Tại
Công Đồng
Kể
từ thời Trung Cổ, người ta không thể quan niệm được một công đồng mà lại không
có sự tham dự của các nhà thần học, những người hành xử như cố vấn cho các giám
mục. Vatican II cũng thế. Tuy nhiên, việc các chuyên viên cá nhân khuôn định đường
hướng của Công Đồng chính xác ra sao, họ ảnh hưởng thế nào đối với ý kiến các
giám mục và nhất là đối với nội dung các văn kiện sau cùng là điều không dễ xác
định. Ở đây, sử gia buộc phải dựa hoàn toàn vào các tường thuật của chính các
chuyên viên hay của các cá nhân khác có mặt tại Công Đồng. Trong trường hợp
Rahner, các phân tích của Karl Heinz Neufeld, Günther Wassilowsky và Herbert
Vorgrimmler cung cấp cho ta nhiều cái nhìn thấu suốt về các hoạt động của ngài
không những tại Công Đồng mà còn trong giai đoạn chuẩn bị nó cũng như trong lúc
Công Đồng không nhóm họp.
Về
phần Ratzinger, các đóng góp đặc thù của ngài cho Công Đồng còn đợi những
nghiên cứu chi tiết hơn, nhưng một số vẫn có thể được tái dựng nhờ các trước
tác của chính ngài cũng như các nguồn đệ nhị đẳng về Công Đồng. Ở đây, chúng ta
chủ yếu tập chú vào (a) sự can dự của Rahner và Ratzinger vào các công trình của
Công Đồng về mối tương quan giữa Giáo Hội và thế giới, và (b) sự tương tác thực
tế giữa họ với nhau tại các nhóm làm việc hay trong lúc Công Đồng không nhóm họp.
Bất chấp các khó khăn trước đó với giáo triều và việc Đức HY Ottaviani miễn cưỡng
tiếp nhận ngài, Karl Rahner vẫn đã trở thành một thành viên của Ủy Ban Thần Học
và can dự một cách tích cực và có ý nghĩa vào việc chuẩn bị các văn kiện Lumen
Gentium, Dei Verbum, Gaudium et Spes, và Perfectae Caritatis .
Nhưng
ảnh hưởng của ngài vượt quá Ủy Ban Thần Học. Ngài thực hiện nhiều buổi diễn giảng
và thường tham dự các cuộc đối thoại với các nhà thần học và giám mục của nhiều
ủy ban khác.
Chắc
chắn, việc trên không thể có được, nếu không có mối liên hệ thân hữu giữa các
giám mục và các chuyên viên, một mối liên hệ đã có ngay từ những ngày đầu.
Chính cha cho hay: “Có lẽ người ta sẽ bảo nếu, không những tôi, mà một số nhà
thần học không có được sự hiểu biết thân ái với các giám mục ngay từ buổi đầu của
Công Đồng, thì Công Đồng hẳn đã đi theo một đường hướng hoàn toàn khác với đường
hướng nó đã chọn”.
Nhưng
ngoài liên hệ tốt đẹp giữa các giám mục và các chuyên viên ra, cũng còn yếu tố
rất thực tiễn đối với mối liên hệ này. Số giám mục thách thức các sơ đồ do ủy
ban chuẩn bị soạn thảo muốn có những bản văn thay thế cũng như các lời phê bình
vững chắc về thần học đối với các sơ đồ này. Thành thử nhiều chuyên viên rút cục
đã phải soạn thảo các bản văn thay thế để trình cho các nghị phụ. Việc làm của
Rahner đối với Lumen Gentium bao gồm cả công việc tại ủy ban thần học lẫn các
buổi đàm đạo với các giám mục, các buổi diễn thuyết, các phát biểu viết cho Đức
HY König để ngài trình bày tại Phòng Công Đồng (aula).
Khi
đã thuyết phục được các giám mục Đức và Áo tin rằng sơ đồ Depositum Fidei có vấn
đề, ngài bèn lập tức bắt đầu cùng Ratzinger chuẩn bị cách đáp ứng. Rahner thường
không tới phòng họp khoáng đại, vì ngài cho các thảo luận ở đấy, trong căn bản,
chỉ mất thì giờ. Thay vào đó, ngài bắt tay vào sơ đồ. Về sự hợp tác với
Ratzinger này, Rahner có viết trong sổ tay của mình như sau: “tôi rất ăn ý với
Ratzinger. Và ngài có tiếng tăm tốt với (Đức HY) Frings”.
Xét
chung, việc can dự của Rahner chủ yếu thuộc lãnh vực Giáo Hội học. Ngài tham dự
tích cực vào việc lên khuôn cho sơ đồ De Ecclesia, cố gắng bao gồm vấn đề chức
phó tế vào sơ đồ Giáo Hội, vận động để Thánh Mẫu Học được lồng vào văn kiện về
Giáo Hội học của Công Đồng, cổ vũ tính hợp đoàn và ủng hộ nền thần học về các
Giáo Hội địa phương. Từ tháng Chín năm 1963 trở đi, sự can dự của Rahner chủ yếu
vẫn thuộc lãnh vực Giáo Hội học. Ngài tham dự việc soạn thảo sơ đồ XIII, sau
này được biết dưới tên Gaudium et Spes .
Theo
Đức HY König, Rahner đặc biệt lưu ý đến việc khai triển Lumen Gentium, nhưng
Yves Congar nhớ rằng ảnh hưởng của ngài đối với Gaudium et Spes cũng không kém
phần quan trọng. Sơ đồ này được đề xuất và chịu ảnh hưởng của đội tiền phong
trong nền thần học Pháp. Rahner cố gắng làm dịu nền nhân học hơi quá lạc quan
này bằng ngữ cảnh nền thần học thánh giá.
Tuy
thế, nền thần học của ngài vẫn là nền thần học nhập thế và tập chú vào quan tâm
mục vụ đối với con người nhân bản hiện đại trong thế giới. Giống Rahner,
Ratzinger không đơn giản chỉ là một trong khá nhiều chuyên viên chỉ biết thầm lặng
làm việc cho các giám mục liên hệ của mình mà thôi. Suốt thời Công Đồng, ngài
thực hiện nhiều buổi diễn thuyết về các đề tài có liên quan với Rôma cũng như Đức
khi Công Đồng không nhóm họp. Ngài tổ chức các buổi thuyết trình cho các nghị
phụ và cho công bố một loạt nhận định nổi iếng về Công Đồng. Như John Allen từng
viết: “Dù Ratzinger không lên tiếng tại phòng khoáng đại, ngài vẫn là khuôn mặt
công cộng bằng mọi cách khác”.
Như
trên đã thấy, sự can dự của ngài cũng bao gồm việc làm đối với các văn kiện,
như văn kiện thay thế cho văn kiện về mạc khải, một văn kiện ngài soạn thảo với
Rahner. Ngày 25 tháng Mười năm 1962, Đức HY Frings gặp các Đức HY Alfrink,
Suenens, Liénart, Döpfner, Siri, và Montini, và yêu cầu Ratzinger trình bày với
các ngài các gợi ý của hội đồng giám mục nói tiếng Đức.
Nói
chung, phản ứng khá tích cực, và lúc đó, hẳn Ratzinger đã gây được ấn tượng sâu
sắc nơi các nghị phụ, nhất là Đức HY Montini, người sau này, trong tư cách Đức
Phaolô VI, đã cử Ratzinger làm Tổng Giám Mục Munich và cuối cùng nâng ngài lên
hàng Hồng Y. Trong khi ấy, Ratzinger cũng lưu tâm không kém tới các vấn đề mục
vụ như Rahner. Ngài thực sự quan tâm đến con người, nhưng lưu ý chính của ngài
không phải là làm cách nào đem Giáo Hội lại gần thế giới hơn mà đúng hơn là làm
cách nào khiến thế giới can dự vào sứ điệp Kitô Giáo. Nên không lạ gì trong các
văn kiện của Vatican II, Dei Verbum là văn kiện trực tiếp chịu ảnh hưởng của
Ratzinger hơn cả.
Sau
Công Đồng
Điều
làm ta khó đo lường được tác dụng của Công Đồng đối với đời sống Giáo Hội không
những chỉ là tính mơ hồ của các văn kiện và các cách khác nhau trong việc thực
thi nội dung của chúng, mà còn vì khối lượng khổng lồ các văn bản, các buổi diễn
thuyết, các cuộc đàm đạo và thư từ không được bao gồm trong các văn kiện cuối
cùng. Như Rahner có lần nói về công đồng: “Nó như việc sản xuất chất radium.
Người ta phải làm việc với cả tấn quặng mới sản xuất ra được 0.14 gram radium.
Tuy nhiên, vẫn rất đáng công”.
Chịu
khó lục lọi qua hàng tấn chất quặng này, tức các câu truyện và khai triển bản
thân của các nhà tư tưởng chính của Công Đồng, ta mau chóng thấy rằng cách này
hay cách khác, Công Đồng quả đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với tất
cả các nhân vật này. Bất kể họ tới Rôma với ý nghĩ nào, hầu như ai trong số họ
cũng đều đã biến đổi quan điểm của mình qua suốt 4 năm của Công Đồng, nhờ rất
nhiều cuộc thảo luận và trao đổi. Có thể nói: Công Đồng đã đánh dấu một cuộc hồi
tâm nơi phần đông, nếu không muốn nói là tất cả, những người tham dự nó, trong
đó có Ratzinger và Rahner. Cả hai đều nhiều lần nói tới trải nghiệm của họ tại
Công Đồng và về ý nghĩa của nó đối với chính họ và đối với Giáo Hội nói chung.
Khi các thành quả của Vatican II dần dần được thực thi và khi thế giới sống qua
những thời khắc xáo trộn, các lượng giá của họ không hẳn về chính Công Đồng, mà
về tình trạng Giáo Hội ngày nay đã có những khuôn hình khác hẳn. Chỉ 3 năm sau
khi Vatican II kết thúc, sự dị biệt này đã trở thành rõ rệt. Thử hỏi việc gì đã
xẩy ra? Muốn trả lời, thiển nghĩ, ta nên đặt câu hỏi vào ngữ cảnh lịch sử.
Cả
hai nhà thần học này đều là người Đức, sống trong một bối cảnh xã hội đặc thù,
được trang bị với những phương thế lượng giá hoàn cảnh và đáp ứng nó do văn hóa
lên khuôn, và do đó, điều chủ yếu là phải làm sáng tỏ hoàn cảnh đặc thù của họ
mới hòng giải thích được các kết luận của họ. Tại Đức cũng như tại những nơi
khác ở tây bán cầu, các năm sau Vatican II là các năm được đánh dấu bằng nhiều
bất ổn xã hội. Nhưng không giống ở Hoa Kỳ, nơi sinh viên chĩa mũi dùi tức giận
của họ trước nhất vào việc chống lại cuộc chiến tranh mau chóng leo thang tại
Đông Nam Á, các sinh viên Đức đối diện với một vấn đề khác hẳn, thuộc lịch sử gần
đó của Đức. Thực vậy, sau Thế Chiến II, rất nhiều người trước đây từng giữ các
chức vụ quan trọng trong chế độ cai trị tàn bạo của Hitler nay lại một lần nữa
len lỏi vào bộ máy chính quyền, nắm giữ các chức vụ quan trọng không kém, như
viện trưởng đại học chẳng hạn.
Trước
hoàn cảnh ấy, phong trào sinh viên được đà và mau chóng mang hình thức bạo động.
Một phần cũng vì ngày 2 tháng Sáu, 1967, trong một cuộc biểu tình chống quốc
vương Ba Tư đến thăm Bá Linh, Benno Ohnesorg, 26 tuổi, đã bị một cảnh sát viên
bắn chết. Từ đó, các cuộc biểu tình gần như xẩy ra hàng ngày; các sinh viên tẩy
chay lớp học, chiếm giữ các giảng đường khiến việc giảng dạy hoàn toàn ngưng trệ.
Đối với các giáo sư vốn được sinh viên trọng kính, tình thế này hoàn toàn không
có tiền lệ và thật là khó xử. Một số tham gia thảo luận, cố gắng trình bày quan
điểm chống lại các sinh viên biểu tình, một số khác tỏ ý ủng hộ nội dung biểu
tình nhưng không nhất thiết ủng hộ phương thế thực hiện. Cuộc xáo trộn này ảnh
hưởng đến cả phân khoa thần học tại đại học Tübingen, nơi Ratzinger giảng dạy
lúc ấy. Herman Häring, một cựu sinh viên tại Tübingen, mô tả tình thế lúc ấy
như là mau chóng dẫn tới phân hóa.
Trong
một bài báo gần đây, Ronald Modras cho rằng không nên lẫn lộn “cuộc bất ổn của
sinh viên” tại Tübingen với cảnh bạo động từng xẩy ra ở Paris và Chicago cùng một
năm. Còn các sinh viên dự các lớp của Ratzinger thì không giống chút nào với những
người theo Mao từng phá phách các lớp học tại các phân khoa khác ở Tübingen.
Tuy
thế, các vụ đập phá, ngăn chặn lớp học hay ngồi lỳ trong đó chắc chắn có gây ấn
tượng. Năm 1968, các sinh viên thần học có ra một tuyên cáo đòi thần học phải
được tự do; bản tuyên cáo này có chữ ký của 1,322 sinh viên. Một năm sau, các
sinh viên thần học Tübingen có công bố một lá thư đòi các giám mục phải được bầu
chọn và nhiệm kỳ của các ngài tối đa chỉ nên kéo dài 8 năm. Phân khoa đã đáp ứng
khác nhau đối với các đòi hỏi của sinh viên. Hans Küng, chẳng hạn, cũng ngỡ
ngàng như Ratzinger trước các đòi hỏi của sinh viên, nhưng đã chống đối thẳng
thừng bằng cách tham gia thảo luận với các sinh viên. Tuy nhiên, rất may, tiếng
tăm ông không hề hấn gì. Những vị khác, như Ernst Käsemann thuộc phân khoa Thệ
Phản, thì xử lý tình thế này cách tinh tế hơn và nhờ thế cũng không bị sinh
viên công kích gì. Ratzinger, vốn là người trầm lặng và dè dặt hơn, nên đã rút
lui và tránh mọi cuộc đàm đạo. Thay vào đó, ngài đã chú tâm vào việc viết lách.
Nhờ thế, trong năm 1968, đã cho xuất bản tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài là cuốn
Einührung in das Christentum (Dẫn Nhập vào Kitô Giáo).
Dựa
vào các bài diễn giảng trong năm 1967, cuốn sách trên giúp ta nhìn thấu nền thần
học của Ratzinger cũng như quan điểm của ngài về tình hình lúc ấy; ngay lời nói
đầu cũng đã cho thấy cuốn sách này phải được đọc trong ngữ cảnh đương thời.
Ratzinger viết: “Vấn đề nội dung và ý nghĩa thực sự của đức tin Kitô Giáo ngày
nay bị chìm vào trong màn sương mù không chắc chắn như chưa từng có trước đây
trong lịch sử Kitô Giáo”.
Không
như những người ngốc nghếch, mù quáng chấp nhận bất cứ những gì mới lạ chỉ vì
chúng mới lạ, những ai từng ưu tư theo dõi sự phát triển trong Giáo Hội suốt thập
niên qua được nhắc nhở phải nhớ câu truyện “Hans Gặp May” của Anh Em Nhà Grimm.
Anh chàng này đổi cả thỏi vàng có được bằng mồ hôi nước mắt lấy những vật càng
ngày càng trở nên vô giá trị, cho tới lúc chẳng còn gì khác ngoài miếng đá mài.
Khi mất cả miếng đá này, Hans thấy mình hoàn toàn tự do, chẳng còn vướng mắc
chi và rất hạnh phúc. Đối với Ratzinger, sự phấn khích trong thái độ tín hữu tiếp
nhận Vatican II nhắc người ta nhớ tới niềm hạnh phúc của Hans; mỗi giải thích mới,
đối với ngài, giống như một trao đổi trong đó Kitô Giáo đích thực bị thiệt
thòi. Người cựu chuyên viên đã trình bày cái hiểu của mình về Kitô Giáo như thế
và đã sẵn sàng duy trì điều những người mê say thay đổi sẵn sàng vứt đi. Hans
Küng nhận định: “Joseph Ratzinger sợ. Và giống như viên điều tra vĩ đại của
Dostoyevsky, ông không sợ điều gì hơn là tự do”.
Điều
cuốn sách trên cho biết nhiều hơn cả là: suốt trong nó, Ratzinger đã trình bày
một nền triết lý theo văn hóa Hy Lạp nằm dưới nền thần học của ngài. Trong một
bài điểm sách, Walter Kasper nhận diện được nhiều dấu vết của thuyết nhị nguyên
Hy Lạp, xuyên suốt tác phẩm như một sợi chỉ hồng. Ratzinger cảnh giác trước
thuyết tân duy sử học (new historicism), trong đó, sự kiện là nhất và chỉ những
sự kiện nào ta có thể giải thích được nguyên nhân mới được nhận là kiến thức,
giống hệt gợi ý của Descartes trong khi bóp méo Aristốt.
Theo
Ratzinger, điều tiếp theo đó nhất định là quay về với thuyết duy khoa học
(scientism) và với nó là “quay về với thực tại bao lâu nó là điều có thể làm được”.
Ngài tiếp tục nói rằng thần học từng cố gắng trả lời chủ nghĩa duy sử học đầy
tính giản lược này bằng cách tái dựng đức tin theo lịch sử, một động thái thoạt
đầu khá hứa hẹn nhưng chẳng bao lâu sụp đổ do chính sức nặng của nó và do việc
khoa học hạ bệ lịch sử. Và do đó, thay vì sự kiện, thần học cậy nhờ tới điều cần
làm (faciendum) và nhập đức tin thành một với hành vi chính trị, như các công
trình của những người như Moltmann và Metz đã chứng tỏ. Đối với Ratzinger, cả sự
kiện lẫn điều cần làm không hẳn là phi Kitô Giáo; trái lại, chúng là phần thiết
yếu đối với mọi Kitô hữu. Nhưng, ở đây, trọn sự sâu sắc trong chủ trương nhị
nguyên của ngài ló dạng, vì cuối cùng, chủ trương này cho rằng, dựa vào đức
tin, con người chẳng phải là sự kiện mà cũng chẳng phải là điều cần làm. Chủ
trương này chỉ có thể dựa vào sự thật để nói lên, nếu không nó sẽ vô nghĩa.
Rốt
cục, chính việc hiểu mới quan trọng, chứ không phải việc biết, và việc hiểu không
phát sinh từ kiến thức khoa học kỹ thuật, mà lớn lên từ một mình đức tin mà
thôi. Từ đó, ngài kết luận: “Đó là lý do tại sao thần học, một khoa nói về
Thiên Chúa một cách có hiểu biết, theo cung cách logos (=thuần lý, hữu lý và hiểu
biết) là sứ mệnh hàng đầu của Kitô Giáo. Quyền lợi bất hủy tiêu của văn hóa Hy
Lạp trong Kitô Giáo đã đặt cơ sở trên sự kiện này. Tôi xác tín rằng trên bình
diện sâu sắc nhất, không phải là chuyện tình cờ khi, trong đà hình thành của
nó, sứ điệp Kitô Giáo đã đi vào thế giới Hy Lạp trước nhất và tại đây nó hòa hợp
với vấn đề hiểu biết và sự thật”.
Như
Hermann Häring đã chỉ rõ, ở đây, Ratzinger biến văn hóa Hy Lạp thành viên đá thử
vàng cho một Giáo Hội lúc ấy đang trở nên phổ quát. Nhưng cùng một lúc, chủ
trương này cũng làm cho việc hội nhập văn hóa (inculturation) trở nên khó khăn,
một việc chắc chắn được Vatican II vổ vũ, ít là một cách mặc nhiên, và càng
ngày càng được thảo luận chung trong Giáo Hội. Đối với Ratzinger, sự thật không
phải là chức năng của văn hóa. Như Lieven Boeve từng viết: “Ratzinger cố gắng
chứng tỏ rằng có thứ chân lý mãi mãi là chân lý bất chấp mọi giao tiếp văn hóa,
chỉ vì nó chân thật”.
Đối
với một số người, chủ trương có phần tân Platông này là điều lên đặc điểm cho một
Ratzinger mới cũng như viễn tượng thần học và Giáo Hội học cứng rắn của ngài.
Nhưng dấu vết của việc say mê đối với triết lý Hy Lạp và ảnh hưởng của nó trên
Giáo Hội sơ khai đã hiển nhiên ngay trong các trước tác đầu tiên của ngài. Điều
làm ngài thất vọng đối với tình hình mới trong Giáo Hội không hẳn là các sinh
viên biểu tình cho bằng việc mở cửa hướng ra thế giới, một việc, theo ngài, sẽ
làm hại tới các giá trị Kitô Giáo chân thực. Ngay vào năm 1966, hai năm trước
khi các cuộc nổi loạn của sinh viên lên tới cao điểm, Ratzinger đã trình bày một
số nhận định không mấy lạc quan về thành quả của Vatican II tại Ngày Công Giáo
Đức họp ở Bamberg. Ngài than phiền khuynh hướng phát triển hậu Công Đồng về phụng
vụ một là bị tê liệt bởi “một số thực hành cổ xưa” hai là bị đẩy quá xa theo
tinh thần hiện đại hóa.
Đối
với Karl Rahner, cuối thập niên 1960 đánh dấu một thời kỳ quan trọng không kém
với đặc điểm tích cực dấn thân vào việc canh tân Giáo Hội, một việc được ngài
theo đuổi trong các buổi đàm đạo với những người ngoài Giáo Hội.
Qua
các cuộc đối thoại liên khoa, ngài tìm tòi các cách thế mới để giải thích các học
lý truyền thống sao cho chúng hoà hợp được với các cái nhìn thấu suốt của các
khoa khác, và nhờ thế, trở thành có nghĩa đối với những người vô thần và những
ai không phải là Kitô hữu. Điều lên đặc điểm cho phương thức của ngài trong khoảng
thời gian này là sự cởi mở, được người viết tiểu sử của ngài mô tả như sau: “Sự
cởi mở và sinh khí trong một hạn tuổi mà người khác thì đã về hưu rồi, lòng can
đảm đối với những phác thảo mới, những tìm tòi xa hơn, đi vào nhiều khoa và nhiều
lãnh vực mới mẻ vốn không quen biết… tất cả những công việc này khiến ngài được
ca ngợi và biết ơn, vì nó mang lại cho người ta sự can đảm ở một thời điểm
trong đó các phương tiện hướng dẫn cổ truyền đang trên đà thoái hóa”.
Hai
ấn phẩm vào thời gian này làm điển hình cho sự cởi mở đối với thế giới. Trong một
bài báo đồng tác giả với J.B. Metz vào năm 1968, Rahner nhận diện 3 vấn đề
chính đặt ra cho Giáo Hội sau Vatican II. Thứ nhất là vấn đề Thiên Chúa đối diện
với chủ nghĩa vô thần trong lúc có hiện tượng tục hóa gia tăng. Thứ hai, Rahner
thấy các phát triển trong Kitô học là nguồn gây ra nhiều nan đề, trong đó sự
cân bằng đúng đắn giữa Kitô học “từ bên dưới” và Kitô học “từ bên trên” cần phải
được thương thảo. Sau cùng, là vấn đề cứu rỗi cần được dẫn giải qua câu hỏi: “đối
với tôi, trong cuộc hiện sinh độc đáo và cụ thể, có chăng một Thiên Chúa nhân hậu?”
Tuy nhiên, đối với Metz, việc này chỉ tạo ra một thứ hộ giáo hướng ngoại
(Apologia ad extra); bối rối trước hiện tượng xã hội hiện đại phần lớn tin theo
chủ nghĩa nhân bản hậu vô thần, là chủ nghĩa ít khi đặt câu hỏi về Thiên Chúa,
ông nhấn mạnh tới sự quan trọng của nền hộ giáo hướng nội (apologia ad intra).
Rahner đồng ý, nhất là vì nền hộ giáo hướng nội này giúp ngăn ngừa các tân lạc
giáo khỏi xuất hiện trong Giáo Hội, một việc ngài cho là khó tránh trong diễn
trình canh tân. Hơn nữa, đây cũng là phương thế mang lại tính đa nguyên cho thần
học và đời sống Giáo Hội, một điều rất khẩn thiết. Dù cho rằng tính đa nguyên
là điều quan trọng, và do đó sự thật cần được thương thảo, Rahner vẫn chủ
trương rằng một số sai lạc cần được tuyên bố như thế. Thí dụ, trong trường hợp
một nền Kitô học nào đó quá nhấn mạnh tới nhân tính của Chúa Giêsu mà sao lãng
thần tính của Người, thì Giáo Hội có trách nhiệm phải can thiệp. Ý muốn thương
thảo một cái hiểu về Thiên Chúa và Giáo Hội nhưng không rơi vào thuyết duy
tương đối quả là rất khác với cuộc tìm kiếm chân lý tuyệt đối và vô tận của
Ratzinger.
Trong
một tiểu luận khác, Rahner gọi Vatican II là công đồng đầu tiên của Giáo Hội Thế
Giới và tìm hiểu các hệ luận của biến cố này. Hiển nhiên hạn từ Giáo Hội Thế Giới
này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ý niệm “hội nhập văn hóa” mà theo Rahner đã trở
nên quan trọng hơn bao giờ hết sau Vatican II. Không điều gì phản ảnh khai triển
này cho bằng phụng vụ. Đối với Rahner, phụng vụ không hẳn chỉ được phiên dịch từ
tiếng La Tinh qua tiếng phổ thông mà đúng hơn đã trở thành một phát biểu địa
phương về việc thờ phượng do các nền thần học địa phương lên khuôn.
Rahner
cũng cho rằng dù tính đa nguyên Kitô Giáo, vốn hàm nghĩa trong các văn kiện của
Vatican II, được xem như một cố gắng tha thiết muốn thỏa hiệp với thế giới thế
tục hiện đại, nhưng chiều hướng hạn chế lạm quyền vốn đã nằm sẵn ngay trong bản
chất của Giáo Hội rồi. Rất có thể một số giám mục hay giáo dân bị cám dỗ muốn
áp đặt lên người khác, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội, các quan điểm của họ
về chân lý bất biến. Nhưng sau Vatican II, các khuynh hướng “phátxít giáo sĩ”
này, nhằm hạn chế tự do của tín hữu nhân danh thứ chân lý do một mình chính thống
chủ trương không còn khả hữu nữa. Với Công Đồng, Giáo Hội đã tự ý và bất phản hồi
từ bỏ quyền lực tuyệt đối để ủng hộ tính đa nguyên không thể tránh né vì đây
chính là bản chất đích thực của Giáo Hội. Rahner thừa nhận rằng Bộ Giáo Lý Đức
Tin thường hay đáp ứng thay đổi bằng một nền thần học chống chế (defensive
theology) nhằm “cảnh cáo và ngăn cấm”. “Nhưng” theo ngài “Bộ không nên hành xử
mãi mãi như hiện nay, và nhờ thế, toàn thể Giáo Hội khỏi bị kéo lui trở lại
phía sau các hạn chế từng bị vượt qua tại Vatican II”.
Thần
học sẽ biến hóa và từ từ biến đổi từ việc xuất cảng các ý niệm của Âu Châu qua
một nền thần học thế giới thực sự, như thần học giải phóng chẳng hạn. Rahner không
coi các nền thần học phi Âu châu của địa phương này như một nguy cơ đối với
trách vụ thần học của Cựu Thế Giới; trái lại, tình thế hiện thời đòi ta phải hướng
về những người đang từ bỏ đức tin ở Phương Tây, đang ra xa lạ với Kitô giáo. Điều
cần chấp nhận là các quan tâm của Giáo Hội không còn như nhau khắp trên thế giới
nữa. Sau cùng, Rahner hướng về đại kết và nhấn mạnh rằng Giáo Hội đã tiến một
bước thật xa ra khỏi quan niệm “massa damnata” (trầm luân hàng loạt) của Thánh
Augustinô. Thay vào đó, ơn cứu rỗi có tính phổ quát và ơn thánh Chúa được đề xuất
cho mọi con người nhân bản tự do, cho dù họ quyết định không chấp nhận nó. Với
Rahner, ơn cứu rỗi đã thắng thế.
Kết
luận
Mục
đích bài này muốn tìm hiểu mối liên hệ giữa Karl Rahner và Joseph Ratzinger
cũng như sự thay lòng đổi dạ mà vị sau bị coi là đã kinh qua sau thời Vatican
II. Nó cố gắng chứng minh rằng dù Đức Bênêđíctô chắc chắn chịu ảnh hưởng của
Công Đồng và các thay đổi do nó tạo nên, nhưng các quan điểm về sau của ngài,
trong yếu tính, không khác bao nhiêu so với những quan điểm ngài có trước Công
Đồng. Rhaner và Đức Bênêđíctô chắc chắn có chung nhiều quan tâm đối với ý nghĩa
của Công Đồng, vai trò của hàng giám mục, và mối lo lắng trước nền thần học quá
thiên tri thức của chủ nghĩa tân kinh viện. Nhưng cuối cùng, họ khác nhau trong
các quan điểm về mối liên hệ của Giáo Hội với thế giới ngày nay. Sau Công Đồng,
các dị biệt này đã xác định ra hướng đi đối nghịch nhau trong các khai triển
sau này của hai người. Trong khi Rhaner nhấn mạnh tới nhu cầu Giáo Hội phải
thay đổi để hướng tới việc cởi mở với thế giới và những ai “muốn tin nhưng nghĩ
mình không thể tin”, thì Đức Bênêđíctô đòi hỏi phải đem Giáo Hội trở về với ý
nghĩa chân thực của Kitô Giáo. Đối với Đức Bênêđíctô, cách nhiều người giải
thích Công Đồng thật khác xa với ý hướng chân thực của Công Đồng, là phục hưng
Giáo Hội đích thực. Việc hiện nay, người ta giải thích sự hợp tác của hai người
tại Công Đồng như là một đồng điệu hoà hợp toàn diện chỉ là hậu quả phát sinh từ
quan điểm thơ mộng về Công Đồng. Người ta dễ rơi vào chỗ coi Chúa Thánh Thần đã
biến Công Đồng thành một mặt trận thống nhất ngay từ đầu, động viên được đa số
tham dự viên dấn thân vào việc cùng nhau thay đổi Giáo Hội từ căn cội. Tuy
nhiên, cả Rahner lẫn Ratzinger đều cảm thấy không thoải mái với cái nhìn này, bởi
họ thấy Công Đồng chỉ đóng vai phụ trợ chứ không hẳn là nơi mà mọi đặc sủng của
Giáo Hội đều hoạt động. Ngày nay, khi ta cố gắng tìm hiểu sức sinh động tại
Công Đồng, ta cần tới một trình độ nào đó trong ý thức lịch sử và cảm giới và
nên nhớ rằng ta làm thế là dựa vào lời của chính các nghị phụ. Các vị này,
trong suốt thời gian Công Đồng, cho thấy các ngài cảm nghiệm được điều có thể
giải thích là Thần Khí nội tại (immanence of the spirit). Rahner và Ratzinger
là hai nhà thần học Đức Tại Vatican II. Chính hậu cảnh văn hóa này đã tiền định
để họ có những đáp ứng đặc thù đối với Công Đồng và các vấn đề của nó. Hình như
Rahner rất ý thức được chủ trương giải thích đặc thù này, trong khi Đức
Bênêđíctô, cho tới nay, vẫn nhấn mạnh tới tính thượng đẳng của nền thần học La
Tinh, phần lớn chịu ảnh hưởng của Thánh Augustinô.
Về
phương diện này, Đức Bênêđíctô rất đúng; không phải ngài là người thay đổi. Điều
thúc đẩy nền thần học của ngài không phải là lòng can đảm và tín thác rất đặc
trưng nơi Rhaner, mà đúng ra là mối lo ngại, lo ngại rằng Giáo Hội có thể lâm
vào một hướng đi sai lầm, quá thiên về trần thế. Ratzinger, vì thế, đã đưa ra
các biện pháp nghiêm ngặt để duy trì nguyên trạng và trở về với một Giáo Hội
tâm linh hơn. Các biến cố năm 1968 có thể đóng một vai trò xúc tác nào đó,
nhưng chắc chắn không phải nguồn gốc cho chủ trương hậu công đồng của ngài.
Rahner, ngược lại, coi thay đổi như điều cốt yếu của bất cứ truyền thống liên tục
nào. Thành thử, các quan điểm của ngài về Giáo Hội học vẫn kinh qua việc tái
lên khuôn không ngừng. Người ta chỉ cần nhớ trước Công Đồng, dù vẫn quả quyết
tính hợp đoàn, nhưng tính dân chủ trong Giáo Hội là điều Rhaner chưa bao giờ
nghĩ tới. Tuy nhiên, sau này, ngài rất thích ý niệm dân chủ, cho dù chỉ là một
ý niệm, và rất sẵn sàng đi quá những gì ngài vốn suy nghĩ hồi năm 1962.
Nếu
một trong hai người đã kinh qua một hồi hướng sâu xa và thay đổi đáng kể, thì
người đó hẳn là Rahner. Và con đường Đamát của ngài chính là Công Đồng Vatican
II. Dù sao, thiển nghĩ sẽ không công bằng nếu ta giản lược Ratzinger, một nhà
thần học sâu sắc và thông minh, chỉ còn là một chính khách ham quyền. Các quan
tâm của ngài rất chân thực và phát xuất tận đáy lòng. Nhưng việc họ đối nghịch
nhau về những gì phát xuất từ Vatican II thực ra vẫn chưa phải là một tận điểm,
như chính Rahner nhấn mạnh, mà chỉ là một quá độ hướng tới một điều gì mới mẻ.
Công Đồng có lẽ cũng không dự ứng được đâu là phản ứng đối với các quyết định của
mình và chính nó cũng làm cho việc nhận định đúng sai của hậu thế khó khăn hơn.
Nhưng xét cho cùng, nó đã giúp Giáo Hội một lần nữa bước mạnh vào thế giới và
tích cực dấn thân cho Nước Trời.
Viết
theo Oliver Putz, “I Did Not Change; They Did!” Joseph Ratzinger, Karl Rahner
and the Second Vatican Council.
http://www.academia.edu/470398/