Đã từ lâu, Giáng sinh đã trở thành ngày Lễ được đón chờ nhất trên thế giới. Dù ở đâu, thuộc tôn giáo nào, khi thời tiết se lạnh là lòng người cảm thấy háo hức đón chờ ngày lễ này. Đối với chúng ta là những người Ki-tô hữu, Giáng sinh có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Sau đây là một chia sẻ đơn sơ của Đức Thánh Cha Phanxicô về ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, được trích dẫn trong bài phỏng vấn của ĐTC dành cho “La Stampa” tại nhà Thánh Matta vào thứ 3, ngày 10 tháng 12 vừa qua.
Đối với ĐTC, Giáng sinh có ý nghĩa gì?
“Giáng sinh là một cuộc gặp gỡ Đức Giê-su. Thiên Chúa luôn luôn tìm kiếm dân người, dẫn dắt và chăm sóc họ, và Ngài đã hứa với họ là Người luôn luôn đồng hành với họ. Sách Đệ Nhị Luật nói rằng, Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta; Ngài dẫn dắt chúng ta bằng cánh tay hùng mạnh của Ngài. Điều này thật đẹp! Giáng sinh là một gặp gỡ của Thiên Chúa với dân Ngài. Đó cũng là một niềm an ủi, một mầu nhiệm đầy an ủi. Nhiều lần, sau thánh lễ nửa đêm, tôi đã cảm nghiệm được một tâm tình đầy an ủi và một sự bình an sâu xa. Điều này làm tôi nhớ lại giờ cầu nguyện vào buổi tối của mình sau thánh lễ tại Astalli, một nơi cư ngụ của những người di dân ở Roma, tôi nghĩ rằng, đó có lẽ là Lễ Giáng sinh vào năm 1974. Đối với tôi, Giáng sinh luôn là một cuộc chiêm ngắm về việc Thiên Chúa viếng thăm dân Người.”
Đâu là sứ điệp của Lễ Giáng sinh đối với con người thời đại hôm nay?
“Giáng sinh nói về sự thắm thiết dịu dàng và hy vọng. Khi Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta, Ngài nói với chúng ta hai điều. Điều đầu tiên mà Ngài nói với chúng ta là: Các con hãy hy vọng. Thiên Chúa luôn mở các cánh cửa, Ngài chưa bao giờ đóng chúng. Ngài là Cha, Đấng luôn mở cửa cho chúng ta. Điều thứ hai Ngài nói với ta là: các con đừng sợ sự dịu dàng. Khi các Ki-tô hữu lãng quên niềm hy vọng và sự dịu dàng, họ trở nên một Giáo hội lạnh lẽo, một Giáo hội không biết mình đi về đâu, tự giam mình trong các ý thức hệ và thái độ của thế gian. Trong khi đó, sự giản dị của Thiên Chúa nói với chúng ta rằng: hãy tiến về phía trước, Ta là một người Cha luôn chăm sóc các con. Tôi cảm thấy lo lắng khi các Ki-tô hữu đánh mất hy vọng và khả năng để ôm trọn và mở rộng sự quan tâm đầy yêu thương dành cho người khác. Có lẽ đây là lý do tại sao khi nhìn về tương lai, tôi thường nói về trẻ em và những người già, nghĩa là về những người không có khả năng tự bảo vệ mình. Trong suốt đời sống linh mục của mình, khi đi đến giáo xứ, tôi thường cố gắng để thông truyền sự dịu dàng này, đặc biệt là đối với trẻ em và người già. Điều này làm tôi cảm thấy vui và nó khiến tôi nghĩ về sự dịu dàng của Thiên Chúa dành cho chúng ta.”
Nguyễn Minh Triệu sj