Sunday, December 01, 2013

SỐNG TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG : Chúa nhật I Mùa Vọng Năm A


Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Một năm Phụng Vụ lại đến. Thời gian cứ thế trôi đều theo nhịp dường như chẳng có gì mới dưới trần gian này. Đông qua, xuân đến, hạ đi, thu lại về. Hết mùa thường niên, đoàn tín hữu Kitô bước vào mùa Vọng, mùa Giáng Sinh.
Tuy nhiên, vẫn có đó cái gì mới lạ khi ta bước vào một điểm mốc của thời gian, cho dù đó chỉ là sản phẩm có tính quy ước của con người. Bắt đầu một chu kỳ mới, được gọi là năm dựa trên vòng xoay của vũ trụ nói chung, của thái dương hệ mặt trời và trái đất chúng ta nói riêng hay khởi đầu một chu kỳ lịch sử ơn cứu độ theo niên lịch Phụng vụ Kitô giáo, hẳn nhiên vẫn tiềm tàng một khao khát, ước mơ, hy vọng nào đó. Chắc chắn đó là những hy vọng, mơ ước về nhiều điều tốt đẹp, có thể là hợp lý, phải đạo, cũng có thể là không và không thể loại trừ những ước vọng cao cả.
Bước vào một chu kỳ mới của niên lịch Phụng vụ, Hội Thánh mẹ, trong năm Phụng vụ năm A này có vẻ hơi lạ thường khi mời gọi chúng ta hướng cái nhìn đến ngày chung cục của thế giới, của đời người chúng ta. Bài tin mừng theo thánh Matthêu tường thuật những lời cảnh báo của Chúa Giêsu về tính bất ngờ, đột ngột của cái ngày chung cục ấy. Đồng thời Người kêu gọi các khán thính giả lúc bấy giờ cũng như chúng ta hôm nay rằng hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Quy luật tự nhiên giúp ta thêm xác tín rằng sự gì khi đã có khởi đầu thì hẳn có lúc kết thúc.
Vòng đời “thành, trụ, hoại, không” của nhiều vật, nhiều loài hữu hình trước mắt chúng ta là một dấu chứng cho sự kết thúc của vạn vật nói chung và của đời người chúng ta nói riêng. Tuy nhiên, điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh là tính bất ngờ. Hình ảnh cơn lụt đại hồng thủy thời Noe hay hình ảnh hai người đàn ông đang làm ruộng, hai người đàn bà đang xay bột, thì một người bị đem đi, một người bị để lại, tất thảy đều muốn mô tả sự bất ngờ. Khi nói đến sự bất ngờ người ta thường nói đến hệ quả của nó là sự mất mát, sự thiệt hại hơn là sự may mắn hay là được lợi, cho dù thỉnh thoảng nhiều sự may mắn có xảy đến cách bất ngờ như chuyện trúng số độc đắc. Để tránh những hệ quả xấu, di hại cho hạnh phúc chúng ta đời này, nhất là cho hạnh phúc vĩnh cửu mai sau, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại là hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Vậy thế nào là thái độ biết sẵn sàng và tỉnh thức? Hội Thánh, qua bài đọc thứ nhất trích Sách Tiên tri Isaia và bài đọc thứ hai trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Roma, muốn trình bày hai phương thế sống tỉnh thức sẵn sàng, xét theo phương diện tiêu cực và tích cực.
1. Sống tỉnh thức sẵn sàng theo phương diện tiêu cực: Hãy loại bỏ những việc làm đen tối. Hãy dứt khoát với việc chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, cãi cọ ghen tương. Không chìu theo tính tự nhiên mà thỏa mãn các dục vọng bất chính, đê hèn. Những hành vi bất chính, những thái độ bất xứng, những việc làm ám muội thường là những thái độ, hành vi, việc làm mà ta ít dám thể hiện công khai và thường không muốn cho ai hay, ai biết, ngoại trừ người đồng lõa, người tòng phạm.
Để sống tỉnh thức sẵn sàng theo nghĩa này thì xin hãy nhớ rằng không có sự gì mà sẽ không bị tỏ lộ. Chúng ta có thể che giấu một người nhiều lần. Chúng ta cũng có thể che giấu nhiều người một vài lần. Nhưng chúng ta khó mà che giấu mọi người nhiều lần. Nhất là chúng ta không thể nào che giấu được Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn tâm can con người, từng người và mọi người (x.Tv 139)
Để sống sẵn sàng tỉnh thức theo ý hướng này không gì hơn hãy minh bạch hóa các việc làm của ta. Một người không ngần ngại công khai hóa các lời nói, tâm tư và hành động của mình thì sẽ tránh được nhiều sai sót, lỗi lầm. Và nếu có lỡ lầm hay sai sót thì cũng sẽ dễ có cơ hội khắc phục, sửa sai nhờ tha nhân góp ý, nhận định, phê bình.
2. Sống tỉnh thức sẵn sàng theo phương diện tích cực: Lấy gươm đao rèn thành cuốc thành cày; lấy giáo mác đúc thành liềm, lưỡi hái. Một động thái tích cực thật tuyệt vời. Đó là quay ngược 180 độ các xu hướng xấu xa, các việc làm ám muội, các hành vi gian ác. Một ngày kia, người ta hỏi văn hào Bernard Shaw, một văn hào rất thông minh và dí dỏm trong lối ứng xử: Nhờ đâu, và bằng cách nào ngài có được những câu ứng xử vừa thông minh vừa dí dỏm như thế? - Có gì đâu. Tôi cứ tưởng tượng ra một câu nói thật ngu ngốc và nhạt nhẽo, rồi tôi tìm cách nói ngược lại.
Ai trong chúng ta lại không có những điểm yếu, những nghiêng chiều bất chính, những thói quen không tốt, chẳng hay, nếu chưa muốn nói là xấu xa? Ai trong chúng ta lại không có những tội lỗi mà nếu công khai ra thì thật ngượng ngùng? Ai trong chúng ta lại không có những lầm lỗi hay tái phạm nhiều lần, khó chữa, khó chừa? Cứ vạch rõ chúng ra rồi hãy làm điều ngược lại. Giả như tôi có tật xấu hay bủn xỉn, keo kiệt về tiền bạc thì ước gì tôi tích cực tập chia sẻ cho tha nhân cách cụ thể bằng những đồng tiền rút từ hầu bao của tôi.
Kinh “Cải tội bảy mối, có bảy đức” chúng ta dường như thuộc nằm lòng. Kinh ấy có ra không phải là để chỉ đọc trong các ngày Chúa Nhật và Lễ trọng mà là để chúng ta sống. Có thể nói một cách chắc chắn rằng những ai sống nội dung kinh “Cải tội bảy mối…” là đang thật sự tỉnh thức và sẵn sàng.
Người đang sẵn sàng và tỉnh thức thì không có gì là đột ngột hay bất ngờ mà là luôn trong tư thế chuẩn bị và đón chờ. Người biết đón chờ trong tư thế chuẩn bị thì hẳn sẽ gặp nhiều may lành khi giờ Chúa đến. Nói đến giờ Chúa gọi thì có thể có người cho là còn xa. Nhưng chắc chắn người biết chuẩn bị và đón chờ thì sẽ gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp trong dịp kỷ niệm Chúa Kitô đến thế gian lần thứ nhất là Đại Lễ mừng Chúa Giáng Sinh.