Sunday, December 08, 2013

TẶNG VẬT CHO CUỘC ÐI TÌM

Những đêm bâng khuâng gọi hồn, tiếng con tim ngập ngừng đếm từng khoảnh khắc.
Có người Biệt phái kia mời Ngài tới dùng bữa với mình. Ngài vào nhà người Biệt phái và lên giường ăn. Và này: Một phụ nữ, một người tội lỗi trong châu thành. Biết Ngài dùng bữa tại nhà người Biệt phái, người phụ nữ ấy xách theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.
Ðứng phía đằng sau chân Ngài, khóc nức nở, sa nước mắt đẫm ướt chân Ngài. Xõa tóc trên đầu, cố lau sạch. Và tha thiết hôn chân Ngài và xức dầu thơm (Lc. 7: 36-38).
Mai Ðệ Liên đã tìm gặp Chúa. Tìm là giai đoạn sôi bỏng nhất của tình yêu. Gặp mặt nhau nhưng chưa chắc biết tên nhau. Biết là một chuyện nhưng có để ý nhau không lại là một chuyện khác. Cho dù có để ý nhau nhưng chưa chắc đã tìm nhau. Bởi đó, những chuyện tình đi tìm nhau bao giờ cũng là những chuyện tình không quên. Tìm nhau là giai đoạn đồng cảm nhất trong tiến trình của yêu thương. Nói đến phải đi tìm là nói đến vất vả, nên những chuyện tình tìm nhau thường là những chuyện tình gian nan.
Tặng vật là niềm tin
Ðến với Ðức Kitô, người đàn bà này đã mang theo ba tặng vật: Niềm tin, mái tóc và bình dầu quý. Tìm là xác định một điều có trong khi chưa có. Tin là có để rồi miệt mài theo đuổi điều chưa có là một thứ gian nan không dễ. Niềm xác định có càng nhiều thì mới càng có nỗ lực. Những đêm bâng khuâng gọi hồn, tiếng con tim ngập ngừng đếm từng khoảnh khắc. Và bữa tiệc chiều nay, đôi khi nghe cõi lòng chùng xuống khi hình dung ra những cái nhìn soi mói, nhưng người đàn bà này vẫn chuẩn bị cho một cuộc đi tìm rất nhiệm mầu trong linh hồn. Bà cần gặp Ðức Kitô.
Xét theo khung cảnh thì đây không phải là bữa ăn thường mà là bữa tiệc. Tôi không nghĩ rằng người phụ nữ này được mời, vì Biệt phái kết án "gái điếm và thu thuế". Người phụ nữ này đã nổi tiếng tội lỗi trong châu thành vì ai cũng biết. Nếu vậy, càng không thể là khách mời của Biệt phái. Khách được mời sẽ được lấy nước rửa chân, xức dầu và hôn chào. Vậy làm sao người phụ nữ tội lỗi này lọt được vào? Ðối với một kẻ tội lỗi bị xã hội kết án thì đi tới đâu cũng phải đương đầu với những con mắt tò mò. Có thể người phụ nữ này phải giả dạng để vào được phòng khách. Có thể cô ta lẩn đi vào ngõ sau. Có thể cô ta bất chấp mọi ngịch cảnh xông đại vào. Trong bao nhiêu giả thuyết, ta không biết cách nào là đúng. Hoặc cho dù có được vào tự do, thì điều ta biết chắc là người phụ nữ này đã phải chấp nhận những lời kết án cho một lần gặp gỡ.
Chợt đọc qua đoạn Tin Mừng, tôi thấy hình ảnh người phụ nữ ngồi khóc bên chân Chúa là một hình ảnh êm đềm. Thoáng qua, tôi thấy người phụ nữ có thể gặp Chúa một cách nhẹ nhàng. Nhưng nhìn kỹ lại, tôi thấy gặp gỡ với Chúa, cô ta phải lên đường vô cùng quyết liệt. Mình không phải là khách. Người ta dòm ngó xầm xì. Bao nhiêu người chỉ trỏ. Có khi phải bẽ mặt vì bị đuổi đi.
Trong quá khứ, không biết có khi nào tôi liều thân đi gặp Chúa như thế chưa. Những kỷ niệm tìm nhau trong gian nan là những kỷ niệm khó quên. Nếu tôi không nhớ có khi nào tôi vất vả đi tìm Chúa như thế chưa, điều đó có nghĩa là tôi chưa có những "chuyện tình gian nan", dù có đôi ba lần liều thân tìm gặp Chúa, sự liều thân ấy cũng chắc là nhạt nhẽo lắm.
Dầu thơm của khổ đau
Cho cuộc đi tìm này người phụ nữ đã mua một bình bạch ngọc, tìm loại dầu thơm quý. Tặng nhau một cành hồng, gởi nhau một lọ nước hoa là chuyện thường. Nhưng dầu thơm ở đây là hương thơm có thể bay ngược chiều gió. Bởi, nó là hương thơm của trắc ẩn, là đóa hoa lòng. Chắc hẳn tiền mua bình bạch ngọc đến từ những đêm nhục nhằn câm nín, từ nước mắt dàn dụa trên những đồng bạc bất hạnh nằm rơi vãi trên giường. Ðời là hoang vu. Cúi mặt đi trong phố vắng khi đèn chiều cứ ảm đạm. Người khách ra về, cánh cửa sập lại, cúi nhặt những đồng bạc trong cơn mệt mỏi chán chường. Người gái điếm ấy gom số tiền đã chắt chiu từ những tháng ngày cùng cực. Xuống phố, không tiếc lòng, mua một bình ngọc quý, một cân dầu thơm. Rồi, từ từ, đổ hết cho phí đi cân dầu hảo hạng, cho phí đi những đồng tiền khổ đau.
Trọn vẹn mái tóc xám hối
Tặng vật thứ ba là mái tóc của cô ta. Người con gái nào không thương mái tóc. Ở Mai Ðệ Liên chắc hẳn cũng có những ngày mới lớn như những nàng thiếu nữ Jêrusalem. Cô cũng cũng có những áng mây hồng của tuổi bâng khuâng, có cánh bướm nhỏ trong giấc mơ về đậu trên bờ tóc. Tóc mai cũng đã thương những sợi vắn sợi dài. Hôm nay, thương yêu có thể là muộn màng. Thương nhớ có khi đã mất mát. Bây giờ, thương đau là gương soi. Những sợi tóc ấy, giờ đây thả xuống cho xuôi dòng. Những sợi tóc đó nếu có một thủa mây bay tà đạo, thì hôm nay ngoan ngoãn theo lời xin xám hối. Cài vào những sợi tóc ấy là niềm tin để chải xuống một dòng đời lỗi lầm.

Lạy Chúa,
Người phụ nữ ấy đã lấy tất cả thương đau đời mình để mua cân dầu rồi đổ đi, đổ cho cạn đến giọt sau cùng. Con chỉ nhìn vào hình ảnh Chúa tha thứ tội lỗi một cách nhẹ nhàng, mà ít nhìn vào thái độ ao ước tận cùng của niềm tin, của sự quyết liệt trọn vẹn trong trái tim người phụ nữ.

Ở trong con, nhiều lần cũng tìm gặp Chúa, nhưng không bao giờ đổ tất cả cho một cuộc gặp gỡ. Bởi đó, gặp gỡ nào giữa con với Chúa cũng cứ là những gặp gỡ dang dở.
LM Nguyễn Tầm Thường, SJ