bóng bầu dục rất
mệt mỏi. Đó không phải là môn dễ dàng. Và tôi nghĩ rằng nó rất hữu ích để tăng
cường tính cách, và ý chí con người. "
Trong thể thao, cũng như trong cuộc
sống, người ta phải chiến đấu để đạt được mục tiêu. Đó là lý do tại sao Đức
Giáo Hoàng kêu gọi tất cả cầu thủ phải chiến đấu trong cuộc sống của họ với
cùng một tinh thần như trên sân cỏ.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh:
"Tất cả cuộc sống của chúng
ta dẫn đến một mục tiêu. Việc tìm kiếm mục tiêu này rất mệt mỏi, đòi hỏi rất
nhiều nỗ lực, và cố gắng. Nhưng điều quan trọng không phải là chạy một mình. Để
đạt được điều đó chúng ta cần phải chạy cùng với nhau, và bóng phải được giao từ
tay này đến tay kia, và cứ như cho đến khi chúng ta đạt đến mục tiêu. Sau đó,
chúng ta vui mừng."
Đây không phải là lần đầu tiên Đức
Thánh Cha Phanxicô gặp các đội tuyển quốc gia Á Căn Đình. Lần cuối cùng là vào
tháng Tám với hai đội tuyển túc cầu của hai nước.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha yêu cầu
các cầu thủ hãy cầu nguyện cho ngài và tất cả các cộng tác viên của ngài, để họ
cũng có thể là các cầu thủ xuất sắc trong tình đồng đội.
Ngài nói:
"Tôi cầu nguyện cho anh em,
và cầu chúc cho anh em những điều tốt nhất. Nhưng cũng cầu nguyện cho tôi, để cả
tôi, cùng với các cộng tác viên của mình, có thể là một đội bóng tốt và có thể
đạt tới đích."
Hai vị đội trưởng của hai đội
bóng đã tặng Đức Giáo Hoàng chiếc áo của đội bóng của mình, và một nhánh cây ô
liu mà họ sẽ trồng tượng trưng trong sân vận động, trước khi bắt đầu trận đấu
vào hôm thứ Bảy 23 tháng 11. Sau đó, cây ôliu sẽ được chuyển đến Vườn Vatican.
12. Chủ tịch FIFA tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô một món quà độc
đáo
Hôm thứ Sáu 22 Tháng Mười Một
2013, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, nhưng cuộc gặp
với chủ tịch FIFA có một nét đặc biệt vì túc cầu là môn thể thao Đức Thánh Cha
rất ưa thích.
“Chào đón ngài, tôi vui mừng gặp
ngài ở đây"
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như
trên với ông Joseph Blatter, chủ tịch FIFA, cơ quan lãnh đạo các liên đoàn túc
cầu thế giới. Trong cuộc họp đầy hào hứng của hai vị, ông Joseph Blatter đã giới
thiệu với Đức Giáo Hoàng một số quan chức FIFA cùng đi.
"Anh ta cần phải chơi thể
thao nhiều hơn một chút."
Ông Blatter đã chuẩn bị một loạt
các quà tặng cho Đức Giáo Hoàng.
Ông cũng mang theo hai áo cầu thủ,
một cái màu đen và một cái màu xanh, với tên của Đức Giáo Hoàng và số 10 ở phía
sau. Số 10 thường được dành cho các đội trưởng. Ông cũng tặng Đức Giáo Hoàng một
huy chương, và một biểu tượng cho World Cup 2014 sẽ diễn ra tại Brazil.
Nhưng có lẽ là món quà độc đáo nhất
là bản sao của tạp chí FIFA, có một bài viết về đội bóng yêu quý của Đức Giáo
Hoàng, San Lorenzo di Almagro.
Đức Giáo Hoàng tặng chủ tịch FIFA
và các quan chức khác mỗi người một huy chương triều đại Giáo Hoàng của ngài.
13. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi phải chăng chúng ta đã đánh mất
đi ý nghĩa của việc thờ phượng?
Trong Thánh lễ buổi sáng thứ Sáu
22 Tháng Mười Một tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập
đến đền thờ, cả về cấu trúc và lẫn ý nghĩa biểu tượng. Ngài giải thích rằng bất
cứ khi nào một nhóm anh chị em tín hữu tập hợp tại một giáo xứ, Thiên Chúa phải
luôn luôn là trọng tâm.
Đức Giáo Hoàng nói:
"Tôi nghĩ rằng, và tôi nói
điều này một cách khiêm nhường, có lẽ Kitô hữu chúng ta đã phần nào đánh mất đi
cảm thức của chúng ta về thờ phượng. Chúng ta thường nói: ‘Hãy đến giáo xứ và gặp
gỡ tất cả mọi người ở đó.’ Điều này là tốt đẹp, nhưng trọng tâm cốt lõi phải là
Thiên Chúa. Chúng ta đến để thờ phượng Thiên Chúa. "
Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng một
giáo xứ phải là một nơi mà tất cả mọi người được mời gọi cùng nhau cầu nguyện,
ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa.
14. Đức Thánh Cha nói cha mẹ phải bắt chước các vị tử đạo để
đưa ra các gương sáng đức tin cho con em.
Trong Thánh lễ sáng thứ Hai 25
tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha kêu gọi các Kitô hữu hãy tín
thác nơi Thiên Chúa, ngay cả trong gian truân. Ngài đã đề cập đến các vị tử đạo
thời hiện đại, những người lựa chọn đi theo Chúa Giêsu với đầy đủ ý thức, và cả
những bậc cha mẹ làm chứng cho đức tin truớc mặt con cái.
Ngài nói:
"Khi chúng ta đọc những câu
chuyện về các Kitô hữu bị bách hại trên báo chí, chúng ta nghĩ đến những anh chị
em của chúng ta đang vượt qua những giới hạn, những người đã can đảm thực hiện
những lựa chọn dứt khoát. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nghĩ đến những người mẹ
và những người cha, là những người có những lựa chọn đức tin mỗi ngày tuy nhỏ mọn
nhưng dứt khoát trong cuộc sống với gia đình và con cái họ."
Đức Giáo Hoàng sau đó đã cầu nguyện
cho anh chị em giáo dân được ơn can đảm để sống đức tin Công Giáo của mình,
trong cuộc sống hàng ngày và trong các trạng huống khó khăn.
15. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Tổng thống Paraguay
Sáng thứ Hai 25 tháng 11, Đức
Thánh Cha đã tiếp Tổng thống Paraguay Horacio Cartes tại điện Tông Tòa của
Vatican. Hai vị đã đàm đạo riêng trong khoảng 20 phút .
Hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến
quan hệ song phương và hợp tác của Vatican và Paraguay trong việc giải quyết
nghèo đói và tham nhũng tại đất nước Nam Mỹ này.
Sau cuộc họp, Tổng thống đã giới
thiệu với Đức Thánh Cha đoàn tùy tùng của mình gồm người chị ruột và hai cô con
gái của mình. Cả hai cô con gái của tổng thống đã từng được gặp Đức Giáo Hoàng
tại Brazil khi tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.
Đức Thánh Cha hỏi họ:
- Các con có khoẻ không?
- Cám ơn Đức Thánh Cha, chúng con
rất tốt.
- Chuyến đi Brazil thế nào?
- Rất tốt ạ.
- Ngủ trên sàn nhà các con thấy
thế nào?
- Rất đáng giá ạ.
Tổng thống đã tặng Đức Thánh Cha
một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ hình Đức Mẹ Caacupé, là Quan Thầy nước Paraguay.
Ông cũng đã tặng Đức Giáo Hoàng một cuốn sách nói về việc truyền giáo của Dòng
Tên tại nước này. Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất vui khi nhận được cuốn sách ấy.
Món quà thứ ba là một cuốn sách với
bút tích của thánh Roque Gonzalez, người Paraguay. Đức Giáo Hoàng đã tặng lại
cho tổng thống một huy chương triều giáo hoàng của ngài, và một bản sao tài liệu
Aparecida.
Đức Thánh Cha cũng tặng các cỗ
tràng hạt cho các thành viên trong gia đình.
Tổng thống Cartes vừa nhậm chức
vào tháng Tám. Ông là nhà lãnh đạo mới nhất của châu Mỹ Latinh.
16. Đức Giáo Hoàng nói với các dự tòng: Thiên Chúa tìm kiếm
chúng ta, ngay cả khi bị từ chối và bị phản bội
Trong khuôn khổ của chương trình
bế mạc Năm Đức Tin, chiều thứ Bẩy 23 tháng 11, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ hơn 500
dự tòng đến từ 47 quốc gia trên thế giới. Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã
chào đón từng người trong số 35 người được chọn ở lối vào của Đền Thờ Thánh
Phêrô.
Trước những anh chị em đang chuẩn
bị để gia nhập Giáo Hội Công Giáo, Đức Thánh Cha đã nói về Bí Tích Rửa Tội, và
nhấn mạnh rằng Thiên Chúa tạo ra con người chính vì muốn có một cuộc gặp gỡ với
con người.
Ngài nói:
"Thiên Chúa không tạo nên
chúng ta cô đơn, hoặc đóng kín vào chính mình. Ngài đã tạo ra chúng ta để chúng
ta có thể gặp Ngài, và qua Ngài, chúng ta được dẫn dắt đến với những người
khác. Đầu tiên Thiên Chúa đến với chúng ta. Đây là điều khó tin! Ngài đến với
chúng ta!"
Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh rằng
Thiên Chúa luôn luôn trung thành và kiên nhẫn, ngay cả khi bị từ chối và bị phản
bội.
Đức Thánh Cha nói:
"Thiên Chúa bước ra và tìm
kiếm. Ngài thường tìm kiếm chúng ta chính vào lúc chúng ta đang trải qua những
kinh nghiệm cay đắng và bi thảm là phản bội Ngài và chạy trốn khỏi Ngài. Thiên
Chúa không chờ đợi . Ngài bắt đầu tìm kiếm chúng ta ngay lập tức. Cha chúng ta ở
trên trời rất kiên nhẫn."
Cuối cùng, Đức Thánh Cha khích lệ
các dự tòng sống đức tin với niềm vui. Ngài đã tặng cho họ mỗi người một cuốn
Tin Mừng.
17. Đức Thánh Cha gặp gỡ Thủ tướng nước Bosnia và Herzegovina
Hôm thứ Sáu 22 Tháng Mười Một, Đức
Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp Thủ tướng Bosnia và Herzegovina, là ông Vjekoslav
Bevanda, tại Điện Tông Tòa của Vatican. Trong cuộc họp hai vị đã nói về các vấn
đề như khủng hoảng kinh tế và các thỏa thuận song phương đã ký kết vài năm trước
đây, được gọi là “Hiệp định cơ bản năm 2006”.
Tài liệu này phác thảo các vấn đề
liên quan đến các hoạt động của các trường Công Giáo và sự hỗ trợ tinh thần
Giáo Hội có thể mang lại cho bệnh nhân, các tù nhân và các thành viên của quân
đội.
Trong nhiều năm người Hồi giáo,
Chính thống giáo và Công Giáo đã sống chung hòa bình với nhau tại quốc gia này,
nhưng sau chiến tranh Bosnia vào năm 1992, trước làn sóng bất khoan dung tôn
giáo, dân số Công Giáo đã giảm đáng kể từ khoảng 1 triệu đến nay chỉ còn khoảng
460,000.
Sau khi gặp gỡ các thành viên
trong đoàn cùng đi với thủ tướng, Đức Giáo Hoàng đã làm phép nhiều cỗ tràng hạt.
Sau đó, hai vị đã trao đổi quà tặng. Thủ tướng đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một
phiến đá có từ thế kỷ 13, trên đó khắc bằng các ký tự Bosnia Cyrillic tên các vị
vua Bosnia và những tham chiếu đến Thiên Chúa Ba Ngôi.
"Điều này cho thấy người
Công Giáo đã hiện diện tại quốc gia này trước người Hồi Giáo."
Đức Giáo Hoàng cũng đã tặng Thủ
tướng một bức ảnh khắc hình Thánh Phêrô. Vào cuối cuộc họp, Đức Thánh Cha cám
ơn chuyến viếng thăm của Thủ tướng và như thường lệ, ngài nói:
“Và hãy cầu nguyện cho tôi.”