Lời Chúa (Mt 24,37-44)
Ðức Giêsu nói với các môn đệ về
ngày quang lâm của Người rằng: 37 “Thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người
quang lâm cũng sẽ như vậy. 38 Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ
vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu.
39 Họ không
hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. 40
Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người
bị bỏ lại; 41 hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một
người bị bỏ lại.
42 Vậy anh em hãy canh thức, vì
anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. 43 Anh em hãy biết điều này: nếu
chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét
vách nhà mình đâu. 44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ
phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.
Suy Niệm
Vào một ngày của tháng 10 năm
1992, một số người Nam Hàn tụ tập ở các nhà thờ để chờ ngày tận thế đến vào lúc
nửa đêm. Có người đã bán nhà và xin nghỉ việc, nhưng dĩ nhiên đó không phải là
ngày tận thế. Kinh Thánh chẳng hề nói tận thế đến vào lúc nào.
Ðức Giêsu cũng bảo là Ngài không
biết (Mt 24,36). Chính vì thế Kitô hữu không tin những lời đồn thổi, nhưng kiên
tâm chờ đợi trong hy vọng. Ðây không phải là thứ nơm nớp chờ đợi, khoanh tay, nhưng
là thứ chờ đợi bằng cách sống hết mình để chuẩn bị cho trái đất đón Chúa trở lại.
Mùa vọng là thời gian đặc biệt để
tập sống chờ đợi. Không phải chỉ là chờ mừng lễ Giáng sinh
mà nhất là chờ đợi Chúa đến kết
thúc dòng lịch sử. Ngày tận thế và ngày Chúa quang lâm là một. Ðó là một ngày
đáng sợ, không phải vì những hiện tượng kinh khủng sẽ xảy ra, nhưng vì là ngày Chúa
đến phán xét kẻ sống người chết. Ngày đó còn là một ngày hội vui: ngày vui của
Chúa Giêsu toàn thắng vinh quang, ngày vui của những người được cứu chuộc, ngày
vui của cả vũ trụ vật chất được giải phóng. Tận thế là cánh cửa mở ra trời mới
đất mới. Tất cả được đưa vào thế giới vĩnh cửu.
Có lẽ chúng ta hôm nay mong chờ
Chúa đến ít hơn các Kitô hữu thuở ban đầu. Chẳng ai thích nghĩ đến ngày tận thế.
Tận thế bị coi là chuyện tương lai xa vời. Cuộc sống hiện tại có vô số mối lo
âu và hy vọng: ăn uống, cưới vợ, lấy chồng, làm ruộng, xay bột. Thật ra, nghĩ đến
ngày tận thế
cũng cần như nghĩ đến cái chết của
mình. Cái chết dạy người ta biết cách sống. Ngày tận thế dạy người ta biết cách
xây doing thế giới trên nền tảng vĩnh cửu, trên những giá trị trường tồn.
Ðối với Kitô giáo, ngày tận thế
không phải là ngày buồn, ngày của hủy diệt và tang tóc,
nhưng là ngày của thân xác được sống
lại, ngày khai sinh một thế giới mới không bị hận thù và chết chóc đe dọa. Ngày
tận thế là ngày Chúa quang lâm. Chúng ta phải sẵn sàng ra đón Ngài.
Sẵn sàng là cùng với Chúa xây dựng
một trái đất đầy tình thương và công lý. Sẵn sàng là biến trái đất thành con đường
dẫn tới Thiên đàng. Ngày Chúa quang lâm là một ngày bất ngờ, nhưng nó sẽ ít bất
ngờ đối với những ai biết sẵn sàng chờ đợi.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng
túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm
khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của
Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào
Xin cho chúng con biết cộng tác với
Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương
và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày
vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa
trở lại
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.