Sunday, December 08, 2013

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội - Ngày 8.12

Vô Nhiễm vì được Thiên Chúa đoái thương…

Niềm tin vào sự kiện Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội quả là quan trọng, nhưng nó không hề xa vời mà gần gũi với Ki-tô hữu chúng ta hơn bất kỳ sự kiện nào khác. Trong niềm tin của tôi, ‘vô nhiễm’ không còn phải là một luật trừ dành riêng cho Đức Ma-ri-a, mà là một định luật phổ quát áp dụng cho hết thảy mọi người, trong đó có cả tôi và bạn nữa. Mời bạn cùng tôi khám phá nguyên lý thâm sâu của đặc ân vĩ đại này.


Lu-ca thuật lại giai thoại truyền tin và nhấn mạnh một điều không thể tin được, nếu chỉ căn cứ vào suy luận tự nhiên: Ma-ri-a thụ thai và sinh con mà vẫn đồng trinh. Và để dẫn chứng điều không thể đó là có thể, thiên sứ đã đưa ra sự kiện một phụ nữ khác là Ê-li-sa-bét hiếm muộn và già nua mà cũng đã thụ thai. Cả hai trường hợp này đều là phản tự nhiên, phản lại với định luật bất di bất dịch của trời đất và con người. Nếu nó có xảy ra được thì âu là có một sức mạnh vô song nào đó mà Đức Chúa muốn tỏ bày. Nhưng tôi tự hỏi: đó là sức mạnh nào? Chẳng lẽ chỉ là một ‘show’ về quyền phép là điều Ngài muốn biểu lộ sao cho con người phải nể phục, tương tự như các tai ương Ngài đã dùng Mô-sê mà giáng họa xuống đất nước Ai-cập xưa? “Đối với Thiên Chúa, không có gì mà không thể làm được!” điều đó là đương nhiên rồi, nhưng một khi thực hiện cái không thể đó Ngài phải có một lý do gì rất chính đáng chứ! Về điều này tôi muốn được nghe chính những nhân vật trong cuộc là Ma-ri-a và Ê-li-sa-bét (hay chồng của bà là Gia-ca-ri-a, người thân thiết và hiểu rõ bà hơn hết) nói về những cảm nghiệm thâm sâu nhất họ có. Đàng sau những sự kiện ‘không thể’ đó chính họ đã nghiệm thấy rõ quyền năng mà Thiên Chúa đang muốn thực hiện thực sự là cái gì.

Ma-ri-a thoáng nhận ra một điều gì đó vô cùng vĩ đại đang xảy đến với mình “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”. Sự vĩ đại này quá đỗi to lớn tới độ con người, hoặc chỉ còn biết câm nín, hoặc bị thôi thúc phải cất tiếng ngợi khen. Đó chính là trường hợp của Ma-ri-a và Da-ca-ri-a khi được loan báo. Nhưng để biết điều vĩ đại họ nghiệm ra cụ thể là gì thì chúng ta hãy lắng nghe các bài ca Magnificat và Benedictus mà họ đã cất lên tự đáy lòng mình:
  • “Đời nọ tới đời kia Chúa hằng thương xót”
  • “Vì Người nhớ lại lòng thương xót… đến muôn đời”
  • “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn…”
  • “Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên”
  • “Người sẽ nhớ lại lòng thương xót dành cho Ap-ra-ham và con cháu đến muôn đời”
Thì ra lòng thương xót mới chính là quyền năng đứng đàng sau tất cả những gì là ‘không thể’ này. Lòng từ bi thương xót là quyền năng vĩ đại nhất mà Thiên Chúa đang muốn biểu lộ cho tất cả những ai tin vào Đức Giê-su Ki-tô, khởi đầu là Ma-ri-a, là Da-ca-ri-a … Lòng từ bi thương xót cứu độ đó đã đạt tới cao điểm nhất khi nó làm cho sự sống phục sinh mãnh liệt bừng lên từ nấm mồ chết chóc lạnh lùng và hủy diệt. Sự kiện Phục Sinh cho thấy từ bi thương xót có sức mạnh làm đảo lộn tất cả: nó làm cho thụ thai mà không mất đồng trinh, sinh con trong tuổi già hiếm muộn, được thưởng phúc vinh khi chỉ đáng hình phạt đọa đầy, được làm nghĩa tử khi phản nghịch chống đối, thánh thiện khi tội lỗi, mạnh mẽ khi yếu đuối, vô nhiễm khi là con cháu E-va vướng mắc tội nguyên tổ... Ai chấp nhận cho nổi những điều này? Nó thật phi lý quá, ngoại trừ những kẻ bé mọn mà “Cha Ta muốn mạc khải cho”!

Và như thế, đón nhận lòng Thương Xót của Thiên Chúa chính là điều quan trọng nhất mà con người ta có thể làm. Sự vĩ đại nhất của Ki-tô hữu chúng ta chính là mở rộng cõi lòng đón lấy lòng Nhân Hậu Chúa. Tôi không cần biết Thiên Chúa sẽ hay đã làm cho tôi những ‘điều trọng đại’ nào (…có lẽ cũng nhiều lắm chứ), nhưng quan trọng và vĩ đại nhất trong đời vẫn phải là: trở thành Ki-tô hữu, tức là tôi trở thành một người có khả năng hiểu biết và tiếp nhận lòng thương xót vô biên của Chúa. Ngay cả Mẹ Ma-ri-a cũng chưa chắc đã ý thức mình được Thiên Chúa ban cho đặc ân vô nhiễm nguyên tội, nhưng có một điều chắc chắn là Mẹ đã biết rất rõ và rộng mở cõi lòng đón nhận hơn bất cứ ai khác; đó là Thiên Chúa là Đấng xót thương.

Mừng kính Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, trong khi cất tiếng ca ngợi đặc ân Chúa ban cho Mẹ, tôi có bị thôi thúc cùng Mẹ cất tiếng hát khen “Chúa hằng thương xót… hết đời nọ tới đời kia” không? Và tôi có xác tín rằng chính quyền năng thương xót đó cũng đang đổ tràn trên tôi, và biến đổi số phận thấp hèn của tôi cách sung mãn nhất hay không?

Lạy Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, xin cho con được bắt chước Mẹ, không cần quan tâm nhiều tới bất kỳ đặc ân nào con nhận được, kể cả ơn gọi tu sĩ và linh mục, sự tốt lành đạo đức thánh thiện… nếu có, nhưng tập trung trí lòng để nhận biết Chúa Từ Ái xót thương con vô bờ bến. Con xin chúc mừng Mẹ về đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhưng con còn muốn chúc tụng Mẹ nhiều hơn vì Chúa đã xót thương đến phận hèn của Mẹ. Xin cho con được cùng Mẹ Vô Nhiễm ca ngợi lòng Thương Xót Chúa đến muôn đời. A-men

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB